Vào nội dung chính
CHÍNH TRỊ - QUỐC TẾ

Hội kiến Modi - Putin tại Nga có ý nghĩa gì với Ấn Độ ?

Hôm nay 21/05/2018, thủ tướng Ấn Độ tới Nga. Thủ tướng Modi có cuộc gặp « không chính thức » với tổng thống Nga Vladimir Putin, vừa tái đắc cử. Với New Delhi, cuộc gặp lãnh đạo Nga có  ý nghĩa đặc biệt. Ấn Độ và Nga phải xác định lại nhiều quan hệ hợp tác truyền thống, trong bối cảnh cục diện địa chính trị quốc tế đang biến đổi nhanh chóng. New Delhi, một mặt, ngày càng được coi là đối tác chiến lược trụ cột của Mỹ, nhưng mặt khác, lại có nguy cơ bị Washington trừng phạt nặng nề, do tiếp tục mua vũ khí của Nga, bị coi là đối thủ hàng đầu của Hoa Kỳ .

Thủ tướng Ấn Độ Modi (P) gặp tổng thống Nga Putin, Sotchi, ngày 21/05/2018.
Thủ tướng Ấn Độ Modi (P) gặp tổng thống Nga Putin, Sotchi, ngày 21/05/2018. Ảnh Sputnik/Mikhail Klimentyev/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Đây là lần đầu tiên thủ tướng Ấn Độ hội kiến với nguyên thủ Nga, kể từ khi ông Putin nhậm chức. Chuyến công du của thủ tướng Ấn diễn ra trong ngày. Chín giờ 40 phút sáng máy bay hạ cánh tại Sotchi, 18g10 theo kế hoạch thủ tướng Ấn trở về nước.

« Gặp không chính thức »

Theo báo chí Ấn Độ, tổ chức các cuộc gặp không chính thức, với một số đối tác, là phong cách ngoại giao mới đây của thủ tướng Modi. Hồi cuối tháng trước, thủ tướng Ấn cũng đã có một cuộc gặp không chính thức với chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc.

Theo báo chí Ấn Độ, vấn đề ưu tiên hàng đầu của cuộc gặp Sotchi là tác động kinh tế với Ấn Độ và Nga sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình tại Afghanistan và Syria, nguy cơ khủng bố, cũng như các vấn đề liên quan đến Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải và Khối BRICS, mà hai nước là thành viên.

Mở rộng hợp tác về hạt nhân dân sự, hợp tác về tuyến đường giao thông quốc tế Bắc Nam (INSTC) (từ Ấn Độ đến châu Âu qua Nga và khu vực Trung Á), và đặc biệt là vấn đề mua bán vũ khí, trong bối cảnh Hoa Kỳ ra luật trừng phạt các công ti có hợp đồng quân sự lớn với Nga, cũng có thể là những nội dung chính của chương trình.

Chuyên gia chính trị quốc tế Harsh Pant, trong một bài viết ít ngày trước chuyến công du của thủ tướng Modi đến Nga (1), ghi nhận : Ấn Độ vốn có quan hệ đồng minh lâu đời với Nga, nhưng mối quan hệ truyền thống này hiện đứng trước áp lực phải thay đổi, do các thực tế địa-chính trị đang biến đổi mau chóng.

Trong lúc New Delhi và Matxcơva, về mặt chính thức, vẫn tuyên bố hợp tác chặt chẽ, nhưng những khác biệt giữa đôi bên « đang liên tục xuất hiện với một nhịp độ đáng ngại ».

Quan hệ phai nhạt ?

Vấn đề hàng đầu với Ấn Độ là Nga ngày càng có xu hướng xích lại gần với Pakistan, quốc gia láng giềng và cũng là đối thủ của New Delhi. Trong quá khứ, Matxcơva thường xuyên hậu thuẫn Ấn Độ tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với việc bỏ phiếu phủ quyết các nghị quyết liên quan đến vấn đề Kashmir, vùng lãnh thổ là đối tượng tranh chấp ngay từ khi Ấn Độ và Pakistan lập quốc năm 1947.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, khu vực Nam Á ngày càng trở thành đối tượng ưu tiên của Nga, trong bối cảnh Matxcơva bị cô lập do các trừng phạt phương Tây, kể từ năm 2014. Lần đầu tiên Nga ủng hộ một đường ranh giới tại Kashmir, với việc tham gia vào Tuyên bố chung Islamabad, trong một hội nghị quốc tế diễn ra tại thủ đô Pakistan tháng 12/2017, với sự tham gia của 5 quốc gia khác, là Afghanistan, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.

Tuyên bố chung nhấn mạnh là « để bảo đảm hòa bình và ổn định trên thế giới và trong khu vực, vấn đề Jammu và Kashmir cần phải được Pakistan và Ấn Độ giải quyết thể theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An ».

Nga xích gần với Pakistan và Trung Quốc

Bên cạnh vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Pakistan là vấn đề Trung Quốc. Trong chuyến công du New Delhi tháng 12/2018, ngoại trưởng Nga Sergueil Lavrov công khai hối thúc Ấn Độ tham gia vào sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.

Về lập trường đối kháng của New Delhi đối với hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (một bộ phận chính của dự án Con Đường Tơ Lụa Mới tại Nam Á), do các vấn đề chủ quyền, ngoại trưởng Nga nhấn mạnh với Ấn Độ là không nên để toàn bộ các cơ hội hợp tác còn lại trong dự án này phụ thuộc vào việc giải quyết một số « bất đồng về chính trị ».

Một vấn đề quan trọng khác mà ngoại trưởng Nga tỏ ra bất bình với New Delhi là việc Ấn Độ tham gia vào « Bộ Tứ » Ấn Độ - Thái Bình Dương, do Hoa Kỳ đứng đầu, mà Ấn Độ tham gia cùng với Nhật Bản và Úc. Theo ông Lavrov, không thể để cho « kiến trúc an ninh khu vực lâu dài tại vùng châu Á – Thái Bình Dương » bị phụ thuộc vào quyết định của một khối như vậy.

Tóm lại, theo chuyên gia Harsh Pant, những thay đổi mang tính nền tảng của môi trường chính trị quốc tế đang ngày càng khiến Ấn Độ và Nga, hai quốc gia vốn gắn bó lâu đời, xa nhau hơn.

Đổi mới quan hệ tay ba với Nga và Trung Quốc là một vấn đề chủ yếu trong chính sách quốc tế hiện nay của Ấn Độ. Tại vùng Ấn Độ Dương, New Delhi đang đứng trước tình trạng bị Trung Quốc lấn sâu vào các khu vực ảnh hưởng truyền thống. Tại Nam Á, Bắc Kinh siết chặt quan hệ với Pakistan và đe dọa vùng biên giới phía tây bắc của Ấn Độ. Trong các chuyển động về ngoại giao đang diễn ra, trong lúc Nga có thể tìm kiếm các hợp tác với Trung Quốc trong thế đối đầu với phương Tây, nhưng đây lại hoàn toàn không phải là hướng đi của New Delhi, vốn vẫn coi phương Tây là đồng minh.

Tóm lại, theo chuyên gia Harsh Pant, đây là thời điểm mà New Delhi cần xem xét lại quan hệ truyền thống lâu đời với Matxcơva, vốn chủ yếu dựa trên hợp tác quốc phòng, trong khi đó mặt kinh tế lại bị coi nhẹ. Giờ là lúc Ấn Độ và Nga cần có « các đối thoại thẳng thắn » về thực trạng quan hệ song phương. Nếu chỉ dựa trên các tình cảm vốn có, New Delhi và Matxcơva sẽ không thể đối mặt được với « các thách thức mới » của đời sống chính trị thế giới đang trong giai đoạn thay đổi sâu sắc.

Ngả về Mỹ, không bỏ Nga : Cái khó của Ấn Độ

Trong lĩnh vực quốc phòng, một vấn đề nhức đầu đối với New Delhi hiện nay là làm sao chuyển hướng sang mua thêm nhiều vũ khí của Mỹ, nhưng vẫn duy trì quan hệ bạn hàng quân sự với Nga, bởi Matxcơva không chỉ là nguồn cung cấp vũ khí có chất lượng, mà còn là đồng minh lâu năm.

Sau khi chính quyền Mỹ thông qua luật CAATSA (luật nhắm Chống lại những đối thủ của Hoa Kỳ thông qua các biện pháp trừng phạt), hồi tháng 7/2017, để trả đũa lại việc Matxcơva can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ, các đối tác tham gia các hợp đồng mua bán vũ khí « quy mô lớn » với Nga sẽ bị trừng phạt. Hợp đồng 5 hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 – trị giá khoảng 4,5 tỉ đô la - mà New Delhi đang tìm cách ký kết với Nga chắc chắn là đối tượng của trừng phạt này.

Báo Ấn Độ bình luận « ám ảnh trừng phạt Mỹ đè nặng lên cuộc hội kiến không chính thức của thủ tướng Narendra Modi và tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai này tại Sotchi » (2). Trong một thông điệp trên Twitter cuối tuần trước, thủ tướng Ấn cho biết ông « tin tưởng là cuộc đối thoại với tổng thống Putin cho phép củng cố quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt » với Nga, đồng thời khẳng định quyết tâm hóa giải các trở ngại từ Hoa Kỳ.

Vận động trong chính giới Hoa Kỳ

Về mặt chính thức, Washington tỏ ra cứng rắn trong việc áp dụng luật CAATSA - trừng phạt các bạn hàng vũ khí của Nga, tuy nhiên, trong chính giới Mỹ - Ấn, đang có nhiều vận động để giúp cho New Delhi được hưởng quy chế miễn trừ.

Theo ông Mukesh Aghi, chủ tịch Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ-Ấn (USISPF), cần ghi nhận xu thế Ấn Độ ngả sang mua nhiều vũ khí của Mỹ là điều nổi rõ (3).

Một báo cáo của Ủy Ban Quân Lực Quốc Hội Mỹ mới đây cho biết, trong ba năm vừa qua New Delhi ký kết 13 hợp đồng vũ khí với các doanh nghiệp Mỹ, trị giá tổng cộng 4,3 tỉ đô la, trong lúc chỉ có 12 hợp đồng với Nga, trị giá 1,2 tỉ. Tình hình này là khác hẳn so với cách nay một thập niên Ấn Độ gần như không hề mua vũ khí Mỹ.

Chủ tịch Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ-Ấn cảnh báo là, nếu Hoa Kỳ cứ khăng khăng áp dụng các trừng phạt đối với Ấn Độ, thì chẳng khác nào gậy ông đập lưng ông, vì New Delhi sẽ phải « chịu các áp lực chính trị rất lớn », đến mức sẽ không có hợp đồng mua vũ khí lớn nào với Mỹ nữa (cụ thể là các hợp đồng mua chiến đấu cơ F-16 của Lockheed Martin hay F-18 của Boeing). Chưa kể đến việc quan hệ song phương Mỹ-Ấn sẽ bị tổn thất nặng nề.

Trước nguy cơ này, bộ Quốc Phòng Mỹ phải lên tuyến đầu. Hôm 27/04, trước Thượng Viện Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ khẩn cấp ra một luật mới, để sửa đổi luật CAATSA trừng phạt các bạn hàng của Nga.

Theo lãnh đạo quốc phòng Mỹ, Quốc Hội cần dành cho lãnh đạo ngoại giao quyền hạn ra quyết định miễn trừ đối với từng trường hợp một. Cụ thể là với Ấn Độ - vốn được coi là « đối tác quốc phòng lớn » của Mỹ, hay Việt Nam, cũng như các quốc gia nào, tuy vẫn là bạn hàng vũ khí của Nga, nhưng đang tìm cách dần dần chuyển hướng.

Vẫn theo báo Ấn Times of India, mới đây các giới chức cấp bộ Ấn – Mỹ đã có nhiều tiếp xúc về chủ đề này, Washington bảo đảm với New Delhi là các trừng phạt sẽ chỉ nhắm vào Nga chứ không vào Ấn Độ.

****

(1) Trong bài « Modi goes to Sotchi », đăng tải trên trang mạng của Observer Researcher Foundation, ngày 18/05/2018.

(2) Times of India, ngày 17/05/2018.

(3) Bài « Why Punishing India on Russia Would Be a Mistake for the United States », trên The Diplomat, ngày 17/05/2018.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.