Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hòa giải Nam - Bắc Triều Tiên : Những cơ hội bị bỏ lỡ và hy vọng

Đăng ngày:

Phải mất đến 11 năm lãnh đạo hai miền Nam – Bắc Triều Tiên mới gặp nhau. Kim Jong Un, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã xúc động phát biểu như vậy trước báo giới trong cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều được tổ chức tại Bàn Môn Điếm, ngày 27/04/2018.

Kim Jong Un: "Phải mất đến 11 năm chúng ta mới gặp nhau". Thượng đỉnh Liên Triều ngày 27/04/2018 tại Bàn Môn Điếm.
Kim Jong Un: "Phải mất đến 11 năm chúng ta mới gặp nhau". Thượng đỉnh Liên Triều ngày 27/04/2018 tại Bàn Môn Điếm. Korea Summit Press Pool/Pool via Reuters
Quảng cáo

Trong quá khứ, nhiều cơ hội hòa giải giữa hai miền đã nhiều lần bị bỏ lỡ. Vậy thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba này có cho phép tăng thêm hy vọng hay không ? Hoa Kỳ và Trung Quốc có thật sự muốn thúc đẩy hòa giải trên bán đảo Triều Tiên hay không ?

Có một điều chắc chắn mà giới chuyên gia cùng đồng tình đó là những hình ảnh mang đầy tính biểu tượng tại cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua đã tạo ra một cảm giác là hai miền Triều Tiên « dường như » đang muốn tự nắm lấy vận mệnh của mình.

Trên đài RFI, bà Juliette Morillot, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, nhà báo, và là sử gia, cho biết quan điểm của mình :

« Điều gây ấn tượng nhất cho tôi và có thể đó chỉ là một điều tầm thường, đó là chúng ta chứng kiến hai nước Triều Tiên, hai anh em thù nghịch, nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến từ anh em hơn là anh em thù nghịch. Có một hình ảnh gây ấn tượng mạnh là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đứng trước bức tranh cảnh núi rừng và ở giữa có miệng núi lửa. Đó là núi Paektu – núi Bạch Đầu, quê hương nguyên thủ của dân tộc Triều Tiên và hình ảnh này có ý nghĩa rằng tất cả đều là người Triều Tiên.

Ở đây, tôi muốn nhắc lại một ngạn ngữ của người Triều Tiên : Khi cá voi đánh nhau, tôm tép bị oằn lưng – (ngạn ngữ Việt : Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết). Ngạn ngữ này tóm tắt lịch sử Triều Tiên và cũng có thể tóm tắt tất cả những gì đang xẩy ra trên bán đảo này. Cá voi, đó là những cường quốc lớn, còn tôm tép thì ai cũng biết, đó là Triều Tiên.

Ở phương Bắc, trước kia là Liên Xô, nay là Trung Quốc. Ở phương Nam là Hoa Kỳ. Cho đến nay, chưa bao giờ người Triều Tiên thực sự làm chủ vận mệnh của mình. Còn hình ảnh miệng núi lửa, đó là biểu tượng của nước Triều Tiên, ở bắc cũng như nam. Và người ta hiểu rằng, tôm tép giờ đây đang nắm lại vận mệnh của bán đảo Triều Tiên. »

Hàn Quốc - Bắc Triều Tiên : Những con tin của Mỹ và Trung Quốc

Có thể nói trong gần 70 năm qua, việc xích lại gần nhau giữa hai miền luôn gặp trắc trở. Lỗi tại ai ? Đương nhiên, tất cả các bên liên quan đều phải gánh chịu phần trách nhiệm, ở các mức độ khác nhau.

Kể từ sau thỏa thuận đình chiến 1953, hai miền Nam-Bắc Triều Tiên luôn trong tình trạng chiến tranh. Bắc Triều Tiên lo ngại bị « ăn sống nuốt tươi », thường xuyên phải « lên gân », dường như chưa có « lá bài chủ chốt » nào để mặc cả việc bảo đảm an ninh cho chế độ, và chỗ dựa duy nhất, không chỉ về kinh tế mà cả về quân sự, là Trung Quốc.

Trong khi đó, các chính phủ cầm quyền ở Hàn Quốc lại có những chính sách khác nhau trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Các hy vọng hòa giải sau hai cuộc gặp thượng đỉnh, tháng 06/2000 và tháng 10/2007, đã nhanh chóng lụi tàn, do chính sách cứng rắn của các chính phủ Hàn Quốc sau đó.

Hậu quả là trong nhiều năm trời, cả hai miền đều lao vào một cuộc thử sức, « nắn gân » nhau : miền Nam tổ chức tập trận rầm rộ, miền Bắc hối hả tiến hành thử hạt nhân, tên lửa.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, Trung Quốc, đồng minh trụ cột của Bắc Triều Tiên, muốn duy trì một nước Bắc Triều Tiên phụ thuộc, tạo vùng đệm ngăn cách với Hàn Quốc, nơi có hơn hai chục ngàn lính Mỹ hiện diện.

Hoa Kỳ, nước bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc, không « mặn mà » với tiến trình hòa giải Liên Triều. Vòng đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, hai nước Triều Tiên), kéo dài trong nhiều năm cũng không thu được kết quả vì cách tiếp cận vấn đề không giúp giải đáp được câu hỏi sống còn đối với Bắc Triều Tiên : Đó là Hoa Kỳ và phương Tây phải bảo đảm an ninh, không tấn công lật đổ chế độ Bình Nhưỡng.

Quan điểm này đã được Kim Jong Un lặp lại trong cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua. Nhà báo Dorian Malovic, chuyên trách mục châu Á nhật báo công giáo La Croix, trên làn sóng RFI giải thích :

« Ông ta dù sao cũng phân biệt rõ cái hay cái dở, điều gì là quan trọng nhất. Sự hiện diện của lính Mỹ có thể không phải là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất. Các cuộc tập trận có quy mô vừa phải thôi trong năm nay. Thực ra, ông ta chỉ quan tâm đến vấn đề cơ bản khi ông ta nói đến các bảo đảm. Như vậy, ông ta đá quả bóng sang bên kia sân và nói rằng tôi sẵn sàng có các nỗ lực, tôi đã thông báo ngừng thử hạt nhân.

Thế còn các vị, các vị có bảo đảm an ninh cho chế độ của tôi hay không ? Bảo đảm an ninh toàn bộ ? Do đó, khi nói phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có nghĩa là bảo đảm an ninh toàn bộ cho bán đảo này. Ngay cả khi vẫn có quân đội Mỹ tại Hàn Quốc thì sự hiện diện này vẫn có thể chấp nhận được và chấp nhận cho đến khi nào, vì sao ? »

Trong quá khứ, Bắc Triều Tiên cũng đã từng đưa ra đề nghị này. Trong một bài viết đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique hồi tháng Giêng năm 2016, bà Martine Bulard có nhắc đến hồi ức của ông Jeong Se-Hyun, cựu bộ trưởng Thống Nhất Hàn Quốc (2002-2004) thuật lại một chi tiết mà ngày nay rất nhiều nhà phân tích bình luận hoặc không biết đến hoặc không muốn nhắc đến, cho rằng Bắc Triều Tiên vào tháng Giêng năm 1992 đã từng muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào lúc mà chương trình trợ giúp của Liên Xô cho nước này bắt đầu giảm dần.

« Kim Nhật Thành đã gởi đại sứ của mình bên cạnh Liên Hiệp Quốc đến gặp bí mật một đặc sứ Hoa Kỳ mang theo một thông điệp : ‘‘Chúng tôi từ bỏ việc yêu cầu rút binh sĩ Mỹ ra khỏi miền nam ; đổi lại ; quý vị phải cam kết là quý vị không gây hấn, đe dọa sự tồn tại của đất nước chúng tôi’’. George Bush cha khi ấy đã có thái độ im lặng trước lời đề nghị. Chính vào lúc đó Kim Nhật Thành mới lao vào thực hiện chính sách hạt nhân, vì tin rằng Washington muốn xóa bỏ Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên khỏi bản đồ thế giới ».

Quan hệ Liên Triều và những lần lỡ hẹn

Sau nhiều năm tháng căng thẳng thậm chí có lúc tưởng chừng như ở bên bờ vực chiến tranh, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã có những biến đổi : dường như Bắc Triều Tiên đã có vũ khí nguyên tử, và tại Hàn Quốc, tổng thống Moon Jae In muốn đối thoại, sưởi ấm quan hệ với miền Bắc và đây chính là bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều lần ba.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, lãnh đạo hai miền cam kết không gây chiến tranh, cùng nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhằm thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn và vững chắc, phi hạt nhân hóa bán đảo… Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên, hai miền nói đến « thống nhất », « hòa giải » hay « hòa bình ».

Ý tưởng này đã từng xuất hiện ngay từ năm 1972 trong một tuyên bố chung. Hàn Quốc, dưới thời chế độ độc tài Park Chung Hee, và Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên bàn đến khả năng « thống nhất ». Thế rồi, tuyên bố này đã bị những đời tổng thống Hàn Quốc sau đó hủy đi.

Nếu như năm 1991, một « thỏa thuận hòa giải, bất tương xâm, trao đổi và hợp tác » được ký kết giữa hai miền, thì phải đợi đến tháng 06/2000, cái bắt tay lịch sử giữa Kim Jong Il và Kim Dae Jung một lần nữa đã làm dấy lên hy vọng « thống nhất ». Trong khoảng thời gian giữa hai thời điểm này, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã quá đặt cược vào triển vọng « chế độ Bình Nhưỡng tự sụp đổ » khi căn cứ vào mô hình hợp nhất Đông-Tây nước Đức.

Thế nhưng, các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng và thái độ cứng nhắc của Hoa Kỳ, cũng như là chính sách mập mờ của Trung Quốc đã làm cho chính sách « Vầng Thái Dương » của tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung lúc bấy giờ cũng chìm nổi theo « giông bão ».

Bình Nhưỡng - Seoul : « Kẻ tám lạng, người nửa cân »

Chuyện gì đến thì phải đến. « Washington châm dầu vào lửa, Bình Nhưỡng phản ứng ». Chế độ họ Kim ra sức phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hoa Kỳ và Hàn Quốc, không những từ chối đàm phán song phương, mà còn gia tăng các cuộc tập trận chung. Nếu Bình Nhưỡng là « quỹ dữ », thì Seoul cũng không hẳn là « thiên thần » hòa bình. Và Hoa Kỳ tăng cường trang bị vũ khí hiện đại cho Hàn Quốc, mà gần đây nhất là hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Sự việc đã khiến Trung Quốc nổi đóa.

Le Monde Diplomatique trích lời ông Moon Chung-In, giáo sư về khoa học chính trị trường đại học Yonsei ở Seoul lưu ý : « Từ năm 2013, mục tiêu chiến lược đã bị thay đổi và Hoa Kỳ đã triển khai nhiều loại vũ khí chiến lược tối tân tại Hàn Quốc như tầu ngầm hạt nhân, oanh tạc cơ B-52 và oanh tạc cơ tàng hình B-2 có khả năng mang tên lửa hạt nhân cũng như là nhiều loại tiêm kích tàng hình F-22 và nhiều tầu khu trục có trang bị tên lửa hành Aegis ».

Ngay sau khi đã củng cố được quyền lực, nắm được « quyền kiểm soát quân đội và kinh tế », Kim Jong Un đã tìm cách cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và muốn hạ nhiệt căng thẳng với Hoa Kỳ. Thế nhưng, các bước đi này của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã bị các vụ thử hạt nhân và tên lửa cản trở.

Giờ đây, trong bầu không khí lạc quan sau thành công thượng đỉnh Liên Triều 27/04 vừa qua, liệu Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên có còn bỏ lỡ cơ hội như trước hay không ? Về điểm này, nhà báo Dorian Malovic tỏ ra tin tưởng vào sự năng động và « nhanh trí » bắt kịp thời thế của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên. Ông nói :

« Trong hồ sơ này, có những kịch bản chưa được đưa ra. Tôi tin tưởng vào khả năng sáng tạo của người Triều Tiên để đưa ra các đề nghị và đó sẽ là những đề nghị gây ngạc nhiên, gây choáng váng bối rối đáng kể nhưng cuối cùng thì Donald Trump chấp nhận gặp Kim Jong Un. Bởi vì bản thân Donald Trump cũng nóng ruột và có thể có những phản ứng bất ngờ.

Theo tôi, Kim Jong Un và Donald Trump là hai nhân vật có lý trí hơn người ta thường nghĩ. Cách thức hành xử của họ có thể không làm mọi người hài lòng, mỗi người một phong cách. Nhưng cái chính là họ làm những gì họ đã nói.

Theo quan điểm của tôi, thượng đỉnh Liên Triều là một thành công và cần phải thành công để có thể dẫn tới thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên vào đầu tháng Sáu. Đó là một thành công. Còn việc phi hạt nhân hóa, các bên đã ghi vào Thông cáo chung của thượng đỉnh Liên Triều những điều cần thiết, để tổng thống Trump không thể nói rằng Bắc Triều Tiên không đưa ra các cam kết như tôi mong đợi và do vậy, tôi không dự thượng đỉnh với Kim Jong Un. Rõ ràng là hai bên đi từng bước nhỏ nhằm bảo đảm duy trì kéo dài các cuộc vận động ngoại giao dồn dập. »

Cuối cùng, bà Juliette Morillot cho rằng những gì xảy ra hôm 27/04 vừa qua đều cho phép người ta đặt nhiều hy vọng hơn cho tương lai quan hệ hai miền. « Con hơn cha là nhà có phúc ». Cùng những nước cờ như cha ông ngày trước nhưng Kim Jong Un lại áp dụng một cách linh hoạt khéo léo và sáng tạo hơn. Về phía Hàn Quốc, tổng thống Moon Jae In tỏ ra sáng suốt và nhạy bén hơn những người tiền nhiệm, nhanh chóng nắm lấy thời cơ khi có thể, như nhận xét của bà Morillot.

« Tôi nghĩ rằng cho đến lúc này, người ta đã nói nhiều đến Bắc Triều Tiên và bây giờ cần phải nói đến tầm quan trọng của nền ngoại giao Hàn Quốc, có vai trò như đầu tàu, lôi kéo toàn bộ các hoạt động khác. Đi ngược thời gian, người ta có thể nói các sáng kiến hòa bình có nguồn gốc từ bài diễn văn đầu năm mới của Kim Jong Un, thế nhưng, chính Moon Jae In lại là người thông báo sẽ có một gặp thượng đỉnh Donald Trump- Kim Jong Un.

Như vậy, hai nước Triều Tiên thực sự có quyết tâm đối thoại với nhau. Ban đầu, có lúc người ta nghĩ rằng Donald Trump bị cô lập trước các sự kiện này và trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc cũng cảm thấy bị gạt ra bên lề. Thế nhưng Kim Jong Un đã thông minh và tinh tế : trước khi có thượng đỉnh Liên Triều, ông ta đã sang Bắc Kinh và gặp Tập Cận Bình. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.