Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

Hoài nghi về thực tâm giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Bình Nhưỡng tiếp tục làm giàu chất uranium để chế tạo vũ khí nguyên tử. Ngoài cơ sở hạt nhân Yongbyon, nhiều cơ sở khác của Bắc Triều Tiên vẫn bí mật hoạt động. Căn cứ trên nhiều nguồn tin tình báo và các quan chức trong chính quyền Washington, truyền thông Mỹ liên tục tiết lộ những tin trên. Trong khi đó, tổng thống Trump một mực khẳng định tin tưởng vào tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không nghi ngờ cam kết của Kim Jong Un.

Truyền hình Hàn Quốc loan tin về việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 24/05/2018. .
Truyền hình Hàn Quốc loan tin về việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 24/05/2018. . REUTERS/Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Ba tuần sau thượng đỉnh Singapore, Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra lịch trình và những thể thức cụ thể giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Một số dấu hiệu mà tình báo Hoa Kỳ thu thập được từ sau cuộc tiếp xúc lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong Un ngày 12/06/2018 cho thấy Bắc Triều Tiên vẫn bí mật triển khai các hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử và che giấu nhiều cơ sở hạt nhân khác ngoài hai địa điểm được nhắc tới nhiều là Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng 100 cây số về hướng bắc và bãi thử Punggye Ri gần biên giới Trung Quốc - Nga.

Tình báo Mỹ : Bắc Triều Tiên không có ý định từ bỏ vũ khí nguyên tử

Sau khi trung tâm nghiên cứu rất có uy tín của Mỹ về Bắc Triều Tiên, 38 North, tiết lộ cơ sở hạt nhân Yongbyon vẫn tiếp tục được nâng cấp, đến lượt nhật báo Washington Post ấn bản ngày 30/06/2018 trích dẫn 4 quan chức Mỹ, tất cả đều xin giấu tên, cho biết họ đã được đọc hay được thông báo về báo cáo mới nhất liên quan hồ sơ nhậy cảm này.

Theo các nguồn tin trên, các giới chức Bắc Triều Tiên đang tìm cách đánh lừa Mỹ về số lượng đầu đạn hạt nhân, tên lửa và các loại vũ khí Bình Nhưỡng đang có. Bắc Triều Tiên cũng tin tưởng rằng Hoa Kỳ "sẽ kém cảnh giác về các hoạt động nguyên tử" của chế độ Kim Jong Un.

Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng dường như Bắc Triều Tiên đang nắm giữ khoảng 65 tên lửa có trang bị đầu đạn hạt nhân, nhưng các giới chức ở Bình Nhưỡng lại đưa ra một con số thấp hơn rất nhiều.

Yếu tố thứ nhì được tờ báo uy tín này nêu bật là ngoài địa điểm Yongbyon, còn có nhiều cơ sở hạt nhân khác tại Bắc Triều Tiên như là cơ sở Kangson phía tây nam thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là những nơi sản xuất chất uranium được làm giàu và theo một báo cáo từ năm 2010, khối lượng uranium tại Kangson có thể còn "lớn gấp đôi so với ở Yongbyon".

Một ngày trước tờ Washington Post, đài truyền hình NBC cũng đã khẳng định rằng Bắc Triều Tiên sản xuất tại nhiều địa điểm được giấu kín chất uranium được làm giàu để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia David Albright, nguyên là thanh tra viên của Liên Hiệp Quốc về vũ khí nguyên tử và là chủ tịch Viện Khoa Học và An Ninh Quốc Tế -Institute for Science and International Security, lo ngại trong các vòng đàm phán với Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ sẽ tập trung quá nhiều vào cơ sở hạt nhân ở Yongbyon mà xao nhãng với các cơ sở khác.

Liên quan tới cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên từng được lãnh đạo họ Kim tuyên bố với tổng thống Trump nhân thượng đỉnh Singapore, cũng NBC đánh giá Bình Nhưỡng có ý định đòi Mỹ "nhượng bộ được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu, nhưng không thực lòng muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Một quan chức Hoa Kỳ xin được giấu tên xác định với đài truyền hình NBC rằng "có những bằng chứng không thể chối cãi là phía Bắc Triều Tiên muốn đánh lừa Mỹ", cho dù là Bình Nhưỡng từ nhiều tháng qua đã ngưng hẳn các vụ thử bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo.

Trước mắt Nhà Trắng chưa lên tiếng về những tiết lộ của truyền thông Hoa Kỳ, nhưng cố vấn an ninh của tổng thống Trump, ông John Bolton trên đài truyền hình Fox News, ngày 01/07/2018, tuyên bố rằng "không một ai có mặt tại thượng đỉnh Singapore đã tỏ ra ngây thơ. Tổng thống Trump tuyên bố là ông sẽ không phạm phải sai lầm của những người tiền nhiệm". Lời lẽ này ngầm nhắm vào cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và George W.Bush, vì cả hai đã không ngăn cản được Bình Nhưỡng phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân.

Dù muốn hay không, tất cả những thông tin vừa nêu đang làm dấy lên mối nghi ngờ ngày càng lớn về thực tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã được ông Kim Jong Un nêu lên ra trong buổi gặp gỡ đầu tiên và mang tính lịch sử với tổng thống của siêu cường số một thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.