Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc: Tập Cận Bình tăng quyền nhờ cơ quan chống tham nhũng mới

Sau khi đã yêu cầu Quốc Hội Trung Quốc thông qua sửa đổi Hiến pháp cho phép ông giữ chức chủ tịch suốt đời, Tập Cận Bình lại mở rộng thêm quyền lực của ông với việc thành lập một cơ quan mới để chống tham nhũng.

Đại biểu tham dự khóa họp Quốc Hội Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 13/03/2018.
Đại biểu tham dự khóa họp Quốc Hội Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 13/03/2018. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Hôm nay, 13/02/2018, các đại biểu Quốc Hội Trung Quốc thảo luận lần chót về một dự luật nhằm mở rộng quyền hạn của một cơ quan chống tham nhũng mới được thành lập. Việc thảo luận và biểu quyết dự luật này thật ra chỉ mang tính hình thức vì Quốc Hội Trung Quốc do Đảng Cộng Sản kiểm soát.

Theo dự luật mới, cơ quan chống tham nhũng của Đảng sẽ sát nhập với cơ quan giám sát khu vực công thành một cơ quan có tên là Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia. Kể từ nay, cơ quan này sẽ có quyền giám sát luôn cả các công chức ở Trung Quốc.

Báo chí nhà nước mô tả việc thành lập cơ quan mới là nhằm tạo ra một mạng lưới giám sát « hiệu quả, thống nhất, tập trung, dưới sự lãnh đạo của Đảng », để chống tham nhũng tốt hơn.

Cơ quan chống tham nhũng mới được quy định là một cơ quan chính trị, độc lập với chính phủ, tòa án và viện kiểm sát, cho nên điều này gây lo ngại về nguy cơ lạm quyền.

Theo dự luật, cơ quan mới này sẽ có quyền bắt tạm giam các nghi can với thời hạn lên tới 6 tháng mà không cần xin phép một thẩm phán. Nhà chức trách phải thông báo trong vòng 24 tiếng đồng hồ cho gia đình của nghi can hoặc cho cơ quan của nghi can về việc tạm giam họ, trừ những trường hợp có nguy cơ là chứng cớ sẽ bị phi tang, hoặc cuộc điều tra sẽ bị cản trở. Thế nhưng, dự luật lại không nói rõ là trong thời gian bị tạm giam đó, các nghi can sẽ bị giữ ở đâu, ai sẽ là đại diện hợp pháp của họ và ai sẽ bảo đảm an toàn cho họ.

Theo nhận định của các chuyên gia luật pháp ngoại quốc và Trung Quốc được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia như vậy là sẽ hoạt động ngoài khuôn khổ các thủ tục pháp luật bình thường.

Việc thành lập cơ quan chống tham nhũng mới là nằm trong khuôn khổ của kế hoạch tổ chức lại chính phủ, hay nói đúng hơn là « đảng hóa » nhà nước, nhằm tăng cường quyền lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đứng đầu là ông Tập Cận Bình, nhân vật đang có tham vọng trở thành lãnh đạo có thế lực mạnh nhất kể từ Mao Trạch Đông, người đã khai sinh ra nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Tham vọng của Tập Cận Bình đã khiến những người chỉ trích ông lo ngại Trung Quốc đang trở lại thời kỳ mà quyền lãnh đạo đất nước tập trung vào một người, phá bỏ những bước cải tổ vốn đã rất khiêm tốn nhằm định chế hóa và hạn chế quyền lực ở Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, trong khi việc cải tổ Hiến Pháp nói trên được báo chí nước ngoài loan tin rộng rãi, thì tại Trung Quốc, báo chí nhà nước hầu như không nói đến, chứng tỏ là chính quyền Bắc Kinh cảm thấy bối rối trước sự bất bình của công luận, thể hiện rất rõ trên các mạng xã hội, kể cả trên mạng xã hội chính thức Vi Bác, mạng « Twitter Trung Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.