Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG - THƯƠNG MẠI

Mỹ-Trung gấp rút đàm phán trước ngày "chiến tranh thương mại"

Ngày 04/05/2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc bước sang ngày đàm phán thứ hai nhằm tránh một cuộc chiến thương mại vì chỉ còn 3 tuần nữa là các biện pháp tăng thuế mang tính trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bắc Kinh giảm 100 tỉ đô la thâm hụt thương mại song phương. Năm 2017, mức thâm hụt này là 375 tỉ đô la.

Bộ trưởng Ngân Khố Steve Mnuchin cùng phái đoàn Mỹ, sang Trung Quốc ngày 02/05/2018 đàm phán giảm mức nhập siêu của Hoa Kỳ
Bộ trưởng Ngân Khố Steve Mnuchin cùng phái đoàn Mỹ, sang Trung Quốc ngày 02/05/2018 đàm phán giảm mức nhập siêu của Hoa Kỳ REUTERS/Lucy Nicholson
Quảng cáo

Trả lời báo giới trước buổi họp kín ngày 04/05 với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin chỉ nói, « chúng tôi đã có những trao đổi rất tốt ». Cả Bắc Kinh và Washington cho đến nay vẫn rất kiệm lời về tiến triển của cuộc đàm phán.

Theo AFP, phái đoàn Mỹ, gồm bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, đến Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc nằm trong vòng đe dọa của Washington sẽ áp thuế từ ngày 22/05 đối với khoảng 50 tỉ đô la hàng hóa nhập vào Hoa Kỳ.

Theo thông tin được Reuters cập nhật từ báo chí Trung Quốc, Bắc Kinh và Washington đã đạt được đồng thuận trên một số điểm tranh chấp thương mại. Trung Quốc đã đề xuất tăng thêm hàng nhập khẩu từ Mỹ và giảm thuế hải quan đối với một số sản phẩm. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng quan trọng trên một số lĩnh vực và cùng muốn giải quyết thông qua đối thoại. Hiện Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về cuộc đàm phán.

Chính sách bảo hộ của tổng thống Mỹ dường như lại đạt được kết quả cụ thể. Theo thống kê được công bố ngày 03/05, lần đầu tiên trong vòng 7 tháng qua, thâm hụt thương mại Mỹ đã giảm trong tháng 03/2018 nhờ lượng hàng xuất khẩu đạt mức kỷ lục, trong đó có cả hàng xuất sang Trung Quốc. Kết quả này được cho là sẽ khiến chính quyền của tổng thống Trump hài lòng.

Ngày 03/05, Brazil buộc phải chấp nhận các hạn ngạch về nhập khẩu thép và nhôm nhằm tránh bị đánh thuế theo mức mới (25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu) được Washington công bố ngày 08/03. Là nước lớn thứ hai xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ, chính quyền Brazil đã lên án « tối hậu thư » của Mỹ.

Trong khi đó, nhiều kinh tế gia Mỹ đã ký vào một bức thư gửi chính quyền Washington ngày 03/05 lên án chính sách bảo hộ của Donald Trump và khuyến cáo Nghị Viện và Nhà Trắng tránh lặp lại những sai lầm từng xảy ra trong thập niên 1930. Trong bức thư, họ khẳng định rằng « nâng thuế có lẽ sẽ là một sai lầm. Việc này thường làm tăng giá cả và người tiêu thụ Mỹ sẽ phải trả giá ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.