Vào nội dung chính
IRAN - ĐỐI NGOẠI

Iran hướng Đông tìm đối trọng với phương Tây

Iran dường như sẽ tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc để làm đối trọng trước chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn hơn của Hoa Kỳ sau khi tổng thống Donald Trump bổ nhiệm ông John Bolton, một nhân vật được cho là “diều hâu”, làm cố vấn an ninh quốc gia vào ngày 23/03/2018.

Lãnh tụ tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei bật đèn xanh cho Tehera chuyển hướng quan hệ với phương Đông, trong đó có Nga và Trung Quốc. Ảnh chụp tại Mashad, ngày 21/03/2018.ày
Lãnh tụ tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei bật đèn xanh cho Tehera chuyển hướng quan hệ với phương Đông, trong đó có Nga và Trung Quốc. Ảnh chụp tại Mashad, ngày 21/03/2018.ày REUTERS
Quảng cáo

Ông Bolton nổi tiếng là một chính trị gia thù nghịch với Teheran và thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Iran và khối 5+1 (5 nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức). Trước đó vài ngày, cựu giám đốc CIA Mike Pompeo, một chính trị gia có lập trường cứng rắn với hồ sơ hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên, cũng được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Hoa Kỳ, thay ông Rex Tillerson.

John Bolton : Tín đồ của những phát ngôn “gây sốc”

Từng làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống George W. Bush, ông John Bolton, 69 tuổi, là người ủng hộ đường lối cứng rắn với Iran và Bắc Triều Tiên.

Với Bình Nhưỡng, ông khẳng định trong một bài viết vào cuối tháng 02/2018 rằng “Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đáp trả một cách chính đáng mối đe dọa bằng cách tấn công trước”. Trước đó một tháng, trên Twitter, ông cũng cho rằng phải sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đối với Iran, năm 2015, ông John Bolton lên án “những nhượng bộ ngày càng quan trọng hơn” của Washington và của tổng thống Barack Obama để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân với Iran. Cùng năm, ông còn gợi ý là Israel oanh kích các cơ sở hạt nhân của Iran và Hoa Kỳ sẽ ủng hộ đối lập để “thay đổi chế độ”.

Bổ nhiệm John Bolton: TT Mỹ sát cánh Israel và Ả Rập Xê Út

Ngay khi ông John Bolton nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, nghị sĩ Alaeddin Borougerdi, đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Nghị Viện Iran, đã nhanh chóng lên án chính sách ngoại giao mạnh tay đối với Iran mà Mỹ nhắm đến.

Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tại Teheran cho biết :

“ “Với sự bổ nhiệm những thành phần cực đoan, ông Donald Trump muốn trấn an Israel và Ả Rập Xê Út”, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Nghị Viện Iran đã phát biểu như trên ngay khi ông John Bolton nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Theo ông Alaeddin Borougerdi, những quyết định bổ nhiệm đó chứng tỏ ý đồ tăng cường sức ép của Mỹ nhắm vào Iran.

Thực vậy, quyết định bổ nhiệm hai ông John Bolton và Mike Pompeo củng cố phe “diều hâu”, trong khi tổng thống Donald Trump dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân vào ngày 12/05/2018, trừ khi thỏa thuận này có thêm những điều khoản cứng rắn hơn, điều mà Teheran kịch liệt bác bỏ.

Hoa Kỳ cũng kêu gọi Teheran chấp nhận hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và thay đổi chính sách trong khu vực. Về điểm này, Iran cũng từ chối mọi thay đổi.

Đối mặt với những lời đe dọa trên, ông Alaeddin Borougerdi khẳng định rằng Iran phải tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc. Hai nước cũng là đối tượng trừng phạt của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga từ nhiều năm nay. Tổng thống Donald Trump vừa mới cho phép tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc. Đây là biện pháp đầu tiên chống lại Bắc Kinh.

Trong bối cảnh này, Teheran muốn chuyển hướng sang Nga và Trung Quốc, hai nước mà Iran vẫn duy trì quan hệ quan trọng về ngoại giao và kinh tế”.

Iran luôn cho là Mỹ không thật lòng

Vào cuối tháng 02/2018, lãnh tụ tối cao Iran, đại giáo chủ Ali Khamenei, đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ ủng hộ phát triển quan hệ với phương Đông. Theo AFP, đây là một dấu hiệu hết kiên nhẫn của Iran trước việc quan hệ với phương Tây không tiến triển.

Năm 1979, một trong những khẩu hiệu nổi tiếng của cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran là “không theo Tây, cũng chẳng ngả theo Đông, chỉ có Cộng Hòa Hồi Giáo” đánh dấu ý đồ của chính quyền mới là không ưu tiên bất kỳ cường quốc nào thời kỳ đó, có nghĩa là Hoa Kỳ và Liên Bang Xô Viết.

Gần 40 năm sau, người đứng đầu Iran lại tuyên bố “về mặt đối ngoại, coi trọng phương Đông hơn phương Tây (…) là một trong những ưu tiên của chúng ta”. Các nhà phân tích cho rằng những phát biểu trên không thay đổi nguyên tắc căn bản của Iran, có nghĩa là bác bỏ ảnh hưởng của các cường quốc nước ngoài, dù là phe nào đi nữa.

Điều này cũng có thể được hiểu là nỗ lực giảm căng thẳng gần đây nhất với Washington, nhờ thỏa thuận hạt nhân, đã tiêu tan. Vì, theo nhận định của nhà nghiên cứu Ellie Geranmayeh, thuộc Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại (European Council on Foreign Relations), lãnh tụ tối cao Khamenei “nhiều lần nhắc lại rằng thỏa thuận năm 2015 là một bài trắc nghiệm để xem đàm phán với phương Tây có đem lại kết quả tích cực hay không”. Vẫn theo bàEllie Geranmayeh, “các nhà lãnh đạo Iran đánh giá là Hoa Kỳ hành động với tâm địa xấu (…) Vì vậy, tuyên bố của lãnh tụ tối cao Khamenei đã bật đèn xanh cho việc tập trung nỗ lực ngoại giao trong quan hệ với Nga và Trung Quốc”.

Thực ra, không phải chờ đến nhiệm kỳ của tổng thống Trump để Iran cho rằng Washington không tôn trọng những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Teheran đã cảm nhận được từ trước đó, thậm chí “ngay từ ngày đầu tiên, Hoa Kỳ, dưới thời chính quyền Obama, đã bắt đầu vi phạm”, theo khẳng định của ông Mohammad Marandi, nhà phân tích chính trị kiêm giáo sư tại đại học Teheran.

Iran cho rằng Washington đã lạm dụng khi áp dụng cả những biện pháp trừng phạt không liên quan đến hạt nhân, như cản trở quan hệ ngân hàng với phần còn lại của thế giới và đầu tư nước ngoài vào Iran. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Iran luôn nhấn mạnh rằng thỏa thuận hạt nhân phải đi đôi với việc Hoa Kỳ “từ bỏ mọi chính sách tác động trực tiếp hoặc gây khó dễ cho việc bình thường hóa quan hệ thương mại và kinh tế của Iran” với phần còn lại của thế giới.

Nga, Trung Quốc và châu Á cư xử tốt với Iran

Những phát biểu của lãnh tụ tối cao Iran Khamenei nhấn mạnh đến quan hệ với các nước phương Đông và châu Á, trong đó rất nhiều nước hiện trở nên hùng mạnh hơn, đặc biệt là từ khi Nga và Iran xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến tại Syria.

Giáo sư Mohammad Marandi khẳng định : “Mối quan hệ của Iran với Nga, Trung Quốc và nhiều nước châu Á hiện tốt hơn rất nhiều so với các nước phương Tây vì họ đối xử với chúng tôi tử tế hơn”. Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu của Iran từ nhiều năm qua. Theo số liệu thống kê chính thức của Teheran từ tháng 04 đến 07/2017 (quý I của Iran), Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 trong số các nước xuất khẩu vào Iran, Thổ Nhĩ đứng thứ 4 và Ấn Độ đứng thứ 5.

Cộng Hòa Hồi Giáo Iran từng tỏ ra rất linh hoạt về chính sách đối ngoại. “Iran đã thông qua cách tiếp cận thực dụng với Hoa Kỳ khi có chung lợi ích”, theo phân tích của chuyên gia Geranmayeh, như từng hợp tác với Washington vào năm 2001 khi quân Mỹ đổ vào Afghanistan để lật đổ phiến quân Taliban.

Thỏa thuận hạt nhân được ký vào tháng 07/2015 đã cho phép dỡ bỏ một phần cấm vận quốc tế. Nhờ đó, xuất khẩu dầu lửa của Iran đã tăng nhanh, trao đổi thương mại với châu Âu cũng khởi sắc.

Tuy nhiên, những lời đe dọa của Mỹ lại dội gáo nước lạnh vào các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng lớn quốc tế, trong đó các nước châu Âu dễ chịu tác động trước sức ép của Mỹ hơn là Trung Quốc và Nga.

Giáo sư Marandi nhấn mạnh : “Nếu các nước châu Âu không có dũng cảm để kháng lại Hoa Kỳ, họ đừng mong trở thành đối tác của chúng tôi. Nếu những cánh cửa này khép lại thì những cánh cửa khác lại mở ra, chúng tôi không thể nào mãi chờ trước cánh cửa đóng kín”.

Lời cảnh cáo dường như bị Liên Hiệp Châu Âu bỏ ngoài tai. Ngày 28/03/2018, theo đề xuất chung của ba nước Đức, Pháp và Anh Quốc, đại sứ các nước thành viên đã thảo luận về những biện pháp trừng phạt mới có thể được áp dụng nhằm chống lại Iran do chương trình tên lửa đạn đạo và vai trò của Teheran trong cuộc chiến ở Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.