Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ - THỤY ĐIỂN

Thượng đỉnh Trump – Kim : Liệu Thụy Điển có thể có một vai trò then chốt ?

Ngày 15/03/2018, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã đến Stockholm gặp đồng nhiệm Margot Wallström và thủ tướng Stefan Löfven của Thụy Điển, quốc gia đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Bắc Triều Tiên. Trên phương diện ngoại giao, Bình Nhưỡng – Stockholm đã có mối bang giao từ lâu. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Bắc Triều Tiên. Nhìn từ góc độ lịch sử, France 24 đặt câu hỏi : Liệu Thụy Điển có thể đóng một vai trò chủ chốt trong việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tới đây ?

Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên, Ri Yong-ho đến Thụy Điển chuẩn bị cho thượng đỉnh Trump - Kim, Stockholm, ngày 16/03/2018,
Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên, Ri Yong-ho đến Thụy Điển chuẩn bị cho thượng đỉnh Trump - Kim, Stockholm, ngày 16/03/2018, TT News Agency/Vilhelm Stokstad via REUTERS
Quảng cáo

Kể từ khi Nhà Trắng, thông qua lời đặc sứ Hàn Quốc, thông báo rằng ông Donald Trump đã nhận (và đã chấp nhận) lời mời gặp của Kim Jong-Un, nhiều câu hỏi đang được đặt ra : Cuộc gặp đó sẽ diễn ra ở đâu, lúc nào và như thế nào.

Vào cuối tuần trước, ngoại trưởng Thụy Điển, bà Margot Wallström, sau chuyến thăm hi hữu 3 ngày của đồng nhiệm Bắc Triều Tiên có phát biểu rằng « Nếu như chúng tôi có thể sử dụng được các mối liên hệ của chúng tôi (tại Bắc Triều Tiên) một cách tốt nhất, thì chúng tôi sẽ làm ». Bản thân thủ tướng Thụy Điển, ông Stefan Löfven khi tiếp phái đoàn Bắc Triều Tiên cũng bày tỏ hy vọng có thể « tạo thuận lợi » cho việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trên.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, ông Bjorn Jerden, phụ trách chương trình châu Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Thụy Điển giải thích rằng vai trò của Thụy Điển như là « chiếc cầu nối » giữa Bình Nhưỡng và Washington đã được củng cố cách nay nhiều thập niên nhờ vào những quyết định quý hiếm và đôi khi cũng rất vụng về.

Từ những chiếc Volvo trả chậm

Ngược dòng thời gian, Thụy Điển là quốc gia phương Tây duy nhất đã có thái độ trung lập trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), đồng thời vẫn bảo đảm duy trì quan hệ với tất cả các bên tham chiến. Tuy nhiên phải đợi đến năm 1973 Thụy Điển mới thật sự thiết lập bang giao với Bắc Triều Tiên.

Với nhiều nước vào thời kỳ đó, đấy quả là một quyết định bất thường. Theo giải thích của France 24, cánh tả Thụy Điển lúc ấy chủ trương nước này phải giữ quan hệ với tất cả các nước khác trên thế giới, bất kể những quốc gia đó ủng hộ hay chống Mỹ. Thêm vào đó, quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra như vũ bão tại Bắc Triều Tiên (nhưng bất hạnh thay chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi), giới doanh nhân Thụy Điển đánh hơi thấy có nhiều cơ hội đầu tư.

Một hội chợ công nghiệp lớn còn được chính phủ Thụy Điển tổ chức vào năm 1975. Tham gia hội chợ có sự góp mặt của hãng công nghiệp lớn, trong đó có nhà sản xuất xe hơi Volvo và tập đoàn công nghiệp Atlas Copco.

Chế độ Bắc Triều Tiên thời kỳ đó thông báo ký hợp đồng mua hàng hóa của Thụy Điển trị giá khoảng một tỷ krona Thụy Điển (tương đương 100 triệu euro), trong số này có hợp đồng mua 1.000 chiếc Volvo. Cũng tại hội chợ này, Thụy Điển thông báo mở tòa đại sứ, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập một cơ quan ngoại giao tại Bình Nhưỡng.

Thế nhưng, niềm phấn khởi của các doanh nhân Thụy Điển cũng nhanh chóng lụi tàn, do việc Bắc Triều Tiên không có khả năng chi trả cho các khoản mua sắm của mình. Bộ trưởng Công Nghiệp Thụy Điển thời bấy giờ có giải thích với nhật báo Dagens Nyheter năm 1975 như sau : « Những vấn đề này có liên quan đến việc Bắc Triều Tiên chưa quen với nền thương mại quốc tế và các luật lệ được áp dụng trong lĩnh vực này. Trong một giai đoạn ngắn, họ đã có những vụ mua sắm quan trọng ở nước ngoài ».

Ngày nay, dù vẫn còn nợ Thụy Điển hàng trăm triệu krona, nhưng mối quan hệ bang giao giữa Bình Nhưỡng và Stockholm vẫn chưa hề bị suy suyển.

Một người đàn ông nhỏ thó đi đôi giầy có gót

Mối quan hệ đó lại càng được củng cố hơn khi vào năm 2001, thủ tướng Goran Persson dẫn đầu một phái đoàn châu Âu đến Bắc Triều Tiên. Ông trở thành nguyên thủ phương Tây đầu tiên có chuyến thăm chính thức quốc gia khép kín nhất hành tinh.

Sau này, trong một bộ phim tài liệu nói về sự nghiệp của mình, ông Persson hồi tưởng lại ấn tượng lần đầu tiên gặp Kim Jong Il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hiện nay, một con người nhỏ thó đi đôi giầy có gót, trang phục tầm thường, rất lạc quan và hơi độc tài.

Theo cựu thủ tướng Thụy Điển, những gì như người ta tuyên truyền mô tả Kim Jong Il « như là một người có vấn đề về tâm thần, nghiện ngập, ám ảnh phim ảnh khiêu dâm, không có khả năng để lý luận về chính trị, chắc là không nên đếm xỉa đến ».

Theo quan điểm của Bjorn Jerden, chính thái độ trung lập của Thụy Điển trong suốt cuộc chiến Triều Tiên là một trong những yếu tố mang tính quyết định cho phép Thụy Điển tiếp tục duy trì quan hệ bang giao với Bắc Triều Tiên cho đến tận ngày nay.

Ông nói : « Khi nghĩ đến điều này, cuộc chiến Triều Tiên vẫn là nguyên nhân chính cho những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay », hàm ý đến tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên và sự hiện diện liên tục của lính Mỹ tại Hàn Quốc. Chuyên gia này khẳng định : « Với Bắc Triều Tiên, đây là một mối đe dọa nhắm vào sự tồn tại của chế độ ».

Ông Bjorn Jerden lưu ý là binh sĩ Thụy Điển cũng hiện diện ở Hàn Quốc nhưng ít đe dọa hơn. Bởi vì, nhiệm vụ của nhóm binh sĩ này giúp giám sát đường biên giới phân chia hai miền Triều Tiên trong khuôn khổ Ủy ban Giám sát của các nước trung lập, đảm trách việc duy trì hiệp định đình chiến, chấm dứt sự đối đầu giữa hai miền vào năm 1953.

Trả tự do tù nhân

Bjorn Jerden giải thích rằng do có cơ quan đại diện ngoại giao từ lâu tại Bình Nhưỡng, Thụy Điển cũng đã khẳng định được vị trí rất đặc biệt như là người đàm phán với Bắc Triều Tiên, nhất là làm đại diện cho các quốc gia khác với tư cách là quốc gia bảo trợ. Thụy Điển không chỉ làm đại diện lãnh sự cho Hoa Kỳ mà còn cho cả Úc, Canada và các nước láng giềng Bắc Âu và Baltic.

Năm 2017, Thụy Điển đã giúp Hoa Kỳ đàm phán trả tự do cho sinh viên Mỹ Otto Warmbier, bị kết án năm 2016 tại Bình Nhưỡng 15 năm khổ sai, với cáo buộc là đã tìm cách đánh cắp một tấm áp phích tuyên truyền trong một khách sạn. Trong thời gian ở tù, sinh viên này đã bị hôn mê và qua đời ít lâu sau khi trở về Hoa Kỳ.

Cũng trong năm 2017, Thụy Điển đã tham gia vào việc trả tự do cho mục sư người Canada Soo Lim, bị kết án khổ sai chung thân hồi năm 2015, và theo cáo trạng, là đã âm mưu lật đổ chế độ Bắc Triều Tiên. Theo đài truyền hình CNN, trong cuộc gặp phái đoàn Bắc Triều Tiên ở Stockholm, chính phủ Thụy Điển đã can thiệp mạnh mẽ cho ba công dân Mỹ hiện đang bị giam giữ tại Bắc Triều Tiên.

Bjorn Jerden cho rằng nếu Thụy Điển có thể gây tác động, nhất là trong hồ sơ này, để trả tự do cho họ, thì vụ việc sẽ rất có trọng lượng đối với các cuộc thảo luận giữa Trump và Kim.

Ông nói : « Điều này sẽ cho thấy thiện chí nhân danh Bắc Triều Tiên, mang tính biểu tượng và sẽ là một lá bài quan trọng để giới thiệu với Trump và để qua đó, tổng thống Mỹ có thể nói rằng kiểu đàm phán này là điều tốt nhất cần phải làm. »

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên còn phải chính thức khẳng định là đã thực sự gửi lời mời tới Donald Trump.

Hiện đang có nhiều suy đoán về địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh này. Theo các tin đồn, thì nước có thể đón tiếp và tổ chức thượng đỉnh là Na Uy, Thụy Sĩ và đương nhiên là Thụy Điển. Nhưng theo Bjorn Jerden, nơi có nhiều khả năng nhất là khu vực phi quân sự hóa giữa hai miền Triều Tiên.

Ông nhận định : « Kim không có chuyến công du chính thức nào ở nước ngoài, kể từ khi lên cầm quyền cách nay 7 năm. Do vậy, tôi không nghĩ rằng ông ta muốn công du xa như vậy ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.