Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Kim Jong Un tranh thủ thời gian để cứu chế độ

Tiếp phái đoàn đặc sứ Hàn Quốc ngày 06/03/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lần đầu tiên chấp nhận trao đổi với Mỹ về một chủ đề cấm kỵ : bỏ vũ khí hạt nhân đổi lấy sự sinh tồn của chế độ nếu an ninh được bảo đảm. Đây là thực tâm hay chỉ là một mưu đồ ?

Kim Jong-un tiếp phái đoàn Hàn Quốc ngày 06/03/ 2018 tại Bình Nhưỡng.
Kim Jong-un tiếp phái đoàn Hàn Quốc ngày 06/03/ 2018 tại Bình Nhưỡng. House/Yonhap via REUTERS
Quảng cáo

Trở về Seoul sau hai ngày sang thăm Bình Nhưỡng, đặc sứ Chung Eui Yong (Trịnh Nghĩa Dung), cố vấn an ninh của tổng thống Hàn Quốc, cho biết lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra nhiều đề nghị mới. Cụ thể là một cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng tư ở Bàn Môn Điếm và « đối thoại thẳng thắn với Mỹ » để bàn về phi hạt nhân hóa bán đảo, một yêu sách then chốt của cộng đồng quốc tế, chứ không riêng gì của Washington và Seoul. Để tỏ thiện chí, Kim Jong Un hứa sẽ tạm ngưng thử nghiệm bom hạt nhân và phóng tên lửa.

Qua thái độ và tuyên bố hoà nhã này, Bình Nhưỡng mưu tính gì ?

Bà Juliette Morillot, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, tác giả quyển sách « Le Monde selon Kim Jong Un » (Thế giới theo quan điểm của Kim Jong Un), phân tích :

Bắc Triều Tiên tìm kiếm trước hết là sự sống còn của chế độ và hai miền nam bắc đều muốn nắm vận mệnh đất nước trong tay. Bình Nhưỡng luôn yêu cầu đối thoại trực tiếp với Seoul cũng như với Washington. Dĩ nhiên là phải có điều kiện. Điều kiện đó là bảo đảm sự sống còn của chế độ và những bảo đảm về an ninh quốc phòng.

Hoa Kỳ phải cam kết gì để Bình Nhưỡng yên tâm ? Rất có thể Bắc Triều Tiên sẽ đòi hỏi như đã nhiều lần đề nghị trong quá khứ : Trước hết là một hiệp định bất tương xâm. Bước thứ hai là một hiệp ước hoà bình, bởi vì, chúng ta đừng quên là hai nước Triều Tiên trên lý thuyết vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, đối với Bắc Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là bảo hiểm nhân thọ. Do vậy, chỉ khi nào Bình Nhưỡng thực sự yên tâm là chế độ sẽ tồn tại thì họ sẽ từ bỏ hạt nhân ».

Hàn Quốc đón nhận các đề nghị của Kim Jong Un một cách thận trọng. Tổng thống Moon Jae In tuyên bố « còn quá sớm để lạc quan ». Báo chí tại Seoul nhắc lại là Bắc Triều Tiên đã từng cam kết « phi hạt nhân hóa có kiểm soát và không đảo ngược » qua thỏa thuận 2005, để rồi sau đó lại thất hứa.

Phe đối lập Hàn Quốc, dứt khoát hơn, cho là Bình Nhưỡng chỉ tìm cách tháo gỡ cấm vận kinh tế. Lãnh đạo đảng Tự Do, Hong Hoon Pyo, cảnh báo mưu toan lừa bịp của Kim Jong Un như Hitler trước Thế chiến thứ hai, qua thỏa thuận Munich 1938, ru ngủ Anh, Pháp, để xáp nhập một vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ hạt nhân, nếu không được đối phương nhượng bộ tương xứng. Do vậy, theo chuyên gia Juliette Morillot, sớm muộn gì, các bên cũng phải đi đến hoà đàm :

Trong nội bộ chính quyền Washington, nhiều người thân cận với tổng thống Donald Trump ở Lầu năm góc cũng muốn thương lượng trực tiếp với Bình Nhưỡng. Do vậy, tổng thống Mỹ sẽ nương theo chiều gió, mỗi lần đụng đường ranh đỏ do mình đặt ra, thì ông ấy vượt qua. Theo tôi, Mỹ sẽ chọn con đường đối thoại, và bắt buộc sẽ đi tới chuyện phi hạt nhân hóa bán đảo và hai bên sẽ trở lại điểm then chốt là bảo đảm sự tồn vong của chế độ Bình Nhưỡng, với một hiệp định bất tương xâm.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng từ bỏ hạt nhân quân sự. Washington và Bình Nhưỡng đã từng ký hai thỏa thuận phi hạt nhân hóa vào năm 1994 và 2005. Cả hai đều thất bại và mỗi bên đổ trách nhiệm cho nhau không tôn trọng chữ ký.

Nhưng sau nhiều năm căng thẳng leo thang, những tiến triển đạt được trong quan hệ liên Triều từ Thế Vận Hội Pyeonchang là một cơ may thực sự để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Cho dù Washington không để cho Bình Nhưỡng và Seoul tự quyết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.