Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN - QUỐC TẾ

Pháp, Nga, Trung kêu gọi Mỹ và Bắc Triều Tiên duy trì đối thoại

Ngay khi được tin tổng thống Mỹ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chiều hôm qua, 24/05/2018, hai tổng thống Nga và Pháp đã lập tức tỏ ý lấy làm tiếc và kêu gọi Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tiếp tục đối thoại.

Tổng thống Nga Putin và tổng thống Pháp Macron tại St. Petersburg ngày 24/05/2018.
Tổng thống Nga Putin và tổng thống Pháp Macron tại St. Petersburg ngày 24/05/2018. REUTERS/Grigory Dukor
Quảng cáo

Nhân cuộc tiếp đón đồng nhiệm Pháp tại Saint - Petersbourg, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã lấy làm tiếc trước một quyết định làm ngưng trệ điều có thể gọi là "bước đầu của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Theo ông Putin, Nga đã mong đợi rất nhiều từ cuộc gặp giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, nhưng ông cũng "hy vọng là đối thoại hai bên có thể khởi động lại, và được tiếp tục".

Tổng thống Pháp Macron công nhận rằng ông không biết gì về quyết định của ông Trump, nhưng xác định rằng "điều quan trọng là làm sao để tiến trình bước đầu thực hiện có thể tiếp tục".

Phía Trung Quốc hôm nay, 25/05, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lục Khảng, đã kêu gọi hai bên "tỏ thiện chí và kiên nhẫn để đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo".

Thượng đỉnh Trump-Kim bị hủy bỏ : Dư luận Trung-Hàn đả kích Mỹ

Báo giới Trung Quốc hôm nay cũng lấy làm tiếc về thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên bị hủy bỏ, xem đó là một cú "giáng mạnh" vào bước tiến đang có ở bán đảo Triều Tiên. Tình hình này được cho là khá có lợi cho Trung Quốc.

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Heike Schmidt, phân tích :

"Ở Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo lấy làm tiếc về « Cuộc đối đầu tái diễn » và quy trách nhiệm duy nhất cho tổng thống Mỹ Donald Trump vì Bình Nhưỡng đã chứng minh « sự thành thật » của mình, đã thả 3 con tin Mỹ, rồi phá hủy bãi thử nghiệm hạt nhân.

Tờ báo tỏ vẻ tin tưởng là Bắc Kinh, từng lo ngại bị đẩy ra bên lề, bây giờ sẽ trám vào chỗ trống : « Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện quan hệ hữu nghị với Bắc Triều Tiên ».

Mối lo ngại của tổng thống Trump về khả năng Bắc Kinh sẽ nhanh chóng lơi là việc trừng phạt Bình Nhưỡng, có thể sẽ được chứng minh tại vùng biên giới phía bắc Trung Quốc, nơi mà thương mại đang bị đình trệ nghiêm trọng do trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Bầu không khí hòa hoãn vừa chớm nở, và việc xích lại gần nhau ngoạn mục gần đây giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, với hai cuộc gặp liên tiếp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã làm dấy lên hy vọng là Bắc Kinh sẽ lại để các đoàn xe chất đầy hàng hóa qua lại vùng biên giới."

Dư luận Hàn Quốc hôm nay đã rất bất bình trước việc thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên bị hủy bỏ, cảm nhận họ bị tước đi hy vọng sống hòa bình. Sinh viên, phụ nữ đã xuống đường ở Seoul phản đối tổng thống Mỹ.

Một thanh niên trả lời Reuters, rất bực tức nói rằng : "Bắc Triều Tiên đang trong tiến trình thực hiện những điều yêu cầu, ngay cả việc phá hủy bãi thử nghiệm hạt nhân. Trump không có lợi lộc gì về hòa bình ở đất nước chúng tôi. Tại sao ông không để chúng tôi, hai miền Triều Tiên sống hòa bình ? "

Một thanh niên khác thì cho rằng cô lập Bắc Triều Tiên một lần nữa là không đúng khi nước này đang cố gắng hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Và chỉ có người sống trên bán đảo Triều Tiên là chịu hậu quả về hành động của Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.