Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nhật Bản : Nỗi đau và cuộc đấu tranh của những người bị cưỡng ép triệt sản

Đăng ngày:

Từ năm 1948 đến năm 1996, luật ưu sinh áp dụng tại Nhật Bản đã khiến hàng chục ngàn người mất khả năng sinh con. Chính phủ Nhật từng thừa nhận có tổng cộng 16.500 người, 2/3 trong số đó là phụ nữ, bị cưỡng ép triệt sản. Luật ưu sinh nhắm vào những người có thể mắc bệnh thần kinh di truyền, để ngăn ngừa họ sinh ra những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ tạo « gánh nặng cho đất nước ».

Luật sư và những người ủng hộ các nạn nhân bị triệt sản theo luật ưu sinh biểu tình trước tòa án Tokyo ngày 17/05/2018.
Luật sư và những người ủng hộ các nạn nhân bị triệt sản theo luật ưu sinh biểu tình trước tòa án Tokyo ngày 17/05/2018. Toshifumi KITAMURA / AFP
Quảng cáo

Mới đây, ba người Nhật từng bị chính phủ cưỡng ép triệt sản khi họ còn là thanh thiếu niên, đã đệ đơn kiện chính phủ. Họ cho rằng biện pháp cưỡng ép triệt sản đã cướp đi quyền mưu cầu hạnh phúc, làm hỏng cuộc đời họ. Họ gọi đó là hành vi vi phạm Hiến Pháp. Từ Tokyo, thông tín viên RFI Đỗ Thông Minh giải thích :

« Ngày 17/05 vừa qua có ba người Nhật, cả nam và nữ, ở tuổi 70, đồng loạt lên tiếng kiện chính phủ về vấn đề triệt sản. Ba người này ở Tokyo, Miyagi và Hokkaido. Hộ đòi bồi thường số tiền tổng cộng khoảng gần 80 triệu yen, tương đương 750.000 đô la. Vấn đề triệt sản dựa trên luật bảo hộ về vấn đề ưu sinh. Ưu sinh có nghĩa là sinh ra những đứa con khỏe mạnh, ưu tú. Điều này xảy ra sau Thế chiến thứ hai, từ năm 1948. Luật này kéo dài 48 năm, cho đến năm 1996, và sau đó bị hủy bỏ.

Việc ra đời của luật này thì có lẽ do xã hội Nhật sau Thế chiến thứ hai nghèo nàn và phải giải quyết vấn đề hậu chiến rất nặng nề, trong khi đó lại phải lo gánh nặng người khuyết tật. Không biết họ có chịu ảnh hưởng từ luật ưu sinh tương tự tại Đức hay không.

Tổng cộng có chừng 16.500 người đã rơi vào trường hợp này. Có những người lúc đó có mười mấy tuổi thôi, họ không biết hoặc do gia đình họ quyết định. Khi lớn lên, họ thấy là họ bị cướp mất cái quyền sinh sản con cái. Điều cơ bản trên nguyên tắc của luật này là chỉ để tạo ra những đứa con khỏe mạnh, còn những đứa con bị dị tật thì không nên sinh ra. Thứ hai là những thai nhị dị tật có thể ảnh hưởng đến cả người mẹ trong lúc sinh đẻ. Nói một cách tổng quát về dư luận thì có lẽ đại đa số đều đồng ý và ủng hộ việc tranh đấu của họ ».

Luật ưu sinh 1948 nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị tại Nhật Bản để « cải thiện chất lượng của đất nước ». Luật này cho phép cho phép triệt sản các phụ nữ nếu việc mang thai gây nguy hiểm cho họ hoặc nếu một thành viên trong gia đình những phụ nữ này bị bệnh di truyền. Luật này cũng hợp pháp hóa việc phá thai cho các phụ nữ có thai do bị cưỡng hiếp hoặc những phụ nữ mắc bệnh phong, hoặc một bệnh di truyền. Nhưng chủ yếu luật ưu sinh 1948 nhằm triệt sản cưỡng ép những phụ nữ có vấn đề về tâm thần, thần kinh.

Một trong ba người khởi kiện chính phủ là một người đàn ông nay đã 75 tuổi. Ông giấu tên thật nhưng mượn tên Saburo Kita để trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP. Ông nói : « Tôi hy vọng là các nạn nhân khác, những người phải chịu nỗi đau như tôi, sẽ đấu tranh cùng chúng tôi ». Ông Kita muốn chính phủ « thừa nhận sự thật » để « trả lại cuộc sống » cho ông.

Giống như hàng ngàn người khác, ông Kita bị triệt sản từ thời niên thiếu. Vài năm sau đó, ông kết hôn, nhưng không đủ dũng cảm để thừa nhận với vợ là mình không còn khả năng sinh con. Ông đã rất đau khổ khi vợ ông không thể có đứa con do chính ông bà sinh ra : « Tôi đã mang nỗi đau này trong sâu thẳm trái tim ngần ấy năm trời ! » Ông chỉ dám nói sự thật với vợ ít lâu trước khi bà qua đời vào năm 2013. Ông Naoto Sekyia, luật sư của ông Kita cho biết ông Kita đòi nhà nước bồi thường 30 triệu yen (230.000 euro).

Mặc dù chính phủ Nhật công bố là có tới 8.500 người tự nguyện triệt sản, nhưng các luật gia cho rằng trên thực tế đó là một sự ép buộc, chính quyền đã tìm cách gây sức ép lên các nạn nhân và cha mẹ, gia đình họ.

Bà Junko Iizuka, ở Sendai, miền bắc nước Nhật, nay đã trên 70 tuổi và mắc bệnh ung thư. Bà vẫn nhớ cái ngày bị dẫn tới bệnh viện để triệt sản, vào năm 1963. Là một thiếu nữ mới 16 tuổi, khi đó Iizuka không hề biết chuyện gì sắp xảy ra. Khi Izuka tỉnh dậy trong bệnh viện, cô gái trẻ nhìn thấy một vết sẹo chạy dài trên bụng. Mãi tới sau này, khi vô tình nghe được câu chuyện của bố mẹ, Iizuka mới biết sự thật.

Mặc dù Iizuka trước đó chưa hề bị chẩn đoán là rối loạn tâm thần, nhưng cô gái trẻ vẫn bị triệt sản. Cha của Iizuka sau này kể lại là chính quyền địa phương đã liên tục thúc ép, buộc ông ký giấy để họ triệt sản cho con gái. Chia sẻ với báo Anh The Guardian, bà Iizuka chia sẻ : « Tôi đã tới Tokyo để thăm khám xem có thể phục hồi khả năng sinh nở hay không, nhưng họ nói là không thể. Người ta đã đánh cắp cuộc đời tôi ! »

Iizuka cuối cùng cũng kết hôn, và nhận nuôi một bé trai. Nhưng trong suốt cuộc đời, trong thâm tâm, bà luôn dằn vặt, đau khổ vì không thể tự mình sinh con. Bà chia sẻ với AFP : « Tôi muốn người ta hiểu được những mất mát của tôi, nhưng tôi cũng biết là không thể thay đổi những chuyện đã xảy ra ! ». Giờ mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, bà vẫn mong ngóng được chính phủ xin lỗi và bồi thường.

Đã 20 năm nay, bà Iizuka nhiều lần khiếu nại lên chính phủ, nhưng lần nào cũng vậy, bà chỉ nhận được một câu trả lời : Vào thời trước, chuyện cưỡng ép triệt sản là hợp pháp. Vì thế, sẽ không ai được xin lỗi và bồi thường.

Đó cũng là câu trả lời mà một phụ nữ giấu tên thật và trò chuyện với phóng viên bằng tên Michiko Sato nhận được khi khiếu kiện cho em dâu mà bà gọi bằng tên Yumi. Tư pháp đã bác đơn kiện của bà Michiko Sato. Bà Michiko Sato cho biết bà Yumi không mắc bệnh thần kinh di truyền mà gặp khó khăn trong học tập do di chứng của lần bị gây mê và phẫu thuật lúc còn nhỏ.

Di chứng của việc triệt sản cũng đã khiến bà Yumi sau này phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Sống trong đất nước truyền thống như ở Nhật, vô sinh đã khiến bà Yumi mất nhiều cơ hội kết hôn. Chị dâu của bà Yumi chia sẻ : « Vào thời đó, xã hội muốn phụ nữ kết hôn để sinh con. Vì thế, nếu không còn khả năng sinh con thì sẽ rất khó lấy chồng ! »

Một quan chức của bộ Y Tế Nhật cho biết chính phủ sẵn sàng thảo luận để giúp đỡ các cá nhân, nhưng ông nhấn mạnh chính phủ không có ý định biến điều này thành một chính sách mang tính phổ quát áp dụng với tất cả những người từng bị cưỡng ép triệt sản.

Trong khi tại Đức và Thụy Điển, những nước cũng từng có luật ưu sinh, chính quyền đã công khai xin lỗi và bồi thường tài chính cho các nạn nhân, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng ở Nhật. Bà Michiko Sato phẫn nộ : « Tại sao chúng tôi lại phải đấu tranh trong khi chuyện xảy ra hiển nhiên là một sự vi phạm nhân quyền ? »

Nhưng may mắn thay, theo thông tín viên Đỗ Thông Minh, vẫn còn những hiệp hội luôn đồng hành cùng các nạn nhân giúp họ đòi lại công lý : « Số người bị triệt sản cưỡng ép là 16.500 người trên khắp nước Nhật, cho nên nhân chuyện ba người này, nhiều luật sư tại 15 tỉnh kết thành một tổ chức để cứu tế cho những người bị triệt sản này. Và vào tháng Ba năm nay, các nghị sĩ, dân biểu Quốc Hội cũng lập thành một liên minh không đảng phái để đưa Quốc Hội một đề án giúp đỡ những người này. Có thể là trong năm nay, một dự luật về vấn đề này sẽ được đưa ra và thông qua. »

Vào tháng 03/2018, khoảng 20 dân biểu Nhật đã cam kết xem xét các khả năng bồi thường cho các nạn nhân của luật ưu sinh. Trao đổi với báo chí, ông Takeo Kawamura, dân biểu thuộc đảng cầm quyền ở Nhật nhận định việc cưỡng ép triệt sản đã được chấp nhận trong bối cảnh chiến tranh mới kết thúc, nhưng nay điều đó rất khó lượng thứ. Dân biểu Kawamura phát biểu là ông muốn xem xét kỹ lưỡng vấn đề này trong khuôn khổ một cuộc điều tra minh bạch của Quốc Hội.

Nhưng các nạn nhân và luật sư của họ đều cho là mọi chuyện tiến triển quá chậm chạp. Bà Junko Iizuka nói với các dân biểu : « Tôi sắp xuống mồ rồi (…) Ai cũng phải già đi. Nên quý vị hãy làm ơn giải quyết mọi chuyện thật nhanh ! » Cũng giống như bà Iizuka, các nạn nhân khác lo sợ sẽ không còn được sống tới ngày mà họ mong chờ suốt bao năm nay để được nhận lời xin lỗi và bồi thường của chính phủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.