Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - DUY NGÔ NHĨ

Người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong cũng không yên với Bắc Kinh

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị tạm giữ để thẩm vấn về nghi án nhận 50 triệu euro tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2007 từ chính phủ Lybia của Kadhafi. Thổ Nhĩ Kỳ làm tới, tấn công lực lượng nổi dậy người Kurdistan trước sự thờ ơ phương Tây. Thế giới phẫn nộ với việc Facebook để lộ dữ liệu thông tin cá nhân người sử dụng, nhà mạng xã hội số 1 thế giới mất cả tỷ đô la trong hai ngày. Đó là những chủ đề lớn của các báo Pháp ra hôm nay.

Các nhà hoạt động biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Vienna ngày 01/08/2011, phản đối chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Các nhà hoạt động biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Vienna ngày 01/08/2011, phản đối chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. AFP PHOTO/DIETER NAGL
Quảng cáo

Liên quan đến châu Á, mối quan tâm của các báo vẫn như thường lệ là Trung Quốc. Nhật báo Le Monde dành sự chú ý đến số phận người Duy Ngô Nhĩ, sắc tộc theo Hồi giáo nạn nhân của chính sách truy bức của chính quyền Bắc kinh. Nhưng lần này Le Monde nói về những người Duy Ngô Nhĩ đang sống ở châu Âu mà vẫn không thoát khỏi sự truy đuổi của Trung Quốc, qua bài viết : « Trung Quốc truy đuổi người Duy Ngô Nhĩ ở châu Âu như thế nào ? »

Le Monde ghi nhận thực tế là Bắc Kinh đang liên tục làm áp lực đối với cộng đồng sắc tộc này ngay cả khi họ đã phải ra nước ngoài, ở rất xa với Trung Quốc, để sống lưu vong,.

Theo Le Monde : « Ở Paris, Berlin hay Istanbul, những người Duy Ngô nhĩ, dù là đã được nhập quốc tịch của nước đón nhận hay vẫn còn là kiều dân Trung Quốc, tất cả vẫn luôn là mục tiêu của chiến dịch răn đe quy mô chưa từng có của Bắc Kinh».

Le Monde đã tiếp cận được với ít nhất 6 nhân chứng người Duy Ngô Nhĩ cho biết đã bị mật vụ Trung Quốc gây sức ép, buộc họ làm các việc, như theo dõi cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong, buộc họ không biểu tình chống Trung Quốc hay  phải cung cấp tài liệu cá nhân. Thậm chí một số người còn bị dọa đưa trở về Trung Quốc.

Vũ khí gây sức ép của mật vụ Trung Quốc là dọa bỏ tù gia đình họ còn ở lại Tân Cương. Mỗi khi sắp có các cuộc biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài là họ nhận được những tin nhắn đe dọa sẽ xử lý, bắt giam gia đình ở trong nước. Mọi hoạt động của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài đều bị theo dõi rất sát không kém gì ở trong nước.

Abduweli Ayup, một nhà ngôn ngữ học người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết : « Những người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài cảm thấy lo lắng, bất an, họ không thể liên lạc được với gia đình mình ở trong nước, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người thân của họ bị bỏ tù ».

Tương tự, những người Duy Ngô Nhĩ sống ở Pháp hay Đức, dù đã được nhập quốc tịch nhưng cũng không được yên thân, an toàn. Họ thường xuyên nhận được tin nhắn đe dọa bắt về nước nếu không đáp ứng các yêu cầu của mật vụ Bắc Kinh. Như vậy, gia đình bị chính quyền sử dụng là con tin để gây sức ép truy bức những người Duy Ngô Nhĩ sống bên ngoài đất nước.

Cựu tổng thống Pháp bị tạm giữ vì nghi án nhận tài trợ của Kadhafi

Trở lại với sự kiện thời sự trên trang nhất các báo Pháp. Như vậy đã hơn một ngày ông Nicolas Sarkozy bị tạm giữ tại trụ sở của cảnh sát Tư Pháp, sự kiện đang gây xáo động dư luận Pháp.

Cựu tổng thống Pháp bị triệu tập để thẩm vấn từ sáng hôm qua (20/03) trong khuôn khổ cuộc điều tra nghi vấn nhận tiền tài trợ của chính phủ Libya cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2007 mà ông đã giành thắng lợi. Thời hạn tạm giữ kéo dài 48 giờ, sau đó ông có thể phải ra trước tòa để được thông báo lệnh khởi tố. Sau 5 năm điều tra đây là lần đầu tiên ông Sarkozy bị cơ quan điều tra thẩm vấn về hồ sơ này. Hình ảnh của cựu nguyên thủ Pháp xuất hiện trên khắp các trang nhất báo ra hôm nay

Trang báo mạng Mediapart, nơi nắm giữ thông tin và tung ra vụ bê bối, cho hay, trong vụ scandal Libya bị phát giác từ năm 2011 này, « cuộc điều tra dưới sự chỉ đạo của một thẩm phán chuyên về vấn đề tài chính của Paris, giờ nhằm trực tiếp vào Nicolas Sarkozy và những người thân cận nhất của ông. Danh sách các tội trạng được điều tra tư pháp kê ra trong vụ này khá dài : Tham nhũng chủ động và thụ động, hối mại quyền thế, biển thủ công quỹ, lạm dụng tài sản xã hội, giả mạo tài liệu, rửa tiền trốn thuế, oa trữ tài sản bất hợp pháp…. »

Le Monde thắc mắc : « Quyết định tạm giữ để thẩm vấn Nicolas Sarkozy phải chăng có nghĩa là các thẩm phán thụ lý vụ án đã tập hợp được những bằng chứng mới về tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống để có thể trực tiếp cáo buộc ông Sarkozy ? Phải chăng chính quyền Libya cuối cùng đã quyết định hợp tác (với các nhà điều tra Pháp) ? " Theo le Monde, nhiều cựu quan chức của Libya dước thời Kadhafi có lẽ đã cung cấp những chi tiết mới cho phép khẳng định các nghi vấn. Từ nhiều tuần qua, tư pháp của Pháp đã có được nhiều tài liệu thư giữ trong lần khám nhà nhân vật người Thụy Sĩ Alexandre Djouhri ( nhân vật trung gian trong vụ này) hồi 2015 ». Tuy nhiên từ trước đến giờ, ông Nicolas Sarkozy vẫn phản bác mọi cáo buộc là chiến dịch tranh cử tổng thống 2007 của ông đã được tài trợ bất hợp pháp.

Nhật báo Libération thì nhận thấy diễn tiến mới cho thấy vụ việc này vừa « đáng mừng » vừa « chán nản ». Xã luận của Libération viết : « Đúng là chính trị là môn thể thao chiến đấu, nhưng tại sao ta cứ phải làm quen với việc đưa chính trị lên sàn đấu ? Chán nản vì cái cảnh cánh hữu cứ kêu gào tư pháp ngoan cố truy đuổi ông Sarkozy. Còn vui mừng vì không phải thấy cựu tổng thống bị câu lưu, việc này thậm chí còn đáng buồn, mà là việc này cho thấy các cảnh sát, thẩm phán vẫn tiếp tục công việc, theo nhịp độ của họ, một cách hoàn toàn độc lập để cố gắng trả lại công lý. »

Phương Tây bỏ mặc đồng minh người Kurdistan

Chuyển sang một chủ đề chiếm trang nhất của tờ Le Figaro : « Tại Syria : Người Kurdistan bị phương Tây bỏ rơi ».

Vấn đề liên quan đến sự kiện sau khi chiếm thành phố Afrin từ tay quân nổi dậy người Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ được đà lấn tới mở rộng cuộc tấn công ở vùng đông bắc Syria, truy quét đến cùng lực lượng người Kurdistan, một đồng minh của các nước phương Tây trong cuộc chiếng chống Daech, nhưng lại là kẻ thù không đội trời chung của Ankara.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, nhưng các nước phương Tây dường như bất lực, không ngăn cản được Ankara ngừng tấn công lực lượng người Kurdistan. Xã luận tờ báo mang tựa đề ngắn gọn : « Chối bỏ », để nói lên thái độ của các nước phương Tây trước đồng minh người Kurdistan, « những người đã phục vụ như là những người lính xung kích của phương Tây trên mặt trận chống Daech. Vậy mà phương Tây lại bỏ rơi họ, hy sinh họ. »

Chính những người lính Kurdistan này đã trực diện chiến đấu chống thánh chiến giúp phương Tây, nhưng giờ đây, khi họ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công thì các nước phương Tây im lặng làm ngơ bỏ rơi họ, thì quả thật đây là một thái độ « hèn kém », Le Figaro tỏ phẫn nộ.

Facebook, bị cáo toàn cầu

Tiếp tục với trang báo Le Figaro, đến với một thời sự đang nóng lên những ngày qua liên quan đến Facebook để lộ thông tin cá nhân của những người sử dụng mạng xã hội.

Vụ công ty Mỹ Cambridge Analytica thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân của hàng triệu người sử dụng Facebook đang gây lo ngại khắp toàn cầu. Facebook, không được cho là vô can, cũng phải hứng chịu nhiều sóng gió từ vụ việc này những ngày qua.

Le Figaro ghi nhận : « Facebook đối mặt với sự giận giữ của chính quyền Mỹ và châu Âu ». Các nhà điều tra Mỹ và châu Âu đã mở các điều tra, vụ việc không còn chỉ liên quan đến công ty Cambridge Analytica, nữa mà bản thân Facebook cũng phải đối mặt với những cáo buộc nặng nề và sẽ còn phải gặp nhiều rắc rối như có thể sẽ phải chịu những khoản tiền phạt lớn vì không tôn trọng người sử dụng, hướng điều tra của châu Âu đang nhằm vào nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội số một thế giới.

Theo Le Figaro, vụ việc đã làm tổn hại rất nhiều hình ảnh của Facebook dưới con mắt của công chúng, cũng như của chính quyền nhiều nước trên thế giới. Một viễn ảnh đáng lo ngại cho các nhà đầu tư vào Facebook. Từ thứ hai đến hôm qua, cổ phiếu của tập đoàn Facebook đã mất hơn 11% trên thị trường chứng khoán tương đương 60 tỷ đô la Mỹ. Trong vụ việc này, nội bộ của Facebook cũng đang gặp nhiều rắc rối.

Pháp : Không còn đất lành để chim đậu

Trong lĩnh vực môi trường, Libération lưu ý đến một hiện tượng đáng lo ngại liên quan đến đa dạng sinh học ở Pháp : «Tại những vùng thôn quê, quần thể chim giảm nghiêm trọng ».

Hôm thứ Ba (20/03/2018), Viện Bảo tàng Lịch sử Tự Nhiên và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp công bố một nghiên cứu về các loài chim ở Pháp cho thấy trong vòng 15 năm qua, 1/3 các loài chim ở Pháp đã bị biến mất trong các vùng đất nông nghiệp. Nguyên nhân không khó tìm đó chính là do việc đẩy mạnh hoạt động nông nghiệp và sử dụng ngày càng nhiều thuốc trừ sâu.

Các nhà khoa học Pháp khẳng định các loài chim đang biến mất khỏi các vùng nông thôn Pháp với « tốc độ nhanh chóng mặt », đến mức sự sụt giảm đó đang « đạt tới gần thảm họa sinh thái ». Đây là một thực trạng đáng báo động về cách làm nông nghiệp từ vài ba chục năm trở lại đây. Các chuyên gia cho rằng « phải cấp tốc thay đổi mô hình để có một nền nông nghiệp vừa cao sản, vừa tôn trọng cá thể sống. Nếu cá thể sống bị tiêu diệt thì điều này cũng liên quan đến con người và nguy hiểm không kém gì hiện tượng biến đổi khí hậu. »

Vẫn liên quan đến môi trường và đa dạng sinh học, Le Figaro cho biết con tê giác trắng châu Phi vừa chết tại Sudan. Cá thể tê giác trắng đực cuối cùng này đã 45 tuổi bị nhiều biến chứng bệnh vì đã già. Hiện trên thế giới chỉ còn hai con cái cùng loài, khi con đực cuối cùng không còn thì tức là không còn hy vọng gì để duy trì giống loài tế giác quý hiếm này. Nếu như trường hợp của con tê giác trắng trên chết vì già yếu thì các loài tê giác khác ở châu Phi đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi nạn săn bắt trộm để lấy sừng, một mặt hàng rất được giá và được ưa chuộng ở châu Á.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.