Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN -KINH TẾ

Cơ hội nào cho các nhà đầu tư tương lai ở Bắc Triều Tiên?

Sau cuộc gặp lịch sử Donald Trump và Kim Jong Un hôm 12/06/2018 tại Singapore, nhiều tín hiệu tích cực cho phép hy vọng vào một tiến trình hòa bình, thịnh vượng và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Điều đó đã làm bùng lên hy vọng nền kinh tế khép kín nhất thế giới sẽ được mở cửa. Liệu đó có phải là một cơ hội vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài ?

Nhân viên Bắc Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp Liên Triều Kaesong (ảnh chụp ngày 19/12/2013).
Nhân viên Bắc Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp Liên Triều Kaesong (ảnh chụp ngày 19/12/2013). REUTERS/Kim Hong Ji
Quảng cáo

Tiến trình phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên còn cả một chặng đường dài phía trước, nhưng lúc này giới quan sát đã nghĩ tới một viễn cảnh Bắc Triều Tiên hội nhập với thế giới.

Tại hội nghị thượng đỉnh Singapore, tổng thống Donald Trump đã có một vài động thái giới thiệu sự giàu sang phồn thịnh của nước Mỹ với ẩn ý hứa hẹn Bắc Triều Tiên cũng sẽ được đầu tư để có một tương lai tươi đẹp nếu chấp nhận đòi hỏi giải trừ hạt nhân của Mỹ. Nhìn vào những diễn tiến như vậy, giới chuyên gia cũng như doanh nghiệp đã nghĩ ngay tới những khả năng làm ăn với đất nước bị bế quan tỏa cảng triền miên.

Không ít ý kiến lạc quan cho rằng Bắc Triều Tiên có những tiềm năng lớn để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài như, tài nguyên khoáng sản dồi dào, nhân công lao động rẻ và vị trí địa lý trọng yếu nằm giữa Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thế nhưng, những người thận trọng hơn thì lại cho rằng để nhảy vào làm ăn ở miền đất hoang hóa này vẫn còn là cả một tiến trình không hề đơn giản.

Thách thức đầu tiên đặt ra cho các nhà đầu tư nước ngoài đó là sự bảo đảm về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp làm ăn tại Bắc Triều Tiên. Với một thể chế chính trị cộng sản chuyên chế truyền từ đời này sang đời khác, những luật lệ có thể bị Bình Nhưỡng thay đổi bất ngờ, các khoản đầu tư đổ vào Bắc Triều Tiên có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào. Về vấn đề này những người hàng xóm Hàn Quốc đã trải qua không ít bài học nhãn tiền.

Trong giai đoạn nỗ lực xích lại gần người bà con miền Bắc, với chính sách « Vầng thái dương » của chính quyền Kim Dae Jung trong cuối thập niên 1990, tập đoàn khổng lồ Hyundai đã đổ hàng trăm triệu đô la Mỹ vào dự án khu du lịch núi Kim Cương (Kumgang) nổi tiếng của Triều Tiên. Thế nhưng thực tế đã cho thấy hoạt động của dự án này phụ thuộc vào nhiệt độ nóng lạnh của quan hệ liên Triều. Nhiều sự cố nghiêm trọng đã xảy ra ở khu du lịch biểu tượng hòa dịu giữa hai miền này và khu du lịch Kim Cương giờ chỉ còn để du khách ngắm nhìn từ bên đất Hàn Quốc qua ống nhòm. Rồi đến dự án khu công nghiệp Kaesong. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư, mở xưởng tại khu công nghiệp nằm bên đường biên giới phía Bắc Triều Tiên. Đặc khu kinh tế này cho dù đang lúc làm ăn phát đạt, mang lại thu nhập ngoại tệ không nhỏ cho Bắc Triều Tiên, vẫn bị đóng cửa vào năm 2016 do căng thẳng về chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.

Từ năm 2017, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tỏ quyết tâm cải thiện kinh tế. Đầu năm nay ông tuyên bố đã hoàn tất chương trình phát triển vũ khí và khả năng răn đe hạt nhân của đất nước, bây giờ Triều Tiên chuyển qua giai đoạn ưu tiên « xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ».

Gần đây, báo chí Bắc Triều Tiên cũng đã gần xa đánh tiếng về những chương trình cải cách kinh tế của Bình Nhưỡng. Theo AFP, vài năm gần đây Bình Nhưỡng đã âm thầm tiến hành một số cải cách kinh tế như bắt đầu cho phép tư nhân buôn bán trong một số thị trường không chính thức, các xí nghiệp Nhà nước được tự do hơn.

Nhiều đoàn quan chức Triều Tiên tới thăm Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh giàu tài nguyên than đá để học hỏi kinh nghiệm theo mô hình của Trung Quốc. Một số nhà ngoại giao tiết lộ Trung Quốc đã giới thiệu kế hoạch phát triển chi tiết cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng được cho là luôn cảnh giác sợ sẽ quá phụ thuộc vào Bắc Kinh và muốn học theo mô hình phát triển của một nước xã hội chủ nghĩa vừa tầm với họ là Việt Nam.

Nhà kinh tế học Gareth Leather, thuộc cơ quan nghiên cứu Capital Economics (Anh Quốc), nhận định Triều Tiên có một số lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, thì vẫn còn cả một chặng đường dài để Bắc Triều Tiên có được một nền kinh tế bình thường với môi trường đầu tư bình thường tức là ổn định và cởi mở hơn.

Dù sao thì « những nhà đầu tư dám mạo hiểm ở mảnh đất đó sẽ phải là những người rất dũng cảm », chuyên gia Gareth Leather nhấn mạnh. Cho đến lúc này có lẽ chỉ có người Trung Quốc là hiểu cách làm ăn buôn bán với Bắc Triều Tiên hơn cả và với họ đầu tư vào Bắc Triều Tiên sẽ là « cơ hội vàng » nhiều hơn rủi ro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.