Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nhật Bản 1968: Một mùa xuân dài và bạo lực nhất trên thế giới

Đăng ngày:

Vào mùa xuân năm 1968, sinh viên Pháp xuống đường biểu tình phản đối chính phủ. Chính vào mùa xuân năm đó, cuộc nổi dậy của sinh viên tại Nhật Bản cũng nổ ra, phản đối chiến tranh Việt Nam.

Giới trẻ Nhật Bản, tay cầm Sách Đỏ của Mao Trạch Đông, biểu tình vào tháng 7/1968 chống triển hạn hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Giới trẻ Nhật Bản, tay cầm Sách Đỏ của Mao Trạch Đông, biểu tình vào tháng 7/1968 chống triển hạn hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images
Quảng cáo

Thế nhưng, không như các nước phương Tây, phong trào sinh viên của Nhật kéo dài hơn và dữ dội hơn đôi khi đi đến những hành động cực đoan, như tấn công khủng bố để rồi kết thúc một cách bi thảm. Một tấn thảm kịch, mà ngày nay rất nhiều người Nhật vẫn chưa thể nào hiểu được.

Nhân sự kiện 50 năm phong trào sinh viên tháng 05/1968 tại Pháp, RFI cùng với nhà văn, nhà tư liệu Michael Prazan và sử gia Franck Michelin, nhìn lại phong trào mùa xuân Nhật Bản năm 1968. Ban Việt ngữ xin giới thiệu.

Năm 1968, tại Pháp, chính các sinh viên trường đại học Nanterre, ở ngoại ô Paris, khởi xướng phong trào vì muốn được tự do đi vào khu ký túc xá dành cho nữ sinh. Còn tại Nhật Bản, chính việc tăng phí nhập học đại học ngay từ năm 1965 đã làm dấy lên sự bất bình ở giới trẻ.

Ông Michael Prazan, một nhà khảo cứu và nhà văn, tác giả tập sách « Những kẻ cuồng tín : Lịch sử về Hồng quân Nhật Bản » nhấn mạnh chính sách này đã có những tác động mạnh lên « những tầng lớp nghèo của Nhật Bản, những người lần đầu tiên được bước vào đại học ».

Phản đối chiến tranh Việt Nam

Nhưng trong sâu thẳm, các cuộc đình công và biểu tình của sinh viên năm 1968 là chống đế quốc Mỹ và chống chiến tranh Việt Nam. Nhật Bản và Hoa Kỳ từ năm 1952 đã ràng buộc với nhau bằng một hiệp ước quốc phòng, và hiệp ước này được ký lại vào năm 1960.

Nhưng thỏa thuận này đã bị sinh viên và các đảng chính trị cánh tả phản đối mạnh mẽ. Chính vì điều này mà tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Dwight Eisenhower đã phải hủy chuyến đi thăm Nhật Bản. Franck Michelin, giáo sư lịch sử về Nhật Bản tại đại học Teikyo nhận định như sau :

« Okinawa là căn cứ quân sự chính của Mỹ tại Đông Á. Chính từ đây, các máy bay B-52 đã xuất kích đi ném bom xuống Việt Nam. Hơn nữa phong trào vì hòa bình phản chiến của Mỹ và Nhật Bản từng bước phối hợp với nhau. Chính vì thế, những người phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam đã đóng vai trò trung tâm. Đối với người dân Nhật Bản, Việt Nam giống như nước này trước đó 20 năm. Vào thời đó, nước Nhật cũng bị ném bom. Cần phải nói là bom napalm đã được sử dụng ồ ạt trước tiên tại Nhật Bản năm 1945. »

Về điểm này, ông Michael Prazan có giải thích rằng ở thế hệ trẻ Nhật Bản lúc bấy giờ, « bị cuốn hút theo những tư tưởng thời kỳ đó, nhất là cuộc cách mạng Cuba, tóm lại trong một bối cảnh tư tưởng cực tả, một sự nổi dậy đang bắt đầu hình thành ».

Sự nổi dậy

Nhưng theo nhà văn Michael Prazan, có lẽ chính vụ tai tiếng, do một sinh viên tên là Akita Meidai tiết lộ vào tháng 4/1968, có liên quan đến cơ sở đào tạo lớn nhất của Nhật Bản, đại học Nichidai đã làm bùng phát nỗi bất bình âm ỉ trong giới sinh viên từ năm 1965 do việc tăng phí nhập học đại học.

« Một trong các sinh viên đã tiết lộ vụ làm sai chức quyền của ban quản lý trường đại học, cụ thể làm lấy danh nghĩa tăng phí đăng ký học, cấp phát bằng, để nhận hối lộ, lấy tiền của sinh viên, một trong những tầng lớp nghèo khó nhất xã hội. Đây thực sự là mồi lửa châm vào thùng thuốc nổ và làm dấy lên một số cuộc biểu tình khổng lồ, chiếm giữ các trường đại học và dàn trận đối đầu với cảnh sát chống bạo lực Nhật Bản – Kidotai. »

Khoảng 100 ngàn sinh viên xuống đường. Và 170 trường đại học bị tác động trên khắp nước Nhật. Một số sinh viên chỉ muốn thay đổi xã hội, nhưng những người cực đoan nhất muốn thiết lập một chế độ cộng sản trong nước. Tất cả những làn sóng sinh viên này có cùng một mối bận tâm : năm 1970, ngày mà hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật phải được triển hạn.

Chính vì chống lại việc triển hạn này mà sinh viên biểu tình, lên án việc Nhật Bản phải nằm dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ. Điều đó đã không ngăn cản được các nhóm cực tả bị chia rẽ và chống lại lẫn nhau. Những phe này còn đấu tranh chống lại những phe nhóm cực hữu nằm dưới sự thao túng của nhiều nhân vật trong Nghị Viện thậm chí trong chính phủ.

Trấn áp

Không như các làn sóng phản đối tại phương Tây, phong trào sinh viên kéo dài hơn như chính phủ Nhật Bản dự kiến. Các trường đại học bắt đầu đình công vào mùa xuân năm 1968. Nhưng đợt giải tán cuối cùng, dữ dội nhất và ầm ĩ nhất có lẽ là vào tháng Giêng năm 1969 tại giảng đường Yasuda, trường đại học Todai ở Tokyo, theo như ghi nhận của ông Franck Michelin.

« Sinh viên cố thủ trong tòa nhà chính, một tòa nhà cao tầng. Cảnh sát đã dùng hàng tấn nước để xua đuổi sinh viên ra khỏi nơi đây. Cảnh sát dùng vòi rồng cứu hỏa xịt nước trong nhiều tiếng đồng hồ cho đến khi sinh viên không chịu nổi nữa. Lúc đó, mọi việc diễn ra cực kỳ thô bạo. »

Giảng đường Yasuda được giải phóng, những người chiếm đóng, những cô cậu sinh viên xuất thân từ những gia đình gia giáo, tất cả đều bị bắt. Thất bại của cuộc chiến này đánh dấu chấm hết cho phong trào sinh viên Nhật Bản.

Thế nhưng không như tại Pháp, nếu như phong trào biểu tình tháng 5/1968 nổ ra với tham vọng làm thay đổi các mối quan hệ xã hội, và dư âm của phong trào này vẫn còn có một tầm ảnh hưởng tương đối lâu dài thì tại Nhật Bản làn sóng sinh viên đã có những chuyển đổi theo chiều hướng xấu. Theo phân tích của Franck Michelin, một bộ phận những người theo tư tưởng cánh tả đã trở nên cực đoan hơn.

Một vài cựu sinh viên đã đi vào hoạt động bí mật ở nhiều nhóm chủ trương đấu tranh vũ trang khác nhau. Nổi tiếng nhất là Phân nhánh Hồng Quân FAR. Nhóm này đã thành công chuyển hướng một chuyến bay nội địa chiếc Boeing 727 của hãng Japan Airlines sang Bắc Triều Tiên.

Sau một đợt bắt giữ, FAR trở thành Hồng Quân Thống Nhất và chi nhánh quốc tế của Hồng quân tại Nhật Bản trở thành một trong những nhánh Hồng Quân cực đoan nhất trên thế giới. Nhánh này liên kết với Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Palestin FPLP để thực hiện một vụ khủng bố nhắm vào sân bay Lod, ở Tel Aviv, làm thiệt mạng 26 người và 80 người khác bị thương.

Nhưng có lẽ sự kiện bi thương gây chấn động nhất cho người dân Nhật Bản chính là sự kiện mùa đông 1972. Một cuộc thảm sát đã diễn ra giữa các thành viên. Khoảng hơn chục người tuổi từ 20-25, trong đó có một phụ nữ mang thai 9 tháng đã bị hạ sát. Nhà văn Michael Prazan thuật lại :

« Các thành viên nhóm Hồng Quân Thống Nhất rút vào ẩn dật trong các căn nhà nhỏ ở vùng núi Nagano để chuẩn bị một cuộc cách mạng vũ trang. Nhóm sinh viên này đã tranh cãi và giết hại lẫn nhau trong các khu nhà nhỏ đó. 14 người bị đánh chết. Đây là một sự tiết lộ kinh hoàng đối với người dân Nhật Bản.

Lúc đó họ mới thấy là những thanh niên trẻ bị tra tấn cho đến chết. Người ta có thể hiểu được điều này khi hiểu được tâm lý cuồng tín vẫn tồn tại từ đệ nhị thế chiến, và chắc chắn là có từ trước, đó là một dạng tâm lý sẵn sàng hy sinh, hiến dâng và triệt để của Nhật Bản. Tâm lý này không phải chỉ tồn tại trong phe cực tả Nhật Bản. »

Hậu quả chính trị

Vẫn theo nhà văn Michael Prazan, cuộc thảm sát khó hiểu đó đã để lại nhiều hậu quả chính trị khôn lường. Uy tín của cánh tả bất kể đó là cách mạng, xã hội, hay cộng sản cũng vì thế mà lụi tàn không hy vọng có ngày hồi sinh.

« Chính điều này đã làm cho ký ức về phong trào đấu tranh của sinh viên Nhật Bản rơi vào quên lãng. Tại Pháp thì ngược lại : các tiến bộ xã hội mà phong trào tháng Năm 68 tạo ra, giờ đây trở thành thành quả xã hội. Tại Nhật, người ta không thể đòi hỏi kế thừa bất kỳ điều gì từ phong trào đấu tranh của sinh viên do sự kiện này. Và cũng vì sự kiện này mà chính đảng lớn nhất thời hậu chiến là đảng Cộng Sản Nhật Bản đã suy sụp và đảng này không bao giờ gượng dậy được nữa. »

Năm mươi năm trôi qua, nhìn lại sự kiện này, cả hai sử gia đều có chung một nhận định ngày nay tại Nhật Bản, đây không hẳn là chủ đề cấm kỵ mà còn được xem như là một nỗi hoài niệm về những ai đã từng đi qua năm 68. Đối với những thế hệ người Nhật ngày nay, những người không thật sự hiểu rõ về giai đoạn này, một quãng quá khứ lịch sử mà họ cho là kỳ lạ, khác thường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.