Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Vô hiệu hóa chính sách « áp lực tối đa » của Trump, trò chơi thật của Kim ?

Ngoại trưởng Mike Pompeo, hôm nay 05/07/2018 chính thức lên đường đến Bình Nhưỡng để bàn về kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ông là làm thế nào xóa tan mối ngờ vực ngày càng lớn về thực tâm từ bỏ hạt nhân của lãnh đạo Kim Jong Un. Theo giới quan sát, cuộc đọ sức mới thật sự bắt đầu và đây sẽ là một ván cờ hóc búa cho Mỹ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 09/05/2018.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 09/05/2018. KCNA VIA KNS / AFP
Quảng cáo

Chuyến công du Bình Nhưỡng thứ ba và cũng là chuyến đi đầu tiên của ông Mike Pompeo sau thượng đỉnh Singapore sẽ kéo dài trong ba ngày. Chuyến đi này của ông diễn ra trong bối cảnh khá tế nhị, truyền thông Mỹ những ngày qua liên tục tiết lộ các thông tin tình báo nghi ngờ Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân, bất chấp những cam kết đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore ngày 12/06.

Ngoại trưởng Mỹ sang Bình Nhưỡng để làm gì ?

Theo phân tích của hãng tin Mỹ AP, mục tiêu chuyến đi Bình Nhưỡng lần này của ông Pompeo là thúc đẩy chế độ Bắc Triều Tiên cung cấp một bản kê chi tiết về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, bao gồm số lượng và vị trí các cơ sở hạ tầng. Tiếp đến là yêu cầu Bắc Triều Tiên cho phép các chuyên gia đến kiểm chứng các thông tin đó, cũng như là quan sát các hoạt động đang hoặc chưa diễn ra tại hiện trường.

Một khi những việc trên kết thúc, một lịch trình với các giai đoạn đặc biệt và có hạn định sẽ được vạch ra. Kế hoạch này của ngoại trưởng Mỹ Pompeo gần như trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, đưa ra hôm thứ Bảy 30/06 cho rằng chính quyền Trump đã có một kế hoạch giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong vòng một năm.

Câu hỏi đặt ra : Liệu Kim Jong Un sẵn sàng đáp ứng mong muốn của Mỹ hay không ? Theo quan điểm của AP, câu trả lời dường như là không. Và từ nay, ván cờ của Kim còn phức tạp hơn nhiều so với các cuộc mặc cả với Donald Trump.

Ngay từ đầu chiến dịch vận động ngoại giao trong khu vực với tuyên bố « ngưng đe dọa Mỹ », Bình Nhưỡng đã khẳng định rõ lập trường của mình : Chuyển hướng tập trung phát triển kinh tế đất nước và thiết lập quan hệ với thế giới vì đất nước đã hoàn thiện thành công năng lực hạt nhân của mình.

Trong thế trận mới này, Kim đã mấy lần gặp Trump ? Chỉ mới một lần duy nhất, trong khi mà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã ba lần gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tỷ số 3-1 này cho thấy Bắc Kinh có vai trò đáng kể như thế nào trong chiến lược của Kim Jong Un đối phó với Washington. Và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục có một tầm quan trọng bất kể con đường dẫn đến giải pháp mà Bắc Triều Tiên phải chọn là gì.

Với Hàn Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã có hai lần gặp tổng thống Moon Jae In. Căng thẳng cũng được hóa giải với việc Seoul thông báo mở cửa trao đổi văn hóa và tiến hành đối thoại về nhiều dự án lớn như cải thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy giao thương. Những hướng đi mà cách đây một năm không ai nghĩ tới trong bối cảnh chính quyền Donald Trump sử dụng biện pháp trừng phạt gây « áp lực tối đa ».

Tóm lại, trong chuyến đi này, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn có khả năng đề ra được một số hướng đi cụ thể để thuyết phục lãnh đạo Bắc Triều Tiên thực hiện « lời hứa » Singapore .

Vấn đề là đối với Kim Jong Un, phi hạt nhân hóa chỉ là chiến thuật. Vô hiệu hóa chính sách « áp lực tối đa » của Washington mới thực sự là mục tiêu đi tới.

Ngoại trưởng Mỹ thừa biết mưu kế này.

Do vậy, hai ngày sau khi cố vấn an ninh John Bolton, một diều hâu có tính nóng nảy cho là ngoại trưởng Mike Pompeo có trong tay kế hoạch giải trừ hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên trong vòng một năm, bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố : Không có giới hạn thời gian trong nỗ lực đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.