Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Đàm phán phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên: Dài hơi và nhiều khó khăn

Đăng ngày:

Ngày 27/04/2018 lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, phía lãnh thổ Hàn Quốc. Đây là cuộc họp thượng đỉnh lần thứ ba kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc. Cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều sẽ là khúc mở màn cho cuộc họp lịch sử giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 2018.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un (T) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) có cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/04/2018 tại Bàn Môn Điếm, phía lãnh thổ Hàn Quốc.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un (T) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) có cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/04/2018 tại Bàn Môn Điếm, phía lãnh thổ Hàn Quốc. REUTERS/EDIT RFI
Quảng cáo

Đâu là vị thế của Kim Jong Un trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này ? Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên muốn gì ở thượng đỉnh ? Trung Quốc có vai trò ra sao trong cuộc chơi ngoại giao do Bắc Triều Tiên đề xướng ?

Ông Théo Clément, viện Đông Á, trường Ecole Normale Supérieure của Lyon, từng có thời gian đến giảng dậy tại Đại học Khoa Học và Công Nghệ Bình Nhưỡng, đã lần lượt giải đáp các thắc mắc của RFI Tiếng Việt.

RFI : Ông có thể cho biết vì sao có cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong Un và Moon Jae In ? Và tại sao thượng đỉnh này lại không diễn ra sớm hơn ?

Théo Clément : Tổng thống Hàn Quốc được bầu vào tháng 05/2017 và điều này đã dẫn đến việc chính quyền Hàn Quốc thay đổi chính sách trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Chính quyền Hàn Quốc trước đó rất bảo thủ và chống đối mạnh mẽ mọi tiến trình cải thiện quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên.

Về phần mình, Bắc Triều Tiên đã quyết định hoàn tất việc phát triển các chương trình nguyên tử và tên lửa đạn đạo, để tạo thế mạnh khi tiến hành thương lượng với Hàn Quốc và sau đó với Hoa Kỳ.

Nếu như vậy, ông không nghĩ là chính các lệnh trừng phạt đã đẩy Bắc Triều Tiên phải đi đến việc đàm phán chương trình hạt nhân của họ ?

Có ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt đã buộc Bắc Triều Tiên phải đàm phán một phần chương trình hạt nhân của họ. Theo tôi, ý kiến này sai. Trước tiên, các biện pháp trừng phạt phải có thời gian thì mới tác động đến nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, các quan sát trên thực tế cho phép nghĩ rằng nền kinh tế Bắc Triều Tiên hiện nay khá hơn.

Hơn nữa, các hoạt động, thời điểm các vụ thử nguyên tử, thử tên lửa, rồi tuyên bố của lãnh đạo Bắc Triều Tiên làm người ta nghĩ rằng Bình Nhưỡng rất làm chủ các phân đoạn, phân kỳ ngoại giao và đó không thể là một sự thay đổi đột ngột đường hướng dưới sức ép của các biện pháp trừng phạt.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên dự thượng đỉnh liên Triều trong  vị thế như thế nào ?

Ông ta (Kim Jong Un) tới dự thượng đỉnh trong thế mạnh, bởi vì tổng thống Hàn Quốc sẽ phải thương lượng trước những nhượng bộ từ phía Bắc Triều Tiên. Do vậy, nguyên thủ Hàn Quốc chắc chắn cũng phải có thỏa hiệp và phải « đền bù » cái gì đó cho Bắc Triều Tiên, vì Bình Nhưỡng đã có thay đổi trong hồ sơ hạt nhân.

Mặt khác, đối với Hàn Quốc, đây cũng là thắng lợi trong lĩnh vực đối ngoại và đối nội. Và tổng thống Moon Jae In tỏ ra là một nhà ngoại giao xuất sắc. Ông đã thành công trong việc làm giảm bớt căng thẳng chính trị và ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên.

Đối với thượng đỉnh liên Triều, cả hai miền Nam - Bắc Triều Tiên đều thu được lợi. Ngược lại, đối với thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên trong tương lai, rõ ràng là Kim Jong Un không ở trong thế mạnh.

Hàn Quốc muốn bàn thảo với Bắc Triều Tiên một hiệp định hòa bình (để thay thế hiệp ước đình chiến 1953). Liệu đó có phải là một bước đi đầu tiên hướng tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ?

Đây là hai vấn đề khác nhau. Chiến tranh Triều Tiên diễn ra từ năm 1950 đến 1953, tức là rất lâu rồi, trước khi Bắc Triều Tiên thực hiện các chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, việc ký hiệp định hòa bình giữa hai miền sẽ góp phần làm giảm căng thẳng và có thể dẫn đến tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ở đây, cần phải rất chú ý về sự khác biệt giữa hai miền khi nói về phi hạt nhân hóa. Khi các cường quốc phương Tây và các đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc, nói tới phi hạt nhân hóa là nhắm vào việc Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa. Còn khi Bắc Triều Tiên nói phi hạt nhân hóa, chính quyền Bình Nhưỡng muốn nhắm tới việc phi hạt nhân hóa toàn bộ khu vực này, với những hệ quả sâu rộng hơn.

Theo tôi, cho dù xung đột Nam - Bắc Triều Tiên đã có từ lâu, nhưng việc thương lượng một hiệp định hòa bình có lẽ dễ hơn là đàm phán về phi hạt nhân hóa toàn bộ khu vực. Cụ thể hơn, đó sẽ một tiến trình phi hạt nhân hóa toàn bộ mà các chuyên gia có thể kiểm tra được một cách độc lập.

Đặt giả thuyết là đôi bên có thể đi đến việc giải trừ hạt nhân, ai sẽ người được lợi ? Phải chăng Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất ?

Điều này phụ thuộc vào quá trình đàm phán. Tôi nghĩ là không nên ngây thơ. Theo tôi, Bắc Triều Tiên không phi hạt nhân hóa mà không có đàm phán và đó sẽ là một quá trình thương lượng kéo dài, có những bước tiến, nhưng cũng có thể có bước thụt lùi.

Do vậy, rất khó dự đoán được là bên nào sẽ giành được phần thắng trong đàm phán. Rõ ràng là Bắc Triều Tiên sẽ được hưởng lợi nhiều, các nước trong khu vực, đồng minh của Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi. Cuộc chơi này sẽ rất khó vì Bắc Triều Tiên có trong tay lá bài đàm phán.

Về vai trò của Trung Quốc, vấn đề này phức tạp hơn. Trung Quốc như người đi trên dây, cố duy trì giữ cân bằng giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên và có quan hệ tốt với cả hai bên. Một trong những thách thức đối với Trung Quốc là giành thắng lợi trong đàm phán mà không làm cho một trong hai bên thất vọng.

Liên quan đến Trung Quốc, Kim Jong Un lên cầm quyền năm 2011, và Tập Cận Bình năm 2012, nhưng cả hai bên chưa từng gặp nhau lần nào. Tại sao phải đợi đến lúc này Kim Jong Un mới đến gặp lãnh đạo Trung Quốc ? Ông giải thích như thế nào về cuộc gặp này ?

Bắc Triều Tiên và Trung Quốc rất ưa thích nói rằng họ có quan hệ hữu nghị chính trị truyền thống và không suy suyển. Thế nhưng, điều này giống như một giả tưởng chính trị mà thôi. Trước đây, quan hệ giữa hai nước rất căng thẳng do chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trung Quốc cảm thấy rất khó hiểu là tại sao Bắc Triều Tiên vẫn giữ nguyên mô hình cũ, không thay đổi,  không chọn một mô hình gần giống như Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên rất nghi ngờ các ý đồ của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên. Trước đây, đã có những trường hợp Trung Quốc can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, Kim Jong Un lên nắm quyền. Khi Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc năm 2012, thì sang năm 2013, Bắc Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa và chắc chắn điều này không làm cho Trung Quốc hài lòng. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên.

Liên quan đến chuyến công du Trung Quốc của Kim Jong Un, theo tôi, đó là chiến lược tính toán của Bắc Kinh hơn là của Bình Nhưỡng. Trong viễn cảnh Kim Jong Un gặp lãnh đạo Hàn Quốc và có thể sau đó gặp tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc rất lo ngại bị cô lập, bị gạt ra bên lề tiến trình ngoại giao. Do vậy, Trung Quốc cho tái khởi động "quan hệ truyền thống" với Bắc Triều Tiên, một cách vội vàng và chỉ là bề ngoài.

Tôi cho rằng đây là một cú đánh phé rất cao tay của Bắc Triều Tiên, bởi vì nhờ vậy mà Bắc Triều Tiên xích lại được gần Trung Quốc và có thể đàm phán với Bắc Kinh giảm nhẹ các trừng phạt quốc tế mà Trung Quốc phải thi hành.

Như vậy trong trường hợp này, Bắc Kinh muốn bắn đi một tín hiệu là trong cuộc chơi ngoại giao này, Bình Nhưỡng cũng phải có ý kiến của Bắc Kinh ?

Đúng vậy, tôi đồng ý và điều này có phần trùng hợp với những gì tôi vừa nói : Trung Quốc tự nhập vào cuộc chơi, muốn tham gia vào việc giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên. Trung Quốc thực sự lo sợ bị cô lập và mất vai trò trong hồ sơ Bắc Triều Tiên rất nhậy cảm, bởi vì hồ sơ này về lâu dài tác động đến sự ổn định của Trung Quốc, không chỉ ở vùng biên giới chung với Bắc Triều Tiên mà cả ở trong nước, bởi vì có các cộng đồng thiểu số Triều Tiên sinh sống tại Trung Quốc và tiến trình đàm phán trên bán đảo Triều Tiên sẽ tác động đến họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.