Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC-PHÁP

Trung Quốc bỏ cấm vận thịt bò Pháp

Trong ngày cuối cùng chuyến viếng thăm Trung Quốc, hôm nay (25/06/2018) thủ tướng Pháp, Edouard Philippe hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình và thông báo Bắc Kinh cho nhập khẩu trở lại thịt bò Pháp bị bán sang Trung Quốc từ năm 2001 sau dịch bò dại. Ngoài ra, mọi người chờ đợi một loạt các thỏa thuận kinh tế sẽ được thông qua lần này.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (P) tiếp thủ tướng Pháp, Edouard Philippe tại Bắc Kinh ngày 25/06/2018.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (P) tiếp thủ tướng Pháp, Edouard Philippe tại Bắc Kinh ngày 25/06/2018. Reuters
Quảng cáo

Thông tín viên đài RFI, Julien Chavanne từ Bắc Kinh tường thuật.

"Họ chưa bao giờ gặp nhau. Trong một gian phòng rộng lớn tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp thủ tướng Pháp, Edouard Philippe và tuyên bố : Khi còn là thị trưởng thành phố Le Havre, ông Edouard Philippe đã nhiều lần đến Trung Quốc. Ông biết rõ Trung Quốc và điều này tạo thuận lợi cho các trao đổi giữa hai nước trong tương lai. Thủ tướng Pháp đáp lời, cảm ơn chủ tịch Trung Quốc đón tiếp nồng hậu và đánh giá cao các cuộc trao đổi giữa hai đối tác.

Trung Quốc là chuyến công du nước ngoài đầu tiên mang tính chiến lược của thủ tướng Pháp và ông sẽ không ra về tay không. Trong một vài giờ nữa thủ tướng Philippe cùng với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường ký kết hàng loạt các thỏa thuận. Một nửa trong số ấy liên quan đến các lĩnh vực cải tiến công nghệ và môi trường.

Thắng lợi của Pháp tuy nhiên liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Ông Edouard Philippe thuyết phục được Trung Quốc nhập khẩu trở lại thịt bò Pháp. 17 năm trước, Trung Quốc cấm vận mặt hàng này do dịch bò dại.

Nhìn đến những hồ sơ nổi cộm khác, cần phải đợi thêm mới biết chính xác được nội dung. Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn trong hồ sơ mua bán máy bay Airbus hay là liên quan tới hợp đồng nhà máy tái xử lý rác hạt nhân với hãng Areva.

Một số các cộng tác viên của thủ tướng Pháp thận trọng cho rằng, không nên theo đuổi mục đích gặt hái được những hợp đồng lớn. Một cố vấn của ông Philippe quan niệm, với Bắc Kinh, Paris thiên về một mối quan hệ liên tục hơn là những hợp đồng nhất thời".

Châu Âu và Trung Quốc

Trong khuôn khổ Đối Thoại Kinh Tế -Thương Mại giữa Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc mở ra ngày 25/06/2018, tại Bắc Kinh, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jyrki Katainen cùng cam kết "chống lại mọi quyết định đơn phương trong lĩnh vực thương mại và chống lại các biện pháp bảo hộ".

Lời khuyến cáo này trực tiếp nhắm vào Mỹ. Cả Bruxelles lẫn Bắc Kinh vừa ban hành một loạt các biện pháp trả đũa chính quyền Trump đơn phương áp thuế nhôm và thép nhập sang Hoa Kỳ.

Mỹ muốn giới hạn đầu tư Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ cao

Tại Washington, theo tiết lộ của báo The Wall Street Journal ấn bản ngày 24/06/2018, bộ Tài Chính đang chuẩn bị một văn bản ngăn chận chuyển giao công nghệ cho các công ty do Trung Quốc nắm giữ vốn.

Cụ thể hơn, bộ Tài Chính Mỹ có kế hoạch cấm các công ty có 25 % vốn của Trung Quốc mua lại các tập đoàn Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nhậy cảm, có tầm mức quan trọng đối với nền công nghiệp của nước này.

Mục tiêu đề ra nhằm ngăn chận các vụ chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc.

Vẫn theo nguồn tin trên, tổng thống Hoa Kỳ có quyền viện cớ an ninh quốc gia để ngăn cản các doanh nghiệp Trung Quốc mua lại các đối tác Mỹ. Theo giới quan sát, quyết định nói trên của chính quyền Trump là một đòn mới nhắm vào Trung Quốc trong cuộc đọ sức thương mại hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.