Vào nội dung chính
ĐỨC - TRUNG QUỐC

Đức liên kết với Trung Quốc đối phó với Mỹ ?

Viễn cảnh hai đảng dân túy của Ý chuẩn bị lập chính phủ đặt ra nhiều thách thức với Liên Hiệp Châu Âu. Chính sách đối với các khu vực ngoại ô của tổng thống Pháp, công bố hôm qua, 22/05/2018, gây tranh luận. Trên đây là hai chủ đề lớn của nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Trước hết xin giới thiệu bài viết của Les Echos về khả năng Đức hợp tác với Trung Quốc để « đối phó với Hoa Kỳ », trong hai hồ sơ thương mại và hạt nhân Iran.

Ảnh minh họa : Thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự buổi lễ đón 2 gấu trúc tại sở thú Berlin, ngày J5/07/2017.
Ảnh minh họa : Thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự buổi lễ đón 2 gấu trúc tại sở thú Berlin, ngày J5/07/2017. REUTERS/Axel Schmidt/File Photo
Quảng cáo

Thủ tướng Đức có chuyến công du Trung Quốc trong hai ngày, thứ Năm 24 và thứ Sáu 25/05. Chuyến đi lần thứ 11 của Angela Merkel tới Bắc Kinh - kể từ năm 2005, khi bà đắc cử thủ tướng lần đầu tiên tức là gần như cứ mỗi năm một lần - lẽ ra đã có thể chỉ là một chuyến viếng thăm thông thường.

Tuy nhiên, theo Les Echos, trong bối cảnh Hoa Kỳ gây chấn động thế giới, với quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và đe dọa chiến tranh thương mại với rất nhiều quốc gia, trong đó có cả các đồng minh lâu năm, chuyến công du của bà Merkel tới Trung Quốc rất có thể có mục tiêu chính là siết chặt quan hệ với Bắc Kinh nhằm đối phó với Mỹ, cho dù các cộng sự của thủ tướng Đức từ chối nói đến chủ trương này.

Theo Les Echos, Đức có thể tìm thấy ở Trung Quốc một đối tác thương mại « ổn định », « trước mặt và về trung hạn », trong lúc Hoa Kỳ tỏ ra là một đối tác khó chơi, Washington sẵn sàng hành xử đơn phương, gây nhiều khó khăn cho Berlin trong các vấn đề quốc tế, cũng như kinh tế.

Trung Quốc là bạn hàng số một của Đức, với 187 tỉ euro thương mại song phương, Mỹ đứng thứ ba với 173 tỉ. Một cố vấn của thủ tướng Đức tuyên bố Berlin có quan hệ tốt với cả hai bên. Tuy nhiên, về chuyến công du của bà Merkel, theo giới thân cận với thủ tướng Đức, mục tiêu số một là thuyết phục Bắc Kinh « đóng góp một cách đáng kể cho hợp tác kinh tế với Iran », với tư cách là một cường quốc kinh tế, để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ tan vỡ, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi, và đe dọa áp dụng các trừng phạt nghiệt ngã. Hiện tại Trung Quốc là một khách hàng lớn của ngành dầu mỏ Iran.

Theo Les Echos, trước mắt, quyết định giảm thuế nhập khẩu xe hơi của Trung Quốc - nhằm giảm căng hẳng với Mỹ, cũng có lợi cho các hãng xe Đức như BMW hay Volkswagen. Tuy nhiên, chơi với Trung Quốc hoàn toàn không dễ. Một vấn đề đặc biệt khó khăn với Đức, đó là lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Cho đến nay, Berlin rất thận trọng trước các dự án đầu tư Trung Quốc. Vụ công ti xe hơi Trung Quốc Geely (hay Cát Lợi) đầu tư vào tập đoàn ô tô hàng đầu của Đức Daimler đầu năm nay, và trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler, khiến chính phủ Đức hết sức lo ngại. Năm 2017, Đức đã siết chặt các quy định với đầu tư nước ngoài, tiếp theo vụ doanh nghiệp robot công nghiệp Kuka bị một tập đoàn Trung Quốc mua lại. Bị đại sứ Trung Quốc chỉ trích là thi hành chính sách « bảo hộ », Berlin khẳng định mở cửa cho các đầu tư Trung Quốc.

Hiện tại tập đoàn điện lực Nhà nước Trung Quốc SGCC có ý định mua lại 20% cổ phần của mạng lưới điện quốc gia Đức. Theo báo chí Đức, phủ thủ tướng Đức đã thông báo một cách thận trọng là « sẽ xem xét vấn đề này ».

Thỏa thuận hưu chiến kinh tế Mỹ-Trung chỉ là « điểm khởi đầu »

Trở lại với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, vẫn theo Les Echos, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua, 22/05, cho hay không hài lòng, và hứa hẹn đây chỉ là điểm khởi đầu. Ông Trump tuyên bố Mỹ-Trung chưa đạt thỏa thuận về vụ tập đoàn viễn thông ZTE, bị Washington cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận với Iran và Bắc Triều Tiên. Tập đoàn Trung Quốc có thể bị Hoa Kỳ phạt 1 tỉ đô la. Sự sống còn của ZTE - công ti chuyên về mạng di động 5G tại Trung Quốc, với 75.000 nhân viên - có thể bị đe dọa, nếu bị Mỹ trừng phạt.

Còn theo Le Figaro, ZTE được coi là đối tượng mặc cả lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington sẵn sàng tha thuế cho tập đoàn Trung Quốc, nếu Bắc Kinh chấp nhận nhập nhiều hơn hàng nông nghiệp Mỹ. Đối với nhiều chính trị Hoa Kỳ, việc chập hai vấn đề này thuộc hai lĩnh vực khác nhau làm một trong đàm phán là điều vô cùng kỳ quặc, nhưng đây lại chính là phong cách đàm phán rất thực dụng của tổng thống Mỹ.

Số phận của ZTE sẽ là chủ đề thảo luận trong chuyến công du của bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross vào tuần tới. Ngoài việc bị phạt tiền, ZTE có nguy cơ bị cấm nhập khẩu linh kiện từ Mỹ, mà hãng này phụ thuộc đến 30%. Trong một thông điệp trên Twitter, Donald Trump nêu thêm một điều kiện nữa, để ZTE được miễn các trừng phạt, công ti này phải « thay ban lãnh đạo ».

Bắc Kinh « giành lợi thế » trong cuộc đọ sức với Trump

Vẫn về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, trong lúc nhiều nhà quan sát khẳng định chính quyền Trump giành được thắng lợi đầu tiên sau thỏa thuận cuối tuần qua, Le Monde đưa ra một cách nhìn khác, với bài « Bắc Kinh giành lợi thế trong cuộc đọ sức với Donald Trump ».

Theo nhà báo Arnaud Leparmentier, cần phải nhìn vào thực tế là, cho dù Bắc Kinh cam kết mua nhiều hàng Mỹ hơn, để giảm bớt tình trạng nhập siêu của Hoa Kỳ. Nếu căn cứ vào khả năng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc hiện nay, rất khó hình dung làm thế nào mà hai bên có thể lấp được số 200 tỉ đô la, mà chính quyền Trump đòi hỏi, trên tổng số 375 tỉ thâm hụt.

Trong hiện tại, Trung Quốc chỉ mua 20 tỉ đô la hàng nông nghiệp của Mỹ, trong đó 12 tỉ đô la đầu tương, vốn được coi là mặt hàng chiến lược của Mỹ. Thế nhưng, tổng sản phẩm đậu tương của Mỹ cũng chỉ đạt 40 tỉ đô la. Cũng có thể nêu kịch bản Trung Quốc gia tăng nhập đồ điện tử và máy bay Mỹ, thế nhưng trong hiện tại, doanh nghiệp Mỹ không có khả năng đảm bảo, nếu nhu cầu từ Trung Quốc tăng vọt. Để có đủ hàng bán cho Trung Quốc chẳng hạn, hãng Boeing sẽ phải từ chối một số khách hàng khác.

Một giải pháp để giảm tình trạng nhập siêu là người Mỹ giảm tiêu thụ hàng từ Trung Quốc. Theo Le Monde, đây chính là « cốt lõi » của vấn đề : Người Mỹ lâu nay vẫn quen tiêu xài thoải mái, bằng cách cho phần còn lại của thế giới vay đô la. Điều này khiến dân Mỹ nợ như chúa Chổm. Tuy nhiên, vấn đề này lại hoàn toàn không được đả động đến.

Theo Le Monde, với thỏa thuận nói trên, Trung Quốc đã giúp tổng thống Mỹ « không bị mất mặt », nhưng trên thực tế, không có gì cụ thể bảo đảm là bất đồng Mỹ-Trung được giải quyết thực sự.

Bắc Triều Tiên : Vì đâu thượng đỉnh Trump - Kim có cơ đổ vỡ ?

Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng là một điểm nóng khác của thời sự quốc tế, với cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ với lãnh đạo Bình Nhưỡng, dự kiến tổ chức ngày 12/06, có nguy cơ bị đổ vỡ. Le Figaro có bài phân tích : « Bắc Triều Tiên : Trump và Moon hợp sức cứu thượng đỉnh Singapore ».

Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên được coi như có nguy cơ bị tan vỡ, sau các tuyên bố cứng rắn từ hai phía - về kịch bản « Libya » cho Bắc Triều Tiên, theo cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ, và quyết định hủy bỏ cuộc họp cấp cao Liên Triều của chế độ Bình Nhưỡng. Theo Le Figaro, cần nhìn nhận nguồn gốc của nguy cơ đổ vỡ trong những khác biệt rất lớn trong lập trường đàm phán giữa hai bên.

Cụ thể là cho đến nay, hai bên hoàn toàn không tìm được một cái đích chung nào để cho phép đàm phán đi đến một kết quả cụ thể, ngoại trừ tuyên bố về « phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên » được quảng bá rầm rộ. Đối với Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên phải phi tiến hành phi hạt nhân hóa một cách « hoàn toàn, thực sự và không thể đảo ngược », và đây là điều kiện để có được một sự hỗ trợ về kinh tế. Thế nhưng, với Bình Nhưỡng, trên bình diện an ninh - quân sự, phi hạt nhân hóa không phải là một hành động vô điều kiện, mà là một cam kết có đi có lại, mà cần phải đi kèm với việc đàm phán về vấn đề « ô hạt nhân Mỹ » và sự hiện diện của gần 30.000 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc.

Le Figaro dẫn lời chuyên gia Christophe Green, cơ quan tư vấn giải quyết khủng hoảng ICG. Theo ông, tổng thống Mỹ cần phải lựa chọn giữa hai khả năng, một là tham gia một « tiến trình thông thường » giống như mọi đàm phán về giải trừ vũ khí khác, hoặc hủy bỏ thượng đỉnh. Hủy bỏ thượng đỉnh gần như đồng nghĩa với khả năng chiến tranh khó tránh khỏi. Le Figaro tỏ ý hy vọng là hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên vẫn còn chưa từ bỏ cơ hội có một cuộc hội kiến mặt đối mặt, trước toàn thể cộng đồng quốc tế.

Ý : Viễn cảnh hai đảng dân túy cầm quyền gây lo ngại

Nước Ý với viễn cảnh hai đảng dân túy cùng nhau cầm quyền khiến châu Âu lo ngại là chủ đề lớn của báo chí hôm nay.

Le Monde ghi nhận « Nước Ý : Liên minh rất ít khả năng thành lập, giữa hai lãnh đạo phản kháng Di Maio và Salvini » cho biết hai đảng Năm Sao và Liên Đoàn Phương Bắc « chống hệ thống » đang tìm cách che giấu mối bất đồng sâu sắc, để thỏa thuận một « hợp đồng » lập chính phủ, vừa được trình lên tổng thống hôm thứ Hai, 21/05.

Xã luận của La Croix nhận định là Liên Hiệp Châu Âu đang ở vào một thời điểm hệ trọng, những gì đang diễn ra là một lời cảnh báo rất mạnh, bởi không chỉ vị trí quan trọng của nước Ý với Liên Hiệp Châu Âu, mà còn bởi vì đây là một liên minh giữa hai đảng chính trị, vốn được coi là « đối lập triệt để với nhau ». Điều này cho thấy các lực lượng cực đoan đang sẵn sàng làm tất cả để liên kết với nhau chống lại các đảng phái chính trị ôn hòa truyền thống.

Về mặt thể chế, liên minh hai đảng Năm Sao và Liên Đoàn Phương Bắc có thể thất bại do không được tổng thống phê chuẩn. Trong trường hợp đó, bầu cử trước kỳ sẽ được tổ chức. Thế nhưng, theo La Croix, viễn cảnh như vậy không bảo đảm là các lực lượng chính trị cánh trung sẽ giành thắng lợi. Vấn đề của nước Ý cũng là vấn đề chung của Liên Âu, bởi sự dâng cao của các làn sóng dân túy cho thấy dân chúng đang giận dữ. Các nhà chính trị đang cầm quyền ở cấp Liên Hiệp cũng như cấp quốc gia phải hiểu điều này, và họ cần đáp ứng các lo ngại của người dân.

Kế hoạch « ngoại ô » của tổng thống Pháp

Về kế hoạch cải thiện đời sống ở các vùng ngoại ô khó khăn của nguyên thủ Pháp, Les Echos chay tựa trang nhất : « Ngoại ô : Macron kêu gọi các doanh nghiệp », với nhận xét : tổng thống muốn huy động các tập đoàn lớn của nước Pháp, nhưng từ chối « các kế hoạch Marshall rầm rộ ».

Trong khi đó, Le Figaro ghi nhận là trong bài phát biểu hôm qua tại phủ tổng thống, nguyên thủ Pháp từ chối một kế hoạch mới nhằm vực dậy các vùng ngoại ô, mà lựa chọn trình bày trước hết vấn đề « phương pháp ». Theo tờ báo thiên hữu, tổng thống Pháp « đang đi đúng hướng, nhưng làm chưa đủ mức ». Tờ báo thiên tả Libération nêu nhận định : lập trường của tổng thống là hướng đến hỗ trợ cho sự « giải phóng của cá nhân », thay vì « một chính sách công » theo đề nghị của cựu bộ trưởng Borloo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.