Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ - HẠT NHÂN

Ứng viên ngoại trưởng Mỹ đòi Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân vĩnh viễn

Bắc Triều Tiên không nên kỳ vọng vào bất kỳ phần thưởng nào nhân cuộc đàm phán sắp tới với Hoa Kỳ nếu không thực hiện những biện pháp không thể đảo ngược để từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ngày 12/04/2018, ông Mike Pompeo, người được tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng đã tuyên bố như trên.

Ông Mike Pompeo cuộc điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ, ngày 12/04/2018.
Ông Mike Pompeo cuộc điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ, ngày 12/04/2018. REUTERS/Leah Millis
Quảng cáo

Trong cuộc điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ, để được chuẩn y chức ngoại trưởng, ông Pompeo đã tỏ ý bi quan về triển vọng Bình Nhưỡng từ bỏ vĩnh viễn vũ khí hạt nhân. Ông lưu ý rằng trong các cuộc đàm phán trước đây với Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và các nước khác đã nới lỏng trừng phạt quá nhanh đối với Bình Nhưỡng.

Chính vì vậy mà lần này, chính quyền Trump sẽ đòi có được kết quả một cách vĩnh viễn và không thể đảo ngược được trước khi đáp ứng các yêu cầu của Bắc Triều Tiên.

Tuyên bố cứng rắn trên đây phản ánh lập trường đối ngoại bị đánh giá là diều hâu của người sẽ lên thay thế ngoại trưởng bị cách chức Rex Tillerson, được cho là có xu hướng ôn hòa hơn. Tuy nhiên, trong suốt 5 tiếng đồng hồ điều trần hôm qua, ông Pompeo, cựu sĩ quan quân đội, đã cố « gọt giũa » để xóa nhòa hình ảnh rất cứng rắn của mình.

Thông tín viên RFI tại San Francisco, Éric de Salve nhận định:

« Một số người trong quý vị đã đọc những bài báo mô tả tôi như là một người gang thép, một con diều hâu, nhưng những ai không phải là quân nhân thì không thể hiểu được rằng chiến tranh là một thảm kịch như thế nào.

Chính với những lời lẽ đầy tính trấn an trên đây mà đương kim giám đốc CIA và lãnh đạo ngoại giao tương lai của Hoa Kỳ đã tìm cách thuyết phục các thượng nghị sĩ Mỹ. Đối với ông, chiến tranh luôn là giải pháp cuối cùng.

Cựu quân nhân 54 tuổi này tỏ ra cứng rắn nhưng cũng cố gắng xóa nhòa hình ảnh diều hâu của mình. Về Iran, ông xác định là muốn cải thiện thỏa thuận hạt nhân nhưng không nói đến việc rút khỏi. Về Bắc Triều Tiên, ông hứa thiên về giải pháp ngoại giao… nhưng không loại trừ khả năng can thiệp quân sự.

Một thượng nghị sĩ Dân Chủ nói thẳng: Có rất nhiều lo ngại là phải chăng chúng ta đang thành lập một nội các chiến tranh với những hậu quả tai hại, sử dụng sức mạnh quân sự mà không có sự đồng ý của Quốc Hội, và đi vào một sai lầm khác thiếu suy nghĩ như cuộc chiến của chúng ta tại Irak trước đây.

Sau 5 tiếng đồng hồ nghe điều trần, một thượng nghị sĩ khác kết luận : Ông Mike Pompeo mà tôi được yêu cầu bỏ phiếu thật ra là ai ? Phải chăng là người mà ngày hôm nay nói rằng phải ngăn ngừa Iran trang bị bom nguyên tử qua con đường ngoại giao ? Hay là người vào năm 2015 nói rằng phải ngăn ngừa bằng cách lật đổ chế độ ? Và vị nghị sĩ này mỉa mai : Tôi đang cố gắng hiểu xem người nào trong hai nhân vật Pompeo đó sẽ hành động một khi được xác nhận làm ngoại trưởng Hoa Kỳ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.