Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Đường đến thượng đỉnh Trump - Kim rải đầy « Tweet »

Con đường đi đến thượng đỉnh lịch sử giữa tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, dự kiến diễn ra ngày 12/06/2018 tại Singapore không được êm thắm như « nhung lụa ». Đó là một quãng đường dài gieo đầy những dòng tweet dọa dẫm không ngừng và một sự chuyển hướng tình thế ngoại giao không thể ngờ.

Các tweet của tổng thống Donald Trump được trưng bày tại một viện bảo tàng ở phía tây Hollywood, California, Hoa Kỳ, ngày 08/06/2018
Các tweet của tổng thống Donald Trump được trưng bày tại một viện bảo tàng ở phía tây Hollywood, California, Hoa Kỳ, ngày 08/06/2018 REUTERS/Mario Anzuoni
Quảng cáo

Nhân sự kiện quan trọng này, kênh truyền hình France 24 nhìn lại 9 tháng « lời qua tiếng lại » không kém phần gay cấn, và đầy tính bất ngờ giữa hai vị lãnh đạo này.

Vào tháng 9/2017, có lẽ không một ai nghĩ là gần một năm sau, sẽ có một thượng đỉnh lịch sử và đầy hy vọng hòa bình giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và người đầy quyền lực của Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến diễn ra vào ngày 12/06 tại Singapore.

Cả hai nguyên thủ trước đó còn lời qua tiếng lại sỉ vả lẫn nhau thông qua trung gian là các cơ quan truyền thông. Căng thẳng giữa hai nước thể hiện rõ qua hình ảnh của những dòng tweet không mấy gì mang tính ngoại giao mà ông Donald Trump đã tuôn ra.

« Lão già khọm » đối lập với « chó con dại »

Ngày 17/09/2017, tổng thống Mỹ là người đầu tiên khai hỏa, khi gọi Kim Jong-Un là « người hỏa tiễn » trên mạng xã hội ưa dùng của ông. Một lời lẽ suồng sã có chút gì đó khinh thường đánh giá tầm mức đe dọa của lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ ở mức người phóng tên lửa. Hai tháng sau vụ thử thành công một tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên, trên lý thuyết có thể chạm tới lãnh thổ Hoa Kỳ, thông điệp của Donald Trump đã rõ hơn : Kim Jong Un trước hết là một mối nguy cần phải chế ngự.

Vài ngày sau, Bình Nhưỡng hồi đáp... cũng cùng một giọng điệu. Kim Jong Un cho rằng tổng thống Mỹ có vấn đề sức khỏe tâm thần, sử dụng một thuật ngữ khiến hãng thông tấn Bắc Triều Tiên khó khăn diễn dịch. Hãng này đã dùng đến thuật ngữ ít khi được dùng đến - « dotard » - tương đương với « một trạng thái lão suy mà triệu chứng là hiện tượng suy thoái năng lực tâm thần », theo như định nghĩa của tự điển trên mạng Merriam-Webster.

Một lời đáp trả dành cho Trump không mấy gì làm cho ông thích thú về lời bóng gió đến tuổi tác của ông. Thế là, tổng thống Mỹ đã đi theo những lời dạy của nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer, trong mưu mẹo sau cùng của tác phẩm « Nghệ thuật luôn có lý » (“L’art d’avoir toujours raison”) khuyên hãy là « nhắm cụ thể vào một người, lăng nhục và bất lịch sự ».

Chủ nhân Nhà Trắng đã không ngần ngại hỏi : « Tại sao Kim Jong Un lại sỉ vả tôi khi xem tôi là «ông già », trong khi mà tôi chưa bao giờ nói ông ta là « nhỏ thó và mập ù » ? Và để bổ sung cho mục nói về trạng thái tâm thần, ông Donald Trump còn viết thêm rằng Bắc Triều Tiên được lãnh đạo bởi một « kẻ điên bỏ đói và giết công dân mình » không chớp mắt.

Tháng 11/2017, leo thang khẩu chiến nhường chỗ cho một hành động khiêu khích đạn đạo mới của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng phóng thử một loại tên lửa mới, trên lý thuyết, đặt cả phần lãnh thổ phía bắc nước Mỹ trong tầm bắn của kho vũ khí hạt nhân Bình Nhưỡng.

Trước đó, vào tháng 8/2017, ông Donald Trump đã từng hứa khởi động « lửa và cuồng nộ » nhắm vào Bắc Triều Tiên nếu Kim Jong Un vẫn khăng khăng phô trương sức mạnh hạt nhân. Ông đã thực hiện lời hứa.... nhưng trên mạng Twitter và trên truyền thông. Tổng thống Mỹ châm ngòi lửa tràn đầy những lời sỉ vả mới : « rocket man » trở thành « little rocket man » và từ chính miệng của ông, Kim Jong Un không hơn gì « một con chó con dại » (« Sick puppy »).

Tweet thóa mạ : Một công cụ ngoại giao ?

Cuộc đấu khẩu tiếp diễn cho đến năm 2018. Năm mới được mở màn bằng cuộc chiến các nút bấm. Trong bài diễn văn đầu năm, Kim Jong Un đã khẳng định rằng nút bấm hạt nhân luôn trong tầm tay để phóng các tên lửa có khả năng bắn tới Hoa Kỳ. Donald Trump đáp lại rằng « nút bấm của ông to hơn, mạnh hơn và hoạt động tốt ».

Tương lai đối thoại dường như mù mịt. Nhưng đó là vì chưa nghĩ đến Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc vào tháng 2/2018. Sự kiện này đã tạo thuận lợi cho sự xích lại gần giữa hai nước Triều Tiên – một đội hình khúc côn cầu chung và cuộc tiếp xúc của em gái Kim Jong Un với các lãnh đạo Hàn Quốc – đã mở đường cho thượng đỉnh Liên Triều hồi tháng 4/2018.

Không khí căng thẳng hạ nhiệt lan tỏa trên bán đảo Triều Tiên và Donald Trump có ý định được tham gia. Ông ấy đã yêu cầu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhấn mạnh đến vai trò của Washington trong thành công ngoại giao này, nhân kỳ gặp Kim Jong Un. Seoul, đồng minh hữu hảo của Hoa Kỳ đã thực hiện ngay.

Giọng điệu trên Twitter vì thế cũng thay đổi. Quên đi những lời chửi rủa, tên lãnh đạo Bắc Triều Tiên giờ thể xuất hiện đầy đủ trong các dòng tweet của Donald Trump. Khi mà thông tin thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên được đưa ra vào ngày 09/03/2018, người ta lại thấy một Donald Trump rất ư là khiêm tốn đã cảm ơn và hoan nghênh Kim Jong Un về sáng kiến này.

Chủ nhân Nhà Trắng cũng không quên nhấn mạnh rằng cách tiếp cận khủng hoảng Bắc Triều Tiên của ông đã thành công đến mức cao hơn cả cách làm của những người tiền nhiệm. Về điểm này, vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược. Một số người trước đây chỉ trích dữ dội về chính sách đối ngoại của Donald Trump, nay thừa nhận là việc phối hợp tăng cường trừng phạt kinh tế và dọa dẫm đã mang lại kết quả.

Ông Ian Bremmer, giám đốc trung tâm Eurasia Group từng khẳng định với Washington Post : « Việc Bắc Triều Tiên mở cửa trong suốt Thế Vận Hội, thượng đỉnh Liên Triều và khả năng cuộc gặp Trump – Kim là kết quả có được phần lớn do cách tiếp cận của tổng thống Mỹ ».

Vai trò của Seoul

Phương pháp này còn có một tên : « Học thuyết của kẻ điên », được phổ biến rộng rãi thời tổng thống Mỹ Richard Nixon, vào đầu những năm 1970. Mục đích là làm cho thế giới tin vào tính chất khó lường về chính sách đối ngoại của Mỹ để thúc giục các bên trở lại bàn đàm phán trên thế mạnh. Và như vậy, những lời lẽ quá đáng của Donald Trump trên Twitter dường như là một đòn ngoại giao bậc thầy.

Vẫn trên tờ Washington Post, ông Charles K. Armstrong, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, trường đại học Columbia, cho rằng nói như vậy là quá đề cao Donald Trump. Theo ông, Bắc Triều Tiên dường như chưa bao giờ xem xét nghiêm túc các đe dọa của Hoa Kỳ và họ tin rằng các vị tướng lĩnh sẽ ngăn cản tổng thống Mỹ bấm chiếc « nút to » đó.

Ngược lại, theo trang mạng The Atlantic, những ai giảm nhẹ vai trò của Donald Trump trong việc Bình Nhưỡng thay đổi thái độ thì nhấn mạnh đến vai trò của tổng thống Hàn Quốc. Ông Moon Jae In có lẽ đã biết cách tận dụng thái độ hung hăng của Mỹ để đóng vai trò người hòa giải tốt khi chìa bàn tay với Kim Jong Un.

Cuối cùng, số khác cho là hành động biểu dương lực lượng của người này và chính sách mở rộng vòng tay của người kia chỉ là thứ yếu. Dường như chính do thảm họa thiên nhiên đã đẩy Kim Jong Un đến con đường đối ngoại. Mùa thu năm 2017, hai nhóm nhà khoa học Trung Quốc khẳng định ngọn núi nơi diễn ra các vụ thử hạt nhân chính đã bị sụp sau đợt thử mới nhất do các nhà khoa học Bắc Triều Tiên tiến hành.

Sự cố không được Bình Nhưỡng xác nhận này có lẽ đã buộc chế độ ngưng chương trình hạt nhân. Không còn giải pháp nào khác, Kim Jong Un dường như đã quyết định lao vào cuộc phiêu lưu ngoại giao.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.