Vào nội dung chính
MỸ TRUNG - THƯƠNG MẠI

Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận tăng hàng Mỹ bán sang Trung Quốc

Căng thẳng thương mại kéo dài từ nhiều tháng nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh kinh tế, vừa bước qua một khúc quanh mới. Trong một thông cáo chung được công bố hôm qua, 19/05/2018, Washington và Bắc Kinh khẳng định nhất trí hướng đến mục tiêu « giảm đáng kể » tình trạng nhập siêu của Mỹ trong thương mại song phương, với khoảng 330 tỉ đô la một năm hiện nay.

Ảnh minh họa : Một cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh ngày 24/04/2018.
Ảnh minh họa : Một cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh ngày 24/04/2018. REUTERS/Aly Song
Quảng cáo

Trong thông cáo nói trên, hai bên không đưa ra một con số cụ thể, nhưng cam kết sẽ có « các biện pháp hiệu quả » đặc biệt làm gia tăng hàng nhập khẩu từ Mỹ trong hai lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng. Đổi lại, Hoa Kỳ cũng không đả động gì đến việc áp dụng các biện pháp tăng thuế với 50 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, dự kiến sẽ có hiệu lực từ thứ Ba tuần tới.

Thỏa thuận nói trên đạt được sau nhiều tuần thương lượng Mỹ-Trung, đặc biệt là cuộc đàm phán trong tuần vừa qua giữa phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, với bộ trưởng Thương Mại Mỹ Steven Mnuchin, tại Washington. Sau khi thỏa thuận được công bố, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh và Washington cam kết sẽ không tham gia vào các cuộc « chiến thương mại », tăng thuế qua lại để trả đũa nhau.

Theo thông tín viên Grégoire Pourtier từ New York, chính quyền Donald Trump có thể tuyên bố đã giành thắng lợi bước đầu :

« Các trừng phạt thương mại chống lại Trung Quốc, mà Hoa Kỳ thông báo cách nay hai tháng, sẽ phải được đúc kết trong tuần tới, thế nhưng tình thế hiện nay đã thay đổi. Thay vì xu thế leo thang căng thẳng rất đáng lo ngại, hai quốc gia đã đạt được một thỏa thuận nhằm giảm ‘‘một cách đáng kể’’ thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.

Có phải con số cắt giảm sẽ là 200 tỉ đô la một năm ? Điều mà chính quyền Trump đòi hỏi từ thứ Sáu vừa qua bị các kinh tế gia cho là phi thực tế. Thông cáo chỉ cho biết là các đàm phán sẽ tiếp tục. Cũng cùng một viễn cảnh đầy bất trắc trong lĩnh vực thuế nhập khẩu, mà hai bên vừa đồng loạt tuyên bố tăng thuế đối với nhiều mặt hàng của nhau trong bối cảnh lời qua tiếng lại gay gắt.

Thêm vào đó, xung đột xung quanh vấn đề tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE - bị trừng phạt do vi phạm lệnh cấm vận Iran, mà tổng thống Trump cho biết sẽ bỏ qua với một loạt thông điệp trên Twitter - lại không được nhắc đến trong thông cáo này.

Tuy nhiên, bất luận thế nào cũng sẽ có nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ được bán tại Trung Quốc trong những năm tới, với mục tiêu ‘‘thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại Mỹ », và cũng để giúp cho Trung Quốc có thể thỏa mãn được ‘‘các nhu cầu tiêu thụ gia tăng’’.

Như vậy là, trong khi chờ đợi những chi tiết cụ thể, chính quyền Trump đã có thể tuyên bố giành chiến thắng trong vấn đề cân bằng cán cân thương mại, cũng như tán dương lối đàm phán rất hung bạo của mình ».

Bộ trưởng Pháp cảnh báo Mỹ-Trung thỏa thuận « trên lưng châu Âu »

Về phía nước Pháp, sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận không gây chiến tranh thương mại song phương, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cảnh báo có rất nhiều khả năng thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh sẽ gây thiệt hại nhiều cho Liên Hiệp Châu Âu, nếu các nước châu Âu « không tỏ thái độ cứng rắn ».

Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Mỹ đang muốn buộc các đồng minh châu Âu phải trả giá cho « các hành xử xấu » của Bắc Kinh, và đây là điều « hoàn toàn sai lầm » và « không thể hiểu được ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.