Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU - ĐẦU TƯ

Đầu tư Trung Quốc: Tại sao châu Âu phải theo dõi chặt chẽ hơn?

Ngày 24/02/2018, tỉ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu), chủ tập đoàn công nghiệp Geely, sở hữu 9,6% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler, công ty mẹ Mercedes-Benz và Smart, đã khiến công luận Đức sững sờ.

Ông Lý Thư Phúc (Li Shufu) - nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Geely của Trung Quốc - đại biểu Quốc Hội Trung Quốc, trả lời truyền thông trước lễ bế mạc kỳ họp Quốc Hội ngày 20/03/2018.
Ông Lý Thư Phúc (Li Shufu) - nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Geely của Trung Quốc - đại biểu Quốc Hội Trung Quốc, trả lời truyền thông trước lễ bế mạc kỳ họp Quốc Hội ngày 20/03/2018. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Theo đánh giá trong bài phân tích của nhật báo kinh tế Les Echos (22/03/2018), thêm một thương vụ của Trung Quốc khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại thực sự, đồng thời đặt câu hỏi « Các nhà đầu tư Trung Quốc : Tại sao châu Âu phải theo dõi chặt chẽ hơn ? »

Khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào châu Âu, 75 tỉ euro chỉ trong năm 2016, tương đương với cả tổng đầu tư của 10 năm trước đó. Nổi bật là cảng Pirée của Hy Lạp được bán cho tập đoàn Cosco ; nhà sản xuất robot Đức Kuka bị tập đoàn điện máy gia dụng Midea thâu tóm ; Club Med của Pháp nằm dưới sự điều hành của tập đoàn Phục Tinh (Fosun) ; cổ đông chính của tập đoàn Accor là Cẩm Giang (Jin Jiang) ; nhà sản xuất xe hơi Đông Phong (Dongfeng) chiếm 1/3 vốn của tập đoàn Peugeot ; Ý cũng không phải là trường hợp ngoại lệ với hãng lốp Pirelli cũng bị chuyển sang tay người Trung Quốc vào năm 2015.

Một số quan chức châu Âu tỏ ra lo lắng về các thương vụ thâu tóm nhiều ngành công nghiệp trọng điểm. Với bộ trưởng Kinh Tế Đức, sự kiện, như việc nhà tỉ phú Trung Quốc trở thành cổ đông chính của Mercedes-Benz, « không được là cánh cửa để phục vụ chính sách công nghiệp của các nước khác ».

Đầu năm 2018, bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire lên tiếng « mở cửa không có nghĩa là cướp bóc công nghệ, sự tinh thông và kỹ năng của chúng ta ». Pháp quyết định bổ sung thêm một số lĩnh vực mới - cơ sở dữ liệu, trí thông minh nhân tạo - vào danh sách những lĩnh vực trọng điểm cần giấy phép của Nhà nước để mở cửa cho đầu tư nước ngoài, được ban hành năm 2014, gồm giao thông, năng lượng, truyền thông, nước, y tế, quốc phòng.

Theo Les Echos, dĩ nhiên châu Âu muốn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không phải với bất kỳ giá nào, đặc biệt là với các nhà đầu tư Trung Quốc với những lợi ích chiến lược của họ. Thực vậy, theo một nghiên cứu do Đài Quan sát Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE) công bố vào cuối tháng 01/2018, « các chiến dịch mua lại cổ phiếu nước ngoài của các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng lên nhiều trong những năm gần đây. Điều này cho thấy ý đồ sở hữu kỹ năng và công nghệ của các doanh nghiệp này ».

Đối với tổ chức OFCE, Trung Quốc tiến hành bành trướng theo ba bước để dần tăng cường mối đe dọa công nghiệp đối với các nền kinh tế phương Tây. Bước thứ nhất, về mặt thương mại, Trung Quốc thâu tóm các phần thị trường. Bước thứ hai, Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Bước thứ ba, đang diễn ra hiện nay, là thâu tóm cổ phiếu ở nước ngoài ; đây chính là cách để có được công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng.

Liên Hiệp Châu Âu phải hành động

Les Echos cảnh báo Bruxelles phải hành động trước vòng xoáy Trung Quốc, nếu không muốn chứng kiến công nghệ, kỹ năng, bằng sáng chế... bị đánh cắp. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu lại không có cách tiếp cận chung và không có chung quan điểm về đầu tư nước ngoài. Trong số 28 nước thành viên, chỉ có 12 nước (trong đó có Pháp, Đức, Ý, Anh, Tây Ban Nha) có một ủy ban theo dõi đầu tư nước ngoài.

Paris, Berlin và Roma cùng nhau đề xuất thảo luận tăng cường quy định về vấn đề đầu tư nước ngoài trên quy mô toàn Liên Hiệp. Tuy nhiên, vấn đề có vẻ tế nhị. Công việc nghiên cứu kỹ thuật đã được bắt đầu với kết quả là bản báo cáo mang tên « Sự ngây thơ trước sự cạnh tranh bất chính đã chấm dứt », được trình lên Hội Đồng Châu Âu vào ngày 22/03, cùng với nhiều đề xuất của tác giả bản báo cáo, nghị sĩ châu Âu Franck Proust, một người ủng hộ việc thành lập một cơ chế quản lý.

Hội Đồng Châu Âu hy vọng sẽ nhận được sự ủy nhiệm từ giờ đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên khác lại phản đối cơ chế thanh lọc này, như Phần Lan, Hà Lan, Hy Lạp và một số quốc gia Đông Âu. Lý do chính là dự án con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, trên lãnh thổ châu Âu, sẽ mang lại vốn và lợi ích cho các nước có con đường đi qua. Nhiều nước Đông và Nam Âu sẵn sàng quy phục dưới đồng tiền Trung Quốc, kể cả trong nhiều lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, theo kết luận của Les Echos, cần phải nhanh chóng hành động và ưu tiên lợi ích của châu Âu trước lợi ích ngắn hạn của quốc gia.

Pháp : Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy bị khởi tố

Trở lại thời sự trên trang nhất, tất cả các nhật báo Pháp đồng loạt đưa tin ông Nicolas Sarkozy bị truy tố tối thứ Tư 21/03 vì các tội « nhận hối lộ », « tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử »« tàng trữ tiền biển thủ công quỹ của Libya ».

Ngoài thông tin « Nicolas Sarkozy bị khởi tố » được đưa trên đầu trang nhất, Libération nhận định đây là « cơn địa chấn tư pháp mới đối với ông Nicolas Sarkozy » vì trước đó, cựu tổng thống Pháp từng bị điều tra trong hai vụ khác « Bygmalion »« Bismuth ».

Có cùng nhận định với Libération, nhật báo kinh tế Les Echos, trong bài viết « Tài trợ của Libya : Sarkozy bị khởi tố », cho rằng cú tăng tốc trong hồ sơ này, do các thẩm phán thuộc bộ phận tài chính điều tra từ 5 năm nay, đánh dấu rắc rối với tư pháp trở lại với ông Sarkozy, người từng bị khởi tố trong vụ « nghe lén » và trong hồ sơ Bygmalion.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro dĩ nhiên chỉ đưa ra những phát biểu ủng hộ cựu tổng thống Pháp của các chính trị gia thuộc đảng Những Người Cộng Hòa : « sự dàn dựng ly kỳ », theo đánh giá của cựu thủ tướng Raffarin ; « những lời giải thích chi tiết cho phép khép lại hàng loạt những sai lầm và dối trá », như ý kiến của ông Brice Hortefeux, sau khi rời khỏi trụ sở của cơ quan điều tra OCLCIFF ở Nanterre.

Riêng nhật báo Công giáo La Croix, trong bài viết « Nicolas Sarkozy đối mặt với những cáo buộc », đề cập đến nghi ngờ cho rằng liệu việc tài trợ của chính quyền Kadhafi có liên quan đến quyết định can thiệp quân sự vào Libya năm 2011 hay không.

Chuyên gia Jalel Harchaoui thuộc trường đại học Paris 8, bác bỏ lập luận này vì khác với những gì người ta vẫn nghĩ, cuộc chiến ở Libya không phải là cuộc chiến của Pháp. Ông nói : « Hoa Kỳ, và đặc biệt là ngoại trưởng Hillary Clinton, muốn chấm dứt chế độ Kadhafi. Quyết tâm này của Mỹ đã chắp cánh cho nước Pháp. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đang rút quân khỏi Irak và không muốn tỏ ra là một cường quốc hiếu chiến nữa, nên để cho các nước châu Âu và vùng Vịnh lên tuyến đầu ».

Pháp : Quyền lực của tổng thống Macron đối đầu với « đường phố »

Trên lĩnh vực xã hội, cuộc tổng đình công của nhân viên ngành đường sắt và công chức Pháp được đề cập và bình luận rộng rãi trên các nhật báo. Ngày thứ Năm 22/03 tê liệt : nhà trẻ, trường học đóng cửa vì công chức đình công, các chuyến tầu bị cắt giảm hoặc bị hủy do nhân viên biểu tình phản đối loạt cải cách của chính phủ.

« Một bài trắc nghiệm trên đường phố » là nhận định chính trên các mặt báo. Le Monde chơi chữ : « Công chức và nhân viên ngành đường sắt tiến bước chống Macron ». Khoảng 5,4 triệu công chức được kêu gọi đình công để bảo vệ thu nhập và quy chế của họ với khoảng 150 đoàn biểu tình dự kiến trên khắp nước Pháp.

Bài xã luận của nhật báo Le Figaro tính « cái giá của sự hèn nhát chính trị » mà nước Pháp phải trả : khối nợ như núi của công ty đường sắt SNCF lên đến 54,5 tỉ euro, công chức nhà nước quá thừa với khoảng 5,7 triệu công chức. Vẫn theo bài xã luận, tại một nước Pháp thâm hụt kinh niên từ 4 năm qua, nơi lĩnh vực công xuống cấp, thì sự thay đổi như vậy lẽ ra phải diễn ra từ lâu rồi.

Theo nhận định của bài xã luận trên La Croix, « từ khi lên nắm quyền cách đây một năm, chưa bao giờ Emmanuel Macron lại phải đối đầu với làn sóng phản đối vững chắc như vậy, kể cả trong lĩnh vực chính trị hay trên mặt trận xã hội ». Vấn đề là liệu cuộc tổng đình công ngày thứ Năm có đánh dấu một bước ngoặt hay không ? Liệu các đoàn biểu tình có nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài của công luận hay không ? Trong bối cảnh nước Pháp đang lấy lại được sự năng động nhờ tình hình kinh tế thuận lợi, việc xem xét lại một số quy chế, như quy chế của công chức hoặc nhân viên đường sắt, được cho là cần thiết, ít nhất là vì chi phí và tính cứng nhắc của khu vực này.

Venezuela : Tổng thống Maduro thanh lọc lực lượng quân sự

Từ hai tháng qua, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho tiến hành nhiều vụ bắt giữ hoặc cách chức nhiều nhà lãnh đạo quân đội, phần lớn là các đại diện quan trọng cho chế độ Chavez xưa kia.

Cụ thể, theo nhật báo Le Figaro, ngày 28/02, tổng thống Maduro đã giáng cấp 24 sĩ quan vì tội phản quốc. Đây là lần đầu tiên các sĩ quan quân đội lo ngại về một vấn đề khác, ngoài việc tham gia vào chiến dịch chống ma túy. Bà Rocio San Miguel, chủ tịch Control ciudadanos đánh giá « thông điệp truyền tải tới giới quân nhân rất rõ ràng : Chính quyền sẽ trừng phạt mọi quân nhân không tỏ ra trung thành với cuộc cách mạng ». Ngày 02/03, thêm 9 quân nhân bị giam giữ, và thêm 30 người khác cũng có chung số phận trong tháng Ba.

Vẫn theo nhận định của bà Rocio San Miguel, « nguy cơ đảo chính quân sự từ giờ có vẻ được chính phủ Maduro nhìn nhận một cách nghiêm túc ». Vì trong hệ thống chính trị Venezuela, theo thuyết của cựu tổng thống Chavez, thì « liên minh dân sự và quân sự » đóng vai trò trụ cột, ông Maduro đang có điểm yếu là không xuất thân từ nhà binh mà là tài xế xe buýt trước khi trở thành tổng thống.

Hiện tượng đào ngũ cho thấy sự bất bình trong các doanh trại quân đội ngày càng tăng. Thái độ bất bình trong phe theo khuynh hướng Chavez lại diễn ra vào trước kỳ bầu cử tổng thống Venezuela vào ngày 20/05 tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.