Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Giải Charlemagne cho Macron thúc đẩy trục Pháp-Đức ?

Đăng ngày:

« Giải Charlemagne » - vinh danh những người đóng góp lớn cho châu Âu thống nhất - được trao cho tổng thống Pháp, trong bối cảnh dự án tái xây dựng châu Âu ngổn ngang bất trắc. Liên Hiệp Châu Âu khởi sự cuộc tham khảo ý kiến công dân rộng lớn chưa từng có, một năm trước cuộc bầu cử Nghị Viện đầy thách thức. Tiến trình hòa bình tại Miến Điện bế tắc một phần do nữ giới bị kỳ thị. Bầu cử địa phương lần đầu tiên tại nước Tunisia dân chủ, một nữ chính trị gia đảng Hồi Giáo có thể trở thành đô trưởng. Trên đây là các chủ đề của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Tổng thống Pháp Macron (T) và thủ tướng Đức Merkel tại lễ trao giải Charlemagne, Aechen, 10/05/2018.
Tổng thống Pháp Macron (T) và thủ tướng Đức Merkel tại lễ trao giải Charlemagne, Aechen, 10/05/2018. REUTERS/Wolfgang Rattay
Quảng cáo

Ngày 10/05/2018 vừa qua, tại thành phố Aechen (Aix-La-Chapelle theo tiếng Pháp), tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận giải thưởng mang tên hoàng đế Charlemagne (1), được coi là giải thưởng có uy tín và lâu đời nhất vinh danh những người có công lớn vì thống nhất châu Âu.

Giải thưởng Charlemagne vì thống nhất châu Âu năm nay được trao cho Emmanuel Macron trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump vừa xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, đặt châu Âu trước thử thách chưa từng có. Khủng hoảng hạt nhân Iran, nếu không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến chiến tranh bùng phát tại Trung Đông. Về phần mình, nội bộ châu Âu ngổn ngang chia rẽ trước bước ngoặt bầu cử 2019, trong lúc đồng minh ruột Hoa Kỳ đang ngày càng tỏ ra bất trắc, khó lường.

"Một cơ may" với châu Âu

Đối với một bộ phận chính giới Đức, Emmanuel Macron hơn ai hết là người có khả năng mang lại một động lực mới cho châu Âu – « một cơ may với châu Âu » như lời chính trị gia kỳ cựu Wolfgang Schäuble (2) - cùng với nước Đức, quốc gia vốn được coi là nơi mà tình cảm vì châu Âu đã bắt rễ trong đời sống xã hội.

Đặc phái viên Julien Chavanne tường trình từ Aechen về buổi trao giải, vừa diễn ra :

« Emmanuel Macron vừa rời khỏi phòng trao giải thưởng của tòa thị chính thành phố Aechen, với chiếc huy chương Charlemagne trên cổ. Hơn mười lãnh đạo châu Âu tham dự lễ trao tặng tổng thống Pháp giải thưởng do các nỗ lực vì châu Âu. Chính thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận điều này trong bài diễn văn ca ngợi :

‘‘Trước hết, Emmanuel Macron là người hiểu rằng điều gì giúp cho châu Âu đoàn kết lại. Điều thứ hai là Emmanuel Macron có những hình dung chính xác về việc châu Âu cần phải tiến về đâu và vào thời điểm nào. Điều thứ ba là Emmanuel Macron mang lại sự nhiệt huyết vì châu Âu và chính nhiệt huyết này thôi thúc những ai muốn dấn thân vì châu Âu !’’.

Tuy nhiên, chặng đường còn xa. Thủ tướng Merkel không phủ nhận giữa hai bên còn nhiều khác biệt về quan điểm, nhưng đồng thời bà hứa hẹn sẽ cố gắng.

Tổng thống Macron đáp lại với lời kêu gọi Paris – Berlin siết chặt đoàn kết : ‘‘Cả hai bên, chúng ta đều biết rằng cần phải vượt qua các toan tính co cụm lại, những thôi thúc có thể đưa chúng ta đến với những hậu quả tồi tệ nhất, để cùng nhau ghi nhận một điều :Tình đoàn kết Pháp – Đức là điều kiện cho sự thống nhất của châu Âu, điều duy nhất mang lại cho chúng ta khả năng hành động’’.

Một châu Âu mạnh, một châu Âu có chủ quyền phải có một ngân sách ‘‘riêng’’. Tổng thống Macron một lần nữa bảo vệ dự án của ông, trong lúc ý tưởng này đã bị một bộ phận chính phủ Đức gạt bỏ. Mặt khác, tổng thống Pháp cũng phê phán ‘‘sự gắn bó thái quá’’ của người Đức với chuyện thâm hụt ngân sách.

Các bế tắc trong vấn đề này là điều mọi người đã biết. Hiện tại, thủ tướng Merkel và tổng thống Macron thỏa thuận sẽ cùng nhau nỗ lực để có thể tìm được một giải pháp, từ nay đến cuối tháng 6 ».

Giải thưởng Charlemagne liệu có thúc đẩy tình đoàn kết Pháp – Đức, trụ cột của ngôi nhà châu Âu ?

Macron sôi nổi - Merkel giữ khoảng cách

Nhiều người tin tưởng rằng có. Thế nhưng, cũng chính trong lễ trao giải này, đằng sau không khí lễ hội, truyền thông ghi nhận một tương phản lớn trong thái độ với châu Âu giữa hai lãnh đạo Pháp- Đức. Một bên là tổng thống Emmanuel Macron sôi sục, với những lời lẽ cứng rắn hiếm thấy, hối thúc Berlin thay đổi chính sách, bên kia là thủ tướng Angela Merkel, với những lời lẽ đầy khoảng cách, với bình luận là « có nhiều cách đề cập về châu Âu khác nhau », « nhiều văn hóa chính trị khác nhau tại châu Âu ».

Tạp chí Đức Spiegel nhận xét : thật khó hiểu tại sao thủ tướng Merkel lại tỏ ra lưỡng lự, trong lúc có đến 82% người Đức ủng hộ các sáng kiến châu Âu của Macron, 58% mong muốn bà Merkel hưởng ứng tổng thống Pháp đầy nhiệt huyết, theo một thăm dò dư luận của kênh truyền hình công của Đức ARD. Liên minh cầm quyền của thủ tướng Đức đang ở trong tình thế mong manh có thể là một giải thích cho thái độ của nói trên của bà Merkel.

« Hội nghị Diên Hồng » đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu

Một diễn biến quan trọng khác với châu Âu. Thứ Bảy tuần trước, 05/05/2018, một trăm công dân châu Âu, được mời đến Bruxelles. Buổi thảo luận nói trên được coi là mở đầu cho đợt « tham vấn công dân » rộng lớn chưa từng có về các vấn đề có ý nghĩa quyết định với tương lai của Liên Âu.

Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :

« Họ đến từ các vùng rất khác nhau và đôi khi từ những nơi xa xôi nhất của Liên Hiệp Châu Âu, không phải để nghe một hội thảo hay gặp gỡ các lãnh đạo của các định chế châu Âu. Họ đến đây để tranh luận với nhau. Mục tiêu của họ là đối chọi các ý tưởng. Như ông David Legendre, đến từ thành phố Rouen nước Pháp. Ông có nhiều đề xuất, trong đó có việc cần hành động hiệu quả hơn cho môi trường. Theo công dân Pháp từ Rouen, sinh thái, môi trường là vấn đề trung tâm hiện nay.

Hiếm có các lo ngại nào không nhận được sự hưởng hứng. Nhiều người cổ vũ cho việc xử lý rác thải hiệu quả hơn, hay chống lại việc lãng phí thực phẩm, giống như công dân Luxembourg Paul Weins, nêu ví dụ về thời hạn bắt buộc phải hủy sữa chua. Theo ông, quy định này là rất bất hợp lý, gây lãng phí, bởi thực tế là chính bản thân ông thấy các hộp sữa chua quá hạn đến một tháng, ăn vẫn ngon.

Nhiều người khác lo ngại về khả năng hội nhập văn hóa của dân nhập cư, về bình đẳng nam nữ về lương bổng, về các quy định hành chính quá nặng nề. Các vấn đề được nêu ra thường tương đồng và vượt qua ranh giới lãnh thổ. Chủ nhật này, các công dân châu Âu tới Bruxelles cùng nhau tập hợp những quan tâm của mình, để thảo ra 12 câu hỏi, sẽ chính thức được đặt ra tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu lần tới ».

Một cuộc tập hợp của Phong Trào Châu Âu ở Pháp.
Một cuộc tập hợp của Phong Trào Châu Âu ở Pháp. Ảnh chụp màn hình : Mouvement Européen – France.

Cuộc tham vấn được tiến hành theo sáng kiến của tổng thống Pháp được 26 quốc gia châu Âu tham dự (3). Tạo cơ hội cho người dân lên tiếng để thúc đẩy dự án châu Âu là hy vọng của tổng thống Emmanuel Macron. Đợt tham vấn dự kiến kéo dài đến tháng 10 năm nay, để chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh châu Âu tại Sibiu (Rumani), ít tuần trước bầu cử Nghị Viện.

Động viên đông đảo người dân tham gia vào đời sống chính trị là điều mang ý nghĩa sống còn với Liên Hiệp Châu Âu trong thời gian tới, trong bối cảnh các phong trào cực hữu, dân túy, bài châu Âu nổi lên ở khắp nơi. Trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu hồi 2014, trong số 28 quốc gia của Liên Hiệp, chỉ có 8 nước có hơn 50% cử tri đi bỏ phiếu. Tại Slovakia và Cộng Hòa Séc, tỉ lệ vắng mặt lên tới 80%.

Sáng kiến tham khảo ý kiến công dân về châu Âu được các tổ chức ủng hộ châu Âu hoan nghênh, nhưng nhiều người lo ngại là các thông tin này không đến được với công chúng rộng rãi, nếu chính quyền không ra tay để các thảo luận về dự án xây dựng châu Âu được quảng bá mạnh mẽ qua truyền thông.

Miến Điện : Vì sao phụ nữ rất ít có cơ hội tham gia chính trị ?

Trong lúc một bộ phận khá đông đảo cử tri châu Âu thờ ơ với đời sống chính trị ở cấp châu lục, thì tại quốc gia Đông Nam Á Miến Điện, một bộ phận cử tri bị gạt ra bên lề của tiến trình chính trị nói chung, và tiến trình tìm kiếm hòa bình nói riêng. Đối tượng bị kỳ thị là phụ nữ. Thông tín viên Elisa Hunt từ Rangoon tìm cách giải thích lý do :

« Phyu Phyu Lin tham gia vào Liên minh cổ vũ cho việc phụ nữ tham gia nhiều hơn vào tiến trình hòa bình, gọi tắt là AGIPP. Sau hội nghị quốc gia lớn gần đây nhất, hồi tháng 5/2017, hiệp hội nói trên đưa ra con số : chỉ có 17% phụ nữ tại hội nghị này.

Một số người, có mặt để trợ giúp một số nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số, kể lại… nhiều thủ lĩnh quân sự đã thán phục khả năng của họ, và coi họ như những người cùng giới, chứ không phải phụ nữ bình thường.

Theo UNESCO, tại Miến Điện, 80% người học thạc sĩ hay làm luận án tiến sĩ là phụ nữ. Tuy nhiên, cho dù tỉ lệ cao như vậy, vẫn khó thay đổi các tập quán xã hội. Theo một thành viên khác của hiệp hội AGIPP, thuộc sắc tộc Môn, nếu chỉ nghe những phát biểu tại bộ Công Tác Xã Hội thì có thể lạc quan. Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ và họ không có ảnh hưởng đối với chính quyền… Nhìn chung để có được vị trí, cần phải liên tục đấu tranh.

Nữ sinh viên biểu tình chống nội chiến tại bang Kachin, Rangoon, ngày 06/05/2018.
Nữ sinh viên biểu tình chống nội chiến tại bang Kachin, Rangoon, ngày 06/05/2018. REUTERS/Ann Wang

Xã hội dân sự Miến Điện đã nhiều lần đòi hỏi phải có 30% phụ nữ tham gia vào tiến trình hoà bình. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp nhận. Phụ nữ được tham gia nhiều hơn vốn là cam kết tranh cử của bà Aung San Suu Kyi. Trên thực tế, Quốc Hội Miến Điện chỉ có 10% là nữ dân biểu, trong đó đa số thuộc về đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Suu Kyi.

Theo một đại diện của Liên Đoàn Phụ Nữ Miến Điện, đề cập đến vấn đề phụ nữ tại Miến Điện là một câu chuyện nhạy cảm, do tập quán văn hóa. Nêu ra vấn đề giới tính, đôi khi ta có thể gặp nguy hiểm, bị đe dọa trên Facebook hoặc qua điện thoại. Bởi tại Miến Điện, quân đội hay các nhóm dân tộc chủ nghĩa tuyên truyền ở quy mô rất lớn : Họ khẳng định an ninh quốc gia là quan trọng hơn nhân quyền.

Hiến pháp Miến Điện năm 2008 khẳng định các công dân bình đẳng. Tuy nhiên, cũng trong bản Hiến pháp này, các nhà bảo vệ nhân quyền lên án một đoạn văn khác, quy định… một số chức vụ chỉ dành riêng cho nam giới. Và cho dù đã phê chuẩn Công Ước Quốc Tế Loại Trừ Mọi Hình Thức Kỳ Thị với Phụ Nữ (CEDEF / CEDAW), Miến Điện trên thực tế chưa bao giờ thực thi các khuyến nghị của công ước ».

Miến Điện đang rất khó khăn trên con đường chuyển hóa dân chủ, cho dù từ hai năm nay chính quyền về danh nghĩa do một chính phủ dân sự điều hành. Theo nhiều nhà quan sát, giới quân sự hùng mạnh và các truyền thống văn hóa, tôn giáo cực đoan, bảo thủ là các thế lực cản trở chính đối với các thay đổi tại Miến Điện.

Lần đầu tiên Tunisia có thể có đô trưởng là một nữ chính trị gia Hồi Giáo

Nhìn sang đất nước Tunisia, ở Bắc Phi, quê hương của cuộc cách mạng Hoa Lài, ngày Chủ Nhật 06/05, lần đầu tiên bầu cử địa phương được tổ chức, kể từ cách mạng 2011. Sự trỗi dậy của các ứng cử viên độc lập là điểm nổi bật được giới quan sát ghi nhận, với 33% số ghế dân biểu tổng cộng. Hai đảng lớn – thuộc liên minh cầm quyền chỉ nhận được 29% phiếu (đảng Hồi Giáo Ennahdha) và 22% (đảng Nidaa Tounes).

« Ứng cử viên độc lập » gây nhiều chú ý là bà Souad Abderrahim, có khả năng trở thành đô trưởng Tunis. Cựu dân biểu Souad Abderrahim là một dược sĩ và nhà tranh đấu kỳ cựu chống chế độ độc tài Ben Ali, trong hàng ngũ đảng Hồi Giáo Ennahdha.

Nữ chính trị gia Tunisia Souad Abderrahim, có khả năng trở thành đô trưởng Tunis.
Nữ chính trị gia Tunisia Souad Abderrahim, có khả năng trở thành đô trưởng Tunis. Ảnh : Wikipedia

Thắng lợi của các ứng viên độc lập có thể mang đến cho đời sống chính trị Tunisia – đang trong tiến trình xây dựng dân chủ - một hơi thở mới, thông tín viên Perrine Massy từ Tunis cho biết cụ thể :

« Đây là một hiện tượng khó phân tích, trước hết bởi vì các ứng viên độc lập không tạo thành một khối thống nhất. Tiếp theo đó là bởi vì trên thực tế, một số ứng viên chỉ độc lập về mặt danh nghĩa. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa họ, đó là tất cả đều phục vụ cho một mục tiêu chung : trừng phạt các đảng cầm quyền, theo bà Nessryne Jelalia, giám đốc Al Bawsala, một tổ chức phi chính phủ chuyên quan sát đời sống chính trị Tunisia.

Mọi người đều biết là một số ứng cử viên được gọi là độc lập lại có quan hệ gần gũi, hoặc với đảng Nidaa Tounes, hoặc với đảng Ennahda (như trường hợp bà Souad Abderrahim). Tuy nhiên, trong mọi trường hợp họ đã quyết định không dành sự ủng hộ công khai cho các đảng lớn.

Nhưng cũng cần chú ý là, việc bỏ phiếu ủng hộ các ứng cử viên độc lập không chỉ là một hành động bất đắc dĩ. Tại một số địa phương, các danh sách ứng viên thực sự độc lập, chủ trương các dự án mang tính liên hiệp, đã huy động được ủng hộ của đông đảo cử tri.

Ví dụ như tại Ariana, gần Tunis, danh sách do giáo sư luật Fadhel Moussa đã nhận được sự ủng hộ của đa số, giành được 15 ghế, tức là hơn cả số ghế dân biểu của hai đảng cầm quyền cộng lại. Tại một số đơn vị bầu cử, hai đảng cầm quyền đã không thể áp đặt được chiến lược liên minh lưỡng đảng quen thuộc.

Đóng góp của các ứng cử viên độc lập nói trên có thể sẽ cho phép nâng cấp đời sống chính trị, theo nhận định của giám đốc tổ chức NGO chuyên quan sát đời sống chính trị Tunisia ».

Hồi Giáo có thể thế tục hóa. Một đảng chính trị Hồi Giáo có thể tham gia tiến trình dân chủ hóa là những bài học từ nước Tunisia, quê hương của Cách mạng Hoa Lài.

----

(1) Hoàng đế Charlemagne (thế kỉ thứ IX) đứng đầu đế chế châu Âu rộng lớn bao gồm phần lớn nước Pháp, nước Đức, miền bắc nước Ý và nhiều nước Trung và Đông Âu hiện nay. Aechen (Aix-La-Chapelle) từng được coi là thủ đô trí thức của châu Âu, một « thành Athens mới ».

(2) Chủ tịch Quốc Hội Đức Wolfgang Schäuble trả lời phỏng vấn báo Pháp JDD, 28/04/2018.

(3) Không kể Anh Quốc đang trong quá trình đàm phán chia tay với Liên Âu, và Hungary nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Victor Orban theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.