Vào nội dung chính
MALAYSIA - DÂN CHỦ

Chiến thắng ngoạn mục của tân-cựu thủ tướng 92 tuổi Malaysia

Liên quan đến châu Á, phóng sự của đặc phái viên Libération ở Kualar Lumpur với tựa đề « Đó là vụ chiếm ngục Bastille của chúng tôi » cho biết, mặc cho các thủ đoạn của chính quyền Malaysia, phe đối lập đứng đầu là cựu thủ tướng 92 tuổi vẫn giành được chiến thắng lịch sử. Đối với Le Figaro, đây là « Sự báo thù của ông Mahathir ».

Tân thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo tại Kuala Lumpur ngày 11/05/2018.
Tân thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo tại Kuala Lumpur ngày 11/05/2018. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Chưa bao giờ Malaysia thức khuya đến thế : vào ba giờ sáng hôm qua, thủ lãnh đối lập Mahathir Mohamad đã thương lượng xong để lập liên minh, và trở thành người đứng đầu chính phủ lớn tuổi nhất thế giới. Lần đầu tiên kể từ khi thực dân Anh rút đi năm 1957, người dân Malaysia khi thức giấc đã có được chính phủ mới. Liên minh Barisan Nasional (BN) làm mọi cách để không lực lượng nào có thể tranh giành quyền lực, nhưng kết quả là liên minh đối lập lần này đã đại thắng.

Thời điểm bầu cử được giữ bí mật, rồi được ấn định vào giữa tuần, và chiến dịch vận động được giới hạn trong 10 ngày để hạn chế số người đi bầu. Nhưng người dân đã chạy đua với thời gian, vận dụng mọi phương tiện đường hàng không, đường bộ để đi bầu. Việc bỏ phiếu tại các đại sứ quán bị hủy, 2,7 triệu kiều dân Malaysia không thể gởi phiếu bầu đúng hạn, nhưng một mạng lưới tình nguyện đã hình thành trên Facebook để giúp họ.

Những thủ đoạn gian lận bất thành

Tại các phòng phiếu, những nhân viên Nhà nước tìm mọi cách câu giờ, từ chối cho bỏ phiếu vì những lý do không giống ai như mặc quần short chẳng hạn…Do cuộc bầu cử 2013 hay xảy ra trò cúp điện lúc kiểm phiếu, lần này các quan sát viên bèn thủ thêm đèn pin để tránh gian lận.

Cảm thấy gió đổi chiều, đảng cầm quyền bèn tung tiền công quỹ để mua phiếu : tặng dầu ăn, gạo hay thậm chí ngay buổi sáng đi bầu còn trao tận tay số tiền tương đương 80 euro cho một số nông dân. Một phụ nữ cho biết : « Trước đây người dân vùng sâu vùng xa thậm chí không biết Malaysia có nhiều chính đảng. Giờ đây với internet, tất cả đã thay đổi, vợ của thủ tướng Najib mua kim cương thì mọi người đều biết ». Làn sóng dân chủ đã chiến thắng.

Một trong những lý do dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Najib là hồi năm 2015 một tờ báo Anh tiết lộ vụ tham nhũng khổng lồ : biển thủ gần 4 tỉ euro từ quỹ đầu tư 1MDB, trong đó ông Najib bỏ túi 640 triệu euro. Dù báo chí bị kiểm duyệt, công tố viên bị sa thải, rốt cuộc dân chúng đều hay biết. Họ càng bất bình khi số tiền này được dùng để mua tranh Monet, tài trợ cho phim Chó sói Wall Street, mua du thuyền hạng sang…Nhất là vụ bê bối này được tung ra vào lúc thuế VAT tăng, giá dầu sụt giảm, tài nguyên bị vơ vét làm yếu đi nền kinh tế, giảm sức mua của người dân.

Theo Le Figaro, chiến thắng của đối lập sẽ thúc đẩy trở lại cuộc điều tra về vụ tham nhũng cũng như quan hệ với Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Tuy là người ủng hộ phong trào không liên kết chống Mỹ, nhưng ông Mahathir từng chỉ trích khi Malaysia trở thành một trong những con cờ chủ chốt của « Con đường tơ lụa mới » : « Najib đã theo đuôi Trung Quốc, họ đổ vào hàng triệu đô la để biến đất nước chúng tôi thành chư hầu ».

Đông Nam Á : Tăng trưởng lên cao, dân chủ giảm xuống

Đó là nhận định của báo Asahi Shimbun, được Les Echos trích dẫn. Tại Malaysia, nếu chính quyền của ông Najib Razak đã từng vận dụng nhiều biện pháp để ngăn trở hoạt động của đảng đối lập chính trước ngày bầu cử 9/5, thì ở Cam Bốt tháng Bảy tới thủ tướng Hun Sen sẽ không có đối thủ nào, vì Tòa án Tối cao đã ra lệnh giải tán đảng đối lập, còn lãnh tụ đảng này bị truy tố vì tội phản quốc.

Tại Philippines, chính phủ Rodrigo Duterte loan báo ý định rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế, định chế đã mở điều tra về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông Duterte. Ở Thái Lan, tập đoàn quân sự lên cầm quyền sau vụ đảo chính cách đây bốn năm, cũng cho dời ngày bầu cử. Theo tờ báo, rõ ràng là phía sau sự phát triển của chủ nghĩa toàn trị ở Đông Nam Á, là sự vắng mặt của Hoa Kỳ và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Thùng thuốc súng Israel-Iran

Về Trung Đông, tình hình căng thẳng giữa Iran và Israel là tâm điểm thời sự trên báo chí Pháp hôm nay. La Croix chạy tựa trang nhất « Israel-Iran, thùng thuốc súng ». Ảnh bìa của Libération là bầu trời đêm với hỏa tiễn rực sáng với dòng tít « Iran-Israel, rồi sẽ đi đến đâu ? ». Tờ báo nhận xét, các vụ tấn công nổ ra bất chợt giữa Nhà nước Do Thái và lực lượng Iran ở Syria khiến cộng đồng quốc tế bị đặt trong tình trạng báo động. Le Monde Le Figaro có cùng nhận định : « Sự leo thang nguy hiểm », « Leo thang chưa từng thấy giữa Israel và Iran ». La Croix trong bài « Mối đe dọa đối đầu » phân tích nguy cơ leo thang xung đột giữa Iran và Israel.

Tố cáo Teheran bắn rốc-kết sang bình nguyên Golan, đêm thứ Tư rạng sáng thứ Năm 10/5, Israel đã trả đũa dữ dội chưa từng thấy. Bộ trưởng Quốc Phòng Israel tuyên bố đã « tấn công tất cả các cơ sở hạ tầng của Iran ở Syria ». Không quân Israel không chỉ oanh kích những địa điểm xuất phát đạn rốc-kết, mà hàng mấy chục căn cứ quân sự khác, các vị trí tình báo, hậu cần, kho vận, trạm quan sát của Iran trên toàn Syria.

Theo một nguồn tin ngoại giao Israel, sự tăng cường quân sự của Teheran tại Syria là « một đe dọa hiển nhiên, vì mong muốn lớn nhất của Iran là Israel biến mất trên bản đồ thế giới », thế nên Tel Aviv rất muốn Teheran phải rút quân khỏi Syria. Tuy không tham gia vào cuộc xung đột Syria, nhưng Nhà nước Do Thái luôn dành cho mình quyền đáp trả, và đợt tấn công quy mô vừa qua là lời cảnh cáo nghiêm khắc.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu đối đầu trực tiếp với Israel, Iran mất nhiều hơn được, và điều này không cần thiết vì Iran đang có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Về phía Israel cũng không có ý định lao vào xung đột vũ trang. Quyết định rút khỏi hiệp ước nguyên tử của tổng thống Mỹ Donald Trump có thể được Israel coi là một hình thức bật đèn xanh để ra tay mạnh hơn, đồng thời nung nấu ý định trả đũa của Iran đối với Israel, vốn đóng vai trò quan trọng trong quyết định này.

Châu Ấu đoàn kết trong hồ sơ nguyên tử Iran

Liên quan đến việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định nguyên tử Iran, trong bài xã luận mang tựa đề « Khẩn cấp đối với châu Âu », La Croix nêu ra lời kêu gọi của tổng thống Pháp « Đừng nên yếu đuối ». Bởi vì các nước châu Âu lâu nay lạc vào những cuộc tranh cãi liên miên, khó thể thống nhất để tạo thành sức mạnh trên trường quốc tế. Tình trạng này có thể đang thay đổi, trước tình thế khẩn trương hiện nay.

Điều ấn tượng là trong hồ sơ Iran, các cường quốc châu Âu đều thống nhất trước Donald Trump, kể cả Anh quốc đang chuẩn bị ra khỏi Liên hiệp, ngược hẳn với trong chiến tranh Irak năm 2003. Hôm qua thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định : « Thời kỳ có thể dựa vào Hoa Kỳ để phòng vệ đã qua rồi. Châu Âu phải tự nắm lấy vận mệnh của mình, đó là thách thức trong tương lai của chúng ta ».

Les Echos ghi nhận, hiệp ước nguyên tử Iran vẫn còn đó nhưng gần như đã chết lâm sàng, nếu nói về lãnh vực đầu tư. Pháp, Anh, Đức đang cố gắng cứu vãn. Tổng thống Iran đã yêu cầu châu Âu trong những tuần tới vẫn bảo đảm tiếp tục để các doanh nghiệp làm ăn với Teheran, đặc biệt về « dầu lửa, quan hệ ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, vận tải ». Điều quan trọng nhất đối với Iran là có thể được tự do bán dầu lửa với nhịp độ hiện nay là 2,7 triệu thùng dầu một ngày, so với 0,9 triệu thùng trước khi có hiệp định.

Donald Trump làm phức tạp thêm hồ sơ Bắc Triều Tiên

Bên cạnh đó, việc Mỹ rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran làm phức tạp thêm hồ sơ Bắc Triều Tiên, theo nhận định của thông tín viên Les Echos tại Bắc Kinh. Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời Obama, ông Antony Blinken đặt câu hỏi : « Làm thế nào Kim Jong Un tin được các cam kết của Donald Trump khi tổng thống Mỹ đã tự ý xé bỏ một hiệp ước mà phía bên kia vẫn tôn trọng ? ».

Đối với cựu giám đốc CIA John Brennan, Trump đã « làm giảm sút hẳn lòng tin của các đồng minh, tăng sức mạnh cho phe diều hâu Iran và giúp Bắc Triều Tiên có thêm lý do để giữ lại các quả bom nguyên tử ». Và như vậy, rất có thể Kim Jong Un sẽ chỉ có những nhượng bộ không đáng kể.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.