Vào nội dung chính
CÔNG GIÁO - TRUNG QUỐC

Vatican muốn Bắc Kinh “nới rộng chiếc lồng” cho Giáo Hội Trung Quốc

Courrier International giới thiệu một bài phân tích trên báo Hồng Kông, về những lo ngại của người Công Giáo Hồng Kông trước chính sách xích lại gần với Bắc Kinh của Vatican mới đây, với cái giá rất lớn là Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc có nguy cơ trở thành kẻ thừa hành mệnh lệnh của đảng Cộng Sản.

Hang đá thờ Đức Mẹ Lộ Đức, nhà thờ lớn Thiên Tân (Tianjin), Trung Quốc.
Hang đá thờ Đức Mẹ Lộ Đức, nhà thờ lớn Thiên Tân (Tianjin), Trung Quốc. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Courrier International dẫn lại một bài viết trên tờ Apple Daily của Hồng Kông, lên án các nhân nhượng « quá mức » của Tòa Thánh, theo các thông tin về đàm phán để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, vừa lọt ra ngoài (1). Cụ thể là Tòa Thánh chấp nhận bảy giám mục « tự phong » của Giáo Hội thân Bắc Kinh, không có liên hệ với Vatican, đồng thời yêu cầu hai giám mục của Giáo Hội tại Trung Quốc - được Tòa Thánh bổ nhiệm – về hưu để nhường chỗ cho các chức sắc do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm. Vatican cũng sẽ buộc phải cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Cho dù, về phần mình, trong tương lai Tòa Thánh có quyền tham gia ý kiến vào việc bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc, và tình hình hy vọng có thể được cải thiện trong mươi, hai mươi năm tới, thế nhưng nhật báo Hồng Kông nhấn mạnh là cũng cần phải tính tới việc tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Apple Daily ví Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc hiện nay như « chim trong lồng ». Trong tương lai, « lồng » chỉ có thể được nới rộng hơn mà thôi. Tờ báo chất vấn Vatican : « Tại sao Tòa Thánh đã ý thức rõ ràng về nguy cơ chim trong lồng, vậy mà vẫn muốn đúc kết một thỏa thuận tồi tệ như vậy với Bắc Kinh ? ».

Từ thỏa thuận ngoại giao đến thừa nhận các tội ác của chế độ

Theo Apple Daily, chính quyền Trung Quốc đang từng bước lấn tới. Kể từ khi kết thúc Đại hội 19 của đảng Cộng Sản, ông Tập Cận Bình không chỉ không còn khoan thứ cho « các giá trị (nhân quyền) phổ quát » (một khái niệm đang bị đảng Cộng Sản đánh phá tơi bời), mà còn đang nỗ lực phổ biến ra toàn thế giới « mô hình chính trị hiện hành tại Trung Quốc », đặc biệt là tới các nước đang phát triển, hoặc ít phát triển hơn. Cụ thể là mô hình một chế độ chính trị độc tài, quyền lực tập trung trong tay một người, hoặc một đảng duy nhất.

Tính chất đặc biệt nguy hiểm của thỏa thuận tương lai giữa Vatican và Bắc Kinh là « một phương thức trá hình dẫn đến việc thừa nhận toàn bộ các đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với Giáo Hội và các tín đồ », mở rộng ra là đối với toàn bộ các xâm phạm quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng kể từ khi chế độ cộng sản nắm quyền năm 1949. Và nếu Tòa Thánh chấp nhận sống cảnh cá trong chậu, chim trong lồng như vậy, thì ai sẽ là người cổ vũ cho cuộc đấu tranh vì « công lý, hòa bình và tình thương yêu », vì các giá trị phổ quát, theo lý tưởng Công Giáo.

Việc Vatican nhân nhượng Bắc Kinh tại Hoa lục khiến chính quyền Trung Quốc trở nên « nghênh ngang hơn », cũng là mối đe dọa trực tiếp đối với người Công Giáo Hồng Kông, cho dù Hồng Kông là một địa phận riêng. Tờ Apple Daily cảnh báo là với cái đà Hồng Kông ngày càng bị kéo vào vòng kiểm tỏa của Bắc Kinh, sẽ đến lúc địa phận Công Giáo Hồng Kông không còn dám nói đến dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc.

« Viên đại sứ hiểu rõ về Trung Quốc »

Trung Quốc – quốc gia độc đảng, đầu tầu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu – có phải là mối đe dọa với thế giới hay không ? Đây là một trong những vấn đề mà cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc Claude Martin tìm cách trả lời trong cuốn hồi ký sắp ra mắt « La diplomatie n’est pas un dîner de gala » (tạm dịch là « Ngoại giao không phải là một buổi đại yến ») (2).

Le Point có bài bình luận về cuốn sách, với tựa đề « Viên đại sứ hiểu rõ về Trung Quốc ». Theo người giới thiệu – nhà báo Guy Sorman -, tác giả dường như tập trung hơn vào chỗ chỉ ra những đặc thù của đất nước hơn một tỉ dân này, đặc biệt là những điểm yếu, như « ba vết thương » lớn của Trung Quốc là « nạn tham nhũng, nạn ô nhiễm và nạn bán mình ». Nạn bán mình được hiểu theo nghĩa rộng, gồm bán thể xác (mại dâm) và bán linh hồn (rất nhiều người Trung Quốc có cảm giác đã bán tâm hồn cho phương Tây, về phần mình, đảng Cộng Sản không ngừng lên án tư tưởng « tự do » phương Tây làm ô nhiễm xã hội Trung Quốc).

Theo cựu đại sứ Pháp – người có mặt tại Trung Quốc vào thời điểm xảy ra Thiên An Môn - « hoàng đế Trung Hoa » Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản « ít hùng mạnh » hơn là mọi người vẫn nghĩ, cho dù Tập hoàng đế tập trung trong tay ba quyền lực chính, Đảng, Nhà nước và quân đội. Theo ông Claude Martin, sự tập trung quyền lực này « không đủ để ngăn được đà đi tới của các cực quyền lực đối địch, giới doanh nhân, các phong trào phản kháng, các mạng xã hội ».

Ngộ nhận hơn ba thế kỷ của giới trí thức

Cựu đại sứ Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến « các ngộ nhận », hay « các huyễn tưởng » của người Pháp về xã hội Trung Quốc, bắt nguồn từ thế kỷ XVII, qua câu chuyện của các nhà truyền giáo từng có ý định vận động hoàng đế Trung Quốc cải đạo. Theo lời kể của các cha đạo thời đó, Trung Quốc là một chế độ lý tưởng do một quân vương hiền minh đứng đầu, với sự trợ giúp của các bực quan chức giàu học vấn. Hình ảnh về nước Trung Quốc lý tưởng đã ảnh hưởng đến triết gia Voltaire, trong dự án xây dựng một nền quân chủ khai sáng cho nước Pháp. Trong lúc trên thực tế, các hoàng đế Trung Quốc là « những kẻ tàn bạo », còn quan lại thì hết sức tham nhũng.

Các hiểu biết của trí thức Pháp về chế độ Trung Quốc thời cộng sản, với cuộc Cách mạng Văn hóa đẫm máu những năm 1960, cũng hết sức sai lạc, hoặc lệch pha. « Trung Quốc thay đổi quá nhanh với những người quan sát chúng ta », cựu đại sứ nhận xét.

Nhà ngoại giao Pháp nhắc đến tổng thống de Gaulle, cố lãnh đạo Pháp, một trong số hiếm các chính trị gia có quan điểm thực tế về Trung Quốc. Vào năm 1964, ông là người đầu tiên trong số các lãnh đạo phương Tây công nhận chính quyền Trung Quốc. Thời kỳ sau này, Jacques Chirac là người duy nhất trong số các tổng thống Pháp có được một cái nhìn thực tế về Trung Quốc, thế nhưng thái độ tỉnh táo đó không được các doanh nghiệp tiếp bước.

Về đe dọa Trung Quốc xâm lược các nước láng giềng ở khu vực Biển Đông, nhà ngoại giao Pháp cho rằng Bắc Kinh không có chủ trương « gây hấn », mà chỉ muốn « mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình », « đẩy xa hơn các ranh giới trên biển », với tư cách một siêu cường đang lên, đang trở lại với vị thế xưa kia vốn có của một quốc gia coi mình là trung tâm của thiên hạ. Bắc Kinh không muốn Hoa Kỳ có mặt tại Biển Đông.

Điều mà cựu đại sứ Pháp đặc biệt nhấn mạnh là Trung Quốc là một đất nước hết sức đa dạng, và tương lai của Trung Quốc hiện nay chủ yếu sẽ do chính người Trung Quốc quyết định.

« Cú đánh cược cuối cùng » của thủ tướng Đức Merkel

Về thời sự châu Âu, đáng chú ý có bài phân tích về tình hình chính trị Đức trên Le Point, với tựa đề « Cú đánh cược cuối cùng của bà Merkel ». Bài viết ghi nhận : thỏa hiệp lập chính phủ liên hiệp Đức, giữa các đảng phái bị coi là « thất cử », có thể giúp cho bà Merkel đảm nhiệm chức thủ tướng thêm một nhiệm kỳ thứ tư nữa, nhưng cần phải lưu ý một điều là cử tri Đức đã rất thất vọng, và họ đang chờ đợi « sự thay đổi ».

Hiển nhiên là « phép lạ kinh tế » Đức hiện vẫn tiếp tục, với tăng trưởng 2,2% năm ngoái, Frankfurt ngày càng khẳng định như là một thủ phủ tài chính của châu Âu, sau khi các định chế tài chính rời khỏi Luân Đôn sau Brexit, thất nghiệp tụt xuống còn 3,6%, với khoảng 500.000 chỗ làm mới một năm, thặng dư thương mại lên đến 245 tỉ euro, nợ công tiếp tục sụt giảm… Tất cả các thế mạnh đó không che khuất được một điều là mô hình Đức đang bị đặt thành vấn đề, « với áp lực bảo hộ, cạnh tranh từ Mỹ và một số đối tác chủ chốt của Đức, với bê bối gian lận quy mô lớn trong ngành xe hơi – trụ cột của kinh tế Đức, với xu hướng đòi tăng lương bổng trong nhiều ngành kinh tế, dịch vụ công, cũng như các bất đồng sâu sắc trong vấn đề tiếp đón người nhập cư, và số lượng gia tăng các vụ khủng bố Hồi Giáo…».

Theo Le Point, cho đến nay, thủ tướng Đức Merkel tỏ ra là một nhà quản trị xuất sắc, hơn là một nhà lãnh đạo có viễn kiến. Bà đã quản lý rất tốt di sản chính trị của Helmut Kohl, di sản kinh tế của Gerhard Schroder. Tuy nhiên, để đưa nước Đức hiện nay tiến lên đòi hỏi một cách nhìn khác. Theo Le Point, con đường duy nhất có triển vọng với thủ tướng Đức là đặt nước Đức trong dự án « tái xây dựng » châu Âu với các mục tiêu chính : củng cố khu vực đồng euro, chủ quyền thương mại, thuế quan và kỹ thuật số của châu Âu lục địa, tăng cường an ninh và kiểm soát biên giới.

Để làm được những việc này, Berlin chỉ có thể trông cậy trước hết vào Pháp. Lịch trình cho các nỗ lực chấn hưng khu vực đồng euro và Liên Hiệp Châu Âu là rất khẩn trương. Tân chính phủ liên hiệp Đức – nếu được thành lập – sẽ chỉ có vài tháng để phối hợp với Pháp làm rõ các vấn đề này trước mùa thu năm nay 2018, thời điểm khởi sự các cuộc bầu cử châu Âu tháng 5/2019, và cũng là lúc các thương lượng về Brexit đã ngã ngũ.

Đức-Pháp và tương lai châu Âu : Triết gia Habermas lên tiếng

Về quan hệ Pháp - Đức, Le Point có bài phỏng vấn nhà triết học người Đức Habermas, nhân dịp hai đảng CDU và SPD vừa đạt thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp Đức, sau gần bốn tháng đàm phán. Triết gia Habermas, sinh năm 1929, đại diện xuất sắc của trường phái Frankfurt, cũng được coi là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của châu Âu.

Lý giải về hậu quả chủ nghĩa dân túy đang âm thầm phổ biến trong xã hội Đức hiện nay, nhà tư tưởng Đức cho rằng đây là cái giá phải trả cho cả một thập niên « phi chính trị hóa », nơi « lối sống hưởng thụ bàng quang » được khuyến khích, nơi các vấn đề thực sự quan trọng như tương lai của châu Âu đã bị làm ngơ. Ông kêu gọi nước Đức, cũng như các nước châu Âu, khác « vượt qua chủ nghĩa ích kỷ quốc gia », « kể cả chủ nghĩa dân tộc Đức về kinh tế », để gia tăng tinh thần hợp tác.

Triết gia Habermas khẳng định chỉ có như vậy « các quốc gia châu Âu nhỏ bé » mới có thể cùng quyết định được « vận mệnh chính trị của mình ». Đóng góp cho ngôi nhà chung châu Âu chính là phục vụ nhiều hơn cho đất nước của riêng mình. Ông đặc biệt ca ngợi các sáng kiến « thích đáng » của « nước Pháp Macron », đang nỗ lực vươn lên đóng vai trò hướng đạo châu Âu. Ông đặt nhiều hy vọng vào « sự sáng suốt chính trị » và « ý thức cộng hòa » của tổng thống Pháp.

Theo Habermas, điều làm nên sự khác biệt giữa tổng thống Macron với các lãnh đạo châu Âu khác là « bản năng chính trị » khiến ông nhìn thấy trong tương lai của Liên Hiệp Châu Âu một « thách thức quyết định, không chỉ với châu Âu, mà cả với nước Pháp ». Trực giác của tổng thống Pháp đi liền với ba phẩm chất quan trọng khác, đó là quyết tâm mãnh liệt làm chuyển động các ranh giới chính trị vốn có, óc kiến thiết đủ để vạch ra một tầm nhìn có cơ sở, và khả năng thuyết phục người Pháp. Habermas hy vọng tiếng nói của Macron cũng sẽ được lắng nghe tại Đức và châu Âu.

Jurgen Habermas được coi là kiến trúc sư chính của tư tưởng « chủ nghĩa yêu nước Hiến pháp » (Patriotisme constitutionnel), trụ cột của các nền dân chủ hiện đại.

Kế nhiệm thủ tướng Anh có thể là một chính trị gia « thế kỷ 18 »

Nước Anh đang khép lại, đặc biệt với quyết định chia tay với Liên Âu đang đi về đâu ?

Courrier International trích The Economist giới thiệu gương mặt có thể kế nhiệm thủ tướng May, một nhân vật được ví là « con người của thế kỷ 18 ». Theo một thăm dò dư luận trong hàng ngũ đảng viên bảo thủ, ngày 01/02, nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, đứng đầu trong số những ứng cử viên kế nhiệm bà May, với tỉ lệ 21%.

Tín đồ Công Giáo cuồng nhiệt - có quan điểm chống phá thai, ngay cả trong trường hợp bị cưỡng hiếp – này cho biết sẵn sàng tuân lệnh Giáo Hội Công Giáo La Mã, hơn là lãnh đạo nhóm, phái chính trị tại Quốc Hội. Tờ báo hài hước Anh Quốc Private Eye dẫn lại lời hô hào « của » nghị sĩ thế kỷ 18 Jacob Rees-Mogg : « Chúng ta phải bẻ gẫy các xiềng xích của Liên Âu để được buôn bán tự do với các xứ Ba Tư, Lưỡng Hà và Khiết Đan (hay « Cathay ») (từ tiếng Anh xưa để chỉ Trung Quốc) ».

Trang nhất các tuần báo

Đời sống chính trị xã hội trong nước là chủ đề lớn của các tuần báo Pháp số ra tuần 15 đến 21/02/2018. L’Express tập trung giải mã phương pháp truyền thông của tổng thống Emmanuel Macron, được coi là một người có quan hệ rất kín kẽ với báo chí.

Le Point giới thiệu vị bộ trưởng Giáo Dục, ông Jean-Michel Blanquer, đang nổi lên như một trụ cột của chính phủ Macron, người mà Le Point gọi là « phó tổng thống ». Theo các thăm dò dư luận, tỉ lệ người « không thiện cảm » với bộ trưởng Giáo Dục là thấp nhất so với 30 chính trị gia được coi là tiêu biểu hiện nay. Bộ trưởng Jean-Michel Blanquer được coi là người có kinh nghiệm đáng nể. Đài France 2 đã phải rất vất vả để tìm được một chính trị gia sẵn sàng tranh luận với ông về dự án cải cách giáo dục sắp tới.

L’Obs đặt vấn đề về mặt trái của « tòa án truyền thông », trong bối cảnh khắp nơi dậy lên làn sóng tố cáo bạo lực tình dục, với tựa đề « Có nên #tố giác sạch sành sanh ? ».

Chủ đề chính của Courrier International là « cuộc cách mạng truyền hình trực tuyến » đang làm đảo lộn ngành công nghiệp giải trí.

----

(1) Nhật báo Apple Daily (Quả Táo), với 430.000 ấn bản, của doanh nhân Jimmy Lai (Lê Trí Anh), nổi tiếng với lập trường chỉ trích không khoang nhượng chính quyền Trung Quốc (theo Courrier International).

(2) « La diplomatie n’est pas un dîner de gala », NXB Aube, 912 tr. Ra mắt 15/03.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.