Vào nội dung chính
CHÂU Á - MỸ - TRUNG

Lo ngại ảnh hưởng Trung Quốc, Mỹ tăng đầu tư kinh tế tại châu Á

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/07/2018 thông báo đầu tư 113 triệu đô la hỗ trợ sáng kiến về công nghệ mới, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại các nước châu Á đang trỗi dậy. Theo giới phân tích, với tuyên bố này, Hoa Kỳ đang tìm cách làm sáng tỏ hơn nữa khía cạnh kinh tế trong chiến lược « Ấn Độ - Thái Bình Dương » của tổng thống Mỹ Donald Trump, với mục đích đưa Hoa Kỳ thành đối tác đáng tin cậy trong khu vực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. Reuters
Quảng cáo

Phát biểu tại Phòng Thương Mại Mỹ, ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định « nguồn quỹ này chỉ là một phần cam kết về kinh tế của Hoa Kỳ cho nền hòa bình và thịnh vượng chung vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương trong kỷ nguyên mới ».

Một cách cụ thể Hoa Kỳ sẽ đầu tư 25 triệu đô la để mở rộng xuất khẩu công nghệ Mỹ sang khu vực, gần 50 triệu đô la để trợ giúp các nước sản xuất và cất trữ các nguồn năng lượng, đồng thời thành lập một mạng lưới hỗ trợ mới để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông nhấn mạnh Washington mong muốn một vùng châu Á « tự do và mở rộng », không bị thống trị bởi một quốc gia nào, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ « chưa bao giờ tìm cách thống trị vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương » cũng như là « phản đối bất kỳ quốc gia nào có ý định này ».

Những lời lẽ trên của ông Mike Pompeo được đưa ra trong bối cảnh các nước trong khu vực lo ngại chính sách « Nước Mỹ trước đã » của tổng thống Trump, rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và theo đuổi một cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc, trong khi mà Bắc Kinh không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua các khoản đầu tư ồ ạt tại đây và tìm cách ngự trị vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Tuy thông báo này của bộ Ngoại Giao Mỹ đang làm sáng tỏ hơn nữa « chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương » của Hoa Kỳ tại châu Á, nhưng có một câu hỏi đặt ra : Liệu số tiền hỗ trợ nhỏ nhoi này của Mỹ có đủ để đối mặt với hàng tỉ đô la đầu tư của Trung Quốc tại khu vực hay không ?

Chính quyền Washington khẳng định không cạnh tranh trực tiếp với các sáng kiến của nhà nước Trung Quốc mà chỉ tập trung hỗ trợ sao cho các doanh nghiệp tư nhân trong khu vực được phát triển tốt nhất.

Theo Reuters, những cử chỉ này của Mỹ cũng cho thấy có sự chuyển hướng tích cực của chính quyền Washington trong chính sách đối ngoại tại châu Á. Chẳng hạn như Hoa Kỳ trong những năm qua, đã ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư tại Sri Lanka, Mông Cổ trị giá hàng trăm triệu đô la hay như nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao cho Ấn Độ.

Dù vậy, theo đánh giá của ông Eswar Prasad, giáo sư ngành Thương Mại trường đại học Cornell, từng chuyên trách về Trung Quốc tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, được Reuters trích dẫn, lấy làm tiếc rằng chính sách này của Hoa Kỳ còn « quá nhợt nhạt và khiêm tốn » trước cách tiếp cận táo bạo của Trung Quốc.

Một quan điểm cũng được ông Daniel Russel, Viện Chính sách Xã hội Châu Á đồng chia sẻ khi cho rằng nỗ lực này của Hoa Kỳ khó mà gây được ấn tượng với các nước liên quan trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.