Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ROHINGYA

LHQ tố cáo Miến Điện tiếp tục đàn áp người Rohingya

Chiến dịch « thanh lọc sắc tộc » chống lại người Rohingya vẫn tiếp tục tại Miến Điện, bất chấp các tuyên bố mở rộng cửa cho người tị nạn tại Bangladesh hồi hương. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, hôm nay 06/03/2018, ra thông báo khẳng định thực trạng này.

Ảnh minh họa : Bị đàn áp ở Miến Điện, người Rohingyas chạy sang lánh nạn ở Bangladesh. Một cảnh ở trại tỵ nạn Kutapalong, ngày 09/02/2018.
Ảnh minh họa : Bị đàn áp ở Miến Điện, người Rohingyas chạy sang lánh nạn ở Bangladesh. Một cảnh ở trại tỵ nạn Kutapalong, ngày 09/02/2018. REUTERS/Andrew RC Marshall
Quảng cáo

Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Andrew Gilmour, lãnh đạo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, chỉ trích chính quyền Miến Điện « không ngừng nhắc lại với thế giới rằng họ sẵn sàng đón tiếp người Rohingya trở về, nhưng cùng lúc đó, lực lượng an ninh lại tiếp tục buộc người Rohingya phải chạy sang Bangladesh », cụ thể là bằng việc « reo rắc hoảng sợ và chủ ý gây ra nạn đói ».

Theo AFP, sáu tháng sau khi cuộc khủng hoảng tị nạn bùng nổ, hiện tại mỗi ngày vẫn có khoảng vài trăm người Rohingya vượt biên giới. Theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, rất nhiều nhân chứng vừa mới sang Bangladesh cho biết, người Rohingya tiếp tục bị « giết chóc, cưỡng hiếp, tra tấn, bắt cóc và bỏ đói ».

Khu vực chính của người Rohingya bị quân đội càn quét trước đây, xung quanh thành phố Maundaw, phía bắc bang Rakhine, hiện vẫn bị phong tỏa. Phóng viên và các nhà ngoại giao đều không được phép vào, ngoại trừ một số chuyến đi đặc biệt trong một ngày, thỉnh thoảng mới có, do quân đội tổ chức. Chỉ có Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế được phép hoạt động tại đây.

Lãnh đạo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo vai trò « chính » của quân đội trong chiến dịch thanh lọc sắc tộc và chỉ trích sự thụ động của chính phủ dân sự Miến Điện do giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Hôm qua, 05/03, khi tiếp đại diện về nhân quyền của Liên Hiệp Châu Âu tại Naypyidaw, nhân vật số hai của quân đội Miến Điện, tướng Soe Win, thừa nhận rằng hiện tại « chưa có người (Rohingya) nào trở về, dù với tư cách cá nhân hay theo nhóm ».

Lãnh đạo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng rất lo ngại cho số phận của gần 700.000 người Rohingya tại Bangladesh, chen chúc trong các trại tị nạn, với các điều kiện sống rất khó khăn, vào lúc mùa mưa đang tới gần, bệnh dịch rất dễ bùng phát.

Biểu tình phản đối dự luật hạn chế quyền biểu tình

Theo AP, khoảng 200 người tập hợp tại Rangoon phản đối dự luật hạn chế tập hợp và tuần hành. Dự luật do chính phủ dân sự đề xuất hồi tháng trước, với điều khoản trừng phạt đến ba năm tù đối với những ai bị khép tội « xúi giục, thuyết phục » người khác tập hợp, biểu tình gây hại cho « an ninh quốc gia, Nhà nước pháp quyền ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.