Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - KINH TẾ

Chuẩn bị tái thiết kinh tế Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc đã chuẩn bị kế hoạch tái thiết kinh tế Bắc Triều Tiên và mong muốn được các định chế tài chính đa quốc gia giúp đỡ. Seoul trông cậy vào Ngân Hàng Thế Giới ( do một người Mỹ gốc Hàn lãnh đạo ) và đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IMF ( cũng là một người Hàn Quốc ).

Bến bờ sông Áp Lục, phía Bắc Triều Tiên. Ảnh 19/11/2017.
Bến bờ sông Áp Lục, phía Bắc Triều Tiên. Ảnh 19/11/2017. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Trên các tờ báo ở Paris ngày 03/05/2018, cuộc "Cách mạng nhung" tại Armenia, chuyến công của tổng thống Macron đến Nouvelle Calédonie dư âm bạo động tại Pháp thôm Lễ Lao Động 1/5 là những đề tài chiếm nhiều trang.

Nhưng trước hết xin được được điểm bài viết trên Le Monde liên quan đến những cuộc vận động hậu trường chuẩn bị cho việc tái thiết kinh tế Bắc Triều Tiên. Bài báo của Sylvie Kauffmann mang tựa đề "Trong khi chờ đợi giải Nobel của Trump".

Từ sau thượng đỉnh Liên Triều ngày 27 tháng Tư ở Bàn Môn Điếm giữa hai lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, thời sự trong khu vực trở nên dồn dập hơn bao giờ hết.

Từ Washington, tổng thống Hoa Kỳ nói tới một thượng đỉnh lịch sử sắp mở ra trong "ba hay bốn tuần" nữa giữa ông và Kim Jong Un. Tại đông bắc Á, Seoul thông báo thượng đỉnh ba bên, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc về Bắc Triều Tiên vào tuần tới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tuyên bố Donald Trump "xứng đáng" để được trao giải Nobel Hòa Bình. Ở Nhà Trắng, tổng thống Mỹ tỏ thái lộ khiêm tốn hiếm thấy khi xác định ưu tiên của ông là mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Ai hỗ trợ Hàn Quốc tái tiết Bắc Triều Tiên ?

Ở hậu trường, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế đã ráo riết chuẩn bị cho giai đoạn "tái thiết" Bắc Triều Tiên. Theo tiết lộ của tác giả bài báo, tại Bàn Môn Điếm vừa qua, tổng thống Hàn Quốc đã tặng lãnh đạo Bắc Triều Tiên khóa USB trong đó có một hồ sơ mang tên "Kế hoạch kinh tế mới cho bán đảo Triều Tiên".

Đó là cả một công trình đồ sộ, là một thách thức vô cùng to lớn. Trước mắt, chưa ai biết được những nỗ lực ngoại giao sẽ đem lại những kết quả nào, nhưng các chuyên gia Hàn Quốc và quốc tế chắc chắn một điều, là trong trường hợp tình trạng bế tắc được tháo gỡ, thì tất cả phải "sẵn sàng". Ba ngày sau thượng đỉnh Liên Triều, bộ Thương Mại Hàn Quốc đã đề xuất nhiều kế hoạch hợp tác cụ thể, áp dụng được ngay một khi các biện pháp cấm vận Bắc Triều Tiên được dỡ bỏ.

Không một ai nói tới tiến trình thống nhất đất nước. Seoul đã quan sát và học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm của Đông và Tây Đức xưa kia. Đó là giải pháp vô cùng tốn kém mà Hàn Quốc không sẵn sàng gánh vác.

Nhưng ai sẽ cùng với Seoul giúp Bắc Triều Tiên phát triển ? Mọi người đều nhìn về phía các định chế đa quốc gia. Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB bị cho là quá thân Tokyo. Còn AIIB, Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, bị coi là quá thân Bắc Kinh. Vì những lý do chính trị, cả hai không thể tham gia tái thiết Bắc Triều Tiên. Còn lại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới WB.

Đứng đầu Ngân Hàng Thế Giới là ông Jim Yong Kim, một người Mỹ gốc Hàn. Thân phụ ông từ Bắc chạy vào Nam. Jim Yong Kim sinh ra ở Seoul, nhưng đã sớm theo gia đình đến định cư tại bang Iowa, Hoa Kỳ. Hơn ai hết, chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới biết rõ là về mặt kinh tế, Bắc Triều Tiên "phải xây dựng tất cả lại từ đầu", từ hệ thống điện lực đến nông nghiệp, y tế, cầu đường... Tất cả các lĩnh vực đó hoàn toàn thuộc về khả năng và chức năng của WB.

Về phía Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, lãnh đạo khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IMF là một người Hàn Quốc. Chắc chắn là ông Changyong Rhee sẽ đại diện cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, cho dù nhiệm vụ không dễ hoàn thành.

Trung Quốc - Ấn Độ, đồng minh bất đắc dĩ

Thượng đỉnh Liên Triều hôm 27 tháng Tư làm lu mờ một cuộc thượng đỉnh khác quan trọng không kém diễn ra tại Vũ Hán giữa lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ.

Với Les Echos, sự kiện này quan trọng không kém, bởi Bắc Kinh và New Delhi tạm gác sang một bên tranh chấp lãnh thổ và "mở ra một chương mới" trong quan hệ song phương.

Trung Quốc và Ấn Độ tìm đồng thuận trên một hồ nhạy cảm, thường xuyên là cái gai trong bang giao giữa hai nước lớn ở khu vực là điều đáng mừng. Nhưng tờ báo ví von : Bắc Kinh và New Delhi xích lại gần nhau cũng giống như là "cá chép chơi với thỏ". Kẻ dưới nước, người trên cạn, hợp tác với nhau sớm muộn gì cũng sẽ thất bại. Chế độ độc tài Trung Quốc và nền dân chủ Ấn Độ khó có thể cùng xây dựng chung một tương lai. Nhưng trước mắt, vì tình thế đẩy đưa, hai quốc gia này bắt buộc phải làm hòa với nhau.

Bắc Kinh thân thiện với New Delhi vì Trung Quốc đang bị Mỹ đe dọa mở một cuộc chiến thương mại. Trong khi đó, Ấn Độ đang trong giai đoạn "tuần trăng mật" với Hoa Kỳ. Còn thủ tướng Narendra Modi, trước viễn cảnh bầu cử 2019, hiểu rõ hơn ai hết là lục đục với nước láng giềng Trung Quốc chẳng có lợi gì. Đặc biệt là trong bối cảnh những hứa hẹn cải thiện kinh tế cho nước nhà chậm mang lại kết quả và các chương trình phát triển, các biện pháp cải tổ dậm chân tại chỗ. Về thực chất, "Ấn Độ và Trung Quốc là những đối thủ của nhau hơn là những đối tác".

Trung Quốc vẫn không quên rằng sau khi đắc cử năm 2014 ông Modi đã dành chuyến công du ngoại quốc đầu tiên đến Tokyo. Ấn Độ và Nhật Bản sau đó đã từng bước xây dựng dự án "Con Đường Tự Do" để làm đối trọng với tham vọng "Con Đường Tơ Lụa" thể kỷ XXI của ông Tập Cận Bình. Đây là một dự án mà tới nay Ấn Độ chống đối mạnh mẽ vì nhiều lý do địa chính trị liên quan đến từ vùng lãnh thổ Cachemire, do Pakistan quản lý nhưng Ấn Độ khẳng định là thuộc chủ quyền của mình, cho đến mối liên kết chặt chẽ giữa Bắc Kinh với Islamabad và cả với chính quyền Colombo ở Sri Lanka. Ấn Độ trông thấy dự án Con Đường Tơ Lụa là những ngả  đường cho Trung Quốc ra Ấn Độ Dương, điều mà New Delhi không mong muốn.

Les Echos kết luận : Con đường mà Bắc Kinh và New Delhi cùng hướng tới sẽ nhanh chóng rẽ sang hai hướng khác nhau, nhất là khi mà Washington lôi kéo Ấn Độ vào câu lạc bộ 4 bên mà hiện nay, ba nên dân chủ khác là Mỹ, Nhật và Úc đã là những thành viên.

Armenia, "niềm tin vững chắc trên những nền tảng mong manh"

Về thời sự châu Âu, phần trang quốc tế các tờ báo trong ngày chú ý nhiều tới diễn biến tại Armenia : áp lực của đường phố rốt cuộc mở đường cho lãnh đạo đối lập Nikol Pachinian lên cầm quyền. Le Figaro phác họa lại chân dung của "cả một thế hệ các nhà đấu tranh ở Armenia đã đẩy cựu tổng thống Serge Sarkissian ra khỏi guồng máy quyền lực". Sau nhiều lần thất bại, phong trào đối lập này đã chọn con đường đấu tranh bất bạo động và giải pháp này đã dẫn tới thành công.

Libération nói tới sức mạnh xuất phát từ "Quyết tâm của quần chúng". Trên đường phố Erevan, thủ đô Armenia, già trẻ lớn bé đều tin chắc là Pachinian sẽ chính thức được chỉ định làm thủ tướng, và ông sẽ đem lại một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước này. Nhưng cũng Libération trích lời một chuyên gia về Armenia cho rằng việc Quốc Hội chỉ định lãnh đạo đối lập làm thủ tướng sẽ chỉ là "điểm khởi đầu mở ra một con đường đầy chông gai để đưa Armenia trở thành một nền dân chủ thực thụ".

Có thể nói là cuộc cách mạng nhung ở Armenia thành công, nhưng thắng lợi đó được xây dựng trên những nền tảng còn "mong manh". Bởi theo như ghi nhận của nhật báo La Croix, đợt biểu quyết ngày mồng 8/05/2018 sẽ mang tính quyết định : Quốc Hội là định chế duy nhất còn do đảng đang cầm quyền kiểm soát. Phần lớn các đại biểu là các doanh nhân giàu có là các nhà kỹ trị và các chính trị gia giàu kinh nghiệm. Có rất nhiều người trong số này sợ mất hết những đặc quyền đặc lợi, một số khác có vẻ sẵn sàng hợp tác với ông Nikol Pachinian với hy vọng cứu vãn được một phần sự nghiệp của họ.

"Exit tax", Macron là tổng thống của thành phần rất giàu có ?

Mọi thông báo thay đổi bất kỳ điều gì tại Pháp đều gây nhiều tranh cãi. Tuyên bố của tổng thống Macron trên tạp chí Forbes của Mỹ về quyết định bãi bỏ thuế được gọi là "Exit tax" không là một ngoại lệ.

Trước khi bình luận, Libération nhắc lại với độc giả : "Exit tax" là một loại thuế được ban hành vào năm 2011 dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy cánh hữu và đã được người kế nhiệm François Hollande củng cố thêm. Mục tiêu đề ra nhằm tránh để những người rất giàu, vì muốn đóng thuế ít hơn, di dời cơ sở ra nước ngoài.

Tờ báo thiên tả này cho rằng đây là một bằng chứng mới cho thấy Emmanuel Macron là vị tổng thống bảo vệ quyền lợi của những người giàu có nhất.

Le Figaro thiên hữu không bênh, không chống, mà chỉ đưa ra nhận xét : trong 6 năm qua, chính phủ chỉ thu về được một số tiền rất nhỏ là 100 triệu euro từ loại thuế này. Một biện pháp không mang lại kết quả mong muốn.

Dưới nhãn quan của nhật báo kinh tế Les Echos, trong logic của tổng thống Macron điều hành nước Pháp như một công ty khởi nghiệp, một "start up nation", thì đây là một quyết định hợp lý. Để Pháp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư thì cần xóa bỏ những biện pháp mang tính ràng buộc. Có như vậy các doanh nhân Pháp và nước ngoài mới hăng hái đầu tư trên quê hương của Victor Hugo.

Ô nhiễm không khí, kẻ sát thủ thầm lặng

Theo báo cáo mới nhất của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hàng năm 7 triệu người trên hành tinh thiệt mạng do ô nhiễm không khí. Le Figaro gọi bụi siêu nhỏ gây ô nhiễm không khí là những "kẻ giết người trong sự im lặng".

Chúng luồn sâu vào lá phổ, và tim mạch và cứ âm thầm ra tay. Hiện tại 90 % nhân loại phải hít thở không khí bẩn. Cairo ở Ai Cập, Bắc Kinh và New Delhi là những nơi mà mức độ ô nhiễm cao gấp 5 lần so với chuẩn mực của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Nhật Bản Philippines và Việt Nam cũng là những quốc gia bị "ô nhiễm nghiêm trọng".

Vậy thì làm sao để kéo dài tuổi thọ ?

Cũng Le Figaro căn cứ trên một nghiên cứu của Mỹ, đưa ra 5 bí quyết đơn giản để sống lâu thêm được từ 12 đến 14 năm : không hút thuốc lá ; không uống quá 15 g rượu mỗi ngày nếu là phụ nữ, 30 g nếu là đàn ông; tập thể dục 30 phút mỗi ngày ; giữ gìn để không quá mập mà cũng không quá gầy ; ăn uống điều độ, ăn nhiều cá và hoa quả, giảm bớt lượng muối và kể cả thịt đỏ hay đồ ăn chế biến công nghiệp.

Để tìm hiểu thêm về bí quyết sống lâu, mời quý thính giả tìm đọc bài nghiên cứu do trường đại học Harvard của Mỹ thực hiện và kế quả được công bố trên tạp chí Circulation.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.