Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC

Tập Cận Bình bất ngờ ra Biển Đông thị sát cuộc duyệt binh hải quân

Trong một động thái nặng ý nghĩa biểu tượng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/04/2018 đã bất ngờ đến Hải Nam, lên tàu ở ngoài Biển Đông để thị sát một cuộc duyệt binh của hải quân Trung Quốc, được báo chí nước này ca tụng là rầm rộ nhất trong lịch sử đất nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát cuộc duyệt binh hải quân trên Biển Đông ngày 12/04/2018.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát cuộc duyệt binh hải quân trên Biển Đông ngày 12/04/2018. Li Gang/Xinhua via REUTERS
Quảng cáo

AFP trích dẫn một tờ báo quân đội Trung Quốc, cho biết cuộc duyệt binh huy động hơn 10 ngàn quân, cùng với 48 chiến hạm và tàu ngầm, 76 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ. Một cuộc duyệt binh hải quân được mô tả là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, quy tụ hầu hết các chiến hạm và máy bay tiên tiến nhất.

Đài truyền hình Nhà Nước Trung Quốc CCTV đã phát đi đoạn video cho thấy hình ảnh ông Tập Cận Bình trên một chiếc khu trục hạm Trường Sa (Changsha) đi đến một địa điểm không được xác định ngoài Biển Đông, và chứng kiến cảnh hạm đội Trung Quốc diễu hành trên biển. Chủ tịch Trung Quốc cũng đã theo dõi cảnh chiến đấu J-15 cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Phát biểu nhân dịp này, ông Tập Cận Bình cho rằng đối với với quân đội Trung Quốc, nhiệm vụ xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Giới quan sát ghi nhận ý nghĩa biểu tượng của việc ông Tập Cận Bình đích thân ra Biển Đông để cùng với hải quân nước này phô trương thanh thế.

Nhật báo Hồng Kông ngày 12/04 trích dẫn nhận định của Tống Trung Bình, một cựu sĩ quan lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc : « Cuộc duyệt binh gần Tam Á trên Biển Đông cũng thể hiện quyết tâm của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền của mình trong vùng tranh chấp và năng của hải quân Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích dọc theo tuyến ‘Một Vành Đai Một Con Đường’».

Việc hải quân Trung Quốc rầm rộ phô trương lực lượng diễn ra cùng lúc với việc hải quân Mỹ cũng không ngần ngại thị uy trên Biển Đông, với việc đưa hải đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông, tập trận với hải quân Singapore, sau đó tiếp tục tập trận trên đường đến cảng Manila của Philippines, trước sự chứng kiến của quan chức Philippines và nhà báo được mời lên tàu.

Một số quan chức Mỹ đã ghi nhận với hãng tin Pháp AFP rằng tính ra, khu vực tập trận của hải quân Mỹ và Trung Quốc chỉ cách vài trăm cây số.

Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, gạt bỏ tất cả những tuyên bố chủ quyền của 4 nước láng giềng Đông Nam Á và của Đài Loan.

Tổng thống Đài Loan cũng lên tàu thị sát một cuộc tập trận của Đài Loan

Một yếu tố đáng chú ý khác là ông Tập Cận Bình ra Biển Đông thị sát cuộc duyệt binh của hải quân Trung Quốc ngay sau khi nước này thông báo kế hoạch tổ chức một ngày tập trận bắn đạn thật (18/04/2018) ngay tại eo biển hẹp ngăn cách lục địa với Đài Loan, một hành động có thể làm tăng căng thẳng với đảo này.

Động thái hù dọa của Trung Quốc đã bị chính quyền Đài Loan đáp trả một cách cứng rắn.

Đúng một hôm sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Biển Đông tham dự của duyệt binh của hải quân Trung Quốc, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào hôm nay, 13/04/2018 cũng lên chiến hạm Cơ Long, ra thị sát một cuộc tập trận của hải quân Đài Loan.

Giới quan sát ghi nhận đây là lần đầu tiên mà hải quân Đài Loan tiến hành từ ngày bà Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống vào tháng 5 năm 2016.

Dĩ nhiên là Đài Bắc cũng thận trọng, không khiêu khích Bắc Kinh quá mức. Cuộc tập trận của hải quân Đài Loan được tổ chức ở phía đông hòn đảo, chứ không phải bên bờ tây, đối diện với lục địa. Mặt khác, cuộc tập trận cũng không bắn đạn thật.

Khi được hỏi là phải chăng chuyến thị sát của bà là nhằm đáp trả hành động thị uy của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bà Thái Anh Văn cho rằng báo chí không nên « thổi phồng » sự kiện, và chuyến thị sát của bà nằm trong cả một kế hoạch dài hạn.

Nhật Bản sẽ gia tăng tuần tra quanh đảo bị Trung Quốc tranh chấp

Lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản hôm nay, 13/04/2018, cho biết nước này sẽ tăng cường hoạt động tuần tra bằng phi cơ quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, đang bị Trung Quốc tranh chấp, nhằm đối phó với việc Bắc Kinh gia tăng hoạt động tại khu vực này.

Theo một phát ngôn viên lực lượng Tuần Duyên Nhật, Tokyo sẽ điều thêm 2 máy bay trong vòng 12 tháng tới đây để tăng cường hoạt động tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku.

Ngoài việc tăng thêm 60 người cho phi hành đoàn lái các phi cơ tuần tra, Nhật Bản sẽ triển khai 2 máy bay Falcon 2000LXS trong tài khóa này và thêm một chiếc nữa vào năm tới, nhằm cho phép triển khai kế hoạch « hệ thống tuần tra 24 giờ » nhằm giám sát quần đảo bị Trung Quốc tranh chấp.

Theo hãng tin Pháp AFP, quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi nước này phát hiện một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp này hồi đầu năm.

Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này.

Chính quyền Nhật Bản thường xuyên tố cáo các hành động của Trung Quốc cho tàu hải cảnh thâm nhập vào vùng biển chung quanh quần đảo mà Tokyo kiểm soát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.