Vào nội dung chính
MỸ-HÀN QUỐC-BẮC TRIỀU TIÊN

Thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un : Mỹ-Hàn-Triều đều hưởng lợi

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng chấp nhận đề nghị của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un về một cuộc gặp thượng đỉnh mà không đôi co điều kiện tiên quyết.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T), tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh ghép của Reuters)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T), tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh ghép của Reuters) Reuters
Quảng cáo

Tiến triển ngoạn mục trong hồ sơ Bắc Triều Tiên được đích thân cố vấn an ninh Hàn Quốc thông báo và được Nhà Trắng xác nhận hôm qua 08/03/2018 đã khiến giới quan sát không khỏi bất ngờ. Có gì được mất, khi mỗi bên tự nhún mình một chút để tiến bước dài hơn?

Thông báo về một cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Bắc Triều Tiên là bước đột phá tích cực nhất trong một chuỗi các diễn tiến ngoại giao làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng đồng ý tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang hồi tháng Hai. Song song với chiến dịch ngoại giao thể thao là những cuộc tiếp xúc trong không khí hòa dịu hiếm có giữa hai miền Triều Tiên.

Không ít các chuyên gia phân tích tỏ hoài nghi cho rằng chấp nhận nguyên tắc một cuộc gặp thượng đỉnh trong khi mà chưa đàm phán ngoại giao gì trong hậu trường tức là Mỹ đã cho không Bắc Triều Tiên những gì mà họ đang tìm kiếm.

Ông Jeffrey Lewis, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Middlebury nhận định : «Bắc Triều Tiên từ 20 năm qua đã cố gắng có được một cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ. Đó chính xác là mục tiêu ưu tiên của chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng».

Theo chuyên gia Lewis thì Kim không mời gặp Trump để giao nộp vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên mà là nhằm để « chứng minh rằng đầu tư vào khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã buộc Hoa Kỳ đối xử với Bắc Triều Tiên bình đẳng ».

Chuyên gia Antoine Bondaz, giảng viên trường Khoa học Chính trị Pháp thì cho rằng, một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy có lợi cho cả hai bên. Trả lời phỏng vấn RFI, chuyên gia Bondaz phân tích :

«Bắc Triều Tiên và Kim Jong Un đã đạt được mục tiêu chính trị của mình. Ngay từ tháng 11 năm 2016, Kim Jong Un đã tuyên bố hoàn thiện sức mạnh quân sự và hạt nhân. Giờ đây ông ta triển khai sáng kiến ngoại giao. Còn ông Trump tỏ cho thấy cũng là người thắng. Bởi vì sau ông là cộng đồng quốc tế gây áp lực tối đa với Bắc Triều Tiên, vì ông không phải là người đầu tiên nhượng bộ, Bắc Triều Tiên đã thông báo ngừng tạm thời các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo».

Lời mời của Kim Jong Un được Donald Trump đón nhận nhanh chóng không theo các thể thức ngoại giao thông thường để chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh. Vì thế mà dư luận vẫn rất thận trọng, nhất là khi tính tới những khả năng nhượng bộ. Chuyên gia Bondaz khẳng định :

«Phía Mỹ sẽ không có nhượng bộ về các trừng phạt quốc tế chừng nào chưa có các biện pháp cụ thể hướng tới giải trừ hạt nhân. Vì thế vẫn phải tôn trọng trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Vấn đề đặt ra giờ đây không còn là chuyện có đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng nữa mà là các nhượng bộ mà Mỹ và Bắc Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận.»

Cốt lõi của mọi cuộc đàm phán trong hồ sơ Bắc Triều Tiên vẫn là giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Liệu mục tiêu này có đạt được trong cuộc đối thoại tay đôi giữa Kim Jong Un và Donald Trump hay không ? Về điểm này chuyên gia Bondaz nhận định :

«Vấn đề giải trừ hạt nhân trong ngắn hạn không phải là kịch bản khả tín hiện nay. Nhưng cái mà Bắc Triều Tiên có thể làm, ngoài việc ngưng các vụ thử, là ngừng cả chương trình hạt nhân. Tức là không chế tạo vũ khí hạt nhân, làm giàu thêm urnium nữa. Ngừng cả chương trình nhất thiết phải có các cuộc thị sát và thanh sát quốc tế nhất là của AIEA. Đây chính là điều mà Bắc Triều Tiên trong quá khứ cực kỳ hay thay đổi.»

Những cử chỉ thiện chí của hai bên đang củng cố bầu không khí hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên. Sau các nỗ lực ngoại giao làm cầu nối cho đối thoại, chính quyền Moon Jae-in dường như đã được Washington và Bình Nhưỡng lắng nghe thấu hiểu hơn. Seoul trở thành nhân tố tích cực tìm kiếm cơ hội giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, một trong những hồ sơ gai góc nhất thế giới hiện nay.

Vẫn còn quá sớm để nói đến nội dung hay kết quả được đặt lên bàn cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Có điều chắc chắn là cuộc đối thoại, nếu diễn ra, sẽ không hề dễ dàng chút nào, như ngoại trưởng Trung Quốc, hôm nay đã cảnh báo, đó sẽ không phải là «ván bài giải trí».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.