Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung : Đôi bên muốn gì ?

Sau nhiều tuần lễ đấu khẩu với các đòn hù dọa lẫn nhau, Trung Quốc lần đầu tiên khai hỏa. Bộ Thương Mại áp dụng biện pháp tăng thuế từ 15 đến 25 % nhắm vào gần 130 sản phẩm của Hoa Kỳ nhập vào thị trường đông dân nhất hành tinh. Dù vậy quả pháo đầu tiên này được các nhà quan sát đánh giá là khá chừng mực.

Chiếc iPhone X mới được giới thiệu với báo chí tại Bắc Kinh ngày 31/10/2017.
Chiếc iPhone X mới được giới thiệu với báo chí tại Bắc Kinh ngày 31/10/2017. REUTERS/Thomas Peter/File Photo
Quảng cáo

Đây có phải là một nước cờ để nắn gân Mỹ, trong lúc Bắc Kinh vẫn kỳ vọng Washington không lao vào một cuộc chiến tranh thương mại mà cả hai cùng biết là sẽ bất lợi cho cả đôi bên ? Về phía Nhà Trắng, tổng thống Trump và dàn cố vấn của ông thực sự đang tính toán những gì ?

Trước hết về phía Trung Quốc, trong lúc Washington dọa đánh vào 60 tỷ đô la hàng nhập của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, thì Bắc Kinh phản công lại một cách khiêm tốn, "tấn công" vào 3 tỷ đô la, tương đương với 2 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang nước đông dân nhất địa cầu. Trung Quốc tuyệt đối không đụng đến những mặt hàng thiết thực với đời sống hàng ngày của 1,5 tỷ dân trên quê hương ông Đặng Tiểu Bình.

Trung Quốc tạm thời tránh áp thuế lên xe hơi Mỹ hay những sản phẩm của Mỹ rất được người Trung Quốc ưa chuộng như điện thoại di dộng mang nhãn hiệu Quả Táo, mà 310 triệu chiếc đang lưu hành tại Trung Quốc.

Có hai cách giải thích cho thái độ chừng mực này. Một số chuyên gia cho rằng, có thể hiểu đợt phản công đầu tiên của Bắc Kinh đi theo hướng "vừa đánh, vừa ngóng" xem phía Hoa Kỳ phản ứng thế nào và dùng đòn trả đũa đúng liều, để chính quyền Trump phải suy nghĩ kỹ trước khi lao vào một cuộc chiến thương mại. Đồng thời về mặt đối nội, phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh nhằm chứng minh với người dân nước này rằng Trung Quốc thực sự "không khoanh tay ngồi nhìn" hay chịu lép vế Mỹ.

Cách lý giải thứ nhì đơn giản hơn là Trung Quốc ý thức được rằng, "môi hở, răng lạnh", hai nền kinh tế số 1 và số 2 lệ thuộc vào nhau đến mức độ nào. Đành rằng Bắc Kinh đủ sức trả đũa nhắm vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của Mỹ, nhưng khi nhìn kỹ vào vấn đề thì bài toán không đơn giản.

Theo nghiên cứu của tập đoàn ngân hàng Đức Deutsche Bank, Trung Quốc đem về 20 % doanh thu cho hãng Apple, là khách hàng lớn nhất của hãng chuyên về công nghệ điện thoại di động Qualcomm (65 % doanh thu) ; 45 % máy tính Texas Instrument bán ra là để phục vụ các khách hàng Trung Quốc. Số lượng xe hơi General Motors bán ra trên thị trường Trung Quốc cao gấp đôi so với ở Hoa Kỳ ...

Nhưng tất cả những sản phẩm nói trên đều được lắp ráp ngay trên đất Trung Quốc để phục vụ người dân Trung Quốc. Vì vậy, "phạt" những tập đoàn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động Trung Quốc. Đó là điều mà Bắc Kinh không muốn xảy ra, theo như ghi nhận của các chuyên gia thuộc ngân hàng Deutsche Bank.

Dưới lăng kính của tờ báo tài chính Anh, Financial Times, Bắc Kinh rất khéo léo trong chiến thuật vừa đánh, vừa xoa. Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn, trong hậu trường, Bắc Kinh đã đồng ý mở cửa thị trường tài chính cho các tổ hợp ngoại quốc và đã sẵn sàng cho nhập khẩu thêm các mặt hàng điện tử của Mỹ theo yêu cầu của Washington. Có điều Trung Quốc đợi thời điểm thuận tiện mới thông báo đầy đủ hơn các bước đi hòa hoãn này. Financial Times trích một số nguồn tin thân cận với chính quyền Trung Quốc cho rằng, có nhiều khả năng thời điểm thuận lợi nói trên là nhân dịp Diễn đàn kinh tế Bát Ngao (8-11/04/2018).

Về phía Washington, chiến lược của Nhà Trắng cũng đã được giới phân tích giải mã. Tổng thống Trump dùng đòn hù dọa, để cuối cùng buộc đối phương nhượng bộ, như là điều ông đã dễ dàng đạt được với Hàn Quốc. Nhưng Washington thừa biết Trung Quốc là một đối thủ khó vượt qua hơn.

Tổng thống Donald Trump căn cứ vào mức nhập siêu của Hoa Kỳ với bạn hàng Trung Quốc lên tới 375 tỷ đô la trong năm vừa qua và cho rằng trong 15 năm liên tiếp, hai tổng thống tiền nhiệm George W.Bush và Barack Obama đã không thu hẹp được khoảng cách trong cán cân thương mại, bây giờ đã đến lúc ông phải ra tay.

Ở bước đầu, tổng thống Mỹ đánh thuế lên nhôm, thép của Trung Quốc, gây thiệt hại cho công nghệ nước này 9 tỷ đô la. Bước kế tiếp, Nhà Trắng phạt thêm 60 tỷ đô la và đòi "ông bạn" Tập Cận Bình giảm 100 tỷ đô la thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ. Cũng Donald Trump với giọng điệu không mấy ngoại giao cáo buộc thẳng thừng các doanh nghiệp Trung Quốc "ăn cắp" chất xám của Mỹ để thống lĩnh thế giới về các công nghệ tương lai.

Theo phân tích của giáo sư Tôn Lập Bình (Sun Liping) đại học Tinh Hoa, Bắc Kinh, Mỹ đoán chừng là phía Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong cuộc đọ sức về thương mại này. Nguồn thu ngoại tệ nhiều nhất cho nền kinh tế thứ 2 thế giới chính là Mỹ. Với số tiền đó, Trung Quốc nhập những sản phẩm thiết yếu nhất, từ dầu hỏa đến chip điện tử và cả một số nhu yếu phẩm. Vẫn theo chuyên gia Trung Quốc này, trong trường hợp nổ ra chiến tranh thương mại, Mỹ có nhiều tài nguyên thiên nhiên ngay trên lãnh thổ, như dầu hỏa chẳng hạn, để vượt qua mọi cấm vận. Trung Quốc thì không.

Hơn nữa, vẫn theo giáo sư Tôn Lập Bình, Washington có thể trông cậy vào nhiều đồng minh để phần nào bù đắp vào chỗ trống do Trung Quốc để lại. Bắc Kinh không có được ngõ thoát hiểm an toàn như Hoa Kỳ. Chuyên gia trường đại học Tinh Hoa Bắc Kinh kết luận : "Chiến tranh thương mại, nếu có, sẽ gây phương hại nhiều cho nền kinh tế Mỹ, nhưng còn đối với Trung Quốc, đây là chuyện sống còn".

Nhìn từ Mỹ, ông Adam Posen, giám đốc viện nghiên cứu Peterson Institute, trụ sở tại Washington, không tự tin bằng. Ông cho rằng chiến tranh thương mại mà tổng thống Donald Trump đang lao vào sẽ vừa "tốn kém, không có hiệu quả và sẽ mở ra một thời kỳ đầy bất trắc", để rồi Hoa Kỳ sẽ sa lầy như ở Afghanistan !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.