Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - NGUYÊN TỬ

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ, Hàn, Trung hài lòng, Nhật hoài nghi

Loan báo của Bình Nhưỡng về việc chấm dứt các vụ thử nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa đã gây ra những phản ứng khác nhau tại các nước có liên quan.

Cơ sở nguyên tử Yongbyon của Bắc Triều Tiên. Ảnh tư liệu chụp ngày 27/06/2008.
Cơ sở nguyên tử Yongbyon của Bắc Triều Tiên. Ảnh tư liệu chụp ngày 27/06/2008. REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Hoa Kỳ, Hàn Quốc hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng

Tại Hoa Kỳ tổng thống Donald Trump phản ứng ngay lập tức về quyết định của Bình Nhưỡng ngưng các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Qua Twitter, tổng thống Mỹ coi đây là "một tin rất vui đối với Bắc Triều Tiên và thế giới". Chủ nhân Nhà Trắng nói đến "một tiến bộ to lớn" và cho biết ông đang nóng lòng tham gia thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên.

Trước đây ba ngày, hôm 18/04/2018 cũng ông Trump từng dọa "hủy đàm phán" với lãnh đạo Bắc Triều Tiên nếu xét thấy"đối thoại không đem lại kết quả". Ngược lại, nếu như Bình Nhưỡng tiến hành công cuộc giải trừ vũ khí hạt nhân một cách "toàn diện, thực sự và không thể đảo ngược" thì "một con đường mới đầy hứa hẹn đang mở ra cho Bắc Triều Tiên".

Nhìn từ Seoul, phủ tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh Bình Nhưỡng tạo "môi trường rất thuận lợi cho thượng đỉnh liên Triều" sắp mở ra vào ngày 27/04/2018.

Bắc Kinh muốn tranh công

Chỉ vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên thông báo ngưng các chương trình nguyên tử và đạn đạo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng quyết định nói trên là một dấu hiệu mới làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên đài RFI Angélique Forget từ Thượng Hải cho biết :

"Bắc Kinh, đồng minh truyền thống và trên phương diện ngoại giao của Bình Nhưỡng, hoan nghênh quyết định nói trên. Trung Quốc khẳng định là sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong nỗ lực nối lại đối thoại với Hàn Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hy vọng quyết định ngưng các chương trình thử nghiệm tên lửa và hạt nhân sẽ cho phép Bắc Triều Tiên tập trung vào việc 'phát triển kinh tế'.

Trong thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc đã mạnh mẽ lên án chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và thường xuyên kêu gọi Bắc Triều Tiên tránh để 'tình hình thêm nghiêm trọng'.

Trung Quốc cũng đã thường biểu quyết ủng hộ các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành.

Nhưng kể từ chuyến công du bất ngờ của ông Kim Jong Un tại Bắc Kinh hồi tháng 3/2018, quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã được sưởi ấm.

Trung Quốc muốn chứng minh là làm chủ hồ sơ Bắc Triều Tiên và ông Tập Cận Bình là đối tác đặc biệt của Kim Jong Un, trước cả Donald Trump. Để minh họa cho đều này, chủ tịch Trung Quốc vào giữa tuần qua đã thông báo là sẽ sớm viếng thăm Bình Nhưỡng. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của nguyên thủ Trung Quốc tại quốc gia còn khép kín này".

Tokyo hoài nghi

Riêng Nhật Bản vẫn rất thận trọng. Thủ tướng Shinzo Abe nhìn nhận thiện chí của Bình Nhưỡng, nhưng đòi Bắc Triều Tiên phải "hủy bỏ toàn bộ các chương trình phát triển hạt nhân và đạn đạo" Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng. Thông tín viên đài RFI Frédéric Charles từ Tokyo tường thuật :

"Tên lửa Bắc Triều Tiên tối thiểu là đã hai lần bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. Tokyo không tin tưởng vào quyết tâm của Bình Nhưỡng từ bỏ loại vũ khí này hay từ bỏ bom nguyên tử. Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera lưu ý rằng ông Kim Jong Un không đả động đến việc từ bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Khoảng 100 trong số này đang chĩa về phía Tokyo và Osaka. Nói một cách khác, (vẫn theo bộ trưởng Quốc Phòng Nhật) trong trường hợp đạt được một thỏa thuận với Donald Trump, Kim Jong Un sẵn sàng từ bỏ kế hoạch dùng tên lửa tầm xa để tấn công các thành phố trên lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng vẫn giữ quyền uy hiếp các thành phố của Nhật Bản với các loại tên lửa tầm ngắn.

Tokyo lo ngại tổng thống Trump trước hết tìm cách bảo đảm là Bắc Triều Tiên không tấn công vào lãnh thổ Mỹ, cho dù là để đạt được điều đó, Washington có thể hy sinh an ninh của Nhật Bản.

Trong khi đó, chiếu theo Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật, Washington phải cùng lúc bảo đảm được cả hai mục tiêu là an ninh cho Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các căn cứ quân sự ngoài lãnh thổ Mỹ lớn nhất được đặt tại Nhật Bản".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.