Vào nội dung chính
NHẬT - PHÁP

Nhật muốn thu hút thêm du khách Pháp

‘‘Enjoy my Japan’’ là tên gọi của đợt thông tin gần đây nhất của Sở Du lịch Nhật Bản. Được khởi động vào mùa xuân năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 160 năm Pháp-Nhật thành lập bang giao, đợt thông tin này nhằm mục tiêu quảng bá hình ảnh và văn hóa Nhật, hầu tăng thêm số lượng du khách Pháp đến xứ hoa anh đào.

Một cặp vợ chồng trong bộ kimono truyền thống nhân mùa hoa anh đào tại Kyoto
Một cặp vợ chồng trong bộ kimono truyền thống nhân mùa hoa anh đào tại Kyoto © Reuters
Quảng cáo

Đợt thông tin của Sở Du lịch Nhật Bản (JNTO) được tiến hành song song với chương trình sinh hoạt tổ chức tại Nhà Văn hóa Nhật Bản ở số 101 bis Quai Branly, Paris quận 15. Không phải ngẫu nhiên mà ông giám đốc Ryoichi Matsuyama đã ghé thăm Paris nhân dịp này, vì đây là cơ hội lý tưởng để giới thiệu thêm về các địa điểm du lịch Nhật Bản. Mùa xuân cũng là mùa ‘‘cao điểm’’ vì đông đảo du khách Pháp cũng như du khách các nước Tây Âu chọn đến xứ Phù Tang vào mùa này để ngắm tận mắt hoa anh đào nở rộ.

Theo giám đốc Sở Du lịch Nhật Bản, tính từ một thập niên gần đây, nước Nhật thu hút hàng năm 28,7 triệu du khách nước ngoài, trong đó có tới 85 % du khách đến từ các nước châu Á và chỉ có 11% là thành phần du khách đến từ châu Âu, Úc và Hoa Kỳ gộp lại. Riêng về số lượng du khách Pháp đến thăm Nhật thì lại rất khiêm tốn chỉ tương đương với 1% mà thôi.

Trong năm qua, có 268.000 du khách Pháp đi Nhật, tức là chỉ bằng một phần ba số du khách Nhật Bản đến thăm Pháp. Theo số liệu gần đây nhất, tính trung bình Pháp thu hút 750.000 du khách Nhật hàng năm, mặc dù khách Nhật giờ đây tránh quá cảnh thủ đô Paris vì lý do an ninh, họ thích đáp xuống các thành phố tỉnh như Bordeaux, Lyon và ghé thăm các vùng miền như Alsace, Bretagne hay vùng sông Loire …..

Nếu phải so sánh, số người Pháp đi Nhật vẫn còn rất ít. Và trong số 268.000 du khách Pháp đến Nhật Bản, 90 % là du khách thuộc lứa tuổi từ 20 đến 40%, tức đa phần là thanh niên và trung niên, họ chọn hình thức du lịch cá nhân, họ tự đặt vé lấy thay vì đi theo đoàn, mặc dù nhìn chung, nước Nhật nổi tiếng là ‘‘không dễ đi lại’’ do vẫn còn thiếu các bản thông tin hướng dẫn bằng ngoại ngữ ngoài các khu vực trung tâm đô thị.

Về điểm này, giám đốc Sở Du lịch Nhật Bản nhìn nhận là vòng nhiều thập niên, nước Nhật đã tập trung vào ngành công nghệ cao cấp chứ không đặt trọng tâm vào việc phát triển du lịch thành một ngành mũi nhọn. Tình hình đang có chiều hướng thay đổi, các ứng dụng phần mềm như tự điển song ngữ hay bản đồ trực tuyến tạo điều kiện đi lại dễ dàng cũng như dùng các phương tiện giao thông thuận lợi hơn.

Trong mắt du khách Pháp, giá sinh hoạt và chi phí ăn ở tại Nhật rất là đắt đỏ. Điều này đúng nếu ta so sánh Tokyo với Bangkok hay Sài Gòn, nhưng nếu so sánh với các nước có cùng mức độ phát triển, thì Tokyo lại rẻ hơn Luân Đôn hay Paris từ 20% đến 30%, về mặt khách sạn hay nhà hàng.

Khi nhắc đến Nhật Bản, đại đa số du khách châu Âu hầ như chỉ nghĩ tới đỉnh núi Phú Sĩ, các đền chùa Kyoto, các công viên lợp đầy hoa anh đào. Có lẽ cũng vì thế mà 75% (3 trên 4) du khách Âu Mỹ chỉ ghé thăm Tokyo, Kyoto và Osaka. Người Pháp có thể dành thêm vài ngày để ghé thăm Hiroshima và Miyajima, nhưng các vùng miền như Setouchi, San’in, đảo Shikoku vẫn còn ít du khách Pháp lui tới.

Chính cũng vì thế mà đợt thông tin ‘‘Enjoy my Japan’’ đã lăng xê 7 đọan phim clip video để giới thiệu Nhật Bản dưới 7 góc độ khác nhau : văn hóa truyền thống, thiên nhiên, nghệ thuật, thành thị, ẩm thực, nội thất thư giãn, sinh hoạt ngoài trời. Mục tiêu của các đoạn phim này là giới thiệu những hình ảnh ít phổ biến về đất nước và con người Nhật Bản.

Ít có du khách Âu Mỹ nào để ý tới các trạm trượt tuyết mùa đông tại Niseko và Nagano, các bãi biển phía nam quần đảo Okinawa vào mùa hè lại giống như các hải đảo miền nhiệt đới, hay là vùng miền phía bắc Tohoku dành cho những người có máu mạo hiểm phiêu lưu, các địa điểm này lại càng dễ đến hơn nhờ hệ thống xe lửa cao tốc Shinkasen (vé xe bán theo tuần).

Riêng đối với thành phần du khách yêu chuộng nghệ thuật và lịch sử, Tokyo hay Osaka khôg thiếu gì các bảo tàng lớn hay phòng triển lãm. Du khách có thể quan tâm tới Viện bảo tàng thời Minh Trị tại Kagoshima hay là Công viên-bảo tàng Meiji-mura tại Nagoya Nhật Bản, vì ngoài 160 năm thành lập bang giao Nhật-Pháp, năm 2018 còn đánh dấu 150 năm thời kỳ Minh Trị Duy Tân (1868 -1912) thời Nhật Bản tiến hành công cuộc hiện đại hóa đất nước để rồi vươn lên vị thế cường quốc nhất nhì thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.