Vào nội dung chính
HẠT NHÂN - BẮC TRIỀU TIÊN

Thượng đỉnh Mỹ - Triều : « Trận đấu thế kỷ »

Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều là chủ đề trang nhất của nhiều nhật báo Pháp. « Thượng đỉnh đầy rủi ro », tựa của Le Figaro, La Croix hy vọng một « thượng đỉnh vì lịch sử ». Les Echos dành hồ sơ chính cho cuộc thượng đỉnh được đánh giá là « mang tính biểu tượng », hơn là đưa ra được các cam kết thực sự. Thái độ sớm nắng chiều mưa của tổng thống Mỹ với G7, chính phủ Pháp bị chỉ trích ngả sang hữu cũng là các chủ đề lớn khác.

Hình vẽ châm biếm Donald Trump và Kim Jong Un tại một khách sạn ở Singapore.
Hình vẽ châm biếm Donald Trump và Kim Jong Un tại một khách sạn ở Singapore. © Reuters
Quảng cáo

Trước hết về thượng đỉnh Mỹ - Triều, tổng thống Mỹ - từng bị Kim Jong Un gọi là « lão già lẩm cẩm » và lãnh đạo Bắc Triều Tiên bị Donald Trump kêu là « thằng nhóc béo phệ » cách đây ít tháng - sẽ gặp nhau ngày mai trong cuộc thượng đỉnh chính thức, mà nhiều người kỳ vọng sẽ tìm ra một giải pháp hòa bình cho khu vực Đông Bắc Á. Le Figaro mô tả thượng đỉnh này như một « trận đấu thế kỷ », có thể so với một trận « vô địch quyền anh hạng nặng », đầy rủi ro.

Đảo quốc sư tử Singapore, nơi được chọn là điểm đăng cai của cuộc đấu thế kỷ này cũng tỏ ra xứng tầm. An ninh được kiểm soát nghiêm ngặt. Khoảng 5.000 nhà báo trên toàn thế giới đổ về đảo quốc hơn 5 triệu dân. Hai đấu thủ đã có mặt tại chỗ hai ngày trước khi diễn ra cuộc chạm trán. Công chúng không biết họ có gặp nhau không chính thức trong thời gian chờ đợi hay không. Điều này cũng không thể loại trừ do tính « thích gây bất ngờ » của Trump và Kim.

Tuy nhiên, trận đấu Trump – Kim không phải là một cuộc tranh tài thông thường, mà vấn đề là « chiến tranh hay hòa bình ». Và kết quả không hẳn đã là kẻ thắng, người thua. Le Figaro lần lượt đưa ra đánh giá về một số điểm mạnh và điểm yếu của hai đối thủ trước cuộc đấu quyết định ngày mai, và tìm cách giải mã toan tính sâu xa của tổng thống Mỹ.

Trước hết, về phía Mỹ, chính quyền Trump từ chỗ đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải « phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược », đến chỗ tỏ ý chấp nhận là một thỏa thuận cụ thể sau cuộc gặp mặt 12/06 không phải là điều được trông đợi. Tuy nhiên, nếu không có một tuyên bố chung với các điều khoản có nội dung chính xác, sẽ khó mà nói là cuộc thượng đỉnh với Kim Jong Un là « một thành công ngoại giao » với tổng thống Mỹ.

Hai bên cũng có thể kéo dài « màn diễn » bằng cách mời nhau qua lại. Kim đến Nhà Trắng và Trump đến Bình Nhưỡng, và một tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh có thể sẽ được đưa ra trong dịp thượng đỉnh Singapore. Thế nhưng vấn đề tranh chấp chủ yếu giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, theo Le Figaro, là hệ thống vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chiến thuật gậy ông đập lưng ông ?

Theo Le Figaro, ông chủ trẻ của Bình Nhưỡng tỏ ra là một nhà ngoại giao tài ba, với nhiều khả năng quyến rũ người khác, được thừa hưởng từ người mẹ, vốn là một vũ nữ. Trong lĩnh vực này, tổng thống Mỹ rất có thể đã đánh giá quá cao « tài năng thương lượng » và « tố chất ngoại giao » của bản thân, và coi nhẹ việc chuẩn bị kỹ càng trong những vấn đề căn bản, với khẳng định : « thái độ, quyết tâm thay đổi mới là điều chính yếu ».

Tuy nhiên, tính toán sâu xa của Donald Trump, theo Le Figaro, là đạt kết quả bằng cách « đảo ngược các luật chơi truyền thống ». Tổng thống Mỹ đã mang lại cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên « tính chính đáng », nhờ cuộc đối thoại ngang hàng với Hoa Kỳ, điều mà cả cha và ông của Kim Jong Un đã không có được. Với Donald Trump, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tìm thấy được một đối tác « sẵn sàng thảo luận về mọi thứ ». Điều này vừa mang lại lợi thế, nhưng cũng có thể gây nhiều bất lợi cho Kim Jong Un.

Bài nhận định của Le Figaro kết luận với nhận xét của Soo Kim, một nhà phân tích, từng làm việc cho CIA. Theo đó, tổng thống Mỹ đang « sử dụng chính các chiến thuật thương lượng của Bắc Triều Tiên », có nghĩa là liên tục thay đổi lập trường, và điều này có thể khiến đối phương chao đảo.

« Vì hòa bình cho châu Á »

Bài « Thượng đỉnh lịch sử vì hòa bình cho châu Á » của báo Công Giáo La Croix đặt hy vọng nhiều vào cuộc gặp Trump – Kim, với nhận định : « số phận của toàn bộ khu vực Bắc Á phụ thuộc vào thành công hay thất bại của cuộc gặp, được hy vọng sẽ chấm dứt » lò lửa cuối cùng của thời Chiến tranh Lạnh. Hai vấn đề chủ yếu của thượng đỉnh này mà La Croix chú ý là « thỏa thuận hòa bình » và « vấn đề phi hạt nhân hóa ».

Thỏa thuận hòa bình cho phép Mỹ và Bắc Triều Tiên mở văn phòng liên lạc và có thể là sứ quán tại Bình Nhưỡng và Washington, và đây là dấu hiệu khởi đầu cho sự kết thúc Chiến tranh Lạnh. Về « phi hạt nhân hóa », La Croix đặt hy vọng vào việc Bình Nhưỡng chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân theo từng giai đoạn, đổi lại việc bảo đảm an ninh, và các biện pháp trừng pháp của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc được dỡ bỏ dần dần.

Tờ báo Công Giáo không quên nhấn mạnh đến vấn đề nhân quyền, bởi Bắc Triều Tiên là nơi có ít nhất 80.000 đến 120.000 tù nhân chính trị, nhưng với dấu hỏi, bởi có rất ít khả năng là lãnh đạo Mỹ, người sẵn sàng bắt tay một kẻ độc tài, sẽ đề cập đến vấn đề này trong dịp thượng đỉnh.

Thượng đỉnh cho phép « trở lại nguyên trạng »

Về thượng đỉnh Trump-Kim, Les Echos đưa ra một cái nhìn dè dặt hơn nhiều. Bài « Donald Trump và Kim Jong Un bỏ sang một bên các bất đồng » ghi nhận : phần lớn các cường quốc châu Á đều hoan nghênh một cuộc thượng đỉnh cho phép « trở lại nguyên trạng », tức là trước khi tổng thống Donald Trump gia nhập cuộc chơi chính trị quốc tế. Cụ thể là sẽ không có cam kết gì « cụ thể » về việc Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố chung được đưa ra chủ yếu sẽ mang tính biểu tượng, với mục tiêu phi hạt nhân hóa « chung chung ». Với tuyên bố chung này, tổng thống Mỹ có thể hô vang « chiến thắng » trước cử tri Hoa Kỳ.

Theo Les Echos, chưa cần đợi đến kết quả thượng đỉnh, Trung Quốc và Hàn Quốc đã sẵn sàng từ bỏ các trừng phạt quốc tế chống lại Bình Nhưỡng, nối lại các hoạt động hợp tác. Chỉ có Nhật Bản là hết sức nghi ngờ về kết quả thượng đỉnh, với Tokyo, chính sách của tổng thống Mỹ làm « tan vỡ sự đoàn kết của quốc tế » trước Bắc Triều Tiên, trong khi chế độ độc tài không thay đổi mảy may.

Mỹ : Bắc Triều Tiên là quan tâm hàng đầu của cử tri Cộng Hòa

Cũng Les Echos có bài phân tích thú vị khác về mối quan hệ giữa vấn đề Bắc Triều Tiên và tình hình chính trị nội bộ của nước Mỹ. Bài « Kẻ thù hàng đầu » nêu lên một thực tế là Bắc Triều Tiên là « một ám ảnh lâu đời » của nước Mỹ, nhất là kể từ khi bị tổng thống G. Bush liệt vào Trục Tội Ác năm 2002 (bao gồm ba quốc gia bị nghi là sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Hai nước còn lại Iran, Irak, của nhà độc tài Hussein trước đây). Theo các thăm dò dư luận liên tục từ đó đến nay, Bắc Triều Tiên luôn luôn là quốc gia bị người Mỹ « ghét nhất », vượt xa Nga, Trung Quốc hay Iran.

Đối với đông đảo chính trị gia phe Cộng Hòa, Bắc Triều Tiên còn bị coi là « nguy cơ lớn nhất » của đất nước. Theo một thăm dò dư luận mới đây, vấn đề Bắc Triều Tiên – quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử - được coi là chủ đề quan tâm hàng đầu của cử tri Cộng Hòa, trong tranh cử Quốc Hội giữa kỳ tháng 11 tới, vượt lên trên cả vấn đề nhập cư hay việc làm, vốn là các vấn đề sát sườn của dân Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, người Mỹ rất ít biết đến Bắc Triều Tiên. Chỉ có 36% dân Mỹ có thể xác định vị trí của quốc gia này trên bản đồ thế giới, theo điều tra của Morning Consult. Thực ra việc thiếu hiểu biết địa lý không chỉ riêng với Bắc Triều Tiên. Theo một điều tra khác, khoảng 60% người Mỹ không biết rõ Irak ở đâu, hay chỉ có 50% biết được vị trí chính xác của tiểu bang New York.

Điều đáng chú ý là trong thời gian gần đây, báo chí và các chính trị gia Mỹ thường xuyên truyền đi thông điệp là, cứ một tháng rưỡi, Bắc Triều Tiên lại sản xuất được một trái bom hạt nhân, và đến giữa 2020, Bắc Triều Tiên sẽ có một hệ thống vũ khí hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ.

Trump mở ra kỷ nguyên « vô cùng bất trắc »

Trong lúc kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều là một dấu hỏi lớn, thì thái độ của tổng thống Mỹ đối với các đồng minh G7 là điều đã rõ ràng. Theo Les Echos, « thái độ lá mặt lá trái của Trump với G7 mở ra một kỷ nguyên vô cùng bất trắc ».

Les Echos đưa độc giả trở lại với ba ngày đàm phán căng thẳng trước quyết định bất ngờ của tổng thống, rút khỏi tuyên bố chung với 6 đồng minh G7. Chữ ký chưa ráo mực. Từ chiếc phi cơ đặc biệt của tổng thống « Air Force One », Donald Trump đã đưa ra quyết định rút khỏi Tuyên bố G7, mà ông ta vừa đặt bút ký trước đó vài giờ.

Trước khi lên máy bay đi Singapore, tổng thống Trump thậm chí còn ca ngợi thành công của cuộc thượng đỉnh, vốn được dự đoán là sẽ hết sức gay go. Điều trực tiếp khiến tổng thống Mỹ nổi giận là nhận định của thủ tướng Canada, trong cuộc họp báo cuối cùng, ông Trudeau đã nhắc đến các biểu thuế quan « mang tính sỉ nhục » của Washington, về thép và nhôm, đối với châu Âu và Canada. Donald Trump lên án lãnh đạo Canada là « hèn nhát và bất lương ».

Trên thực tế, hội nghị của khối G7 đã chuyển thành cuộc họp khối 6 nước tìm mặt trận chung để đối phó với các chính sách độc đoán và khó lường của tổng thống Mỹ.

Báo chí Pháp có hàng loạt bài phân tích về chính sách kinh tế « khó hiểu » chính quyền Trump. Les Echos tố cáo tổng thống Mỹ đang tiếp tục « ném cát » lung tung, làm tắc nghẽn cỗ máy kinh tế toàn cầu.

Đối mặt với thái độ đầy bất trắc của Washington, các quốc gia trụ cột của châu Âu dường như đang siết chặt hàng ngũ. Vẫn theo Les Echos, Pháp và Đức đang trên đường đi đến một lập trường chung về chính sách thuế khóa của Liên Âu. Theo nhiều nguồn tin, ngày 19/06 tới, ủy ban hỗn hợp các bộ trưởng Pháp và Đức sẽ phải ra được một thỏa thuận chung trong lĩnh vực này, làm cơ sở cho các thương lượng tiếp theo về cải cách tài chính của khối.

Pháp : Macron bị phê phán « ngả sang hữu »

Tranh luận dữ dội về chính sách ngả sang hữu của tổng thống Macron là chủ đề chính khác của Le Monde, Libération và Les Echos.

Chính sách xã hội của tổng thống Pháp tiếp tục trở thành tâm điểm thời sự, sau khi ba kinh tế gia, vốn là cộng sự của Emmanuel Macron, đã gửi một bản nhận xét đến Phủ tổng thống, theo yêu cầu của chính điện Elysée. Trong bản nhận xét, mà báo Le Monde có được trong kỳ nghỉ cuối tuần này, ba người cộng sự của tổng thống Pháp bày tỏ lo ngại là các cải cách của tổng thống hiện nay chỉ có lợi cho « các thành phần khá giả nhất ».

Thông điệp của ba kinh tế gia được đưa ra đúng vào một thời điểm nhạy cảm, khi chính phủ Pháp đang chuẩn bị cho ngân sách 2019. Nhiều người lo ngại là chi phí cho các biện pháp giảm nghèo, hay các chính sách công khác sẽ bị cắt giảm mạnh. Theo Libération, chính phủ Pháp đang ngày càng bị giằng xé giữa hai xu hướng, một bên là các bộ trưởng phụ trách kinh tế, quan tâm đặc biệt đến việc cắt giảm chi tiêu công, và bên kia là các cơ quan phụ trách những vấn đề xã hội, có quan điểm là cắt giảm không được gây hại cho người nghèo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.