Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ROHINGYA

‘‘Diệt chủng’’ người Rohingya : 22 sĩ quan cao cấp Miến Điện bị chỉ đích danh

Vụ đàn áp tàn khốc nhắm vào cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, tại Miến Điện, tiếp tục bị quốc tế lên án. Hôm qua, 19/07/2018, tổ chức bảo vệ nhân quyền Fortify Rights chuyên về vùng Đông Nam Á khẳng định « cuộc diệt chủng » này đã được « chuẩn bị một cách kỹ lưỡng ». Fortify Rights chỉ đích danh những kẻ đứng đằng sau chiến dịch : 22 chỉ huy quân đội và cảnh sát, trong đó có tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing.

Tổng giám đốc Fortify Rights, ông Matthew Smith, trong cuộc điều trần về vấn đề người Rohingya trước Ủy ban Nhân quyền ở Washington ngày 17/03/2017.
Tổng giám đốc Fortify Rights, ông Matthew Smith, trong cuộc điều trần về vấn đề người Rohingya trước Ủy ban Nhân quyền ở Washington ngày 17/03/2017. AFP
Quảng cáo

Theo AFP, báo cáo dài 160 trang của Fortify Rights, dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với các quân nhân và cảnh sát Miến Điện, nhận định : chính quyền nước này đã chuẩn bị chiến dịch thảm sát từ nhiều tháng trước đó. Chiến dịch được khởi sự ngay lập tức sau đợt tấn công của một số nhóm nổi dậy Rohingya nhắm vào nhiều đồn biên phòng thuộc bang miền tây Rakhine cuối tháng 8/2017, có mục tiêu gây tiếng vang, nhằm tố cáo tình trạng cùng quẫn của cộng đồng Rohingya tại Miến Điện.

Ông Matthiew Smitt, tổng giám đốc của tổ chức Fortify Rights, cho biết :

« Điều mà chúng tôi đã phát hiện được, đó là có thể nói giới quân sự Miến Điện đã chuẩn bị trước khi tiến hành các hành động đàn áp tàn bạo quy mô lớn. Khâu chuẩn bị đã diễn ra nhiều tháng trước cuộc tấn công của một số nhóm Rohingya ngày 25/08/2017, biến cố dẫn đến chiến dịch quân sự trả đũa.

Chúng tôi đã tập hợp được nhiều bằng chứng cho thấy các binh sĩ đã tịch thu tất cả các vật sắc nhọn hay mọi phương tiện có thể biến thành vũ khí thô sơ gây chấn thương, bầm dập, và cùng lúc đó vũ trang cho tất cả các cư dân không phải là người Rohingya tại khu vực. Những người này, sau đó, đã tham gia vào các vụ thảm sát hàng loạt, cùng với quân đội. Tập đoàn quân sự đã có nhiều biện pháp để làm suy yếu cộng đồng người Rohingya trước các cuộc tấn công này. Đây là một chiến dịch được tiến hành một cách hệ thống.

Một kết luận khác của bản báo cáo là các hành động tội ác chống người Rohingya là một cuộc diệt chủng, một tội ác chống nhân loại. Chúng tôi đã xác định được 22 người trong quân đội và cảnh sát, cần phải điều tra, để làm sáng tỏ vai trò của họ trong các cuộc tấn công.

Hơn 11.000 quân nhân tham gia vào chiến dịch, 27 tiểu đoàn, 2 đơn vị cảnh sát quân sự và nhiều phương tiện đã được triển khai trong chiến dịch quy mô lớn này. Điều này cho thấy đây là một hành động được lập kế hoạch, được suy tính kỹ càng ».

Hồi tháng Sáu, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế yêu cầu Tòa Án Hình Sự Quốc tế, xem xét vụ lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing và 12 sĩ quan cao cấp Miến Điện đứng sau chiến dịch đàn áp chống lại cộng đồng Rohingya.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.