Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ - HẠT NHÂN

Ngoại giao: Bước đi hoàn hảo của Bắc Triều Tiên

Trong cuộc gặp các đặc sứ Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng ngày thứ Ba 06/03, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đề nghị tổ chức thượng đỉnh Hàn – Triều vào tháng 4 tới đây, đồng thời cho biết sẵn sàng đối thoại với Mỹ về hồ sơ hạt nhân.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (thứ ba từ trái qua) và phái đoàn Hàn Quốc, tại Bình Nhưỡng, ngày 06/03/2018.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (thứ ba từ trái qua) và phái đoàn Hàn Quốc, tại Bình Nhưỡng, ngày 06/03/2018. Yonhap via REUTERS
Quảng cáo

Chuyên gia Théo Clément, trên trang mạng Asialyst ngày 07/03/2018 nhìn lại từng bước đi ngoại giao của Kim Jong Un và đưa ra đánh giá về « Thượng đỉnh Liên Triều : Bước đi hoàn hảo của Bình Nhưỡng ». RFI xin giới thiệu bài viết.

Ngay cả những pháp sư Triều Tiên có lẽ cũng không thể đoán trước được tình hình đảo ngược nhanh như vậy. Chỉ trong vòng có vài tháng, các nhà đàm phán Bắc Triều Tiên đã nhanh chóng cất vào tủ bộ quân phục và khoác lên người bộ Âu phục để ngồi đàm phán cùng với Seoul.

Sự thay đổi ngoạn mục này, theo ông Théo Clement, đó là do những tính toán chiến lược của Bình Nhưỡng. Không những Bắc Triều Tiên dứt khoát muốn chứng tỏ nước này là một tác nhân hoàn toàn có lý trí, mà còn có đủ khả năng dàn dựng và làm chủ các bước đi ngoại giao.

Thế Vận Hội Mùa Đông : Cơ hội « ngàn vàng » ?

Trước hết, Bắc Triều Tiên chủ động đưa ra sáng kiến ngoại giao. Bài diễn văn đầu năm của ông Kim Jong Un là nền tảng cho sự hâm nóng đột ngột quan hệ liên Triều. Tận dụng lúc chuyển giao năm mới, « lãnh đạo Tối cao » đặc biệt giải thích rằng nếu như khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Triều Tiên là có thể đưa vào tác chiến –điều mà giới chuyên gia vẫn còn nghi ngờ – thì Thế Vận Hội mang đến một cơ hội tốt để nối lại liên hệ với các « đồng bào » phía Nam.

Tổng thống Moon Jae In vì thế mà khó có thể từ chối đề nghị của Bình Nhưỡng. Sự xích lại gần Bắc Triều Tiên không chỉ là một trong những lời hứa lúc vận động tranh cử tổng thống Hàn Quốc, mà đây còn là một sự bảo đảm an ninh cho Thế Vận Hội Mùa Đông, mà ông gọi là « Thế Vận Hòa Bình ».

Hơn nữa, miền Bắc cũng rất khôn khéo trong việc thành lập những phái đoàn khác nhau gởi đến miền Nam trong suốt mùa thế vận. Điều đó cho phép Bình Nhưỡng chứng minh được sự thành tâm về những cam kết của mình với Seoul, đồng thời gợi mở trong công chúng Hàn một ý tưởng chắc chắn là ít định kiến hơn về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (RPDC).

Nhất là việc cử ông Kim Yong Nam, người đứng đầu chính phủ – cho dù đây chỉ là chức danh hình thức, là một nước đi đặc biệt tinh tế. Khi làm việc này, Bình Nhưỡng đã thể hiện rõ ý đồ tận dụng sự hâm nóng này để đề cập đến những chủ đề khác nhạy cảm và quan trọng hơn là việc trao đổi các đoàn nghệ thuật và thể thao.

Nụ cười và nước mắt

Tại Thế Vận Hội lần này, người ta còn được chứng kiến những hình ảnh tương phản. Giọt nước mắt xúc động của ông Kim Yong Nam khi nhìn thấy đoàn vận động viên hai miền Nam – Bắc diễu hành chung với dưới lá cờ bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Hay gương mặt lạnh lùng của phó tổng thống Mỹ Mike Pence với các đại biểu trong phái đoàn Bình Nhưỡng cũng như khi đoàn vận động viên Bắc Triều Tiên diễu hành qua lễ đài.

Nhưng chính Kim Yo Jong, em gái út của lãnh đạo Kim Jong Un mới là người đánh dấu tâm trí của giới quan sát. Mọi ống kính trên thế giới đều như tập trung vào người phụ nữ có nụ cười rạng rỡ, tân thời, thể hiện quyền lực và cương nghị.

Chính cô mới là người tận tay trao cho tổng thống Hàn Quốc bức thư của anh trai, mời ông đến thăm Bình Nhưỡng để tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh liên Triều như dưới thời chính sách « ngoại giao Vầng Thái Dương » giai đoạn 1998 – 2008.

Phi hạt nhân hóa ư ?

Tác giả nhắc lại chính trong giai đoạn « Vầng Thái Dương » mà một loạt các dự án xích lại gần nhau giữa hai miền đã được thiết lập : Thành lập tổ hợp công nghiệp Kaesong, khánh thành đặc khu du lịch trên dãy núi Kim Cương (Kumgang), thu hút hàng triệu người Hàn Quốc đến tận năm 2008.

Thế nhưng, cũng chính trong giai đoạn này, Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006. Điều này cho thấy rõ hơn những mâu thuẫn khác nhau trong các tính toán chiến lược và chính trị của Bình Nhưỡng.

Cho dù chính phủ Hàn Quốc hiện nay có vẻ muốn nối lại đàm phán với Bắc Triều Tiên, nhưng Seoul vẫn là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ vốn tỏ ra không mấy lạc quan về các kết quả có thể đạt được qua việc nối lại đối thoại liên Triều.

Do vậy, từ Barack Obama cho đến Donald Trump, nước Mỹ tỏ ra rất ngần ngại tiến hành đàm phán với Bắc Triều Tiên chừng nào mà Bình Nhưỡng vẫn từ chối chấm dứt chương trình hạt nhân. Trong nhiều năm trời, chính sách ngoại giao quá cứng nhắc đó chỉ « có ích » là giúp đổ lỗi cho Bắc Triều Tiên, vốn dĩ nhiều lần khẳng định là không từ bỏ khả năng răn đe hạt nhân.

Thế nhưng, thông tin mà các đặc sứ Hàn Quốc mang về sau chuyến đi Bình Nhưỡng ngày 05 và 06/03/2018 lại hoàn toàn không phải như thế. Chính bản thân Kim Jong-Un dường như đã khẳng định : Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên rất có thể đi đến giải trừ hạt nhân nếu các điều kiện an ninh được hội đủ.

Và điều còn gây ngạc nhiên hơn là Kim Jong Un còn tỏ ra tương đối thông cảm về những cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn, vốn được dời lại cho đến tháng 4 do Thế Vận Hội Mùa Đông. Thường xuyên bị tố cáo như là một cuộc tổng dượt chuẩn bị xâm lược quân sự Bắc Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng rất thù ghét những cuộc tập trận này.

Tổ hợp công nghiệp Kaesong

Sự mềm dẻo bất ngờ này có thể gây ngạc nhiên, nhưng có thể khó có sức thuyết phục trong chừng mực là từ nhiều năm qua, Bắc Triều Tiên công khai giải thích là không có chuyện đàm phán về chương trình hạt nhân của họ.

Tuy nhiên, tiến hành đàm phán với Hàn Quốc dưới thời phe dân chủ cầm quyền và phe này có thể chấp nhận một cuộc thảo luận mang tính xây dựng, thì đây là một cơ hội đối với Bình Nhưỡng và Bắc Triều Tiên làm việc này với hai mục tiêu.

Trước tiên, việc đối thoại trực tiếp với Seoul gạt bỏ trên thực tế Washington ra lề và cho phép dồn Seoul vào tình thế bấp bênh giữa một bên là viễn cảnh quốc gia thống nhất trong tương lai và bên kia là các cam kết của Hàn Quốc đối với đồng minh Hoa Kỳ.

Khi giúp cho Moon Jae In có được những thắng lợi ngoạn mục trong chính sách Bắc Triều Tiên (sự xích lại gần nhau kể từ khi có Thế Vận Hội đương nhiên là một thành công mang tính lịch sử), Bình Nhưỡng buộc chính quyền thuộc phe dân chủ ở Hàn Quốc phải ít nhiều trực diện chống lại chính sách « gây sức ép tối đa » mà tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương.

Thực vậy, do không có các thương lượng song phương giữa Bình Nhưỡng và Washington, việc có thể phi hạt nhân hóa mà Kim Jong Un nêu ra chỉ có trọng lượng nếu như Seoul thuyết phục được Hoa Kỳ về sự thành tâm của Bắc Triều Tiên.

Mặt khác, nói đến thượng đỉnh liên Triều là chắc chắn nói đến việc nối lại đối thoại hợp tác kinh tế Bắc-Nam, thậm chí có thể cả việc tái khởi động khu công nghiệp Kaesong mà Seoul đã đóng cửa từ ngày 10/02/2016, sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên.

Ngoài việc mang lại một nguồn thu nhập mới về ngoại tệ và công nghệ, việc tái triển khai cơ chế hợp tác kinh tế sẽ là một thắng lợi chính trị đối với Bình Nhưỡng vì điều này có thể cho phép xóa bỏ hoặc ít ra là đình chỉ các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện đang ngăn cản gần như toàn bộ mọi hợp tác kinh tế Bắc-Nam

Đình chỉ trừng phạt

Chia rẽ quan hệ Mỹ-Hàn đồng thời xích lại gần các đồng bào ở miền Nam, đó là chiến lược ít tốn kém đối với Bình Nhưỡng. Các thỏa hiệp mà Kim Jong Un đưa ra trong những cuộc thảo luận với các sứ giả Hàn Quốc thật là ngoạn mục, nhưng đó chỉ là những thỏa hiệp bề mặt.

Được đào tạo bởi Washington về nghệ thuật đòi hỏi những nhượng bộ quan trọng tới mức làm cho tất cả các cuộc thảo luận bế tắc, chắc chắn Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra điều kiện cho tiến trình phi hạt nhân hóa là việc rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Hàn Quốc, thậm chí cả Nhật Bản. Đương nhiên, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận điều này.

Lịch sử sẽ được viết tiếp, nhưng chiến lược này của Bình Nhưỡng đã thành công và giờ đây, điều này không còn gây nghi ngờ gì nữa. Thậm chí Bắc Triều Tiên còn thu được thắng lợi kép : không những bảo tồn được khả năng răn đe hạt nhân sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, được dự kiến trong tháng Tư, mà Bắc Triều Tiên còn tìm được cơ hội tốt để chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn, thậm chí có thể đạt được cả việc đình chỉ áp dụng các trừng phạt.

(Théo Clément là nghiên cứu sinh trường Ecole Normale Surperieure ENS Lyon và đại học Vienna, chuyên nghiên cứu về quan hệ Trung – Triều và từng có thời gian đến giảng dậy tại Bắc Triều Tiên).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.