Vào nội dung chính
PHILIPPINES - TRUNG QUỐC

Bắc Kinh quân sự hóa Trường Sa: Báo Philippines trưng thêm bằng chứng

Một tờ báo có uy tín tại Philippines vào hôm nay, 05/02/2018, đã công bố nhiều bức ảnh mới xác nhận rõ hơn sự kiện Bắc Kinh gần như đã hoàn tất việc biến 7 đảo nhân tạo trong tay Trung Quốc tại Trường Sa thành pháo đài trên biển. Thông tin được tiết lộ trong bối cảnh phủ tổng thống Philippines tiếp tục khẳng định tin tưởng vào lời hứa của Bắc Kinh theo đó họ sẽ không xây dựng thêm tại những khu vực mà Manila đòi chủ quyền.

Ảnh chụp từ trên không đảo Subi, Trường Sa, 21/04/2017.
Ảnh chụp từ trên không đảo Subi, Trường Sa, 21/04/2017. © Reuters
Quảng cáo

Đa số các bức không ảnh do nhật báo Philippine Daily Inquirer tiết lộ, đã được bên cung cấp - mà tờ báo không cho biết là ai - chụp từ độ cao 1.500 mét trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2017. Ảnh cho thấy giai đoạn phát triển cuối cùng của tiến trình Trung Quốc biến đổi các đảo nhân tạo thành căn cứ không quân và hải quân.

Ông Eugenio Bito-onon Jr., cựu thị trưởng của thị trấn Kalayaan trên đảo Pagasa, tức là Thị Tứ, thực thể lớn nhất hiện do Philippines kiểm soát tại Trường Sa, đã xác nhận rằng các bức ảnh được chụp hoàn toàn là ảnh thật.

Trả lời nhật báo Philippine, nhân vật này cho biết là cách nay gần hai năm, ông đã có dịp cùng với một phái đoàn báo chí bay qua các hòn đảo nói trên và đã chứng kiến các công trình xây dựng đang diễn ra. Trên các bức ảnh mới chụp, các công trình khi ấy đã cao hẳn lên.

Đối với tờ báo Philippines, với công việc xây dựng được đẩy nhanh mà không bị ai kềm chế, Trung Quốc sẽ sớm có các pháo đài quân sự trên ở 7 đảo: Kagitingan tên Philippines đặt cho Đá Chữ Thập (Fiery Cross); Calderon, tức Châu Viên (Cuarteron), Burgos tức Ga Ven (Gaven) ; Mabini, tức Gạc Ma (Johnson South), Panganiban, tức Vành Khăn (Mischief) ; Zamora tức Xu Bi (Subi) và McKennan, tức Đá Tư Nghĩa (Hughes).

Đây là các thực thể đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, nếu chỉ kể tên ba nước chính. Một bản báo cáo về việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông do trung tâm Sáng Kiến ​​Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) của Mỹ công bố tháng 12/2017, đã xác định rõ là Đá Vành Khăn là đảo nhân tạo đã được tôn tạo nhiều nhất năm 2017, với các công trình trải rộng trên 110.000 mét vuông.

Tàu quân sự Trung Quốc hiện diện thường xuyên

Các bức ảnh của tờ Philippine Daily Inquirer cho thấy sự hiện diện thường xuyên của các tàu vận tải được sử dụng vào việc vận chuyển vật liệu xây dựng đến các hòn đảo nhân tạo.

Nhưng không chỉ có tàu buôn. Một bức ảnh chụp ngày 30/12/2017 cho thấy ba chiếc tàu quân sự có khả năng chuyên chở lính và vũ khí đã cập cảng trên Bãi Vành Khăn, đặc biệt là chiếc tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn 989.

Ngoài ra còn có ảnh hộ tống hạm có trang bị tên lửa Lạc Dương 527, thuộc lớp Giang Vệ II được thấy cách Đá Xu Bi khoảng một cây số ngày 15/11, hay chiếc Lộ Châu (592), lớp Giang Đảo tại Đá Vành Khăn ngày 16/06…

Trên các rạn san hô nhỏ hơn, các bức ảnh cho thấy nào là bãi đáp trực thăng, tuabin điện gió, nào là radar và tháp truyền thông. Thậm chí một bức ảnh chụp vào ngày 28/11 vừa qua cho thấy một khẩu pháo 100mm đã được đặt trên Đá Tư Nghĩa.

Các bức không ảnh được báo Philippines công bố hôm nay đã cung cấp thêm những bằng chứng cụ thể về việc Trung Quốc quân sự hóa Trường Sa, đã từng được ảnh vệ tinh do trung tâm Mỹ AMTI vạch trần hồi cuối năm 2017.

Phủ tổng thống Philippines phản ứng rất nhẹ nhàng

Phản ứng trước các tiết lộ này, phủ tổng thống Philippines vào hôm nay đã nhắc lại một số quan điểm đã được chính quyền Duterte đưa ra trong thời gian gần đây:

- việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông không phải là một cái gì mới lạ, Philippines và các nước khác đâu thể nào ngăn cản ;

- Philippines đã từng lên tiếng phản đối rồi, nay cần gì phản đối nữa, vì làm vậy chỉ tác hại đến hòa khí giữa hai bên ;

- Điều duy nhất mà Philippines làm được, là tin tưởng vào lời hứa của Trung Quốc là không bồi đắp thêm đảo mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.