Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ

Thượng đỉnh Trump - Kim : Bắc Triều Tiên trong thế thượng phong ?

24 giờ trước thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tại Singapore, RFI mời nhiều chuyên gia phân tích về những đòi hỏi của mỗi bên, tính khả thi của những yêu sách đó và những chờ đợi từ phía Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Hàn Quốc.

Kim Jong Un duyệt binh tại Bình Nhưỡng trước khi đáp máy bay sang Singapore. Ảnh ngày 10/06/2018.
Kim Jong Un duyệt binh tại Bình Nhưỡng trước khi đáp máy bay sang Singapore. Ảnh ngày 10/06/2018. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Trả lời Heike Schmidt, thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh, chuyên gia chuyên gia Triệu Thống (Zhao Tong) Viện Carnegie đại học Thanh Hoa một lần nữa nhắc lại tính toán của Kim Jong Un :

"Chiến lược rất rõ ràng của phía Bắc Triều Tiên gồm hai giai đoạn : một là nhanh chóng làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa hạt nhân. Mục tiêu đó đã hoàn thành vào cuối năm 2017. Do vậy giờ đây Bình Nhưỡng bước sang giai đoạn hai. Cho tới giờ, mục đích của Bắc Triều Tiên là vẫn giữ vũ khí hạt nhân và trên cơ sở đó phát triển quan hệ hữu hảo với cộng đồng quốc tế.

Bắc Triều Tiên không hề có ý định từ bỏ vũ khí nguyên tử ngay vào thời điểm này hay trong tương lai gần. Bình Nhưỡng cần những loại vũ khí ấy để phòng thân. Bắc Triều Tiên không có thể tin vào những bảo đảm về an ninh của một nước thứ ba nào. Mọi bảo đảm ấy đều có thể dễ dàng bị hủy bỏ. Để tồn tại, Bắc Triều Tiên cần có vũ khí hạt nhân. Đành rằng chính ông Kim Jong Un đã cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng không đưa ra một lịch trình cụ thể nào để thực hiện lời hứa đó".

Thượng đỉnh Singapore bảo đảm cho chế độ Bình Nhưỡng không sợ bị Hoa Kỳ tấn công. Chuyên gia Triệu Thống, Viện Carnegie đại học Thanh Hoa-Bắc Kinh giải thích :

"Mỹ không thể rời thượng đỉnh Singapore và mở chiến dịch tấn công Bắc Triều Tiên. Bởi vì trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng đã cải thiện đáng kể quan hệ với các cường quốc trong khu vực, từ Hàn Quốc đến Nga và Trung Quốc. Bắc Triều Tiên cũng đang nỗ lực đưa ra hình ảnh của một đối tác có trách nhiệm trên trường quốc tế như là cam kết chấm dứt khiêu khích về mặt quân sự, mở cửa ra thế giới bên ngoài để làm ăn ...

Trong bối cảnh đó không một ai đứng về phía Washington nếu Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên. Đặc biệt là nếu như Bình Nhưỡng vĩnh viễn ngưng thử tên lửa và thử bom nguyên tử thì không có hy vọng gì là Nga và Trung Quốc ủng hộ việc quốc tế gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên. Chốt lại, tôi nghĩ chiến lược của Mỹ gây áp lực với Bắc Triều Tiên đã đi tới tận cùng. Washington không thể đi xa hơn được nữa. Điều đó có nghĩa là có khả năng là Hoa Kỳ bắt buộc phải chấp nhận trước mắt, Bắc Triều Tiên không phi hạt nhận hóa".

Trung Quốc luôn là điểm tựa vững chắc nhất của Bắc Triều Tiên, hài lòng trước viễn cảnh tình hình khu vực lắng dịu sau thượng đỉnh Singapore với hứa hẹn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chuyên gia thuộc viện Carnegie đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Triệu Thống cho biết thêm :

"Tôi nghĩ là Trung Quốc ủng hộ một cách rõ rệt tiến trình phi hạt nhân hóa này, bởi vì Bình Nhưỡng đã từng đe dọa cả Bắc Kinh khi mà Trung Quốc nghiêm khắc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, gây thiệt hại cho kinh tế Bắc Triều Tiên.

Bắc Kinh thực sự đã lo ngại là tình hình trong khu vực xấu đi và trong trường hợp đó tên lửa Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc.

Ngoài ra Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân, là cái cớ để Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ trong khu vực, ngay sát cạnh Trung Quốc. Bắc Kinh luôn nghi ngờ ba quốc gia này. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng hệ thống phòng thủ của Mỹ-Nhật- Hàn có chủ đích kềm tỏa Trung Quốc. Theo chiều hướng đó, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một tin vui đối với Bắc Kinh".

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản cũng chờ đợi nhiều ở thượng đỉnh Kim - Trump lần này. Tokyo, đồng minh chiến lược của Mỹ, lo ngại Washington "bán rẻ" an ninh của Nhật Bản để bằng mọi giá chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Ông Ryo Sahashi, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Châu Á đại học Kanagawa- Yokohama trả lời nhà báo RFI Christophe Paget :

"Qua Twitter và những tuyên bố của tổng thống Trump, tôi nghĩ là nguyên thủ Mỹ không hiểu gì về hiệp định hòa bình lịch sử này cả. Nhưng có nhiều khả năng Bắc Triều Tiên sẽ đề cập tới chủ đề này tại Singapore. Bình Nhưỡng muốn Mỹ giảm sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Cũng có thể là Bắc Triều Tiên muốn Hoa Kỳ giảm thiểu ô dù hạt nhân luôn cả tại Đông Nam Á.

Có thể là Donald Trump không biết rõ các chi tiết của vấn đề (...) Nếu như Donald Trump chấp nhận những gì có thể làm suy yếu liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản thì đây là một mất mát lớn về mặt chiến lược đối với chính Hoa Kỳ (...) Ở vào thời điểm này, Donald Trump đang đi những nước cờ cả về mặt chiến lược lẫn ngoại giao, nhưng ông lại không có một tầm nhìn xa về chiến lược ".

Chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại trường ngoại giao Mỹ, Fletcher trả lời thông tín viên của đài RFI từ Washington Anne Corpet cũng nói tới cái bẫy tại thượng đỉnh Singapore mà tổng thống Trump cần tránh :

"Bắc Triều Tiên đã vi phạm tất cả các thỏa thuận quốc tế, nhưng tại sao từ năm 1971 tới nay, Bình Nhưỡng liên tục đòi ký hiệp định hòa bình ? Bởi hiệp định hòa bình sẽ bắt buộc phải xét lại tính chính đáng của sự hiện diện quân sự Mỹ tại Hàn Quốc.

Nếu như các bên đạt được hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, thì không còn cần tới sự hiện diện của quân đội Mỹ. Mỹ rút đi sẽ làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn. Vấn đề không chỉ liên quan đến việc là có bao nhiêu lính trong vùng, mà chính là khi mà lính Mỹ có mặt tại đây bằng xương, bằng thịt, thì nếu xảy ra chiến tranh, Hoa Kỳ sẽ bước lên tuyến đầu,tiêu diệt chế độ nhà Kim.

Bắc Triều Tiên biết rõ rằng Mỹ rút đi rồi, Bình Nhưỡng sẽ rộng đường hành động, sẽ rảnh tay hơn để sách nhiễu Hàn Quốc. Đây chính là cái bẫy Bắc Triều Tiên giăng ra để Hoa Kỳ rút khỏ khu vực này".

Cuối cùng, trả lời nhà báo RFI Yelena Tomitch, giáo sư Myung Lim Park, đại học Yonsei Hàn Quốc và cũng là cố vấn của tổng thống  Moon Jae In, nhận định dù muốn hay không thượng đỉnh Singapore mới chỉ là điểm khởi đầu, tiến trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên trong kịch bản khả quan nhất, cần ít nhất 5 năm :

"Để từ bỏ kho vũ khí nguyên tử, Kim Jong Un bắt buộc phải tháo gỡ hoàn toàn và một cách có thể kiểm chứng được các cơ sở hạt nhân. Để làm được điều này, thì thứ nhất, các bên phải ký được một thỏa thuận bất tương xâm. Thứ hai là Mỹ và Bắc Triều Tiên phải bình thường hóa quan hệ, và thứ ba là cộng đồng quốc tế giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Điều kiện tiên quyết để đạt được tất cả các bước tiến này là một hiệp định hòa bình với Bắc Triều Tiên. Tất cả những điểm vừa nêu đều hết sức nhậy cảm và khó đạt được. Bởi vì tiến trình phi hạt nhân hóa đòi hỏi thời gian và sẽ diễn ra trong nhiều giai đoạn. Bước đầu tiên hết là một thỏa thuận ngưng các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Tôi nghĩ chỉ riêng khâu này đòi hỏi phải mất ít nhất là 5 năm".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.