Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC-MỸ- THƯƠNG MẠI

Thực hư về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc ?

Từ ba tuần qua, truyền thông quốc tế tập trung vào cuộc đọ sức thương mại giữa Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới, mà đối thủ chính của Washington là Bắc Kinh. Tại Washington, Donald Trump "ồn ào" thông báo các biện pháp cứng rắn phạt Trung Quốc "ăn cắp" chất xám của Mỹ. Ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo chủ trương "vận động ngầm với những đòn hiểm không kém".

Mỹ phải nhập 50 % nhôm để phục vụ cỗ máy công nghiệp.
Mỹ phải nhập 50 % nhôm để phục vụ cỗ máy công nghiệp. ©STR/AFP
Quảng cáo

Trên đây là nhận định của giáo sư Nicolas Moinet thuộc trường hành chính và kinh tế AIE tác giả cuốn Les sentiers de la guerre économique tạm dịch là Những con đường của một cuộc chiến tranh kinh tế, nhà xuất bản VA Press cảnh báo : chớ lầm trước thái độ chừng mực của Bắc Kinh.

Tuần qua, Mỹ kiện Trung Quốc ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế 60 tỷ đô la nhắm vào nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhập sang Hoa Kỳ. Bắc Kinh lập tức công bố một số các biện pháp trả đũa.

Theo giới chuyên gia, mang tiếng là chủ trương mở cửa thị trường, nhưng luật thương mại của Mỹ "cực kỳ tinh vi" và có nhiều phương tiện để áp dụng các biện pháp bảo hộ. Tổng thống Trump không là nguyên thủ Hoa Kỳ đầu tiên đi theo hướng này.

Nhưng đúng là chưa bao giờ Washington viện cớ "an ninh quốc gia" để áp thuế, và đây cũng là lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc trực tiếp đối đầu trên mặt trận thương mại.

Đôi bên đều dùng những lời lẽ rất cứng rắn để nhắm vào đối phương, nhưng ở hậu trường, Washington và Bắc Kinh kín đáo đàm phán tránh để nổ ra một cuộc chiến thương mai.

Sau khi dọa đánh thuế nhắm vào nhôm và thép của thế giới nhập sang Hoa Kỳ, Nhà Trắng chung cuộc tạm miễn hình phạt này cho khá nhiều nước bạn của Mỹ, trong đó có Hàn Quốc, Liên Hiệp Châu Âu hay Canada. Trung Quốc không nằm trong danh sách đó.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế số 1 và 2 của thế giới tăng thêm một nấc sau khi tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh áp thuế 60 tỷ đô la nhắm vào hàng "made in China", kèm theo những tuyên bố rất gay gắt như là trực tiếp tố cáo các doanh nghiệp Trung Quốc "ăn cắp" chất xám của các đối tác Mỹ qua các vụ chuyển giao công nghệ. Câu hỏi đặt ra là liệucác đòn tấn công của chủ nhân Nhà Trắng tác động tới mức độ nào và có hiệu quả hay không ?

Trong mắt chuyên gia Mark Williams, công ty tư vấn Capital Economics của Anh cho rằng dù có bị thiệt hại 60 tỷ đô la vì Mỹ tăng thuế nhập khẩu, nền kinh tế thứ 2 của thế giới "không hề hấn gì". Tác động không quá so với một "cái khẻ tay". 60 tỷ đô la tương đương với 1/8 tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Hoa Kỳ và nhìn tổng thể thì chỉ bằng 2,6 % tổng trị giá xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn thế giới.

Tuy nhiên chuyên gia này thận trọng cho rằng, biện pháp tăng thuế để hù dọa lẫn nhau kiểu này chỉ là "bề nổi của tảng băng" ....

Julien Marcilly, đại diện cho công ty bảo hiểm cho các doanh nghiệp Pháp Coface không chia sẻ phân tích nói trên của chuyên gia kinh tế kinh tế Mark Williams khi cho rằng nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại, Trung Quốc bị thiệt hại nhiều hơn Mỹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ tương đương với 0,5 % GDP của nền kinh tế số 1 thế giới. Ngược lại xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ chiếm tới 5 % tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc.

Trung Quốc lập tức trả đũa

Mỹ đòi phạt 60 tỷ đô la nhắm vào hàng Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa dọa phạt 3 tỷ đô la hàng Mỹ nhập vào nước đông dân nhất địa cầu. Bị Washington mang ra kiện trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới "vi phạm quyền sở hữu trí tuệ", đại diện Trung Quốc tại WTO ngày 26/03/2018 kêu gọi tất cả các thành viên cùng chung tiếng nói chống lại việc Hoa Kỳ đơn phương tăng thuế nhập khẩu.

Vào lúc Mỹ chưa chính thức công bố danh sách những sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế thì tại Bắc Kinh ngay từ tuần trước, bộ Thương Mại đã thông báo tăng thuế nhập khẩu từ 15 % đến 25 % nhắm vào 128 mặt hàng của Mỹ bán tại Trung Quốc trong trường nổ ra chiến tranh thương mại. Trong số này phải kể tới rau quả tươi, thịt heo cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Nhưng khả năng "ăn miếng trả miếng" của Bắc Kinh không dừng lại ở đây. Kinh tế gia Alex Wolf thuộc cơ quan tư vấn Aberdeen Standard Investments- trụ sở tại Edinburg- Anh, giải thích : Trung Quốc có nhiều phương tiện để gây áp lực với Nhà Trắng. Thị trường thịt heo, rau quả không thấm vào đâu, khi biết rằng một phần lớn doanh thu của các đại tập đoàn Mỹ từ Apple tới Microsoft, từ hãng quần áo Nike tới các cửa hàng cà phê Starbucks... tùy thuộc vào thị trường với gần 1,5 tỷ dân này.

Giơ cao đánh khẽ ?

Theo tiết lộ của nhật báo tài chính Mỹ, The Wall Street Journal dù bề ngoài tỏ ra rất cứng rắn, nhưng ở hậu trường, Washington và Bắc Kinh đang ráo riết đàm phán. Phía Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tập đoàn Mỹ dễ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là với ngành tài chính. Trưởng đoàn đoàn phán về phía Mỹ là bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin và đại diện Thương Mại Robert Lighthizer. Về phía Trung Quốc, hồ sơ này được đặt trong tay tân phó thủ tướng Lưu Hà, một nhân vật thân tín của ông Tập Cận Bình.

Trong cuộc điện đàm ngày 24/03/2018 đôi bên đồng ý duy trì các kênh liên lạc trên hồ sơ thương mại. Hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin thậm chí còn dự trù sang tận Bắc Kinh trong những ngày tới để trực tiếp thương lượng.

Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc có khoảng 2 tháng để đưa ra quyết định sau cùng trước khi mà các biện pháp trừng phạt lẫn nhau có hiệu lực. Trong hai tháng, nhiều chuyển biến có thể xảy ra, nhất là cả phía các doanh nghiệp Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều nỗ lực "vận động hành lang".

Nhiều nhà quan sát cho rằng, tinh ý một chút người ta sẽ nhận ra rằng trong vô số những mặt hàng "made in China", đều có những đóng góp "trị giá gia tăng" từ phía Mỹ. Ngược lại, không ít những lĩnh vực công nghiệp của Hoa Kỳ, trên đất Hoa Kỳ phải nhập linh kiện từ Trung Quốc.

Một dấu hiệu khác cho thấy dù có những lời lẽ cứng rắn bề ngoài nhưng đôi bên cùng đang "kềm chế" : trong số 128 mặt hàng của Mỹ bị Bắc Kinh dọa áp thuế, bộ Thương Mại Trung Quốc tránh đả động đến đậu nành. Năm 2017, Trung Quốc là khách hàng mua vào 1/3 sản xuất của các nông gia Mỹ và doanh thu lên tới 14 tỷ đô la.

Trung Quốc có thực sự mềm mỏng ?

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, giáo sư Nicolas Moinet thuộc trường Hành Chính AIE tác giả cuốn « Les sentiers de la guerre économique " tạm dịch là Những con đường của một cuộc chiến tranh kinh tế, nhà xuất bản Washington Press cảnh báo : chớ lầm trước thái độ chừng mực của Bắc Kinh. Nếu như Donald Trump có thói quen tuyên bố hùng hồn trước các ống kính truyền hình thế giới, thích phô trương, thì ngược lại ở Bắc Kinh, không chỉ ông Tập Cận Bình mà cả ban lãnh đạo Trung Quốc luôn tỏ ra chừng mực và bình tĩnh. Bởi Bắc Kinh hiểu rõ là "cuộc chiến mới chỉ mở màn", các đòn hù dọa áp thuế nhập khẩu từ phía Nhà Trắng chỉ là "hiệp 1". Các chương kế tiêp mới mang tính quyết định.

Vả lại, theo ôn Moinet, chủ trương của Bắc Kinh là không dùng những lời lẽ đao to búa lớn mà tập trung vào "các cuộc vận động ngầm, vào những khâu chuẩn bị rất bải bản để cuối cùng tung ra những đòn hiểm, rất lợi hại".

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.