Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

World Cup 2018: Các nhà tài trợ "chia sân" với Trung Quốc

Đăng ngày:

Sợ Mỹ trừng phạt, nhiều nhà tài trợ Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 « chia sẻ sân chơi » với Trung Quốc. Teheran trong tầm ngắm của Washington, Nike từ chối trang bị cho các cầu thủ Iran. Trong cuộc đọ sức giữa hai nhà cung cấp quần áo và giầy thể theo là Adidas và Nike, phần thắng đã nghiêng hẳn về phía tập đoàn của Đức.

Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 tại Nga, không gian quảng cáo quý giá cho tập đoàn Vạn Đạt (Wanda) của Trung Quốc.
Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 tại Nga, không gian quảng cáo quý giá cho tập đoàn Vạn Đạt (Wanda) của Trung Quốc. Reuters
Quảng cáo

Hầu như không ai biết Antonio Costa là ai cho dù ông là thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 2015, ngược lại ở những hang cùng ngõ hẻm gần như khắp 5 châu, cái tên Cristiano Ronaldo không chút xa lạ.

Quả bóng tròn đã trở thành ngôn ngữ chung của một phần lớn nhân loại. Chính vì thế trận đấu giữa các nhà tài trợ để trang bị cho 32 đội tuyển tham gia lễ hội bóng đá thế giới 2018 không chỉ thu gọn trên các sân cỏ ở Nga mà còn vượt lên trên tất cả mọi đường biên giới.

Trong bối cảnh Mỹ đang trừng phạt nước chủ nhà là Nga, phạt luôn cả Iran vì các chương trình hạt nhân của Teheran, giải vô địch bóng đá thế giới lần này đã mở rộng cửa cho các nhà tài trợ mới. Hoàn toàn vắng bóng trong các cuộc tranh hùng lần này, nhưng lần này, tại Nga, Trung Quốc là 1 trong số 7 nhà tài trợ chính của Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA, hiện diện đông đảo trên các màn ảnh quảng cáo qua tập đoàn địa ốc Wanda (Vạn Đạt), điện thoại thông minh Vivo, hãng sản xuất màn hình tivi Hisense (Hải Tín) và hãng sữa Mengniu (Mông Ngưu).

Theo một hãng tin trên mạng của Trung Quốc, Vạn Đạt dường như đã chi ra 102 triệu euro cho FIFA để bước vào câu lạc bộ rất khép kín của các nhà tài trợ « quan trọng nhất » cho Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới. Hải Tín, Mông Ngưu và Vivo, mỗi hãng được quyền hiện diện trong suốt 64 trận đấu mùa bóng 2018 sau khi nộp cho FIFA 68 triệu euro. Khoản chi phí mà giới trong ngành đánh giá là quá « hời » so với những thành quả mà các tập đoàn Trung Quốc có thể thu hoạch được sau mùa bóng ở Nga.

Trung Quốc lấp chỗ trống

Trong các hoạt động kinh doanh, hiếm khi có những chuyện tình cờ. Năm 2015 khi Liên đoàn FIFA điêu đứng vì vụ tham nhũng liên quan đến lãnh đạo tối cao là ông Sepp Blatter một số các nhà tài trợ truyền thống và có uy tín đã quay lưng lại với FIFA. Năm 2016, ngân sách của FIFA thiếu hụt 313 triệu euro vì để mất các nhà mạnh thường quân như là hãng lốp xe Continental của Đức, trụ sở tại Hannover, tập đoàn dầu khí Castrol của Anh hay ông vua trong ngành hóa chất Mỹ Johson&Johson…

Lần đầu tiên từ nửa thế kỷ qua, FIFA phải hạ giá để chiêu dụ thêm các nhà tài trợ mới, lấp vào chỗ trống ấy.

Hậu quả kèm theo, như thẩm định của văn phòng tư vấn Nielsen trụ sở tại Mỹ, trong ấn bản bóng đá 2018, các nhà tài trợ châu Á chiếm tới 40 % thị phần. Patrick McNally, người được mệnh danh là cha đẻ của các hoạt động quảng cáo trong mỗi mùa Cúp Bóng Đá Thế Giới giải thích trên đài truyền hình CNN rằng, hào quang của Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới không còn được như xưa trong mắt các tập đoàn phương Tây. Phải ngược dòng thời gian, trở về thời điểm 2011, mới tìm được một hợp đồng ngoại hạng giữa FIFA với một nhà tài trợ Âu Mỹ.

Chiến thuật của các nhà tài trợ Trung Quốc

Trong khi đó thì ngược lại một thương hiệu như Mông Ngưu của Trung Quốc đang cần tô điểm lại hình ảnh của mình với hơn một tỷ người tiêu dùng trong nước sau vụ tai tiếng sữa cho trẻ sơ sinh bị nhiễm mélamine cách nay vài năm. Vả lại tới nay hãng cung cấp sản phẩm chế biến từ sữa này của Trung Quốc chỉ quen thuộc với khách hàng tại Hoa Lục mà thôi, do vậy Mông Ngưu cần tiến đến gần hơn với các thị trường từ Nga cho tới Maroc, từ Achentina tới Bồ Đào Nha … Gây dựng được uy tín trên trường quốc tế là phương tiện tốt nhất để hãng sữa lớn thứ nhì của Trung Quốc này chinh phục lại thị phần nội địa.

Chính vì vậy mà Mengniu/Mông Ngưu đã chi ra một số tiền không nhỏ, đương nhiên là con số không được công bố chính thức, mời danh thủ Lionel Messi, 5 lần đoạt quả Bóng Vàng, quảng cáo cho gam sản phẩm của hàng này. Messi đứng giữa, bên trái là những chai sữa đủ loại, tay cầm một hộp sữa của Mông Ngưu và bên tay phải là logo Russia 2018.

Chung quanh và trong khuôn viên các sân vận động nơi diễn ra 64 trận đấu mùa bóng năm nay, muốn ăn kem, khán giả đến dự World Cup không có sự lựa chọn nào khác ngoài các loại kem của Mông Ngưu.

Về phần hãng sản xuất điện thoại thông minh Vivo của Trung Quốc, nhật báo tài chính Financial Times tiết lộ Vivo đã chi ra 400 triệu euro ký một hợp đồng độc quyền với FIFA trong 6 nắm, trải dài trên hai mùa bóng tại Nga năm nay và ở Qatar vào năm 2022.

Theo đánh giá của ông Matthieu David Experton, giám đốc Daxue Consulting chuyên cố vấn cho khách hàng về thị trường Trung Quốc, thì đây là một thương vụ rất có lời. Năm 2016 chẳng hạn Hisense/Hải Tín đã tài trợ cho cúp bóng đá Châu Âu. Sau mùa bóng năm ấy, số lượng màn hình với logo của Hải Tín bán ra tăng 65 %. Bốn năm trước đây, tại Brazil, tập đoàn pin mặt trời Yingli/Anh Lợi là nhà tài trợ Trung Quốc duy nhất xuất hiện tại Cúp Bóng Đá 2014. Lần này tình thế đã đổi thay.

Thế thượng phong của các sponsors truyền thống

Nhìn đến thành phần nòng cốt trong số các nhà tài trợ cho FIFA, hãng nước ngọt của Mỹ, hai tập đoàn cung cấp trang phục, dụng cụ thể thao một của Đức, một của Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu bàng.

Hãng nước ngọt Coca Cola của Mỹ là đối tác lâu đời của mỗi ấn bản World Cup. Từ tháng 9/2017, nhãn hiệu này đã khởi động chương trình Trophy Tour để giới hâm mộ đến gần được hơn với những chai/ lon nước ngọt màu đỏ và với chiếc Cúp mà chỉ có các nhà vô địch và nguyên thủ quốc gia mới được đụng tay vào. Xuất phát từ thủ đô Matxcơva, Coca Cola đưa chiếc Cúp vàng đi vòng quanh nước Nga, rồi đi qua 50 quốc gia ở khắp toàn cầu trước khi trở về lại Nga một tháng trước lễ khai mạc mùa bóng 2018.

Còn quá sớm để có được những con số cụ thể cho ấn bản lần này, nhưng trong mùa bóng ở Brazil 2014, Trophy Tour đã dừng lại tại 90 chặng trong 267 ngày, một triệu ba trăm ngàn người hâm mộ đã đến gần và được chụp ảnh bên cạnh tác phẩm nghệ thuật này. Mỗi chặng không biết bao nhiêu lon nước ngọt của hãng Mỹ này đã được tặng không, với hy vọng họ sẽ là những khách hàng trung thành tương lai.

Nike và Adidas, tỷ số 2-1 ?

Nhìn đến các nhà cung cấp quần áo, giầy thể thao cho các cầu thủ của 32 đội tuyển, mùa hội bóng đá thế giới tại Nga chưa hạ màn, Adidas đã nắm chắc phần thắng trong tay : 12 đội thi đấu khoác lên mình những chiếc áo may-ô của hãng Đức, trong đó đương nhiên có đội tuyển Mannshaft cùng với những đội bóng lẫy lừng khác của châu Âu như Tây Ban Nha và cả đội của nước chủ nhà là Nga... Thêm vào đó, mỗi quả bóng lăn trên sân cỏ đều là những sản phẩm của Adidas nhờ một hợp đồng đặc biệt mà hãng này đã ký kết với FIFA trong thời hạn từ năm 1970 cho đến 2030.

Tại Russia 2018 lần này, tập đoàn có trụ sở tại Herzogenaurach đã lật ngược thế cờ, áp đảo đối thủ nặng ký nhất là Nike của Mỹ. Nike trang bị cho 10 đội tuyển quốc gia, Adidas là 12 đội. Dù vậy trong mùa bóng năm nay, 60 % giầy của các cầu thủ đều có logo của Nike, kể cả các cầu thủ Đức và Tây Ban Nha, nhưng các cầu thủ Iran thì không.

Bốn năm trước đây, Adidas thua Nike tại Brazil : Hãng Mỹ đầu tư gấp 4 lần so với tập đoàn của Đức. Giới trong ngành biết rằng ở Cúp Bóng Đá 2014 Adidas đã chi ra 50 triệu euro để trang bị từ đầu đến cuối cho đội tuyển quốc gia Đức, Mannshaft và đội này đã ra về với chiếc Cúp Vàng. Đấy chỉ là một giọt nước so với doanh thu bạc tỷ Adidas thu về sau đó trong các lĩnh vực thể thao ... Trong trận tranh hùng giữa các nhà tài trợ cho Cúp Bóng Đá Thế Giới, Puma, người anh em ruột thịt của Adidas bị bỏ thua xa lại phía sau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.