Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - AN NINH

Mỹ tố cáo đích danh Trung Quốc hù dọa và bức hiếp láng giềng Biển Đông

Tại diễn đàn Đối Thoại Shangri La ở Singapore vào sáng nay, 02/06/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã không ngần ngại tố cáo đích danh Trung Quốc về những hành vi quân sự hóa Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu tại Hội nghị an ninh Shangri-la, Singapore, ngày 02/06/2018.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu tại Hội nghị an ninh Shangri-la, Singapore, ngày 02/06/2018. REUTERS/Edgar Su
Quảng cáo

Theo người lãnh đạo Lầu Năm Góc, việc Bắc Kinh bố trí vũ khí của trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông « gắn liền với mục đích quân sự, nhằm hù dọa và bức hiếp » các nước láng giềng, và trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn hơn » khi « đánh mất mối quan hệ với các láng giềng của mình ».

Trong phát biểu rất được mong đợi, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã công khai đề cập đến việc Trung Quốc triển khai các loại vũ khí tối tân trên các đảo nhân tạo mà họ kiểm soát ở Biển Đông và khẳng định: « Cho dù đã có những tuyên bố ngược lại (tức là những lời chối cãi) từ phía Trung Quốc, việc lắp đặt các hệ thống vũ khí đó gắn liền với mục đích quân sự là để đe dọa và bức hiếp ».

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ông Mattis đã liệt kê một loạt những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua như lắp đặt các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, hệ thống gây nhiễu điện tử trên những đảo nhân tạo vốn đã có những cơ sở quân sự kiên cố được xây dựng trước đó, kể cả phi đạo mà oanh tạc cơ có thể đáp xuống được.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Washington muốn có một mối quan hệ xây dựng với Bắc Kinh, nhưng « chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông tương phản hoàn toàn với nguyên lý cởi mở » trong chiến lược mà Mỹ muốn phát huy.

Theo hãng tin Mỹ AP, lãnh đạo Lầu Năm Góc không ngần ngại cảnh cáo Trung Quốc rằng việc Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia mở ra trong tháng này (tức là cuôc tập trận RIMPAC 2018) chỉ là « phản ứng đầu tiên » đối với hành vi quân sự hóa Biển Đông, và đó chỉ là một hệ quả « tương đối nhỏ… so với những hậu quả to lớn hơn trong tương lai. »

Tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tại Đối Thoại Shangri La nhắm vào việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông phản ánh chiều hướng có vẻ cứng rắn hẳn lên của giới chức quân sự, quốc phòng Mỹ đối với Bắc Kinh trong những ngày gần đây.

Dữ dội nhất trong số các tuyên bố được đưa ra là phát biểu trên đài truyền hình Mỹ CNN hôm 31/05 vừa qua của tướng Kenneth McKenzie - giám đốc Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ - theo đó Hoa Kỳ có đủ khả năng « xóa sổ » các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.

Đối với tướng McKenzie, đó không phải là lời cảnh báo suông mà thực tế lịch sử cho thấy là Mỹ có kinh nghiệm trong việc phá hủy các đảo nhỏ bị cô lập trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.