Vào nội dung chính
HẠT NHÂN- BẮC TRIỀU TIÊN

Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân kêu gọi Bình Nhưỡng phê chuẩn hiệp ước

Chào mừng quyết định của Kim Jong Un chấm dứt thử nghiệm hạt nhân, từ Vienna Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân CTBTO, kêu gọi Bình Nhưỡng « phê chuẩn » hiệp ước quốc tế này để « củng cố bước tiến » xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Ảnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-Ri của Bắc Triều Tiên.
Ảnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-Ri của Bắc Triều Tiên. Airbus Defense & Space and 38 North/Handout via Reuters
Quảng cáo

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên không phải là nước duy nhất còn « chân trong chân ngoài » hiệp ước trói buộc này.

Trong bản thông cáo công bố vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên loan báo ngưng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, ông Lassina Zerbo, thư ký điều hành Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân khen ngợi « Bắc Triều Tiên quyết định « mạnh mẽ và đúng hướng ». Người đứng đầu tổ chức CTBTO kêu gọi Bắc Triều Tiên và « những nước chưa phê chuẩn » hiệp ước ngăn cấm thử nghiệm hạt nhân hãy tiến thêm một bước cụ thể để hiệp định này có hiệu lực.

Được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1996, và được 183 quốc gia ký kết nhưng hiệp ước cần phải được 8 nước có công nghệ hạt nhân phê chuẩn. Cho đến nay, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Ai Cập, Iran và Israel vẫn thoái thác.

Theo thư ký điều hành của Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân CTBTO, hiệp ước có tính pháp lý trói buộc ngăn cấm thử nghiệm hạt nhân là phương thức duy nhất tiến tới một thế giới không vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Chuyên gia hoài nghi thực tâm của Bình Nhưỡng

Thông báo chấm dứt thử nghiệm nổ hạt nhân và phóng tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng được giới quan sát đón nhận một cách hoài nghi. Xu hướng chung, theo AFP, giới phân tích khuyến cáo cộng đồng quốc tế có quyền hy vọng nhưng không nên « ngây thơ » bởi vì trong suốt nhiều thập niên qua chế độ Bắc Triều Tiên không bao giờ giữ lời hứa.

Lần này, những cam kết của Kim Jong Un, tuy ngoạn mục, nhưng có thể đảo ngược. Chờ xem, nếu trong cuộc gặp với tổng thống Hàn Quốc vào ngày 27/04/2018 mà yêu sách của lãnh đạo Bắc Triều Tiên không được thỏa mãn thì Bình Nhưỡng sẽ đổi thái độ ngay. Một số chuyên gia còn cho rằng chính nhờ áp lực của Donald Trump và cấm vận khiến Bình Nhưỡng phải dịu giọng.

Tuy nhiên, Joel Wit, chuyên gia thuộc viện Mỹ-Hàn, đại học John Hopskin lạc quan hơn. Ông cho rằng Kim Jong Un muốn « bỏ hạt nhân để tập trung vào kinh tế » .

Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á thăm Hàn Quốc

Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc thông báo bà Susan Thorton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á ngày 22/04/2018 tới Séoul để thảo luận với Hàn Quốc về hợp tác trong bối cảnh thượng đỉnh liên Triều dự trù vào ngày 27/04/2018. Đại diện của Mỹ sẽ hội kiến với ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha vào ngày mai 23/04/2014 và dự kiên làm việc với ông Lee Do Hoon, đặc trách về an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Bà Susan Thorton cũng là người phụ trách công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.