Vào nội dung chính
MALAYSIA - THAM NHŨNG

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak đối mặt với 2 nghi án tham ô và sát nhân

Tương lai của cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak quả là đang rất mù mịt với hai bóng ma quá khứ trở lại đè nặng trên số phận hai vợ chồng ông : một là những cáo buộc tham nhũng hàng tỷ đô la, và hai là những nghi ngờ là hai vợ chồng ông có can dự vào một vụ giết người để bịt miệng.

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak lúc đến Cơ quan chống tham nhũng - MACC. Ảnh ngày 22/05/2018.
Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak lúc đến Cơ quan chống tham nhũng - MACC. Ảnh ngày 22/05/2018. REUTERS/Lai Seng Sin
Quảng cáo

Tai tiếng tham nhũng và lạm quyền là nguyên nhân chủ yếu khiến cựu thủ tướng Malaysia bị người dân « hạ bệ » trong cuộc bầu cử ngày 09/05/2018, do vậy cũng dễ hiểu là tân chính quyền nước này đã nhanh chóng mở ngay cuộc điều tra tham nhũng từng bị ông nhận chìm trong suốt thời gian cầm quyền.

Một cách cụ thể, ông Najib Razak phải trả lời các cáo buộc theo đó ông đã biển thủ tiền từ quỹ đầu tư nhà nước 1MDB mà chính ông đã sáng lập vào năm 2009. Tân chính quyền Malaysia đang tìm hiểu do đâu mà hàng tỷ đô la đã biến mất khỏi 1MDB, trong lúc quỹ đầu tư này lại bị lỗ đến 10 tỷ đô la.

Tuy chưa bị câu lưu, nhưng ông Najib và người vợ đã bị cấm xuất cảnh, nhà cửa của hai vợ chồng ông và một số người thân bị khám soát, và cảnh sát đã bước đầu tịch thu một số « bằng chứng » : Hàng chục bao tiền đếm mấy ngày chưa hết, hàng trăm hộp đựng túi xách tay rất đắt tiền của phu nhân Rosmah, có những chiếc trị giá cả trăm ngàn đô la, chưa kể đến nữ trang, đồng hồ đeo tay cực kỳ đắt giá.

Hôm thứ Ba, 22/05, các nhà điều tra đã mời ông Najib đến để ông trả lời về khoản tiền 10,6 triệu đô la, đã được chuyển một cách mờ ám từ một chi nhánh của quỹ 1MDB vào tài khoản riêng của ông. Thế nhưng, đó chỉ là bước đầu trong cuộc điều tra về hàng tỷ đô la đã biến mất khỏi quỹ đầu tư nhà nước này.

Chính trong khuôn khổ cuộc điều tra đó mà ông Shukri Abdull, lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng Malaysia, bị ông Najib cách chức trước đây, và vừa được chính quyền mới phục chức, đã tiết lộ những thông tin khó có thể chấp nhận được :

Theo ông Shukri, vào năm 2015, khi cơ quan này chuẩn bị lập hồ sơ về ông Najib trong vụ biển thủ tiền của quỹ 1MDB, lập tức cuôc điều tra bị chặn đứng, nhân chứng thì mất tích, nhân viên điều tra thì bị thanh trừng và đe dọa. Bản thân ông Shukri thì bị mật vụ theo dõi, bị đe dọa bắt giam về tội âm mưu lật đổ chính quyền, thậm chí còn nhận được một viên đạn gởi đến nhà…

Tiền biển thủ của quỹ đầu tư đâu chỉ giới hạn trong Malaysia mà đã bị tuồn ra ngoài, nằm trong các tài khoản ngân hàng hay biến thành tài sản ở Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Canada, Singapore….

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ hôm 21/05, cho biết sẽ tiếp tục điều tra về khoản tiền 1,7 tỷ đô la từ 1MDB đưa qua ngân hàng ở Mỹ.

Hồ sơ ám sát người mẫu và phiên dịch viên Mông Cổ Altantuya Shaariibuu

Nghi án biển thủ công quỹ như nói trên quả là quan trọng, nhưng một hồ sơ khác mà cựu thủ tướng Najib Razak sẽ phải đối mặt trong thời gian tới đây còn kinh khủng hơn nữa : Đó là vụ ám sát cô Altantuya Shaariibuu, một người mẫu và thông dịch viên Mông Cổ 28 tuổi.

Sự vụ bùng lên vào năm 2006, khi thi hài của Altantuya, bị gài chất nổ vỡ tan thành từng mảnh, đã được tìm thấy trong một khu rừng ở ngoại ô Kuala Lumpur. Hồ sơ đã được khép lại sau khi 2 kẻ bị quy là thủ phạm, 2 sĩ quan cảnh sát, Azilah Hadri và Sirul Azhar Umar, thuộc đơn vị bảo vệ bộ trưởng đã bị tuyên án tử hình vào tháng Giêng 2015. Tuy nhiên hai người luôn khẳng định họ vô tội và bị hy sinh để bảo vệ người khác.

Vụ cô Altantuya Shaariibuu bị thủ tiêu đã gây chấn động không những trong dư luận Malaysia, mà cả tại Mông Cổ. Phe đối lâp Malaysia trong nhiều năm qua kêu gọi phải điều tra đến nơi đến chốn sự vụ, vì hai sĩ quan cảnh sát trên không thể đột nhiên hành động, mà rõ ràng đã « thừa lệnh » người nào đó. Chính quyền thủ tướng Razak luôn làm ngơ trước các yêu cầu mở điều tra.

Vụ này tuy nhiên đã được nêu bật trở lại hôm 19/05 vừa qua với sự kiện chính tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa đã yêu cầu tân chính quyền Malaysia mang lại công lý và mở lại hồ sơ vụ ám sát đó.

Trong thông điệp chúc mừng ông Mahathir, tổng thống Mông Cổ nói rõ : « Với tư cách tổng thống Mông Cổ, tôi đặc biệt quan tâm đến tội ác nghiêm trọng, là vào ngày 16 tháng 10 năm 2006, một công dân Mông Cổ, mẹ của 2 đứa con, bà Shaariibu Altantuya, đã bị ám sát tại Malaysia. »

Riêng ông Sirul Azhar Umar, một trong hai sĩ quan bị tuyên án tử hình nhưng đã bỏ trốn sang Úc trong lúc được tự do chờ kết quả kháng án, thì đã cho biết trên trang thông tin Malaysiakini là ông sẽ giúp mở lại hồ sơ khi nào mà ông được hoàn toàn tự do, ông « sẵn sàng giúp tân chính phủ bằng cách nói rõ những gì thật sự xẩy ra nếu được chính phủ bảo đảm là sẽ hoàn toàn ân xá cho ông ».

Trả lời nhà báo, về việc xóa bản án tử hình cho Sirul Azhar Umar, tân thủ thủ tướng Mahathir cho là không thể cùng một lúc làm mọi việc… Ông Anwar Ibrahim, cựu lãnh tụ đối lập Malaysia thì chủ trương xem xét lại vụ việc

Hoa hồng trong hợp đồng mua tàu ngầm Pháp

Để hiểu rõ hơn cốt lõi câu chuyện, phải đi ngược lên đến năm 2002, khi Malaysia thương lượng mua ba tàu ngầm Scorpène của Pháp, đúng hơn là của tập đoàn Pháp DCNS.

Năm đó, ông Najib Razak còn là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia, trong lúc Altantuya là thông dịch viên và cũng là bạn gái của một nhân vật thân tín của ông Najib, doanh nhân, cố vấn về quốc phòng Abdul Razak Baginda. Altantuya cũng là tình nhân của ông Najib Razak, và đã tham gia các cuộc thương mua tàu ngầm.

Hợp đồng tàu ngầm lên đến 1,1 tỷ đô la, với tiền hoa hồng là 134 triệu được tập đoàn Pháp rót cho một công ty bình phong của Abdul Razak Baginda. Thế nhưng hợp đồng này sau đó đã bị ngành Tư Pháp của Pháp ngăn chặn vì những tai tiếng tham nhũng.

Chính vụ tiền hoa hồng này đã gây nên cái chết của Altantuya, vì cô đã đòi phần hoa hồng của mình, 500.000 đô la được hứa hẹn nếu vụ mua bán thành công, điều mà bà Rosmah Mansor, vợ của ông Najib cực lực phản đối.

Ông Najib Razak trước công luận luôn phủ nhận, khẳng định không hề quen biết Altantuya, và cũng không hề có hoa hồng hay tham nhũng trong vụ mua tàu ngầm đó.

Có điều là cuộc điều tra về cái chết của cô Altantuya, cũng như phiên tòa xét xử các nghi phạm đã bị nhiều quan sát viên đánh giá là không đáng tin cậy. Điều đó đã làm dấy lên mối nghi ngờ là chính quyền Malaysia đã cố bưng bít vụ việc để bao che cho ông Najib.

Trong một bài điều tra từ năm 2009 về vụ này, nhà báo Arnaud Dubus của RFI đã cho rằng « vụ ám sát cô Altantuya là một lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu ông Najib Razak ». Phải chăng lưỡi gươm đó sắp rơi xuống ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.