Vào nội dung chính
MỸ - BẮC TRIỀU TIÊN

Thượng đỉnh trong sương mù

Do thời sự bắt buộc, nỗ lực hoà giải Mỹ-Triều, lợi và hại trong chiến lược bao vây Iran, chiến tranh thương mại của Donald Trump, hệ quả khủng hoảng chính trị tại Ý là những hồ sơ quốc tế được các tạp chí Pháp khai thác trong tuần này.

Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong Un, lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong Un, lãnh đạo Bắc Triều Tiên. 路透社。
Quảng cáo

Trang bìa của Le Point được ghi đậm câu hỏi đáng lo : Vì sao khủng hoảng chính trị tại Ý có thể đánh đắm con thuyền Liên Hiệp Châu Âu ? Những tay chính trị gia « lang băm » sẽ làm chúng ta phá sản ? Le Point đặt hàng loạt câu hỏi với triết gia Đức Peter Sloterdijk.

Tuần báo L’Obs, tức người quan sát, giới thiệu bài điều tra về tài sản ngầm của đạo Hồi tại Pháp trong khi L’Express dành 10 trang cho bài phỏng vấn bộ trưởng giáo dục Pháp về những vấn đề từ học đường, bạo lực xã hội, cho đến chính sách cải tổ của tổng thống Macron đang bị chỉ trích mạnh.

Họ làm nên thành phố New York, tựa lớn trên trang bìa của Courrier International. « Họ » là những di dân da màu, pha trộn chủng tộc, tận dụng mọi năng khiếu để xây dựng thành phố năng động nhất nước Mỹ.

Mỹ-Triều : Sương mù hay hỏa mù ?

Trong số « 1500 bài báo quốc tế được tuyển chọn », Courrier International số 1439 dành hai trang cho bán đảo Triều Tiên, giới thiệu hai bài phân tích của hai nhà báo Hàn Quốc: « Thượng đỉnh còn trong sương mù » của Yi Tae Kyong và « Trump chơi trò gì ? » của Yi Che Hun , bên dưới tranh hí họa hai cậu bé mồm ngậm núm vú cao su đu dây trong khói mờ.

Theo phân tích của nhà báo Yi Tae Kyong trên Pressian từ Seoul, thì thành bại của thượng đỉnh tùy vào ba nhân vật. Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã phối hợp được với nhau để tạo thế bật cho thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tổng thống Moon Jae In nắm chiếc chìa khóa phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên cũng như vãn hồi hoà bình trên bán đảo. Chỉ có tổng thống Moon Jae In là người có đủ nghị lực và bản lĩnh làm trung gian và tạo điều kiện gây niềm tin giữa Donald Trump và Kim Jong Un.

Thái độ tiền hậu bất nhất của tổng thống Mỹ ngày 24/05 khi đột ngột thông báo hủy thượng đỉnh và hôm sau lại khen ngợi lãnh đạo Bắc Triều Tiên nghiêm túc, cho thấy giữa Washington và Bình Nhưỡng không có tin cậy nhau. Đó là lý do dễ hiểu sau 70 năm xung khắc.

Do vậy, những bước tiến hiện nay có được là nhờ nỗ lực của tổng thống Nam Hàn. Tác giả bài phân tích « Thượng đỉnh trong sương mù » cho rằng lãnh đạo hai miền nam bắc cần phải đoàn kết với nhau để đàm phán thành công. Tuyên bố sau thượng đỉnh đột xuất « Moon-Kim » ngày 27/05 cho thấy Kim Jong Un thật tình muốn đàm phán với Donald Trump. Hy vọng con thuyền sẽ không bị một cơn bão bất ngờ từ nay cho đến ngày cặp bến 12/06.

Cơn bão thật ra đã được dự đoán. Bởi vì quyền lợi của Mỹ không phải là dẹp kho vũ khí của Bắc Triều Tiên. Mục đích thật sự của giới chính trị Washington là củng cố một liên minh Mỹ-Nhật-Hàn để bao vây Trung Quốc. Lên án Bắc Triều Tiên « côn đồ » chỉ là cái cớ để đạt tới mục tiêu này. Trên thực tế, Mỹ bất cần quan hệ nam bắc Hàn có cải thiện hay không, trái lại nếu tình hình căng thẳng như từ trước đến nay là tốt.

Donald Trump chơi trò gì ?

Cũng cùng mối lo ngại này, nhà báo Yi Che Hun của Hankyoreh, chỉ trích chiến thuật mặc cả chính trị của tổng thống Donald Trump giống như ông ấy bán một căn nhà. Trump giương đông kích tây, tuyên bố không bán nhưng khi quay lưng đi thì để lại danh thiếp. Cho đến nay, tổng thống Mỹ dường như luôn đạt được những gì ông muốn. Bắc Triều Tiên thay đổi hẵn thái độ từ sau hai chuyến sang Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà chủ nhân Nhà Trắng xem là kẻ thọc gậy bánh xe cũng tránh qua một bên.

Tuy nhiên, tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/04 cũng có đề cập đến khả năng, sau thượng đỉnh Trump-Kim ngày 12/06, Seoul và Bình Nhưỡng sẽ vận động tổ chức thượng đỉnh tay ba thậm chí tay tư, tức là có Trung Quốc. Điều này cho phép suy đoán hai nhà lãnh đạo Nam Bắc Hàn muốn thượng đỉnh Singapore thành công nhưng sau đó sẽ làm mọi cách không để cho tổng thống Mỹ « phá hỏng » viễn ảnh hoà bình.

Malaysia : vòng luân hồi

Trên trang châu Á của Courrier International, thế sự luân hồi trên chính trường Malaysia: từ nhà tù đến chính phủ là nội dung một bài báo của The Straits Times, Singapore.

Anwar Ibrahim, cựu phó thủ tướng Malaysia từng được các chính phủ và chuyên gia kinh tế tây phương ngưỡng mộ ra khỏi nhà tù. Kẻ thù từng đưa ông vào nhà giam trước đây cũng là người ra lệnh thả tức khắc ngay khi nhậm chức trở lại chính là tân thủ tướng Mahathir Mohamad. Trong khi thủ tướng mãn nhiệm Najab đang đối đầu với nguy cơ đi tù vì các hành vi biển thủ thì Anwar Ibrahim chuẩn bị « một vòng luân hồi », trở lại chính phủ, và lần này sẽ nắm ghế thủ tướng theo như lời hứa của thủ tướng 92 tuổi Mahathir.

Bài học đạo lý cúa chuyện thế sự thăng trầm này, theo nhận định của The Straits Times là triển vọng hai nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Malaysia sẽ hợp tác với nhau, đặt quyền lợi đất nước lên trên tham vọng cá nhân.

Có nên trừng phạt Iran ?

Từ khi Washington thông báo hủy bỏ hiệp định hạt nhân với Iran, chính quyền Donald Trump đưa ra thêm một loạt biện pháp trừng phạt mới bao vây Teheran. Đường lối cứng rắn này phù hợp với chính sách của thủ tướng Israel Benjamin Netanhyahu nhưng gây ra tranh luận tại Israel : bên ủng hộ cho rằng « trừng phạt sẽ làm chế độ giáo quyền suy yếu » còn phe chống thì xem suy đoán lạc quan này chỉ là ảo vọng nguy hiểm.

Câu hỏi của Courrier International là có nên gia tăng trừng phạt Iran hay không ? Nhà báo Israel David Rosenberg trên nhật báo Ha’Aretz cho là « nên ». Bởi vì các biện pháp trừng phạt sẽ là chế độ Iran yếu thêm : Thế giới có thể sống không cần Iran, trái lại Iran sẽ không thể tồn tại nếu không có thế giới.

Một loạt sự kiện minh chứng cho lập luận này : sau khi Teheran ký hiệp định hạt nhân 2015, Tây Phương giảm nhẹ cấm vận thì kinh tế Iran được tăng trưởng ngay nhờ xuất khẩu dầu khí. Trái lại, mọi lãnh vực khác đều tiếp tục đình trệ. Thất nghiệp trên 30%, lạm phát 10%. Chính lãnh vực dầu khí của Iran, nguồn ngoại tệ chính, đang bị Donald Trump đe dọa qua các biện pháp cấm vận mới.

Theo tác giả, thế lực nồng cốt ở Iran là Vệ Binh Hồi Giáo, kiểm soát kinh tế Iran, sẽ không dễ nhượng bộ. Nhưng chế độ đứng trước nguy cơ sụp đổ, dân chúng xuống đường tranh đấu. Kinh tế suy sụp, dân chúng phẫn nộ sẽ là hai yếu tố buộc chế độ giáo quyền đàm phán lại chương trình hạt nhân và rút quân khỏi Syria.

Lập luận có vẻ xác đáng này không được một nhà phân tích Israel khác đồng ý. Cũng trên cùng nhật báo Ha’Aretz, được Courrier International trích dịch, Steven Klein cảnh báo : suy đoán như thế là ảo tưởng. Bởi vì, trong một chừng mực nào đó, Iran đang bắt đầu đổi mới. Người dân Iran phản đối chính phủ sử dụng ngân sách không đúng chỗ, đổ vào các cuộc chiến tranh ở nước ngoài, tính chính đáng cúa chế độ bị lung lay.

Khi quyết định trừng phạt Iran, vô tình Donald Trump trở thành cứu tinh cho các giáo chủ Iran khỏi một số phận thất bại đau đớn. Theo lý giải của cố vấn John Bolton, hủy hiệp định hạt nhân không phải là cái cớ để Mỹ đưa quân đánh Iran. Nhưng nếu Iran khởi động lại chương trình hạt nhân như Bắc Triều Tiên, vì bị cấm vận thì chính phủ Trump sẽ làm gì ? Iran chế tạo bom và sẽ bị Hoa Kỳ tấn công. Chiến tranh xảy ra thì mọi bên đều thiệt hại.

Iran không phải là nạn nhân duy nhất

Sau thép, đến phiên xe hơi. Nhân danh an ninh quốc gia, tổng thống Mỹ tính đến biện pháp tăng thuế xe nhập khẩu. Đức, Nhật, Hàn Quốc trong tầm nhắm. Lý do ? Dan Di Mico, nguyên là cố vấn của Donald Trump, cựu chủ tịch tập đoàn thép Nucor Steel giải thích với Finantial Times : Sức mạnh nào cho phép Hoa Kỳ chiến thắng Đức Quốc Xã và Nhật ? Đó là kỹ nghệ xe hơi. Đó là sức mạnh công nghiệp của Mỹ. Trong một cuộc chiến tranh quy ước, nền kinh tế mạnh nhất sẽ thắng.

Nước Mỹ của Donald Trump sẽ bị đồng minh trả đũa. Chính sách đối ngoại « phá hết » của Nhà Trắng sẽ làm cho Hoa Kỳ mất ảnh hưởng, mất vai trò lãnh đạo thế giới, Le Point cảnh cáo trong bài xã luận « Donald Trump, kẻ đập phá hàng loạt ».

New York, thành phố của dân nhập cư

Vì sao New York được Courrier International đưa lên làm đề tài chính trong số tuần này và gọi là thành phố mộng mơ ?

Bài xã luận của tuần báo Pháp nói rõ dụng ý : Tổng thống Donald Trump ngày 16/05 so sánh di dân từ Mehicô với thú vật. Nhà tỷ phú làm giàu trong lãnh vực bất động sản có nhìn kỹ thành phố giúp ông tạo ra sản nghiệp chưa ? New York đã trở thành thành phố di dân nhập cư. Chỉ cần ra đường, bất cứ nơi nào cũng nhộn nhịp sinh hoạt 24 giờ trên 24, tận hưởng tự do.

Trong năm 2016, « job machine », bộ máy công ăn việc làm đã tạo ra nửa triệu việc làm. Trong năm 2017, khỏang 120.000 di dân nhập tịch Mỹ. Sức mạnh của New York đến từ những tác nhân mới, những đạo diễn sân khấu, nhạc sĩ, nhà kiểu mẫu thời trang, vận động viên thể thao, nhưng cũng có thể là tài xế taxi, bán hàng rong, nhưng tất cả, từ những cội nguồn văn hóa khác nhau, tham gia vào việc « sáng tạo » thành phố đông di dân nhất nước Mỹ thành một thành phố mộng mơ.

Bộ trưởng giáo dục Pháp nói thẳng nói thật

Các tuần báo khác của Pháp từ L’Express, L’Obs hay Le Point chú ý đến thời sự Pháp nhiều hơn. L’Express dành 10 trang phỏng vấn bộ trưởng giáo dục Jean Michel Blanquer về những vấn đề nóng trong xã hội, từ chuyện bạo lực trong học đường như thầy giáo gốc Do Thái bị học trò gốc Ả Rập hành hung, cho đến chuyện tổng thống Macron bị chỉ trích là tổng thống của dân giàu.

Theo bộ trưởng Jean Michel Blanquer thì nếu các định chế quốc gia muốn làm tốt thì sẽ làm được. Mọi căng thẳng xã hội đều có cội nguồn bất công. Biện pháp triệt để giải quyết hệ quả bất công giàu nghèo trong học vấn đã được áp dụng từ năm học này : chia đôi sĩ số học sinh lớp một và lớp hai ở các khu phố nghèo. Tổng thống Macron tiếp tục cải cách nước Pháp, để bộ máy nhà nước và kinh tế chạy đều, mang lại lợi nhuận thì mới có thể phân chia cho dân chúng. Nói cách khác, chính phủ Macron, theo vị bộ trưởng giáo dục, hoạt động theo nguyên tắc « ý kiến sáng tỏ, hành động rõ ràng ».

Hồi Giáo tại Pháp : quản lý tài chính mờ ám

Trong bối cảnh khủng bố Hồi Giáo đe dọa, L’Express cho biết trong thời gian qua, các đơn vị cứu hỏa của Pháp, nhất là tại thủ đô Paris, bị kẻ lạ mặt theo dõi nhất cử nhất động: gọi báo động giả để quan sát phản ứng của lính cứu hỏa, từ lộ trình, lực lượng cho đến vận tốc can thiệp. An ninh Pháp đã được báo động.

Đồng nghiệp L’Obs thì lo ngại về tài sản ngầm của các giáo sĩ đạo Hồi. Sau tai tiếng một nhà thờ Hồi Giáo khởi công từ 14 năm nay chưa xong nền nhà mà tiền quyên góp, 18 triệu euro, biến mất. Tín đồ hoài nghi giới giáo sĩ biển thủ. Một đoạn băng video cho thấy một trong bốn giáo sĩ « sáng lập » sống một cách vương giả, đi máy bay vé hạng nhất, nghỉ hè ở bãi biển, vay nợ không trả…

Trang quốc tế, L’Obs phỏng vấn nhà văn Venezuela Alberto Barrera Tyzka, tác giả quyển tiểu sử của người hùng quá cố Hugo Chavez. Nhà văn cho rằng tổng thống đương nhiệm, Nicolas Maduro, bị đa số dân chúng lên án là bất tài, độc tài, đang « xây dựng một chế độ bạo quyền hiện đại » và càng ngày tổng thống Maduro càng giống Pinochet và càng khác xa Allende.

Tương lai chính trị châu Âu có thật đáng lo hay không ? Theo tuần báo L’Obs, Chiến Tranh hai nước Ý đã bùng nổ, một phe dân túy bài ngoại và phe kia là những người chủ trương củng cố châu Âu. Tuy nhiên, L’Obs cho biết nhiều lý do dễ hiểu, nước Ý « không thể bỏ » châu Âu : đảng nào dám tuyên bố công khai với cử tri Ý nếu đắc cử sẽ bỏ đồng tiền chung ?

Thư giãn hương xa

Cuối tuần, l’Express đưa độc giả sang các hải đảo xa xôi ở Ấn Độ Dương : Ile Maurice với những bãi cát trắng, rừng dừa xanh. Đảo Réunion, một tỉnh hải ngoại của Pháp, với rừng núi chập chùng, nham thạch đỏ rực từ một núi lửa đang họat động. Hai nơi du lịch này đều có một điểm hấp dẫn chung : trái cây đa dạng và bắt mắt.

Độc giả thích các quán ăn vỉa hè có thể theo phóng viên L’Obs sang Thái Lan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.