Vào nội dung chính
PHÁP - HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Bóng dáng Pháp lấp ló ngay cửa thượng đỉnh Trump-Kim

Serge Dassault qua đời, nước Pháp thương tiếc cho một đầu tầu công nghiệp hàng không và khủng hoảng chính trị tại Ý tiếp diễn khiến Liên Hiệp Châu Âu lo ngại là hai chủ đề thời sự chính chiếm trang nhất các báo Pháp ngày 29/05/2018.

Thông tin về việc hủy cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim trên truyền hình Hàn Quốc, trên một khu phố ở Seoul, ngày 25/05/2018
Thông tin về việc hủy cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim trên truyền hình Hàn Quốc, trên một khu phố ở Seoul, ngày 25/05/2018 REUTERS/Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Về thời sự châu Á, các nhật báo lớn tiếp tục theo dõi thượng đỉnh lịch sử Donald Trump và Kim Jong Un. Tổng thống Mỹ ngày 24/05 trong lá thư gởi lãnh đạo Bắc Triều Tiên đặt bút « khai tử » thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên dự kiến tổ chức vào ngày 12/06 tại Singapore. Nhưng 24 giờ sau đó, ngày 25/05 ông lại cho « hồi sinh » cuộc gặp khi khẳng định lại ý định gặp lãnh đạo Kim Jong Un.

Sự kiện diễn ra khiến La Croix lo lắng đặt câu hỏi : « Liệu thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore có sẽ diễn ra hay không ? ». Báo Le Monde quan sát thấy là « Hoa Kỳ và cả hai nước Triều Tiên đang cố gắng vực dậy cuộc gặp Kim – Trump ».

Bởi vì, chủ nhân Nhà Trắng còn cho biết thêm là một phái đoàn đàm phán của Mỹ đã đến gặp các đại diện của Bắc Triều Tiên tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm từ hôm Chủ Nhật (27/05). Đồng thời, một phái đoàn khác của Mỹ cũng đã đến Singapore để chuẩn bị công tác hậu cần cho thượng đỉnh. Trước những hoạt động ngoại giao này, Libération hóm hỉnh ghi nhận « Cuộc gặp Trump – Kim : cuộc phiêu lưu lại tái diễn ».

Tầm quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim còn được thể hiện rõ qua việc Donald Trump chỉ định ông Sung Kim, từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Seoul (2011-2014) và hiện tại chức ở Philippines, làm trưởng đoàn đàm phán. Tháp tùng ông Sung Kim còn có bà Allison Hooker, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ và ông Randall Schriver, thứ trưởng Quốc Phòng.

Sinh năm 1960 tại Seoul, ông Sung Kim nắm rất rõ hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ông từng tham gia các cuộc đàm phán 6 bên dưới thời tổng thống George W. Bush. Lần này đến Bàn Môn Điếm, ông Sung Kim có dịp gặp lại đối thủ cứng rắn quen thuộc, bà Choe Son-Hui, thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên, người đã kịch liệt chỉ trích những tuyên bố của phó tổng thống Mỹ Mike Pence là « xuẩn ngốc » hồi tuần trước.

Một trong những điểm gay cấn nhất trong cuộc đàm phán lần này liên quan đến số phận của các đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Washington đòi hỏi một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và không thể đảo ngược của Bắc Triều Tiên. Do đó, Hoa Kỳ muốn chế độ độc tài chấp nhận chuyển nhanh chóng khoảng 20 đầu đạn sang một nước thứ ba, quốc gia có thể xử lý chúng.

Về điểm này, Les Echos có câu hỏi lớn : « Làm thế nào gỡ bỏ được các quả bom của Kim Jong Un ? ». Nhật báo kinh tế trích dẫn truyền thông Hàn Quốc cho hay hồi đầu tháng Năm này, Hoa Kỳ thông qua lời của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gợi ý là nước Pháp có khả năng đảm trách việc nhận các vũ khí này.

Phát ngôn viên điện Elysée nhắc lại lập trường của Paris là chỉ có Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA mới có đủ chức năng quan trọng cho việc dỡ bỏ « hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược » số vũ khí hạt nhân đó.

Thế nhưng, một nguồn tin khẳng định là Paris chưa được thông báo về đề xuất trên. Hiện tại, Bình Nhưỡng dường như vẫn từ chối đòi hỏi này từ phía Mỹ. Theo truyền thông Nhật Bản, Bắc Triều Tiên dường như chỉ đề cập đến việc gởi một số loại tên lửa ra nước ngoài, chủ yếu là các loại tên lửa liên lục địa ICBM.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, sau cuộc gặp bất ngờ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, cho biết là Washington và Bình Nhưỡng quả thật vẫn chưa đạt được một đồng thuận về một kế hoạch phi hạt nhân hóa cụ thể.

Khủng hoảng chính trị tại Ý : Chuyện dài nhiều tập

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ý kéo dài lấn át mọi chủ đề quốc tế khác trên các nhật báo lớn. Le Monde trên trang nhất thông báo : « Nước Ý chìm đắm trong một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ». La Croix ngao ngán : « Ý bế tắc chính trị ». Le Figaro thông báo : « Nước Ý bên bờ khủng hoảng chính trị gay gắt ». Les Echos cảnh giác : « Nước Ý trong chiếc bẫy một cuộc bầu cử đầy rủi ro ».

Về chủ đề này, nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro có bài viết báo động « Hai sai lầm thiếu kỷ cương sẽ giết chết Liên Hiệp Châu Âu ». Bởi vì, lần đầu tiên kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Ý phải tổ chức hai cuộc bầu cử lập pháp trong vòng một năm. Điều này cho thấy nền dân chủ Ý bị « trục trặc », nhưng đồng thời cũng báo trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang thai nghén trong lòng Liên Hiệp Châu Âu.

Sau khi tổng thống Ý không chấp nhận việc bổ nhiệm ông Paolo Savona, kinh tế gia, chống châu Âu, làm bộ trưởng Kinh Tế, trên mạng xã hội Twitter, ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng cực hữu Liga, đã tuyên bố : « Chúng ta sẽ không bao giờ trở thành đầy tớ của ai nữa. Nước Ý không phải là một thuộc địa, chúng ta không phải là nô lệ của Đức, Pháp, của tài chính… »

Chưa bao giờ người ta nghe thấy những phát biểu mạnh mẽ như vậy từ các lãnh đạo những chính đảng lớn tại châu Âu. Sau vụ Brexit, chúng ta không nên ảo tưởng. Nếu Ý, một trong những nước đồng sáng lập Liên Hiệp Châu Âu ra khỏi khối này thì điều đó có nghĩa là trong trung hạn, Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị xóa sổ.

Vì sao đến nông nỗi này ? Theo Renaud Girard, kể từ đầu thiên niên kỷ này, Liên Hiệp Châu Âu là nạn nhân của hai sai lầm thiếu kỷ cương nghiêm trọng bên trong hai cơ chế ra quyết định : đó là Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu.

Sai lầm đầu tiên là Liên Hiệp Châu Âu không đủ khả năng bắt các nước thành viên tôn trọng các cam kết về ngân sách. Ngoài ra, khối này không hề có dự án tiến tới hài hòa, có chính sách chung về thuế khóa, xã hội và ngân sách.

Trách nhiệm đầu tiên, đương nhiên là chính phủ các nước thành viên, mù quáng về lợi ích trước mắt và đề ra các chính sách dân túy phục vụ tranh cử. Hơn thế nữa, Liên Hiệp Châu Âu đã bổ nhiệm những nhân vật không có tài cán, xoàng xĩnh làm lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu. Những người này không đủ khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng kép : dư thừa cán cân thương mại của các nước phương Bắc ngày càng tăng, trong khi đó, thâm thủng thương mại của các nước phương Nam ngày càng trầm trọng.

Sai lầm thứ hai là thiếu kỷ cương trong lĩnh vực cảnh sát, bảo vệ biên giới. Bất lực trong việc bảo vệ biên giới và làm chủ luồng nhập cư đến từ các nước Ả Rập Hồi giáo và châu Phi da đen, Liên Hiệp Châu Âu đã liên tiếp gây ra sự chống đối bên trong nhóm Visegrad, Anh quốc « ly dị » và phe chống châu Âu ngày càng thu được nhiều phiếu trong các cuộc bầu cử…

Liên Hiệp Châu Âu là một câu lạc bộ và không một câu lạc bộ nào có thể tồn tại và phát triển lâu dài nếu các hội viên không tôn trọng nội quy và không có một bộ máy lãnh đạo có khả năng định ra hướng đi và kiên quyết dẫn dắt toàn khối đi theo hướng đó.

Serge Dassault : « Người hùng » đầy tranh cãi

Cũng trên trang nhất, các báo Pháp nói về Serge Dassault, một trong những người đi tiên phong trong ngành công nghiệp hàng không Pháp, vừa qua đời ngày 28/05/2018 ở tuổi 93. Les Echos trên trang nhất khiêm tốn thông báo : « Đầu tầu công nghiệp Serge Dassault đã qua đời ».

Một nhà công nghiệp hàng không, một chính khách và một chủ tòa báo Le Figaro, một con người đáng ngưỡng mộ nhưng cũng nhiều tai tiếng. Đương nhiên, báo Le Figaro phải dành cho ông những tình cảm tôn kính nhất khi đề tựa « Serge Dassault, nước Pháp ở trong tim ». Nhật báo thiên hữu này dành đến 5 trang báo lớn để nói về cuộc đời và sự nghiệp của chủ nhân tập đoàn chuyên cung cấp các chiếc chiến đấu cơ đa năng cho không quân Pháp như Mirage hay Rafale.

Tờ báo không ngớt lời ca ngợi công lao của ông bằng những lời lẽ như « người phục vụ tận tụy », « đầu tầu công nghiệp với những thành công vang dội », hay như đó là « một con người tự do, không mang tư tưởng hệ thống, lẫn tư tưởng đảng phái »…

Libération cũng đưa hình ảnh của ông trên trang nhất nhưng với một giọng điệu trái ngược « Serge Dassault, kẻ được lợi ». Bởi vì, việc ông ra đi cũng có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho những phiền toái tư pháp mà ông đang phải đối mặt từ vài năm gần đây vì bị cáo buộc « rửa tiền, mua phiếu bầu »…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.