Vào nội dung chính
PYEONGCHANG - OLYMPIC

Pyeongchang thời hậu thế vận hội : Hiểm họa trùng trùng

Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang tại Hàn Quốc sẽ kết thúc ngày 25/02/2018. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu thành phố Hàn Quốc đăng cai sự kiện thể thao quan trọng này có sẽ khá lên hay không, giống như đàn anh Seoul cách nay ba chục năm, cũng vươn lên nhờ thế vận hội ? Ít ra đây là hy vọng của người Hàn Quốc, nhưng thực tế có thể khắc nghiệt hơn. Trong bài viết « Hãy quên du lịch đi ! Di sản mà Thế vận hội để lại cho Pyeongchang có lẽ chỉ là nợ nần và nỗi tức giận », hãng tin Mỹ AP đã dự báo một tương lai không mấy tươi sáng cho thành phố Hàn Quốc.

Thế Vận Pyeongchang 2018. Ảnh 22/02/2018.
Thế Vận Pyeongchang 2018. Ảnh 22/02/2018. REUTERS/Lucy Nicholson
Quảng cáo

Đối với tác giả bài viết, tính toán của Hàn Quốc dĩ nhiên là muốn thu lợi qua việc tổ chức một sự kiện thể thao toàn cầu và phương trình đối với Seoul có vẻ đơn giản : Xây dựng một khu trượt tuyết đẳng cấp thế giới, đặt thế vận hội vào đó và chờ đợi…

Có điều là cho dù các cuộc tranh tài ngày nào cũng thu hút sự chú ý thế giới, kèm theo là những hình ảnh hào nhoáng của thành phố thế vận, thế nhưng hy vọng trông thấy Pyeongchang thu hoạch được những điều mong muốn càng lúc càng nhạt nhòa.

Khi đăng cai vào năm 2011 để tổ chức thế vận hội, kỳ vọng của Hàn Quốc là biến được vùng đất Pyeongchang nghèo khó, ít ai biết đến, thành một khu trượt tuyết hàng đầu ở Châu Á.

Tuy nhiên, Thế Vận Hội mùa đông 2018 chưa bế mạc mà một số người đã thấy là Olympic chỉ sẽ để lại những khoản nợ to lớn cho vùng này, với chi phí cực kỳ to lớn phải bỏ ra để bảo trì những công trình dùng cho thi đấu rất tốn kém mà sau này không ai biết phải làm gì.

Theo phóng viên AP, vị trí biệt lập của Pyeongchang quả là lý tưởng cho một Thế Vận Hội mùa đông, với nào là tuyết rơi nhiều, mùa đông kéo dài, các triền núi sừng sững, cao hơn mặt biển đến nửa cây số.

Thế nhưng, khi khách đến đây, nhờ Thế vận hội, rời đi, thì rất nhiều vấn đề khó khăn của vùng này vẫn trụ lại, vẫn là một dân số thưa thớt, già đi nhanh chóng, đứng kế chót về thu nhập bình quân so với những nơi khác tại Hàn Quốc, lại không có một ngành công nghiệp thực sự nào để dựa vào sau khi sinh kế của nhiều cư dân tại chỗ là ngành khai thác mỏ và than bị suy sụp.

Giáo sư Joo Yu Min, thuộc Đại Học Quốc Gia Singapore từng nhận định là Thế Vận Hội 2018 sẽ để lại những “căng thẳng” về tài chính lâu dài, chưa muốn nói là tình trạng phá sản, cho chính quyền địa phương, trong lúc lợi ích đối với dân chúng tại chỗ cũng không chắc chắn.

Pyeongchang 2018 không phải là Seoul 1988

Pyeongchang từng hy vọng sẽ được thay da đổi thịt như Seoul cách đây 30 năm nhân một Thế Vận Hội mùa hè khó quên. Thế nhưng có một khác biệt căn bản: Vào năm 1988, Seoul đã có điều kiện sẵn sàng để thay đổi không như Pyeongchang ngày nay.

Ba mươi năm trước đây, với đà bùng nổ dân số từ sau khi cuộc chiến trên bán đảo kết thúc, để lại một đất nước tan nát, thế vân hội đã cho phép Seoul khôi phục hệ thống hạ tầng cơ sở: Công viên mọc lên dọc theo sông Hàn, xa lộ, cầu đường, tàu điện tỏa ra mọi hướng, hàng loạt nhà cao tầng vươn lên từ những khu vực thương mại đổ nát và những khu ổ chuột tồi tàn.

Chính từ kinh nghiệm đó mà Hàn Quốc cho rằng Thế Vận Hội mùa đông đầu tiên do họ tổ chức cũng là cơ may để thúc đẩy phát triển, biến khu vực Pyeongchang thành một nơi du lịch đẳng cấp quốc tế.

Seoul đã chi đến 14 nghìn tỷ won – tức 12,9 tỷ đô la, cho Thế Vận Hội Pyeonchang, hơn xa con số từ 8 đến 9 nghìn tỷ won dự kiến lúc ban đầu.

Kết quả là những khu nghỉ mát rộng lớn, hiện đại mọc lên giữa vùng núi non, với nào là những con đường mới, những xa lộ mới và những tuyến xe lửa mới. Đi nhanh từ Seoul, đầu mối giao lưu quốc tế và trung tâm dân số của Hàn Quốc đến Pyeongchang chỉ mất độ 1 tiếng rưỡi đồng hồ mà thôi.

Tại Pyeongchang, hạ tầng cơ sở như thế đã được cải thiện, ngay cả trong các nhà hàng bàn ghế đã xuất hiện, thay thế cho lối ăn ngồi dưới đất truyền thống, thực đơn đã có cả tiếng Anh và nhiều nơi có thiết kế lối đi cho người dùng xe lăn. Trong ngay cả các khách sạn nhỏ nhất, giường nệm hiện đại đã đẩy các ổ nệm rơm cổ lỗ vào kho...

Chi phí bảo trì cực lớn, lợi tức du lịch chẳng bao nhiêu

Vấn đề đặt ra tuy nhiên là nhiều chủ doanh nghiệp đã than phiền là họ phải bỏ tiền túi ra để nâng cấp cơ sở vì trợ giúp của Nhà Nước quá ít. Bên cạnh đó, còn có khả năng là những chiếc xe lửa đưa khách đến đây buổi sáng thì cũng lại đưa họ về buổi tối, cho nên những khu khách sạn đồ sộ lại có thể vắng hoe, người dân tại chỗ mất đi phần tiền du lịch hứa hẹn. Đó là chưa kể đến việc những vùng đất béo bở chung quanh các khu du lịch lại lọt vào tay những gia đình quyền thế của Hàn Quốc.

Gangwon, tỉnh điều hành Pyeongchang và thị trấn ven biển Gangneung gần đó, nơi tổ chức các sự kiện trượt băng và khúc côn cầu sẽ phải đứng ra quản lý ít nhất sáu cơ sở Olympic hiện đại sau thế vận hội mùa đông. Ngay từ tháng Tám năm ngoái 2017, Uỷ Ban Olympic Quốc Tế đã cảnh báo rằng địa điểm thi đấu thế vận có thể bị bỏ đi.

Trung tâm Jeongseon Alpine đẹp đẽ, được xây dựng trên nền một khu rừng gồm cây quý hiếm, được dự trù là sẽ bị phá hủy sau thế vận hội để khôi phục lại trạng thái tự nhiên của nó. Công việc này có thể tốn kém hơn 90 triệu đô la. Tuy nhiên, các quan chức của Gangwon hiện đang cố gắng thuyết phục chính phủ là quốc gia hãy duy trì ít nhất một nửa đường trượt để phát triển nơi này thành một trung tâm giải trí cao cấp.

Đối với ông Maeng Won-yeong, 65 tuổi, một trong hàng chục cư dân trong khu vực đã phải dời nhà đi nơi khác để nhường chỗ xây dựng đường trượt cho rằng Jeongseon, một thị trấn trước đây sống nhờ khai thác mỏ, hiện đang cần đến sự phát triển của ngành du lịch.

Cho đến nay, Gangwon đã không thành công trong việc thuyết phục chính quyền trung ương chi tiền để duy trì các sân vận động mới được cho là sẽ tạo ra 9,2 tỷ won (8,5 triệu đô la) thâm hụt mỗi năm cho ngân sách của tỉnh. Đối với tỉnh Gangwon, trách nhiệm bảo trì cũng thuộc về chính phủ.

Du khách nào cho Pyongchang?

Ở một quốc gia chưa bao giờ có truyền thống thể thao mùa đông mạnh mẽ, chi phí bảo trì cơ sỏ khó có thể đến du khách trong nước, đừng nói chi đến các du khác giầu sụ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều người dân địa phương cho rằng thay vì chi cho việc bảo trì các cơ sở thể thao, tiền bỏ ra có thể được chi tiêu tốt hơn cho phúc lợi xã hội.

Một vấn đề nữa có nguy cơ làm cho việc biến Pyeongchang thành một điểm hẹn cho giới yêu thích thể thao mùa đông là tình hình căng thẳng trong xã hội Hàn Quốc và vấn đề tên lửa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Nỗi lo trước các đe dọa đến từ phương Bắc, tâm trạng bất an trước các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội gần đây với những cuộc biểu tình rầm rộ đã làm cho một cựu tổng thống phải từ chức có thể sẽ khiến cho nhiều người không coi các môn thể thao mùa đông là quan trọng.

Ông Sang Ho Yoon, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Hàn Quốc cho rằng không nên mơ tưởng về một sự bùng nổ du lịch. Tỉnh Gangwon có thể sẽ gặp rắc rối tài chính kéo dài trong từ 10 đến 20 năm sau khi Thế Vận Hội Pyeongchang bế mạc vì lẽ “các chi phí mà tỉnh Gangwon sẽ phải gánh vác sẽ lớn hơn bất cứ lợi tức gì mà họ thu được nhờ du lịch.”

Đối với ông Yoon, cách thức duy nhất để vùng này nhẹ gánh là biến Pyeongchang và vùng phụ cận thành một điểm đến quốc tế cho các môn thể thao mùa đông, nhưng nhắm vào du khách đến từ Đông Nam Á và vùngTrung Đông, mê trượt tuyết nhưng không có chỗ chơi ở chính nước họ.

Vấn đề là các quan chức Pyeongchang dường như chỉ tập trung vào việc quảng bá khu vực tại các thị trường thể thao mùa đông hiện hữu  ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Kết luận của chuyên gia này rất thẳng thừng. Ông đặt ra câu hỏi: “Có bao nhiêu người dân New York sẽ bảo nhau “Này, chúng ta đến Pyeongchang trượt tuyết đi”? và trả lời: “Không ai cả!”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.