Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - THÁI BÌNH DƯƠNG

Khi Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương

Nhân chuyến thăm chính thức Úc ba ngày từ 01 đến 03/05 của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Le Monde có bài viết : « Phương Tây lo ngại ảnh hưởng Trung Quốc trong Thái Bình Dương ».

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (T) tiếp Vua Tonga Tupou tại Bắc Kinh, ngày 01/05/2018.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (T) tiếp Vua Tonga Tupou tại Bắc Kinh, ngày 01/05/2018. GREG BAKER / AFP
Quảng cáo

Đây cũng sẽ là mối quan tâm chính của tổng thống Macron trong chuyến thăm Úc, cho dù cái tên Trung Quốc không mấy khi được nêu cụ thể. Theo nhận định của Le Monde, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương đang trở thành nguồn cơn lo ngại cho nhiều nước trong vùng. Đó là những nước không có phương tiện để chạy đua, buộc phải tính toán quan hệ với Bắc Kinh.

Trở lại với ý đồ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, nhật báo Pháp ghi nhận Bắc Kinh đã thực hiện một chính sách tràn ngập khu vực bằng quà tặng và cho vay ưu đãi. Theo số liệu của viện nghiên cứu Úc, Lowy từ 2006 đến 2016, Trung Quốc đã tung 1,78 tỷ đô la viện trợ trong khu vực. Những hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh đã và đang được lãnh đạo một số nước không muốn phục tùng các quy tắc phương Tây đánh giá rất cao.

Các nước phương Tây giờ phải suy nghĩ về cách đối phó với thách thức mới này. Pháp đã có những động thái như bán máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ, tàu ngầm cho Úc. Nước Anh hồi tháng 8/2017 đã thông báo tăng 6% viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương, mở ba cơ quan đại diện ngoại giao ở Vanuatu, Samoa và Tonga.

Tuy nhiên các quốc gia nhỏ bé trong khu vực vẫn khó cưỡng lại sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. Chuyên gia chính trị Trung Quốc thuộc đại học Anh Quốc Canterbury, tại Christ Church nhận định : « Không ai thực sự có thể thách thức được Trung Quốc. Đã có quyết tâm như vậy, nhưng Trung Quốc là nước có những túi tiền lớn…. Dân Polynesia và New Caledonia thì vẫn nói rằng nước Pháp đã bỏ rơi họ, Pháp chỉ quan tâm đến nguồn nikel của họ. Nếu Pháp quan tâm thực sự đến Thái Bình Dương thì sẽ phải làm nhiều hơn nữa ở đó ».

Theo Le Monde, Vanuatu và đặc biệt là lãnh thổ láng giềng New Caledonia giờ có thể gọi là những điểm tiêu biểu cho sự đột phá của Bắc Kinh. Trung Quốc đã đầu tư khoảng ba chục dự án vào hòn đảo nhỏ bé này, trong đó có cả dự án xây dinh thủ hiến New Caledonia.

Nhật báo Sydney Morning Herald hôm 10/04 vừa qua đã công bố một điều tra gây chấn động dư luận Úc. Theo tờ báo này, các cuộc đàm phán sơ bộ giữa chính phủ Trung Quốc và Vanuatu đã được tiến hành nhằm đưa quân đội Trung Quốc hiện diện thường trực trong quần đảo. Mặc dù thông tin đã bị hai nước trên bác bỏ nhưng chính phủ Úc đã nhanh chóng có phản ứng cho thấy Canberra vẫn tin điều đó là có thực. Thủ tướng Úc Malcolm Turbull tuyên bố : « Chúng tôi nhìn nhận việc thiết lập mọi căn cứ quân sự nước ngoài trong các quốc gia khu vực là hết sức lo ngại. »

Le Monde nhắc lại : « Úc, cường quốc lớn nhất và là nước cung cấp viện trợ hàng đầu cho các nước trong vùng giờ cũng phải gượng ghẹ với Trung Quốc, một đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Quan hệ hai nước đã biến động nhiều từ khi Canberra hồi tháng 12 năm ngoái thông báo một loạt các quy định pháp lý nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài, trong đó có việc cấm các đảng phái Úc nhận tài trợ, quà tặng của nước ngoài mà mục tiêu rõ rệt của luật này là Trung Quốc ».

Le Monde trích dẫn nhận định của ông Peter Jennings, giám đốc Viện Chiến lược Chính trị Úc nói rằng quan hệ với Trung Quốc « là mối quan hệ ngày càng khó xử lý. Trung Quốc trở nên quyết tâm và hung hăng hơn trong vùng cũng như ở Úc. Đất nước chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác là phải có đường lối cứng rắn để người khác tôn trọng lợi ích chiến lược của chúng tôi ».

Cách mạng nhung Armenia

Về thời sự châu Âu, Le Monde đặc biệt chú ý đến những biến động chính trị đang diễn ra tại đất nước Armenia. Trang nhất của tờ báo chạy tựa : Armenia mơ về một cuộc « cách mạng nhung ».

Từ nhiều ngày qua, trước sức ép sôi sục của dân chúng, đất nước Armenia đang đứng trước một bước ngoặt lớn, lật đổ chính phủ cũ đã tồn tại suốt 28 năm qua, bị tố cáo tham nhũng và tham quyền. Nhân vật tâm điểm của sự kiện đang sẵn sàng thay thế hệ thống chính trị đến thời suy tàn đó là cựu nhà báo, nhà đối lập Nikol Pachinian. Với bài : «Tại Armenia, Pachinian trước ngưỡng cửa chính quyền lực », nhật báo Pháp đã phác họa chân dung chính trị của nhà đối lập số một hiện nay ở Armenia.

Tờ báo đặt câu hỏi, người đàn ông không mang dáng dấp nào của một nhà chính trị đó là ai mà trong vòng vài tuần lễ qua đã làm lung lay hệ thống chính trị Armenia, khiến thủ tướng phải từ chức, khuấy động hàng nghìn người dân xuống đường để đòi « quyền lực cho nhân dân » ?

Pachinian là ai mà từ một một nhà báo 42 tuổi, trở thành dân biểu, đang muốn làm một cuộc « cách mạng nhung » như ở Tiệp Khắc năm 1989 ? Nhân vật nổi dậy này là ai mà dám thách thức Kremlin làm đảo lộn cả sân sau của nước Nga ? Các chuyên gia chính trị hay các nhà ngoại giao phương Tây có thể đặt những câu hỏi như vậy về nhân vật đối lập đang đòi phải được bầu làm thủ tướng Armenia này, nhưng dân chúng Armenia thì biết rõ ông, hiểu những lời nói, sự can đảm của ông và từ hai tuần nay, họ tín nhiệm bầu ông là « thủ tướng của nhân dân ».

Le Monde nhận thấy, Nikol Pachinia không thấy có giải pháp nào khác cho cuộc khủng hoảng hiện nay ngoài chính bản thân ông và ông tự nhận thấy việc bầu ông làm thủ tướng giờ đây là « chính đáng » « bắt buộc » trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay tại Quốc Hội Armenia.

Nikol Pachinia thổ lộ rằng : « Từ khi tôi 16 tuổi và từ khi tôi lao vào nghề báo, tôi không ngừng phát hiện và tố cáo sự suy đồi của hệ thống chính trị này. Tôi bị đe dọa, truy bức. Tờ báo của tôi bị đưa ra tòa. Xe của tôi bị cho nổ tung năm 2004. Tôi chỉ trực tiếp dấn thân vào chính trị từ năm 2007. Chính điều này đã khiến tôi bị rơi vào vòng lao lý, tù đày trước khi hai lần được bầu làm nghị sĩ ».

Ông kể lại đã rời bỏ nhà cửa, đi hết làng này sang làng khác, ngủ trong lều cá nhân có khi ngoài trời để thuyết phục dân chúng đấu tranh. Dần dần người dân cũng đã đến với ông trong cuộc đấu tranh một cách hòa bình để lật đổ chính quyền đã tồn tại suốt 28 năm với điểm mấu chốt là buộc ông Serge Sarkissian phải từ bỏ chiếc ghế thủ tướng , mặc dù ông này đã 10 năm làm tổng thống Armenia.

Cuộc đấu tranh của Nikol Pachinian và nhân dân Armenia đang tới rất gần đích, chỉ còn chờ kết quả của cuộc bỏ phiếu ở Quốc Hội ngày hôm nay (01/05). Nếu giấc mơ của họ không thành thì cuộc đấu tranh của Pachinian và nhân dân vẫn tiếp tục.

Châu Á bắt đầu ngán du khách Trung Quốc

Vẫn liên quan đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc, lướt qua các trang báo mạng, trên trang thông tin châu Á asia.nikkei.com có bài viết đáng chú ý nói về tình trạng du khách Trung Quốc đang trở thành những vị khách không mong đợi ở châu Á.

Thông thường đón tiếp các du khách đến càng đông thì càng tốt cho bất kỳ nước nào. Đó không chỉ là vấn đề hiếu khách mà còn là nguồn lợi kinh tế cho đất nước đón khách mà bất kỳ nước nào cũng có thể ý thức được điều đó. Thế nhưng bài phóng sự dài của Nikei Asian Review đã cho thấy, với các du khách Trung Quốc thì điều đó hoàn toàn không đúng một chút nào.

Người Trung Quốc đi du lịch ngày càng đông và họ đi ồ ạt, tiêu tiền cũng rất nhiều. Thế nhưng theo bài phóng sự, giờ đây khắp châu Á, du khách Trung Quốc là một mối lo của các nước bởi du khách Trung Quốc đang gây không ít vấn đề cho những nước đón tiếp họ, bởi ý thức giữ gìn môi trường và cách ứng xử văn minh của người Trung Quốc rất kém.

Theo bài báo, các điểm đến chủ yếu của du khách Trung Quốc ở châu Á là Thái lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Ngành du lịch của phần lớn những nước này phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc.

Trong lúc du khách Trung Quốc đang giúp cho ngành kinh tế du lịch ở một số nước làm ăn phát đạt thì không ít nơi bắt đầu cảm thấy khó chịu vì ý thức văn hóa kém của du khách Trung Quốc.

Một quan chức của cơ quan du lịch ở Bali, Indonesia nói : « Tôi không biết có phải lượng rác thải ở trên đảo tăng cao là do người Trung Quốc hay không, nhưng có một điều chắc chắn : Nơi nào có du khách Trung Quốc đến thì nơi đó có rác thải trên đất …. Việc này không chấm dứt cho dù chúng tôi đã không biết bao lần nhắc nhở ».

Ở Thái Lan, cơ quan du lịch tỉnh Krabi từ tháng Sáu tới sẽ đóng cửa 4 tháng vịnh Maya Bay để hệ sinh thái phục hồi. Du khách thường xuyên của bãi biển nổi tiếng với phim « The Beach » chính là khách Trung Quốc với khoảng 2000 người mỗi ngày.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.