Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Thế Vận Hội không là đũa thần đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên

Đăng ngày:

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018, trên đất Hàn Quốc đã giúp hai miền Nam-Bắc Triều Tiên có những bước đi ngoạn mục xích lại gần nhau. Cách đây không lâu người ta còn nói đến khả năng nổ ra chiến tranh giữa Bắc Triều Tiên - Hàn Quốc và cả với Mỹ trong các màn dọa dẫm, khiêu khích nhau bằng tên lửa đạn đạo và thậm chí cả vũ khí hạt nhân.

Vận động viên Bắc Triều Tiên Ryom Tae Ok và Kim Ju Sik thi tài tại Thế Vận Mùa Đông Pyeongchang, Hàn Quốc. Ảnh ngày 15/02/2018.
Vận động viên Bắc Triều Tiên Ryom Tae Ok và Kim Ju Sik thi tài tại Thế Vận Mùa Đông Pyeongchang, Hàn Quốc. Ảnh ngày 15/02/2018. REUTERS/John Sibley
Quảng cáo

Liên tiếp các dấu hiệu hòa dịu giữa hai miền Triều Tiên xuất hiện nhân sự kiện thể thao Olympic Mùa Đông lôi cuốn sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế và các nhà quan sát với cùng câu hỏi liệu có thể hy vọng về một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên hay chỉ là sự hòa hoãn ngắn ngủi, lại vụt tắt sau sự kiện thể thao ?

Đúng là bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã nhanh chóng hạ nhiệt với việc Kim Jong Un ngày đầu năm nay thông báo cử các vận động viên Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc tham dự Thế Vận Hội. Sau một loạt các thao tác ngoại giao, cuối cùng không chỉ có các vận động viên thể thao mà cả một đoàn cấp cao trong đó đặc biệt có sự hiện diện của Kim Yo Jong, em gái Kim Jong Un, đã tới Hàn Quốc dự lễ khai mạc sự kiện thể thao và tham gia các hoạt động ngoại giao để hai miền xích lại gần nhau. Giờ đây Kim Jong Un, nhà lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới Bình Nhưỡng họp thượng đỉnh (tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa có câu trả lời chính thức).

Sẽ là phiếm diện nếu không nói đến thiện chí hòa giải và đối thoại của tổng thống Moon Jae In đáp lại động thái tích của Bình Nhưỡng. Từ mục tiêu là bảo đảm cho Thế Vận Hội diễn ra trong bầu không khí bình yên, không bị các khiêu khích chiến tranh đe dọa, tổng thống Hàn Quốc đã hướng tới một mục đích xa hơn là đối thoại. Chuyên gia Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp, trong vidéo trên trang Youtube ngày 12/02/2018 nhận định về diễn tiến hòa dịu trên bán đảo Tiều Tiên :

Đây là thành công cá nhân của tổng thống Hàn Quốc, người vẫn chủ trương đối thoại kể từ khi lên nắm quyền gần đây. Ông Moon tỏ rõ sự khác biệt với 2 người tiền nhiệm vẫn chủ trương đường lối cứng rắn với Bắc Triều Tiên. Ông Moon luôn ủng hộ đối thoại, có những nét căn bản như trong chính sách của Tây Đức trước đây để xích lại gần với Đông Đức mà cuối cùng Tây Đức đã thắng cuộc. Ông Moon muốn chứng minh rằng bằng con đường đối thoại hơn là bằng những lời lẽ dọa dẫm nhau, người ta có thể đạt được kết quả với Bắc Triều Tiên. Thế Vận Hội diễn ra và ông là tâm điểm của cuộc chơi. Đó sẽ là thắng lợi đối với Hàn Quốc.

Ngoài ra, Hàn Quốc giờ trong thế kẹt. Tất nhiên họ bị Bắc Triều Tiên đe dọa nhưng đồng thời cũng bị đe đọa bởi thái độ bốc đồng của tổng thống Mỹ. Hàn Quốc không thể cắt đứt quan hệ với Mỹ, đồng minh chính yếu của Hàn Quốc. Nhưng Donald Trump quả quyết một đường lối đối đầu với Bắc Triều Tiên, ông Moon chủ trương hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Triều Tiên. Việc Bắc Triều Tiêntham gia Thế Vận Hội đã là một thành công với ông rồi, ngoài cả phạm vi bảo đảm an ninh cho Thế Vận Hội. Ông đã làm được điều mà các lãnh đạo tiền nhiệm không làm được. Còn nhớ kỳ Thế Vận Hội Mùa Hè Seoul 1988, Bình Nhưỡng đã tẩy chay.

Còn Bắc Triều Tiên thì được gì ? Họ muốn cho thấy đất nước này cũng không đến nỗi bất bình thường gì. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng muốn cho dân chúng trong nước thấy rằng ông được thế giới tôn trọng, chấp nhận. Bắc Triều Tiên cũng muốn giảm căng thẳng. Cứ theo tiêu chí của họ thì giờ đây Bắc Triều Tiên đã bảo đảm được kho vũ khí hạt nhân. Chế độ của họ sẽ không bị lật đổ bằng vũ lực vì có sự bảo đảm của vũ khí hạt nhân. Và vì thế họ muốn chứng tỏ cởi mở với bên ngoài, họ muốn thiết lập đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc không phải qua Hoa Kỳ, cho dù quan điểm của Bắc Triều Tiên, mục tiêu cuối cùng vẫn là đối thoại trực tiếp với Mỹ ».

Chính Thế Vận Hội là cái cớ để đưa hai nước xích lại gần nhau. Sự kiện thể thao lớn Olympic Pyeongchang đã tạo ra một cơ hội ngoại giao cho hai miền Triều Tiên đến lúc này, đó là điều không thể phủ nhận được. Nhưng liệu Thế Vận Hội có bảo đảm mang lại hòa bình lâu dài cho hai nước ?

Chuyên gia Boniface giải thích :

Người ta nói về sự hòa giải qua Thế Vận Hội, nếu được thì rất tốt, nếu không thành thì chủ quyền lãnh thổ cũng không tổn hại gì. Người ta thấy rõ ở đây vai trò ngoại giao của thể thao. Nhưng thể thao không phải là cây đũa thần. Thống nhất đất nước không chỉ là việc hai đoàn vận động viên diễu hành chung. Trong quá khứ hai nước đã từng diễu hành chung : 2000 tại Sydney, 2004 tại Athens hay ở Thế Vận Hội Mùa Đông Turino 2006.

Vẫn còn nhiều khó khăn, không thể có ngay được thống nhất đất nước. Bắc Triều Tiên vẫn là một quốc gia hạt nhân và họ lấy đó làm sự bảo đảm cho chế độ tồn tại.

Thể thao không phải là cây đũa thần nhưng đó là công cụ ngoại giao nếu được sử dụng tốt thì có thể cho phép tạo ra, không phải là một nền hòa bình thực sự, nhưng ít ra là sự hòa hoãn mà người ta hy vọng sẽ lâu bền.

Chưa thể nói đến nền hòa bình nhưng những tín hiệu xích lại của hai quốc gia đối địch nhau từ 7 thập kỷ qua xuất hiện nhân kỳ Thế Vận Hội lần này có thể là tia sáng cuối đường hầm trong quan hệ hai miền Triều Tiên. Nhưng tiến triển này có làm thay đổi được chế độ Bình Nhưỡng độc tài vi phạm nhân quyền hay một Bắc Triều Tiên không ngừng trang bị hạt nhân ?

Ta không nên quá ảo tưởng ? Sự xích lại gần nhau hiện nay sẽ không dẫn đến việc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Như tôi đã nói nhiều lần. Với Kim Jong Un cũng như với tất cả các lãnh đạo Bắc Triều Tiên vũ khí hạt nhân là vấn đề cốt tử của chế độ. Họ lập luận và cũng không hẳn là sai rằng nếu có vũ khí hạt nhân thì Saddam Hussein và Kadhafi sẽ vẫn còn tồn tại và nắm quyền. Vì thế không có chuyện Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và cũng không có chuyện chế độ này sẽ chuyển sang dân chủ hóa. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ hệ thống chính trị đã duy trì quyền lực cho họ. Vì thế cần phải nhận thấy giới hạn của sự xích lại gần nhau này.

Ngoài ra đa số người Hàn Quốc cũng không còn mong muốn thống nhất đất nước. Thế hệ trẻ của nước này đang sống trong hoàn cảnh khác một trời một vực với Bắc Triều Tiên. Người Hàn Quốc nhận thấy rõ là thống nhất đất nước là việc làm quá tầm của họ. Họ đã nhìn thấy cái giá kinh tế phải cho sự thống nhất nước Đức. Cũng cần phải biết là Đức còn được trợ giúp rất nhiều từ Liên Hiệp Châu Âu, còn ở châu Á thì tìm đâu ra được trợ giúp.

Thực ra, điều mà tổng thống hiện nay của Hàn Quốc mong muốn chỉ là làm dịu tình hình, hạ nhiệt căng thẳng để người hàng xóm Bắc Triều Tiên bớt quấy phá hơn. Ông đã đạt được việc Thế Vận Hội diễn ra trong điều kiện tốt đẹp. Nhưng ông cũng phải xử lý với Hoa Kỳ về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Chúng ta thấy rõ là Donald Trump đã cố tìm cách để không có giải pháp ngoại giao. Tổng thống Moon thì bị kẹt, ông không muốn cắt đứt với Donald Trump. Ông vẫn cần sự bảo vệ của Mỹ, đồng thời ông cũng bắt đầu cảm nhận thấy sự bảo vệ này cũng đồng thời là mối đe dọa. Điều này bắt đầu trở nên phiền hà.

Có hy vọng nhưng cũng không nên quá ảo tưởng về một nền hòa bình bền vững giữa hai miền Triều Tiên. Đó chỉ là tạm đình chiến, tình trạng chiến tranh vẫn tồn tại giữa hai nước. Nhưng xét cho cùng, dấu hiệu lo ngại giờ đây đến nhiều hơn lại là từ những gì diễn ra ở Nhà Trắng. Đó mới là vấn đề chính. Một lần nữa cần khẳng định, Bắc Triều Tiên sẽ không chuyển hóa thành một nước dân chủ, tự do mà vẫn sẽ là chế độ độc tài. Nhưng đó có thể là một chế độ độc tài đỡ nguy hại hơn, bớt gây rối ren trong vùng hơn. Như thế cũng đủ coi là thành công của chính sách xích lại gần nhau của tổng thống Moon, tất nhiên với điều kiện Donald Trump không làm chệch hướng của tiến trình này.

Nhìn vào tổng thể hồ sơ Bắc Triều Tiên, ngoài quan hệ giữa hai miền thì luôn có những nhân tố bên ngoài tác động mạnh đối với tiến trình hòa bình cũng như giải trừ hạt nhân trên bán đảo. Theo chuyên gia Pascal Boniface, hai nhân tố bên ngoài chủ chốt hiện nay là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông Bonaface phân tích :

Trung Quốc không còn kiểm soát được Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng không phải là vệ tinh của Bắc Kinh, giống như kiểu các nước Đông Âu với Liên Xô trước đây. Trung Quốc thực ra thì có vẻ lạnh nhạt với Bắc Triều Tiên. Vì những hành vi khiêu khích mới đây của Bắc Triều Tiên sẽ làm Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng, chưa kể là còn có thể gia tăng sự hiện diện chiến lược của quân Mỹ tại khu vực. Điều này không phải là dấu hiệu tốt với Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc có quan hệ làm ăn kinh tế với Hàn Quốc tốt hơn nhiều so với Bắc Triều Tiên. Mỗi tuần có 850 chuyến bay trực tiếp giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, trong khi với Bắc Triều Tiên chỉ có 4 chuyến. Với Bắc Kinh, đối tác kinh tế thực sự của họ giờ là Hàn Quốc chứ không phải Bắc Triều Tiên.

Ngoài ra còn có yếu tố không lường được đó là Donald Trump. Ông Trump làm gia tăng căng thẳng chỉ vì những tuyên bố dọa dẫm có phần kỳ quặc đối với Bình Nhưỡng, với Kim Jong Un, chẳng hạn như ông đối đáp khoe rằng có nút bấm hạt nhân to và mạnh hơn … . Cần phải đợi xem liệu Trump có muốn làm chệch hướng tiến trình xích lại gần nhau, nói cách khác là làm tăng căng thẳng hay là ông ta sẽ muốn thấy hai nước xích lại gần nhau để rồi có thể kể công rằng có được điều đó là do chính sách cứng rắn ngay từ đầu của ông ta.

Người ta còn nhớ năm 2000, tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại Bình Nhưỡng với lãnh tụ Bắc Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Jong Il, bố của Kim Jong Un. Sự kiện khi đó đã mở ra những viễn cảnh tốt đẹp cho quan hệ nhiều mặt giữa hai miền cũng như đang đem lại những hy vọng giải quyết hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Thế nhưng chỉ bằng một quyết định của tổng thống Mỹ G. Bush đưa Bắc Triều Tiên vào danh sách đen các quốc gia ủng hộ khủng bố, mọi nỗ lực giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên trở lại điểm xuất phát và từ đó đến nay mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên ngày thêm lớn, phạm vi đã mở rộng đến tận lãnh thổ Mỹ.

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang chỉ kéo dài đến ngày 25/02 tới. Sau đó tiến trình hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên sẽ ra sao ? Chưa ai có thể nói trước được điều gì.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.