Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Cam Bốt : Giấc mộng vương triều của thủ tướng Hun Sen

Đăng ngày:

Cấm đoán đối lập, kiểm duyệt thông tin, kết chặt quan hệ với Bắc Kinh, ưu đãi đầu tư Trung Quốc, bổ nhiệm con cái vào các chức vụ then chốt. Trong bối cảnh sắp bầu cử Quốc Hội và sau 33 năm cầm quyền tại Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen không giấu giấc mơ xây dựng đế chế cha truyền con nối.Phóng sự của nhà báo Christine Chaumeau, trên Le Monde Diplomatique, số tháng 7/2018.

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (G) thăm công nhân dệt may tại tỉnh Kandal, ngày 04/07/2018.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (G) thăm công nhân dệt may tại tỉnh Kandal, ngày 04/07/2018. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Chủ nhật 01/06/2018, tại Phnom Penh, hàng ngàn người tham gia một lễ hội văn hóa cùng ôm trong tay một tấm lụa krama truyền thống nhưng có chiều dài kỷ lục 1149,8 mét. Kỷ lục này sẽ được ghi vào quyển Guiness, làm dân Cam Bốt hãnh diện. Có điều công trình nghệ thuật này, huy động 23.000 nhân công nỗ lực trong sáu tháng, xuất phát từ sáng kiến của phong trào thanh niên đảng Nhân Dân, một tổ chức ngoại vi của đảng cầm quyền. Trong bối cảnh sắp bầu cử, màn biểu diễn trên đây chắc hẵn không phải tình cờ.

Thêm vào đó, người lãnh đạo tổ chức ngoại vi này là Hun Many, dân biểu quốc hội, con trai út của thủ tướng Hun Sen. Người con trai thứ hai là Hun Manit làm chỉ huy trưởng an ninh quân đội. Con trai trưởng, Hun Manet, tướng ba sao sắp được thăng bốn sao, vừa được bổ nhiệm làm quyền Tham mưu trưởng liên quân, kiêm nhiệm một loạt chức vụ khác như là tư lệnh Tổng Hành Dinh quân đội, chỉ huy trưởng lực lượng chống khủng bố, tự lệnh phó lực lượng cận vệ của thủ tướng…bố.

Các biện pháp gia đình trị trên đây vừa được các hãng thông tấn quốc tế loan tải chỉ là bề nổi của tảng băng sơn. Trong bối cảnh tổng tuyển cử vào ngày 29 tháng 7, thủ tướng Cam Bốt quét sạch các chướng ngại, dọn đường thực hiện giấc mơ lập chế độ cha truyền con nối, bất chấp khát vọng tự do của thế hệ trẻ và ước mơ bình thường của người dân muốn có mái nhà và cuộc sống lương thiện. Đó là nội dung bài phóng sự của nhà báo Christine Chaumeau, trên Le Monde Diplomatique, số tháng 7 giúp độc giả muốn biết ông Hun Sen chuẩn bị như thế nào tại một nước quân chủ lập hiến, quyền lực trong tay thủ tướng còn quốc vương Sihamoni, không vợ không con, chỉ ngồi hư vị.

Phnom Penh : tụ điểm ăn chơi

Phnom Penh 2018 là một thành phố sinh động. Ban đêm đầy những địa điểm ăn chơi mọc lên như nấm cho đủ thành phần. Giàu chơi theo giàu với những tụ điểm sang trọng, ít tiền thì cũng có những quán rượu bình dân phục vụ. 60% dân chúng, dưới 30 tuổi, không biết chiến tranh, không biết chế độ diệt chủng Khmer đỏ, chỉ biết ông Hun Sen từ lúc chào đời.

Xã hội lớn dần nhưng chế độ bị đóng khung

Trong số tài tử giai nhân, Bopha, tự cho mình thuộc thế hệ được ưu đãi. Tuy nhiên, Bopha linh cảm tình trạng đất nước của mình dường như mong manh. Cô rùng mình khi nghĩ đến bầu cử Quốc Hội cuối tháng 7 : Tôi không dám bàn luận đến chính trị nhưng tôi không biết là sẽ đi bầu hay không và bầu cho ai.

Vì sao cô gái trẻ có học thức nhìn tương lai với đôi mắt lo âu ?

Tổ chức đối lập chính, đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt bị Tòa tối cao giải thể hồi tháng 11/2017. Các thẩm phán cho rằng đối lập « âm mưu một cuộc cách mạng lật đổ chế độ ». Đêm 03/09/2017, chủ tịch mới Kem Sokha bị bắt giam, 118 thành viên bị cấm hoạt động trong năm năm. Trong số 55 dân biểu, gần một nửa lưu vong lánh nạn. Lãnh đạo cũ, Sam Rainsy, trước nguy cơ ra tòa với những tội danh dàn dựng, đã bay sang Pháp lánh nạn.

Thanh toán đối thủ chính trị và tiếng nói phản biện để độc tôn

Giải tán đảng Cứu Nguy Dân Tộc là để dọn đường cho đảng Nhân Dân. Trong cuộc bầu cử lần trước, hơn 45% cử tri dồn phiếu cho đối lập. Theo giới phân tích, theo đà này, bầu cử tháng 7 tới, đảng Nhân Dân sẽ thua to. Giải tán đối lập đồng nghĩa với « ổn định và hòa bình ».

Điều này cho thấy lập luận tuyên truyền của chính quyền Hun Sen nào là thủ tướng Hun Sen là « cứu tinh dân tộc »« anh hùng đem lại hòa bình » cho dù nhồi sọ « đến nôn mửa » cũng không lọt vào tai tuổi trẻ. Hố sâu chia rẽ giữa Hun Sen càng ngày càng sâu. Thanh niên sinh từ năm 2000 lớn lên trong hòa bình, tiếp xúc với văn hóa Tây phương, học tiếng Anh qua các tổ chức phi chính phủ hoặc ở các trường tư thục mọc khắp nước. Facebook giúp cho thanh niên, học sinh tiếp cận với thông tin đa chiều thay vì đọc báo nhà nước. Cảm thấy bị đe dọa, đầu tháng 5, chính phủ thông báo tập trung kiểm soát mọi luồng thông tin điện từ vào tay bộ Viễn Thông.

Caroline Hughes, đồng tác giả một công trình nghiên cứu về tuổi trẻ Cam Bốt phân tích : Đối với thế hệ sinh trước 1990, Hun Sen và đảng Nhân Dân có tính chính đáng. Nhưng với các thế hệ sau, cho dù ý tưởng dân chủ còn trừu tượng nhưng họ ý thức là một chính phủ phải biết phục vụ dân.

Đây chính là lời chỉ trích chế độ Hun Sen bởi vì cho dù nạn nghèo đói đã thụt lui đáng kể (13,5% trong năm 2014 so với 47% theo thống kê 2007) nhưng bất công xã hội tràn đầy, thanh niên bỏ học sớm, chỉ có 46,8% là có tú tài, tuổi trẻ thất nghiệp, tương lai bế tắc, khoảng 1 triệu người tha phương cầu thực ở Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc. Thanh niên cảm thấy bị bóc lột, bị bỏ rơi bên lề tăng trưởng kinh tế. Ngay những người có băng cấp cũng khó tìm ra việc làm. Xã hội cam Bốt bị băng hoại vì tham nhũng và độc tài. (Caroline Hughes).

Trong một bản báo cáo năm 2016, tổ chức phi chính phủ Global Witness nhận định gia đình của thủ tướng Hun Sen, vợ con, anh em, dâu rể nắm trong tay từ 500 triệu đến 1 tỉ đôla, tương đương với 467.000 tháng lương của một công dân có mức thu nhập trung bình.

Trong bầu không khí bất an này, những người tiếp xúc với nhà báo Pháp Christine Chaumeau « yêu cầu thận trọng khi nói về chính trị ». Một phụ nữ phải vào tù vì đăng trên Facebook tấm ảnh tự ném giày vào một bảng quảng cáo của đảng Nhân Dân. Hơn 30 đài phát thanh tiếp vận chương trình của RFA và VOA bị đóng cửa, hai cộng sự viên của đài Á Châu Tự Do chờ ngày ra tòa, báo giấy Cambodia Daily ngưng phát hành, Phnom Penh Post, nhật báo độc lập cuối cùng bị một doanh nhân Malaysia, thân với Hun Sen mua lại, nhà bình luận thời cuộc có uy tín, Kem Ley, bị ám sát năm 2016. Kem Ley, bị bắn chết giữa thủ đô, một ngày sau khi ông đề cập đến bản báo cáo của Global Witness về tài sản của gia đình, dòng họ Hun Sen. Hơn một triệu người ngưỡng mộ đi dự đám tang người « anh hùng của nền dân chủ ». Kem Ley có một cái tội đáng chết là « muốn gánh trên vai trách nhiệm đưa Cam Bốt ra khỏi tình trạng chính trị đối đầu bằng những đường lối mới ».

Bài trừ tham nhũng và mua chuộc cử tri đối lập

Trước làn sóng chỉ trích, chính phủ Cam Bốt thực hiện một số cải cách trong chiều hướng chống tham ô.

Một bộ trưởng Giáo Dục mới được bổ nhiệm để bài trừ nạn mua bằng, gian lận thi cử. Lương công chức tăng thêm 6,8% hồi đầu năm và cho đến tháng Tư thêm 10,7%, tương đương với 230 đôla mỗi tháng. Lương tối thiểu của 700.000 nhân công dệt may cũng lên một ít, từ 140 đôla lên 160 đôla cộng thêm bảo hiểm sinh đẻ. Thủ tướng Hun Sen liên tiếp có cử chỉ xoa dịu giới cử tri truyền thống của đối lập, những người chống chính quyền : tiếp xúc, cho tiền… Trên Facebook thủ tướng, đầy những « xen » dàn dựng, Hun Sen « thu hút » được 1 triệu fan. Hư thực ra sao ? Theo Phnom Penh Post, ba phần tư « fan » của thủ tướng là dư luận viên được thuê ở nước ngoài như Thái Lan, Miến Điện và Philippines.

Bất chấp, thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân Dân gia tăng các hoạt động chinh phục giới trẻ, bắt đầu là con cái của thủ tướng : Hun Manet, Hun Many, Hun Manit. Mỗi năm, nhân ngày đầu năm Khmer, (tháng 4) Liên hiệp Liên đoàn Thanh niên Cam Bốt, do Hun Many thủ lĩnh, tổ chức ngày hội truyền thống. Hàng ngàn thanh niên tham gia các trò chơi, vũ nhạc vinh danh văn hóa dân tộc. Hình thức này không khác chi thủ đoạn của cố quốc vương Sihanouk, tạo cho mình tính chính đáng của một vị vua. Theo phân tích của Astrid Noren Nilsson, giáo sư văn minh Đông Nam Á, đại học Lund, Thụy Điển, chế độ Hun Sen tìm cách « cổ vũ niềm tự hào dân tộc để đánh lạc hướng giới trẻ. Cam Bốt đang tiến tới một chế độ mà mọi chỉ trích bị xem là chống lại tổ quốc ».

Để thực hiện giấc mộng Bắc Triều Tiên ?

Từ khi quốc vương Sihanouk qua đời năm 2012, thủ tướng Hun Sen dùng thủ đoạn của cố quốc vương để tạo cho mình tính chính đáng của một vị vua mới. Trong diễn văn chính thức, trong bộ phim nhiều tập Sdech Kan, Hun Sen gán cho mình là hậu thân của một ông vua xuất thân từ hàng dân dã, hay là lễ hội hoành tráng linh đình tổ chức hai tuần sau khi giải thể đảng đối lập số một : « đó là dấu hiệu cho thấy chế độ Hun Sen theo con đường chuyên chế tự trao cho mình thiên mệnh chính thống và lập ra khái niệm cha truyền con nối », theo phân tích của Astrid Noren Nilsson.

Chưa hết, tháng Hai năm nay, Cam Bốt ban hành « luật chống phạm thượng » theo khuôn mẫu Thái Lan, siết chặt khâu cuối cùng của bộ máy trấn áp.

Hai nhà đối lập bị bắt giam vì chỉ trích quốc vương Sihamoni không quan tâm đến chính sách độc tài của thủ tướng Hun Sen. Vương triều Cam Bốt đã bị kết chặt vào chế độ độc tài và mất dần tính độc lập.

Theo giáo sư Thụy Điển Astrid Noren Nilsson, Cam Bốt đang tiến dần đến chế độ cha truyền con nối mà những kẻ nối ngôi là con cháu của Hun Sen.

Tuy nhiên, cho dù Hun Sen chắc chắn sẽ thắng cuộc bầu cử không đối lập, nhưng với thế hệ trẻ khao khát tự do và đòi hỏi chính phủ phải phục vụ dân chúng, không có gì bảo đảm là Hun Sen, do Hà Nội dựng lên vào năm 1979, sẽ thực hiện được giấc mơ tranh bá đồ vương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.