Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - MỸ

Bình Nhưỡng tăng cường thủ thế sau quyết định của Trump về hồ sơ hạt nhân Iran

Ngày 08/05/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015 mà ông chỉ trích mạnh mẽ là « thảm họa », cho dù các bên tham gia ký kết và kể cả Liên Hiệp Quốc đều khẳng định là Iran tôn trọng những cam kết.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Đại Liên (Dalian) tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh do THX công bố ngày 08/05/2018)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Đại Liên (Dalian) tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh do THX công bố ngày 08/05/2018) REUTERS
Quảng cáo

Quyết định đơn phương của Mỹ sẽ gây thêm khó khăn cho cuộc đàm phán sắp tới với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong hồ sơ hạt nhân.

Đa số các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định: Việc xé bỏ hiệp định hạt nhân Iran đã làm tổn hại đến uy tín của Hoa Kỳ trên chính trường, nhất là vào thời điểm sắp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong Un – Donald Trump mà ngày giờ và địa điểm cuộc họp sẽ được thông báo trong vài ngày tới đây.

Tại sao Kim Jong Un lại phải tin tưởng vào những cam kết của tổng thống Trump khi mà kể từ giờ «mọi thỏa thuận đều có thể lật ngược, có hạn định và vũ khí hạt nhân là một vũ khí bảo đảm sự tồn vong », như nhận xét của Vipin Narang, giáo sư Viện Công Nghệ Massachusetts với AFP.

Tuy thừa nhận sự khác biệt giữa hai hồ sơ Iran và Bắc Triều Tiên, một số nhà phân tích nhấn mạnh là quyết định của Donald Trump về Iran sẽ càng củng cố quyết tâm của Bắc Triều Tiên chuẩn bị « kỹ càng » cho cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa.

Theo như giải thích của nhà báo Dorian Malovic, chuyên mục châu Á của nhật báo công giáo La Croix với RFI, Bắc Triều Tiên chưa bao giờ tin tưởng vào Hoa Kỳ. Giữa hai nước luôn ngự trị một bầu không khí nghi kỵ lẫn nhau. Dù vậy, Donald Trump vẫn lao vào giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên và ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo từ Bắc Triều Tiên trở về nước cùng với ba tù nhân Mỹ. Đây là một sự nhượng bộ của Bắc Triều Tiên để tỏ thiện chí.

Ông Dorian Malovic, lưu ý thêm Bắc Triều Tiên không phải là Iran và nhất là Libya mà tân cố vấn an ninh quốc gia John Bolton muốn dùng đến như là một mô hình để giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Để tránh bị « phủi tay » như Iran, hoặc có cùng số phận như Mouhamad Kadhafi ở Libya, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã có những bước đi tìm hậu thuẫn « chống lưng » vững chắc trước khi bước vào đối thoại trực diện với Donald Trump.

«Nếu Kim Jong Un hai lần sang Trung Quốc, đó là vì ông ta muốn có sự bảo đảm, hậu thuẫn của Trung Quốc, để nếu như Bình Nhưỡng và Washington đạt được một thỏa thuận thì văn bản này sẽ được Trung Quốc bảo đảm, đương nhiên là có cả Nga, để Trump không thể xé bỏ được.

Nếu như có một sự lừa gạt nào đó trong tiến trình phi hạt nhân hóa, thì Bắc Triều Tiên có thể nói : chúng tôi đã làm tất cả những gì cần phải làm để bình ổn khu vực, còn Donald Trump đã không tôn trọng lời hứa.

Về phần mình, Donald Trump cũng muốn được hưởng lợi, cho rằng chính các biện pháp trừng phạt và nhờ vào ông ta mà Kim Jong Un đang phải quy phục.

Ngược lại, Kim Jong Un cũng có thể nói rằng hãy nhìn xem, rõ ràng không phải các áp lực của Hoa Kỳ đã giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết hồ sơ hạt nhân. Chính chúng tôi, hiện đang có trong tay vũ khí nguyên tử, đã khởi động tiến trình này. Như vậy, bối cảnh hồ sơ Bắc Triều Tiên khác hẳn bối cảnh vấn đề Iran ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.