Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

Hủy bãi thử hạt nhân : Nhân nhượng « rẻ » nhất của Bắc Triều Tiên

Với việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri dưới sự chứng kiến của phóng viên ngoại quốc, Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ thực tâm giải trừ vũ khí nguyên tử. Nhưng thật ra đây là một cử chỉ nhân nhượng ít « hao tốn » hơn cả và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ảnh vệ tinh chụp cơ sở thử hạt nhân Punggye-Ri của Bắc Triều Tiên (chụp ngày 14/05/2018)
Ảnh vệ tinh chụp cơ sở thử hạt nhân Punggye-Ri của Bắc Triều Tiên (chụp ngày 14/05/2018) REUTERS
Quảng cáo

Các cuộc thử nghiệm được thực hiện tại Punggye-ri đã cho thấy những tiến bộ nhanh chóng của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, đặc biệt kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011. Ông đã đích thân giám sát 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân. Cuộc thử nghiệm cuối cùng vào ngày 03/09/2017 có cường độ lên tới 250 kilotonne, tức là mạnh hơn gấp 16 lần cường độ của quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.

Nhưng do nằm gần biên giới Trung Quốc, nên bãi thử Punggye-ri ngày càng gây lo ngại cho Bắc Kinh. Vụ thử lần thứ sáu đã gây ra một trận động đất làm rung chuyển cả khu vực bên kia biên giới, khiến nhiều người dân Trung Quốc ở đó hoảng sợ.

Bên cạnh đó là mối quan ngại về ô nhiễm phóng xạ đối với toàn khu vực biên giới, theo cảnh báo của các nhà khoa học Trung Quốc. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho thấy là vụ thử hạt nhân cuối cùng dường như đã làm sập các đường hầm của bãi thử.

Theo hãng tin AFP, một số người bi quan thì cho rằng Punggye-ri không còn sử dụng được nữa, cho nên việc phá hủy bãi thử hạt nhân này chỉ là một sự nhân nhượng « bề ngoài ». Những người khác thì thẩm định rằng Bình Nhưỡng nay đã nắm được những kiến thức và công nghệ cần thiết sau khi tiến hành các vụ thử hạt nhân tại đây. Chuyên gia Go Myong Huyn, Viện Nghiên cứu Chính trị Asan, giải thích : « Họ đã thu thập các dữ liệu cần thiết trong sáu vụ thử hạt nhân. Trừ phi họ tiêu hủy luôn cả các dữ liệu đó, ta có thể nghi ngờ về tầm quan trọng của việc phá hủy một bãi thử hạt nhân nay đã quá hạn ».

Nhưng đối với chuyên gia Jeffrey Lewis, Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury, không có yếu tố nào cho phép khẳng định là Punggye-ri không còn sử dụng được nữa. Theo ông, việc phá hủy Punggye-ri không phải là nhằm dẹp bỏ một bãi thử đã hư hại.

Các nhà phân tích của trang web « 38 North », được hãng tin Bloomberg trích dẫn,cũng cho rằng trong 3 đường hầm của Punggye-ri, chỉ có đường hầm ở phía bắc là hư hại nặng, còn đường hầm phía nam và phía tây vẫn còn chịu được các vụ nổ. Như vậy, họ xác nhận khẳng định của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un rằng hai đường hầm của bãi thử này vẫn còn tốt.

Cho dù tình trạng của Punggye-ri hiện nay là như thế nào, việc phá hủy bãi thử hạt nhân không phải là không thể đảo ngược được. Nói cách khác, Bắc Triều Tiên hoàn toàn có thể xây dựng lại những phần bị phá hủy, giống như họ đã làm với cơ sở hạt nhân Yongbyon. Hãng tin Bloomberg nhắc lại rằng, cách đây một thập niên, khi đàm phán với Mỹ, lãnh đạo Bắc Triều Tiên lúc đó là Kim Jong Il đã cho phá sập tháp làm nguội của Yongbyon. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, Bình Nhưỡng đã lắp ráp lại toàn bộ lò phản ứng nhằm sản xuất chất plutonium dùng để chế tạo vũ khí. Cho nên, nhiều chuyên gia về giải trừ vũ khí nay tỏ vẻ rất thận trọng về việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Đó là chưa kể Bắc Triều Tiên dường như còn có nhiều hệ thống ngầm khác có thể dùng làm bãi thử hạt nhân. Mà Bình Nhưỡng đâu cần phải thử trong đường hầm mới. Tháng 9 năm ngoái, chính Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã nêu khả năng là nước này có thể cho nổ thử một quả bom nhiệt hạch bên trên Thái Bình Dương !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.